Sài Gòn có bến Chương Dương,
Có Dinh Độc Lập, có đường Tự Do,
Phường Chợ Quán, khóm Cầu Kho,
Bến xe Lục Tỉnh, con đò Thủ Thiêm,
Ô tô buýt chạy khắp miền,
Vườn chơi có Thảo Cầm Viên, Tao Đàn…
Bến Thành đã tiếng tăm vang,
Chợ Cầu Ông Lãnh lại càng nên đi…
Xe đò, xe máy, tắc-xi,
Bình Tây, Khánh Hội ngại gì xa xôi!
Chánh Hưng, Phú Nhuận đây rồi,
Thị Nghè, Tân Định nhiều nơi còn chờ…
Trải bao thay đổi đến giờ,
Khắp nơi đã rợp bóng cờ vinh quang,
Sài Gòn, thủ phủ Việt Nam,
Mai ngày kiến thiết, mở mang còn nhiều.
Cụ Bảo Vân
Tôi xa Saigon của cụ Bảo Vân đã lâu lắm, cũng phải quá nửa đời người nên đầu óc vẫn còn “hỗn loạn”, nhập nhằng với địa danh của những con phố xa xưa, của những con đường ngày xưa cũ. Ký ức con người rồi cũng phải nhạt nhòa theo nhịp sống hối hả, cơm áo gạo tiền trên đất mới. Nhưng tôi vẫn nhớ những con đường mà tôi đã đi qua của cái thuở còn:
“Cho mùa hè chim xưa vừa cánh trắng
Cho thênh thang em áo lụa khăn dài”
Tôi học ở Nguyễn Bá Tòng (Bùi Thị Xuân), Hưng Đạo (Cống Quỳnh), Thăng Long (Hồng Thập Tự), mỗi sáng đạp xe đến trường, vừa đi vừa nhớ lại cái vườn bông Khải Định trên đường Hồng Thập Tự, nơi có những hẹn hò, bỡ ngỡ của những cặp nhân tình trẻ, của những mối tình đẹp như mơ của một cặp đôi mà mình đã từng là nhân chứng.
--------
Nhà tôi ở cuối đường Hồng Thập Tự, trên đường Nguyễn Thiện Thuật, ngay trên con hẻm 16 khá lớn quẹo phải, là cái nhà hơi, rồi đến quán sáng bán cà phê bà Bảy, chiều bán cháo vịt, trước quán này là gánh bún riêu của chị “thằng” Ụt (thằng bạn cùng học Hưng Đạo), kế là nhà sửa xe đạp mà ông chủ là người biết rõ ban nhạc Ventures từng “nốt nhạc”, kế là một căn nhà nhỏ, về sau này làm thợ may, rồi kế bên là tiệm cơm Bình Dân Tân Thành, cứ đến thứ bảy thì “Ở đây, có bán mì Quảng”, nổi tiếng với món thịt ram, cơm sườn.
Nhà tôi cách nhà ông Tân Thành một con hẻm nhỏ, đi khoảng 2 phút là sẽ ra đường Hồng Thập Tự, quẹo phải thì đến trường Thăng Long và tôi bắt đầu học thêm Toán Lý Hóa từ ngay sau khi trường mới mở (1969) chỉ có 2 tầng cho 2 lớp do 2 thầy Vũ Bảo Ấu và Phạm Huy Ngà chủ trương. Bây giờ nghe nói là đã đổi thay khá nhiều.
Đối diện với nhà tôi là nhà của một bà hàng xóm, ở đó cũng có một người bạn cùng tuổi, học cùng năm, nhưng chưa bao giờ nói chuyện ngoài những câu chào hỏi qua loa, chỉ “hiểu ý” nhau khi còn gạo Tú Tài, “nhà bên đường đèn còn sáng thì bên tôi nhất định không tắt”. Năm đó cả hai cùng đậu và tôi ra nước ngoài, bên kia thế nào tôi cũng không biết, nhưng sau này mới biết, người mua lại căn nhà của tôi khi cô em kế tôi qua đời lại chính là người bên ấy.
Kỷ niệm “đèn bên kia chưa tắt thì bên này cũng không chịu thua”, vẫn còn mãi trong tôi.
Sang phía bên kia đường Nguyễn Thiện Thuật là hẻm 25, nơi có quán cà phê Năm Dưỡng. Cà phê quán này ngon lắm! Uống riết thì ghiền đấy bạn ta.
Cái quán này có một cô trông mặt rất dữ dằn, ăn nói “trống không”, nhìn thấy sợ sợ sao ấy. Mỗi lần ghé vào tiệm là cô lại mở những đĩa nhạc của Beeges, Ventures mà tôi thích, chưa kịp mở mồm thì một ly cà phê bốc khói dậy mùi mang đến tận tay với lời “nhắn”: Phần của anh nè, tui biết anh quá mà. Không biết cô có “để ý” mình không, nhưng chắc là không vì cái tính của người Saigon là thế đó. “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, mà tiếng Nhật có một chữ tương đương “O-mo-te-na-shi”.
Ngay trước cửa nhà tôi, cứ vào buổi tối là có một xe bán mì gõ của một người Hoa, cọng mì sợi nhỏ với những miếng hoành thánh ngon tuyệt, nổi tiếng khắp vùng, lâu lâu trên chung cư Phây cũng có người nhắc, bên cạnh là một hàng cơm tấm của bà M. (mẹ của “bên ấy” mà tôi đã nói ở trên), đi sâu vào một chút thì có sạp cơm tấm của bà Ba. Không hiểu vì sao tôi lại thích ăn cơm tấm của dì (tôi quên tên mất), ngay trước tiệm mì Tân Nam Hưng, ngay đầu hẻm phía bên kia đối diện hẻm 16. Bà dì này có mấy người con, con đầu của dì thì học cùng năm và cùng thi Tú Tài với tôi, còn cô em kế thì có khuôn mặt rất dịu hiền, có mái tóc không dài, không ngắn.
Ngày nào cũng thế, sáng sáng cứ thấy cô và anh cô tay xách nách mang cả giỏ những “đồ nghề” chuẩn bị cho sạp bán cơm tấm. Dạo về thăm nhà đầu 75, tôi dẫn cậu em và cô em ghé tiệm mì Tân Nam Hưng ngay trước sạp bán cơm tấm của cô, vừa ăn mì “xíu mại” và kêu một đĩa cơm bì chả. Cậu em và cô em tròn mắt nhìn nhau vì hiếm khi cô cậu lại được thưởng thức nhiều như thế, vừa mì, lại thêm cơm bì chả.
Thường thường thì em hoặc anh cô sẽ là người mang đến, Cô tự tay mang đến nhìn tôi với ánh mắt vừa xa vắng như thầm trách móc: “Anh đi đâu mà biệt tăm vậy, không thấy anh nói gì, lâu quá mới thấy mặt anh”. Tôi nhớ hoài câu đó, lòng thấy nao nao chi lạ
Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ,
Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu.
Anh về học lấy chữ nhu,
Chín trăng em đợi, mười thu em chờ.
--------
Trên đường Nguyễn Thiện Thuật có “Bánh Mì Hà Nội” mà bà chủ rất hào nhoáng, vào kêu một ổ bánh mì là bà cứ “trét” pate và “sốt” rất vô tư và thẳng tay, cạnh tiệm là quán bán cuốn mà tôi đã quên tên, ăn một đĩa là muốn làm thêm một đĩa. Lên trên chút xíu là tiệm đàn Đức Thắng, nghe nói bây giờ là phố Đàn. Băng qua Phan Đình Phùng sang phía bên kia là tiệm Phở Tàu Thủy, đối diện là phở gà Hồng Hương. Ngon và béo. Nhà tôi gần chợ Bàn Cờ khoảng 10 phút đi bộ, tôi hay tìm đến quán bún riêu bà Kiều, quán nổi tiếng không ai là không biết. Bà Kiều thường quấn khăn mỏ quạ khi bán hàng, nhanh nhẹn “phục vụ” cho từng khách một. Bà là dân Bắc Kỳ nhưng đã mang cái tính rất “Saigon”.
Và còn nhiều lắm……
---------------
Những ngày thứ bảy, chủ Nhật thành phố “chợt bùng lên”, rộn rịp với áo xanh, áo đỏ, Ồn ào nhất có thể nói là Trung Tâm Saigon, từ nhà thờ Đức Bà, Bưu Điện, đường Tự Do náo nhiệt kẻ mua người bán, công trường Duy Tân với từng cặp tình nhân lượn qua lượn lại. Nhắc đến Duy Tân là phải nhắc đến kem dừa ở quán kem nằm phía góc con đường Duy Tân đối diện với Công Ty Thủy Lực. Quán kem với cái trần nhà là những giàn lá nho, với ghế bàn thật thấp và quen thuộc.
Có một bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang: “Xin nhận nơi này làm quê hương dẫu cho khó thương”. Cái “nơi này” của nhạc sĩ NĐQ là Việt Nam, là Saigon, nó là một con đường dậy mùi… của chợ cá Trần Quốc Toản, cái chợ đầy ắp người của Ngã Ba Ông Tạ, nó là con đường lầy lội trong ngõ lầy lội bên Khánh Hội “khi mùa mưa về cũng lem nhem bước trên ngõ trơn”, ở chợ Bàn Cờ quận 3……Cái chữ “khó thương” trong bài hát là một thái độ tình cảm, một cái nhìn được phát biểu từ người ở phía trong.
Cái quê hương mới mà tôi đang sống thì “quá thương” vì hiện đại nên không có những ngõ trơn lem nhem, không có những cơn mưa mạnh bạo, dai dẳng mà có một ông bạn tôi ví là “mưa níu áo” nhưng tôi nhớ cái “khó thương” vô cùng.
Những kỷ niệm đó tôi vẫn nâng niu quí báu như một phần đời thật sự của mình.
Nhưng mấy ngày nay được nghe và xem những hình ảnh “trực tiếp” về một “cơn hỗn loạn” chưa từng thấy của một thành phố đã đổi tên, lòng tôi như quặn lại. Tôi nhớ Saigon nhất là hẻm 16 Nguyễn Thiện Thuật, quận 3.
Đường phố Saigon bây giờ chắc đã thay đổi nhiều, hàng cây xưa trên những đại lộ thênh thang đã bị “phá nát”, thay vào đó là những bích chương, băng rôn, biểu ngữ đầy tính khích động. Nước mía Viễn Đông có thể đã đổi hương vị, món bò bía, tôm khô đã từ từ biến mất vì những chỉ thị 15 hay 16. Saigon bây giờ chắc buồn lắm, buồn như những cơn mưa và tàn nhẫn như cái nắng của cái xã hội chủ nghĩa đang gay gắt chiếu rọi khắp quê hương.
Tôi cảm thấy hình như mình có lỗi vì đã được sống tương đối là khá bình an nơi xứ người khi thấy dân tôi đang căng mình đối phó với một đại nạn mới của cả thế giới, lại được hướng dẫn và chỉ đạo với những đoàn quân “thiện chiến” súng ống trang bị đến tận răng, biện pháp, biểu ngữ, chính sách đầu voi đua chuột đổi thay 180 độ. Từ “không thắng không về” cho đến “phải chấp nhận sống với lũ” vân vân và vân vân…..
Viết đến đây, lòng tôi lại nổi lên nỗi buồn khôn tả. Thành thật xin lỗi mọi người vì Tôi không viết được nữa, ngoài những lời cầu nguyện cho Saigon của tôi, dân nước tôi mau chóng an bình trở lại.
Bài viết rất nửa vời, bạn ta thông cảm.
Quang Minh (tháng 9/2021)