Hôm qua được nghi ở nhà nhân ngày lễ Martin Luther King Jr., tôi đã điện thoại nói chuyện với một người bạn thân. Cuộc nói chuyện kéo dài gần một tiếng đồng hồ giữa chúng tôi đã xen lẫn nhiều đề tài. Có hai đề tài, tuy nhiên đã nổi bật mà chúng tôi có đồng quan điểm. Đó là đề tài chính trị về Hoa Kỳ và Việt Nam.
Là một trong những thuyền nhân chạy trốn sự độc tài tàn bạo của cộng sản Việt Nam vào cuối thập niên 1970s, khi sang định cư tại nước Hoa Kỳ và được trở thành công dân nước Mỹ vào giữa thập niên 1980s, những năm đầu tiên tôi đã rất nghiêm chỉnh trong sự xem đảng Cộng Hòa là một đảng chống cộng. Tôi ghi danh tên cá nhân mình như là một thành viên của đảng Cộng Hòa để đi bầu cho ứng viên Cộng Hòa trong vai trò tổng thống.
Sôi nổi hơn, vào những năm bầu tổng thống Hoa Kỳ, cho dù rằng ngày mai vẫn phải đi làm, tôi đã thức gần như trắng đêm hôm trước, để theo dõi kết quả bầu cử và đã vui mừng khi thấy ứng viên đảng Cộng Hòa đắc cử tổng thống.
Thời gian đi qua, kiến thức về dân chủ trong tôi qua cuộc sống thực tế dần dà đã trưởng thành. Sự nhận định của tôi ngày nay đã không còn mang tính cực đoan, theo một đảng, hay theo tin đồn như trong quá khứ.
Với thực tế trên 40 năm sinh sống tại Hoa Kỳ tôi nhận định rằng cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ, bên cạnh những sự tuyên truyền tốt đẹp, đảng nào cũng có những điểm mạnh và yếu. Chỉ khi nào chính sách của đảng lên cầm quyền được áp dụng vào thực tế thì ảnh hưởng của nó mới được nhìn thấy cụ thể. Nhưng cái hay đặc biệt của Hoa Kỳ khiến đất nước Hoa Kỳ luôn hùng mạnh phát triển, là nếu đường lối của một đảng cầm quyền đem tới sự tồi tệ cho đời sống con người và đất nước, thì sau 4 năm cầm quyền, đảng đó sẽ bị người dân truất phế ra khỏi vị trí lãnh đạo, qua lá phiếu trong một cuộc tổng tuyển cử tự do dân chủ.
Nhận định của tôi ngày nay đối với các đảng phái, do đó, chủ yếu là dựa trên những chính sách, tư cách người lãnh đạo và đường lối thực thi có ảnh hưởng đến những phúc lợi của con người, xã hội, và hợp theo giá trị đạo lý mà tôi vẫn tôn trọng. Tốt thì tôi ủng hộ, xấu và có hại cho con người, cho đất nước, cho xã hội thì tôi phản đối qua lá phiếu. Tôi hiện tại là một cử tri độc lập.
Tính chất độc lập của tôi nói chung không có gì đặc biệt. Nó là kết quả của sự học hỏi trong một quốc gia mở, tôn trọng quyền bình đẳng và sự tự do dân chủ của mọi cá nhân trong xã hội.
Sống trên một đất nước dân chủ, với đủ mọi nguồn tin tức được cập nhật hàng ngày, ai cũng có thể học hỏi, suy nghĩ tìm hiểu để vươn lên và hành xử như một con người tiến bộ, ngoại trừ những ai tự bịt mắt, mù quáng không nhìn ra được bên ngoài thế giới bao la. Những con người này tuy nhiên không thiếu trong xã hội Hoa Kỳ và Việt Nam ngày hôm nay. Họ là những người đã đang tự đeo vào cho họ những cái mũ ni che tai để không nghe, những miếng da bịt mắt như con ngựa kéo xe thổ mộ để chỉ thấy phía trước mà bước theo cái giật giây cương của người xà ích. Họ ung dung sống theo phản xạ bầy đàn, hoặc là tin tưởng vào một ảo tưởng về một cá nhân hay tổ chức đảng phái.
Tại Hoa Kỳ, hiện vẫn có những người thuộc đảng Cộng Hòa đang ủng hộ cựu tổng thống Donald Trump bất kể những sai trái và dối trá liên tục của ông ta. Tròm trèm con số 30% coi Trump như một loại thiên sứ cộng với một số nhỏ vài phần trăm a dua thủ lợi. Trump hiểu rõ điều này cho nên đã hủy cuộc họp báo đúng vào ngày 6 tháng 1 tấn công trụ sở Quốc Hội The Capitol, để bay đến đọc diễn văn ngày 15 tháng 1, 2022 trước những người ủng hộ tại tiểu bang Arizona. Trong dịp này Trump đã tiếp tục đưa ra những khẳng định không bằng cớ rằng ông ta đã bị thất cử trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm 2020 là do sự gian lận phiếu bầu của đảng Dân Chủ, cho dù khiếu nại này đã bị loại bỏ bởi tất cả các tòa án tại Hoa Kỳ từ Sơ thẩm, Phúc thẩm cho đến Tối cao Pháp viện. Trump đủ khôn ngoan để biết rằng bằng cách này, ông không thể thuyết phục những người không theo ông, nhưng củng cố sự tin tưởng ở thiểu số trên 30% nòng cốt.
Nhìn từ xa khách quan thì thấy tính một chiều này không thể tưởng được trong một xã hội văn minh giầu có Mỹ, một bước ra khỏi nhà là lên xe hơi, hai bước là lên máy bay ăn sáng ở miền đông ăn trưa ở miền tây lục địa cách nhau cả chục ngàn cây số. Nói khác đi là có điều kiện thấy đủ thứ để chọn lựa mà không biết so sánh chọn lựa. Giống như chuyện kể trong giới trợ tá xã hội thời thập niên 1980-90 rằng những người Nga được cho di cư sang Mỹ khi được cấp điện thoại có nhiều mầu khác nhau không biết lấy mầu nào, vì từ nhỏ đến lớn chưa từng được lựa chọn thứ gì ở Liên Sô, và chỉ quen cho gì lấy nấy.
Nói ra thực tế cụ thể như thế để chê thì dễ, nhưng rất khó để hành xử bình thường theo cái phải cái đúng, nghĩa là bỏ được thói quen hay định kiến, hay tâm thức ù lì vì sống lâu ngày trong sự trấn áp của những kẻ cường đồ xử dụng bạo lực đủ cách từ dùi cui đến súng đạn để giữ quyền đoạt lợi, như trường hợp toàn cõi Việt Nam dưới chế độ Cộng sản gần nửa thế kỷ.
Tuy vậy, thể chế nào rồi cũng phải thay đổi. Sự thay đổi này có thể thấy rõ nếu nhìn lại những cung cách hành xử của những đầu lãnh CS từ khi chiếm được miền Nam tới nay. Cường độ của những huênh hoang chiến thắng ban đầu và tự khoe trí tuệ đỉnh cao đã giảm, nếu không muốn nói là đã chấm dứt. Không phải vì lòng tốt. Mà vì tự thấy là lố bịch trong thế giới thông tin nhanh chóng hiện tại. Cái ý thức thầm kín này đã lộ ra qua những đổi thay sửa chữa âm thầm trong tài liệu kinh điển của đảng và lãnh đạo một thời, khi tái bản. Nhưng dấu ấn của thể chế trong ngôn từ chữ nghĩa chỉ là một phần. Một phần khác quan trọng hơn là tác phong hành xử con người thay đổi khó khăn lâu dài hơn, như trên đã nói. Và đây chính là phần quyết định sự phát triển của đất nước, là yếu tố quyết định nền tảng cho một quốc gia phú cường, một dân tộc ngẩng cao đầu hãnh diện với thế giới. Điều này cho tới nay vẫn chưa vào đâu với đâu. Vì tuy đất nước đường xá phát triển, nhà cao tầng mọc không thiếu, xe cộ rầm rập, trong phương hướng một xã hội tiêu thụ, nhưng thành quả khoa học kỹ thuật giáo dục kinh tế thì chẳng đi tới đâu.
Tuệ Vân
Ngày 18 tháng 1 năm 2022.