Một bài phóng sự gần đây về cuộc sống vất vả của các lao động xuất khẩu từ Việt Nam trên nước Nhật đã gợi đến cho người đọc hoàn cảnh nhọc nhằn của các thuyền nhân Việt Nam vào thập niên 1980s trên các xứ người. Những thuyền nhân này tuyệt đại đa số đến được bến bờ tự do không có đồng bạc dính túi, ngay cả giấy tờ tùy thân, nên đã phải tạo dựng lại tất cả từ con số không. Cuộc sống của họ vì thế trên đất nước tự do đã không dễ dàng chút nào. Những người này, phần lớn ban ngày đã phải làm những công việc lao động rất vất vả, trong cùng lúc ban đêm lại cố gắng đến các trung tâm cộng đồng hay nhà thờ để học sinh ngữ, chờ cơ hội được đi học lại tại các đại học hầu có một tương lai tốt hơn.
Cái khác biệt giữa những thuyền nhân tỵ nạn cộng sản ngày đó, với những lao động xuất khẩu Việt Nam bây giờ, là những thuyền nhân thời đó có được giấy tờ nhập cư chính thức và chỉ chờ đúng kỳ hạn để có thể trở thành những công dân chính thức tại những nước sở tại. Những thuyền nhân này còn nhận được toàn phần học bổng đi học đại học, cộng thêm tiền mua sách vở và tiêu dùng nếu có học lực khá. Có người lại có được trợ giúp sinh hoạt xã hội và bảo hiểm sức khỏe từ tiểu bang nếu tiền đi làm của họ không đủ sống.
Còn những người đi lao động xuất khẩu từ Việt Nam ngày nay thì không có được giấy tờ chính thức để trở thành công dân nước sở tại theo như ý muốn. Không có được sự giúp đỡ từ chính phủ ngoại quốc để đi học đại học hay nhận trợ giúp trả cho tiền bảo hiểm sức khỏe. Những người này chỉ có thể bán sức lao động của họ theo hợp đồng đã ký kết. Hết thời hạn thì họ phải trở về nước và nếu muốn đi xuất khẩu tiếp tục thì lại phải trả tiền trơn tay cho các cơ quan môi giới Việt nam trong nước.
46 năm kể từ ngày đất nước Việt Nam hoàn toàn thay đổi thể chế, những người CSVN dù là nguyên thủy cuồng tín hay biến thái tư bản đã thất bại hoàn toàn trong hứa hẹn đem lại cuộc sống an lạc, phát triển cho toàn dân tộc. Trong mục tiêu giữ vững chế độ đảng trị, lãnh đạo CSVN, đứng đầu là Bộ Chính Trị Việt Cộng, đã nhắm mắt bao che cho các đảng viên VC từ thượng tầng tới hạ tầng. Mặc cho cán bộ tham nhũng, bòn rút tài nguyên đất nước, chiếm đoạt tài sản của dân, trong khi cùng lúc lại làm lơ cho Trung Quốc chiếm lấy đất biển của cha ông để đổi lấy sự bảo hộ của Trung Cộng.
Chán ngán trước sự tàn phá nền văn hóa nhân bản dân tộc của chế độ Việt Cộng, những người có suy nghĩ bất kể trình độ cao hay thấp, khi có điều kiện ra đi là họ đều đã tìm cách rời bỏ đất nước hay ít ra thì cũng cố gắng cho con cái sang các quốc gia tự do có những tập thể cộng đồng người Việt để sinh sống. Nơi đó họ có thể xây dựng cho bản thân và gia đình một cuộc sống thích hợp với khả năng và ước vọng.
Đó là những người có điều kiện để ra đi. Thế còn những người ở lại thì ra sao? Cuộc sống họ chẳng lẽ cứ như thế, thui chột dưới chế độ vong bản không tình người? Đối với những người này trong nước đã có những quan niệm cải thiện dần dần theo tinh thần hoạt động xã hội dân sự, chỉ chú tâm giải quyết các vấn đề quần chúng, coi chính quyền như không có, tóm tắt bằng mấy chữ Makeno (tức là mặc kệ nó). Các hoạt động này nếu có phần nào kết quả thì chủ yếu, tuy nhiên, chỉ là mang tính từ thiện và thực tế thì cũng đã trở thành những thành quả cho các cán bộ tính công lấy điểm và cho chế độ phô trương. Người ta chưa quên những hội họp đóng góp của mấy trăm thân hào nhân sĩ hải ngoại “yêu nước” rình rang từ khắp thế giới, nhưng sau khi chụp hình quay phim với diễn văn và phát biểu ca tụng thì mọi sự yên ắng như tờ. Và gần đây nhất, những đóng góp tiền bạc để cứu nạn nhân dịch bệnh đã được lãnh đạo VC cho gởi vào ngân hàng lấy lãi sau một màn trình diễn trao tiền trên truyền hình. Cũng không phải là không có trường hợp những người có khả năng kỹ thuật về nước hợp tác với những người quyền lực để trở thành nhanh chóng giầu có rồi ra sống trở lại ở ngoại quốc.
Tại sao lại như thế?
Tại vì đất nước đã và đang ở trong tình trạng tục ngữ nói “ăn qua thuở, ở qua thì.” Trừ giới quyền lực được quan thầy Trung quốc hỗ trợ bằng súng đạn trấn áp, mọi người đều ở trong tâm trạng sống tạm bợ qua ngày. Nghĩa là ăn thật làm giả. Chỉ cần nghĩ đến những dư luận ngoài lề đối với các Ủy ban Mặt Trận Tổ quốc chống dịch ra sao là đủ thấy. Phê bình chỉ trích nếu có chỉ là chửi đổng xì hơi. Có mắng là ngu là dốt thì cũng vậy thôi. Vì có ngu hay dốt thì mới dám làm những điều người khôn không dám. Sai đâu sửa đấy. Ai không thích thì cứ ra đi.
Từ xa thấy thế, bất giác không khỏi nghĩ đến hai câu Kiều nhớ từ thời còn trung học:
“Một mình lưỡng lự canh chầy
Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh.”
Tuệ Vân
Ngày 20 tháng 9 năm 2021.