34 năm về trước, 8 giờ sáng ngày 28/8/1987. Tướng Hoàng Cơ Minh, chủ tịch MTQGTNGPVN đã thống lĩnh đoàn quân kháng chiến, băng qua biên giới Thái - Lào trong chuyến xâm nhập vào Việt Nam để thiết lập nền tảng cho cuộc trường kỳ kháng chiến giải phóng dân tộc. Không may, ông và đoàn quân đã gặp thất bại. Đoàn quân kháng chiến đã bị địch quân, phối họp với cộng sản Lào, vây đánh liên tục trong suốt gần hai tháng trời, kể từ khi rời bỏ chiến khu trên đất Thái để trở về Việt Nam, khi chỉ còn cách huyện Sa Thầy thuộc tỉnh Kon Tum - VN 20 cây số.
Không muốn bị rơi vào tay giặc, để bảo vệ khí tiết của một danh tướng VNCH, ông đã rút súng tự sát trước sự chứng kiến của các chiến hữu của ông. Bài viết này nhằm ghi lại một vài giai thoại về ông, coi như nén hương lòng thắp lên thành kính tưởng niệm ông, người lãnh đạo kính mến của tổ chức nhân ngày giỗ thứ 34 của ông. Lòng cầu nguyện, mai này khi đất nước được yên bình, sẽ rước linh hồn ông và các chiến hữu đã hy sinh về lại cố quốc như ước nguyện của ông.
Hoàng Cơ Minh: Anh Hùng Tử, Khí Hùng Bất Tử.
Thủa sinh tiền, tướng Hoàng Cơ Minh, người lãnh đạo Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam (MTQGTNGPVN) đã có một quan điểm và tầm nhìn sâu sắc về lãnh đạo như sau: “nhìn vào một tổ chức, trong tám đến mười năm, mà chỉ thấy hầu hết những khuôn mặt lãnh đạo cũ, thì chắc chắn tổ chức đó sẽ có vấn đề “
Quan điểm và tầm nhìn sâu sắc của tướng Hoàng Cơ Minh , đã nói lên tính cách trong sáng của con người ông, không đặt nặng vấn đề quyền lực trong tổ chức, có như vậy thì tổ chức mới có thể tiến về phía trước được, có như vậy thì mới tránh được tình trạng độc tài trong tổ chức, có như vậy thì tổ chức mới huấn luyện và đào tạo được những cán bộ quốc gia ưu tú cho đất nước. Những hành động và lời nói của ông đều đi đôi với nhau, miệng ông nói là chân ông đi. “miệng nói cách mạng, thì chân phải đi làm cách mạng, muốn làm cách mạng, thì phải có con người cách mạng và tổ chức cách mạng. “
Năm 1986, một đại hội trưởng cơ sở được tổ chức tại Hoa Kỳ, với sự tham dự của hơn 200 trưởng cơ sở từ khắp nơi trên thế giới về tham dự. Cả hội trường như vỡ tung ra với tiếng vỗ tay chào mừng sự xuất hiện bất ngờ của chiến hữu Võ Hoàng , người đã về chiến khu tham gia đấu tranh trực diện với kẻ thù sau vụ chấn chỉnh nhân sự ở hải ngoại năm 1984, từ đó những tin đồn thất thiệt về Võ Hoàng đã được loan truyền đi vô tội vạ, Võ Hoàng đã bị Hoàng Cơ Minh giết chết, nếu không bị giết chết, thì đang ở đâu? Hôm nay, chiến hữu Võ Hoàng đã trở ra hải ngoại, với nhiệm vụ là mang thông điệp của chiến hữu chủ tịch Hoàng Cơ Minh ra tuyên đọc trước đại hội trưởng cơ sở. Trong thông điệp nhắn gửi các chiến hữu trưởng cơ sở, chiến hữu chủ tịch đã nhấn mạnh đến yếu tố con người. “trong cuộc đấu tranh hiện nay của chúng ta, yếu tố quan trọng nhất, có tính cách quyết định cho mọi thành quả kháng chiến, chính là con người, là người cán bộ, không phân biệt ở trong hay ngoài nước, chúng ta sẽ chỉ chiến thắng nếu có cán bộ tốt, mà chúng ta chỉ có thể có cán bộ tốt nếu chúng ta có huấn luyện và học hành.”
Do bởi tích cách và con người đặc biệt của ông, mà những chiến hữu của ông đều kính trọng gọi ông bằng “Thầy” chữ Thầy được dùng để gọi ông bằng tất cả lòng kính trọng dành cho người lãnh đạo của tổ chức. Võ Hoàng, nhà văn đi kháng chiến, trong một lần tham dự khoá học quân chính tại chiến khu, đã hãnh diện, tự hào gọi đó là “khoá học chân truyền, do đích thân Thầy giảng dạy “
Cái tính cách và con người đặc biệt của ông, không phải là chỉ mới có sau ngày ông thành lập tổ chức MTQGTNGPVN. Trước năm 1975, ông là một vị tướng Hải Quân - Việt Nam Cộng Hoà, ông không màu mè, làm dáng, ông sống bình dị, coi quân lính dưới quyền như con. Trong một lần hành quân trong vùng sông rạch chằn chịt ở miền Tây, một chiếc thủy đỉnh trong đoàn quân do ông chỉ huy bị một trái đạn B40 bắn cháy, một người lính trên chiếc thủy đỉnh bị đạn bắn văng mất đầu. Một giờ sau, chiếc tầu chỉ huy của ông xuất hiện, từ bên này tầu chỉ huy, ông nhảy sang chiếc thủy đỉnh ôm cái xác không đầu của người lính xấu số, mắt ông quắt lên, cằm bạnh ra, đau đớn nhìn xác người lính thuộc quyền. Trong suốt giai đoạn ông phục vụ trong quân lực VNCH, nhiều giai thoại về ông tướng Hải Quân Hoàng Cơ Minh đã được truyền tụng. Và cũng chính vì thế mà khi ông thành lập MTQGTNGPVN để đấu tranh chống lại cộng sản , tổ chức Mặt Trận đã được sự hưởng ứng của nhiều người hiền tài theo giúp sức , người ta đã biết, đã nghe nói về con người của tướng Hoàng Cơ Minh, một vị tướng liêm minh, chính trực của VNCH, đang lãnh đạo một tổ chức đấu tranh cách mạng, đấu tranh chống lại chế độ độc tài cộng sản, cho mục tiêu giải phóng dân tộc.
Khi ra hải ngoại, ông là vị tướng duy nhất với quyết tâm sắt đá là được trở về xây dựng lại đội ngũ, mở ra một sách lược đấu tranh lâu dà , ông đã đi tìm gặp những người đồng tâm để chia sẻ quyết tâm của mình. Bằng cái quyết tâm sắt đá của mình, cùng với những anh em chiến hữu đồng tâm, MTQGTNGPVN đã được ra đời. Hai chữ “Thống Nhất” nằm trong danh xưng của Mặt Trận, ngoài cái nghĩa là thống hợp các lực lượng dân tộc đấu tranh, thành một mặt trận đấu tranh chung cho mục tiêu đấu tranh giải phóng dân tộc, còn mang một ý nghĩa khác nữa. Đó là, thống nhất ý chí đấu tranh, thống nhất về tinh thần lấy sức mạnh dân tộc làm căn bản, lấy tinh thần đại đoàn kết toàn dân làm vũ khí, mở ra một trận tuyến toàn dân, toàn diện, cho mục tiêu trường kỳ kháng chiến.
Từ trong chiến khu, những khái niệm về đấu tranh cách mạng, đấu tranh giải phóng qua các khoá học đã được lãnh đạo Mặt Trận triển khai cho các kháng chiến quân làm hành trang đấu tranh, đoàn viên Mặt Trận ở hải ngoại cũng đã được huấn luyện và học hành để trở thành cán bộ đấu tranh. Những khái niệm về đấu tranh cách mạng, đấu tranh giải phóng, không phải là điều mới mẻ đối với dân ta, nhưng chỉ với MTQGTNGPVN, dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Hoàng Cơ Minh, thì những khái niệm này mới được đem ra triển khai, vận dụng, để phát huy hết sự tinh tuế cốt lõi tiềm ẩn của dân tộc. Ông đặt dân tộc lên trên hết, ông gọi đó là Quốc Đạo, đạo dân tộc, mọi người dân là một tín đồ của Quốc Đạo, có nhiệm vụ gìn giữ và phát huy Quốc Đạo.
Tướng Hoàng Cơ Minh đã đọc, đã nghe được lòng dân, ông không chủ trương mở ra một cuộc chiến mới, ông hiểu rõ người dân Việt đã chán ngán chiến tranh, đã đau khổ vì chiến tranh. Đây không phải là một cuộc chiến tranh mới. Nhưng đây là cuộc chiến đấu cuối cùng để giải phóng dân tộc, cuộc chiến đấu cuối cùng để mãi mãi chấm dứt khổ đau, chấm dứt độc tài, lạc hậu trên quê hương, xây dựng lại một nước Việt Nam tự lực, tự cường.
Ông không chủ trương chiến đấu đơn độc, nhưng ông không sợ phải chiến đấu đơn độc, ông chủ trương, người Việt Nam phải giải quyết vấn đề của Việt Nam, thế giới phải giải quyết vấn đề Việt Nam của thế giới. Vận động và tranh thủ thế giới chỉ có thể thực hiện được, khi nào mà nội lực của chúng ta đủ mạnh để có thể nói chuyện với thế giới. Cốt lõi của vấn đề vẫn là sức mạnh của dân tộc, của chính chúng ta. Dựa vào yếu tố con người Việt Nam, dựa vào sức mạnh của dân tộc, MTQGTNGPVN đã được ra đời với mục tiêu trường kỳ kháng chiến để cứu nước và dựng nước.
Mục tiêu đã định, ý chí đã quyết, tướng Hoàng Cơ Minh hướng dẫn đoàn quân cùng vượt biên giới trở về đất Việt, mở ra một hành lang xâm nhập, cho cán bộ nhập nội để xây dựng nền tảng đấu tranh lâu dài. Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, chuyến đi này đã trở thành chuyến đi định mệnh. Sáng ngày 28/8/1987, sau gần hai tháng liên tiếp đụng độ với địch quân với quân số đông gấp bội , cùng với sức khỏe bị hao mòn khi phải vượt qua đoạn đường rừng 400 cây số, với đèo cao, suối cả, thương tích đầy mình, tướng Hoàng Cơ Minh và đoàn quân đã hoàn toàn kiệt sức, cá nhân ông đã bị thương nặng với cánh tay bị gãy. Ông đã họp anh em chiến hữu để nói lời cuối cùng, để bảo vệ thanh danh, bảo vệ khí tiết của một người tướng, ông không muốn để lọt vào tay giặc, và tránh để bị giặc làm nhục, ông đã rút súng tự sát trước sự chứng kiến của các chiến hữu của ôn . Tiếp theo ông, nhiều chiến hữu khác cũng đã tự sát theo ông để bảo toàn tiết tháo. Những tiếng súng bi hùng của những con người với đại hùng tâm đã đi vào lịch sử.
Tướng Hoàng Cơ Minh là vị tướng duy nhất, cầm quân ngay tại trận địa, ông cũng là vị tướng duy nhất tự sát ngay tại trận địa trước mặt các chiến hữu. Sự hy sinh của tướng Hoàng Cơ Minh và toàn thể các kháng chiến quân MTQGTNGPVN, đã góp phần tạo thành sức mạnh dân tộc, chỉ có sức mạnh dân tộc được xây dựng bằng chính nội lực của dân tộc, mới có thể giải quyết được vấn đề Việt Nam của người Việt Nam. MTQGTNGPVN chưa hoàn thành được sứ mạng giải phóng dân tộc, nhưng đã hoàn thành được nhiệm vụ của mình và đã đi vào lịch sử đấu tranh của dân tộc.
Tri Le
Tháng Tám tưởng niệm Đông Tiến.