Hai tiếng Taliban và Afghanistan chưa từng là những tiếng quen thuộc nơi đại đa số quần chúng Mỹ vốn không quan tâm đến vấn đề chính trị, nhất là vấn đề chính trị ngoài nước Mỹ. Thực thế, việc Donald Trump giảm quân Mỹ từ con số trên 10 ngàn (năm 2019) xuống còn 2,500 (năm 2020) và chuyện điều đình với Taliban để ký kết rút hết quân ra khỏi Afghanistan ngày 1 tháng 5/2021 mà không cho chính phủ Afghanistan tham dự, đã không được đề cập đến bao nhiêu trên hệ thống truyền-thông-giải-trí Mỹ. Chẳng có chính trị gia hay bình luận gia nào phản đối. Góp ý nếu có, chỉ là lấy lệ. Những thầy bàn và các nhà chính trị Mỹ và thế giới chỉ nêu ra điều họ nghĩ rằng không tránh khỏi, là sự sụp đổ của chính phủ Afghanistan trong vòng từ 6 tháng đến một năm.
Ngược lại tin tức khai thác các chuyện sách nhiễu tình dục của thống đốc New York Andrew Cuomo, những tranh cãi cù nhầy để mị dân của các chính trị gia lớn, quanh chuyện đeo khẩu trang và chích ngừa Covid, hay là những cái chết không ngờ của những người khinh miệt hoặc chống các biện pháp đơn giản ngừa Covid, tạo nhiều chú ý hơn. Bởi vì đó là những vấn đề gần gạnh hàng ngày, sống động hơn những tình tiết và ngôn ngữ quen thuộc trong các show giải trí đủ loại, thường trực xuất hiện trên vô số các đài truyền hình 24/7.
Nhưng video thu hình chuyến máy bay vận tải C17 của không lực Mỹ, chở đầy người tỵ nạn ngồi như nêm cối lăn bánh ra phi đạo phi trường quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô Kabul, với hàng ngàn người không lên được, cuống cuồng chạy theo tìm đủ cách bám víu vào chiếc máy bay không lồ để mong được bay đi, đã làm xúc động nhiều triệu người trên thế giới. Và càng kinh khiếp hơn là chiếc phi cơ sau khi bay một quãng ngắn đã phải hạ cánh vì không thể nào thu bánh xe vào hộc chứa dưới bụng, bởi vướng người nằm trong đó bị kẹt chết, thò chân lủng lẳng ra ngoài.
Đối với người bàng quan thì những hình ảnh này đã làm Taliban trở thành đồng nghĩa với sự tàn bạo vô nhân và sự chết. Bởi vì nếu không là sự chết thì đã không có mấy ai hốt hoảng chạy đến như vậy theo chiếc máy bay.
Sự sụp đổ nhanh chóng của chính phủ tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani chỉ trong vòng chưa đầy hai tuần lễ đã đẩy các chính trị gia Mỹ và các thầy bàn thế giới vào tình trạng chới với. Vì như trên đã nói, người bi quan nhất cũng chỉ dự đoán chính phủ Afghanistan sẽ sụp đổ trong vòng 6 tháng sau khi Mỹ và đồng minh rút đi. Điều đặc biệt là các binh chủng Afghanistan đã không có chống cự khi quân Taliban tiến tới, trừ có một đơn vị là Lực lượng Hành quân Đặc biệt. Mặc dầu rằng Mỹ đã bỏ rất nhiều tiền (tính ra là trên ngàn tỉ đô la) để trong 20 năm bình định, và xây dựng huấn luyện 300,000 quân chính phủ với các quân cụ quân khí tối tân. Cho nên bộ trưởng quốc phòng Mỹ, tướng Lloyd Austin nói là không ai đã có thể tiên đoán rằng chính phủ Kabul sụp đổ trong 11 ngày. Để mô tả tình trạng này, ông đã dùng mấy chữ quân đội Afghanistan “đã đầu hàng”, “đã bay hơi”. Ông giải thích rằng tổng thống Biden thừa hưởng ký kết của ông Trump với Taliban rút hết quân vào mồng 1 tháng 5/2021 và đã cứu xét mọi biện pháp giải quyết nhưng không có chọn lựa nào là thực tốt cả.
Phía Cộng hòa đã cãi lại rằng luôn luôn tổng thống kế nhiệm có thể đảo ngược các chính sách của tống thống tiền nhiệm. Vắn tắt là ông Biden chẳng thể đổ lỗi cho ông Trump. Một lô dân cử cuồng Trump đã không ngần ngại đòi Biden từ chức ngay vì không “đủ khả năng làm tổng thống”.
Còn ông Chris Miller nguyên quyền bộ trưởng quốc phòng của Trump tuyên bố rằng việc Trump hứa rút hết quân khỏi Afghanistan ngày 1 tháng 5/2021 là một mưu kế để ép chính phủ Afghanistan thành lập một chính phủ liên hiệp mà Taliban chiếm đa số . Theo tính toán của Hội đồng An ninh quốc gia thì chính phủ liên hiệp này sẽ chấp nhận cho một số nhỏ quân Mỹ ở lại, chừng 800, đủ để hoạt động tình báo và chống khủng bố. Không ai tin được cái gọi là mưu kế của Trump, tiết lộ bởi người thuộc hạ là Miller trước tình hình bát nháo của Kabul khi Mỹ rút quân. Vì nó chỉ là một giải thích bào chữa cho qua. Cũng không ai có đầu óc suy nghĩ chút đỉnh lại tin được rằng một chính phủ liên hiệp mà đa số là Taliban chịu yên như thế sau khi Mỹ bỏ đi.
Thực tế đã cho thấy rằng tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani tuyên bố cương quyết chống đánh Taliban khi thảo luận với tổng thống Biden ở Bach cung để xin thêm khí giới, nhưng là người đã bỏ chạy khỏi dinh tổng thống ngày cuối tuần, với giải thích rằng mục đích là để tránh đổ máu. Để đến sáng chủ nhật 15 tháng 8/2021 quân Taliban vào văn phòng tổng thống ngồi đầy, không phải bắn một phát súng.
Các nhà chính trị Cộng hòa đã nhân dịp này chỉ trích mạnh mẽ giới lãnh đạo Dân chủ. Donald Trump là người đầu tiên tấn công Biden rằng nếu ông còn làm tổng thống thì chuyện hỗn loạn đã không xẩy ra. Có thể vì ông ta nghĩ rằng sự phản bội một đồng minh cũng không khác gì sự bỏ rơi một người mẫu đã chán sau vài cuộc truy hoan mà Trump có nhiều kinh nghiệm. Nhưng cũng có người cho rằng đó chỉ là sự huênh hoang phét lác của cậu ấm Donald bố mẹ đẻ ra và dậy dỗ cho như vậy, để lớn lên phun ra, nhân danh cái quyền tự do phát biểu bất kể đúng sai, không thể xâm phạm ghi trong hiến pháp Hoa kỳ,.
Bỏ những tranh cãi tủn mủn rác tai này trong chuyện thất thủ Kabul chớp nhoáng giữa hai phe Dân chủ Cộng hòa sang bên, người ta có thể thấy cả Trump lẫn Biden đều đồng ý với nhau ở một điểm lớn: Là phải chấm dứt cuộc chiến dài nhất lịch sử Mỹ. Tại sao như vậy, câu trả lời sẽ thấy trong bài viết kế tiếp.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
(ngày 24 tháng 8/2021)