Trại Omura thuộc tỉnh Nagasaki là nơi rất nhiều người tị nạn Việt Nam đã từng có thời gian tạm dung; cho tới năm 1989 vẫn là trại tự do.
Từ trại này sẽ làm thủ tục đi định cư nước thứ ba hoặc chuyển về trại Himeji (Vùng miền Nam ), Yamato, Shinagawa (Vùng miền Đông) để học tiếng Nhật từ 3 tới 4 tháng nếu có nguyện vọng định cư tại Nhật
Tuy nhiên cuối năm 1989, thế giới ngưng tiếp nhận thuyền nhân. Những người tị nạn (Đông Dương) đến Nhật sau thời gian này cũng bị đưa vào trại Omura, nhưng giờ đã thành một trại cấm; không được tự do ra ngoài. Họ sẽ phải trải qua các cuộc điều tra thanh lọc xem có phải thuộc diện tị nạn chính trị, bị áp bức ở quê nhà hay không. Sau khi có kết quả thanh lọc, ai đậu, được chuyển lên trại tự do của chính phủ; ai rớt bị đưa qua trại “Thu Dung” bên cạnh.
Riêng những người Hoa Kiều sinh trưởng ở Việt Nam, nhưng do chiến tranh biên giới 1979 bị đuổi về Trung Quốc, sống ở những vùng Quảng Tây, Phúc Kiến, sau này tìm đường tới thằng Nhật Bản cũng bị đưa thẳng vào trại “thu dung” này.
Một cậu em tôi được giới thiệu vào làm thông dịch cho trại “thu dung”; bạn tôi thì làm thông dịch trại cấm và tôi thì hàng tháng được gọi vào trại cấm hoặc “thu dung” để giúp “quan chức” điều tra của cục xuất nhập cảnh tiến hành thanh lọc. Tôi dùng chữ “quan chức” vì người phụ trách điều tra phải có thâm niên trong ngành, hiểu được tình hình của Việt Nam qua sự trợ giúp ý kiến của chúng tôi, dù chỉ là người thông dịch nhưng từng có kinh nghiệm với hai chế độ, thì họ mới có quyết định chính xác trong thanh lọc.
Một trong những cách nhớ Hán tự của Nhật là biến nó thành Hán Việt trong đầu, do đó từ 収容所 (Shuyousho) trực dịch qua Hán Việt là Thu dung sở, nhưng trong tiếng Việt tôi từng học thì chưa nghe bao giờ. Để vậy mà nói: -“Mời các anh chị vào trại thu dung” thì thế nào cũng bị hỏi: -thu dung là cái quái gì?
Anh em chúng tôi tìm một cái chữ thích hợp; “Trại tập trung” thì gần đúng nghĩa nhưng nghe có vẻ nặng nề quá; trại tạm giam thì nghe có vẻ tù đày khiến cho những đồng hương không may mắn của mình sẽ có cảm giác tội phạm; trại tiếp nhận càng xa nghĩa vì vô đó thì đâu có tự do.
Thôi thì đành dùng chung từ “Trại cấm”; Còn trại Omura thì trả lại cho đúng văn tự dài dòng ban đầu của nó là “Trung tâm tiếp nhận tị nạn tạm thời” (Không biết ai ở trại này còn nhớ không: 難民一時レセプションセンター).
Các cơ sở giam giữ người ngoại quốc cư trú bất hợp pháp, lao động bất hợp pháp của Cục quản lý xuất nhập cảnh Nhật đều gọi là “Sở thu dung”. Cứ hiểu là trại tạm giam chờ ngày trả về cố quốc. Tôi cũng quên bẵng đi chữ “Thu Dung” vì mình cũng không còn dịp để dịch ra cho người đồng hương bị đưa vào đây. Vả lại bây giờ dùng chữ trại tạm giam thì cũng chẳng có gì gây tổn thương.
Nhưng gần đây chữ “Thu dung” hàng ngày đập vào mắt mình qua các bản tin trong nước: “Bệnh viện dã chiến thu dung”.
Đọc lên thì hiểu đó vì mình đã đụng chữ Hán Nhật, Hán Việt 収容: Thu nhận vào để chứa trong đó.
Bệnh viện, bản thân đã là nơi nhận người bệnh vào để chứa trong đó rồi thì có cần “Thu dung”?
Giận mình mấy chục năm “tôi yêu tiếng nước tôi” mà chẳng lẽ tìm không ra chữ để thay thế cho cái từ ngữ có vẻ “tàu” đó quá đi.
(Nhắn cậu em thông dịch trại cấm Omura năm xưa, tìm ra được chữ thay thế cho "thu dung" chưa vậy?).
Huy Nguyen