Tin tức về sự thất thủ của quốc gia Afghanistan về Taliban trong những ngày qua tràn ngập truyền thông quốc tế. Có người ví von sự thất thủ của thủ đô Kabul, Afghanistan trông giống như của thành phố Saigon, Việt Nam 46 năm về trước. Sự ví von này được đưa ra qua hình ảnh hoảng loạn của những người dân Afghans đang cố gắng vượt qua các hàng rào kẽm gai để tiến vào phía bên trong phi trường quốc tế Kabul. Hay bức ảnh của những chiến binh Taliban vui vẻ ngồi chụp hình trong dinh tổng thống vào ngày 15 tháng 8/ 2021, sau khi tổng thống Afghan thoát chạy khỏi đất nước Afghanistan.
Những ví von này có cái đúng và cái không đúng.
Đúng, với hình ảnh chiến tranh thê lương trên đường phố. Đúng, với sự hoảng loạn của những người dân đang tìm cách tháo chạy khỏi đất nước trước khi quốc gia chuyển vào tay những người lãnh đạo mới độc tài, hung bạo. Nhưng sự ví von đã không đúng khi các chiến binh Taliban đã tiến vào các thành phố một cách dễ dàng, không có sự kháng cự của người dân hay của quân đội bảo vệ thành phố. Ngược lại tại Việt Nam, quân cộng Bắc Việt đã không dễ dàng tiến vào các thành phố khi những người lính VNCH đã tử thủ đến giây phút sau cùng.
Ngày 16 tháng 8/2021 tổng thống Biden đã nhận định về biến cố Afghanistan như sau:
“Nhiệm vụ của chúng ta ở Afghanistan không bao giờ là xây dựng quốc gia. Không bao giờ là để tạo ra một nền dân chủ tập trung, thống nhất. Lợi ích quốc gia quan trọng duy nhất của chúng ta ở Afghanistan cho đến ngày nay vẫn là: ngăn chặn một cuộc tấn công khủng bố vào quê hương Hoa Kỳ”…
“Tôi kiên quyết giữ nguyên quyết định của mình. Sau 20 năm, tôi đã học được một cách khó khăn rằng không bao giờ là thời điểm thích hợp để rút lực lượng Hoa Kỳ. Đó là lý do tại sao chúng ta vẫn ở đó. Chúng tôi hiểu những rủi ro. Chúng tôi đã lên kế hoạch cho mọi kịch bản bất thường. Nhưng tôi luôn hứa với người dân Mỹ rằng tôi sẽ thẳng thắn với các bạn. Sự thật là, điều này diễn ra nhanh hơn chúng tôi đã dự đoán. Vậy điều gì đã xảy ra? Các nhà lãnh đạo chính trị Afghanistan đã bỏ cuộc và chạy trốn khỏi đất nước. Quân đội Afghanistan sụp đổ, đôi khi không cố gắng chiến đấu. Những diễn biến trong tuần qua củng cố cho quan niệm chấm dứt sự can dự của quân đội Mỹ ở Afghanistan là một quyết định đúng đắn…”
“Quân đội Mỹ không thể và không nên tham chiến và chết trong một cuộc chiến mà các lực lượng Afghanistan không sẵn sàng chiến đấu cho chính họ. Chúng ta đã chi hơn một nghìn tỷ đô la. Chúng ta đã huấn luyện và trang bị cho một lực lượng quân đội Afghanistan khoảng 300.000 người. Được trang bị cực kỳ tốt. Một lực lượng có quy mô lớn hơn quân đội của nhiều đồng minh NATO của chúng ta. Chúng ta đã cung cấp cho họ mọi quân cụ mà họ có thể cần. Chúng ta đã trả lương cho họ, hỗ trợ cho việc duy trì lực lượng không quân của họ, điều mà Taliban không có. Taliban không có không quân. Chúng ta đã cung cấp yểm trợ không chiến. Chúng ta đã cho họ mọi cơ hội để xác định tương lai của chính mình. Những gì chúng ta không thể cung cấp cho họ là ý chí chiến đấu cho tương lai đó…”
“Có một số đơn vị và binh lính đặc nhiệm Afghanistan rất dũng cảm và có năng lực. Nhưng nếu bây giờ Afghanistan không thể kháng cự thực sự với Taliban, thì dù một năm nữa, 5 năm nữa hoặc 20 năm nữa, quân đội Mỹ ở đó cũng chả tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào…”
Ở đây chúng ta không cần phải nói thêm về chuyện nước Mỹ rút quân này vì bài phát biểu đã giải thích rất rõ.
Chuyện các quốc gia nhược tiểu lệ thuộc vào các cường quốc để rồi mất nước, chuyện xẩy ra ngày hôm nay hay 46 năm về trước, nói chung, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho ai mà bỏ qua điều quan trọng chủ yếu là trách nhiệm chính của những người lãnh đạo. Trong đó có những người tham nhũng, yếu kém, hay ngây thơ ỷ lại.
Một chính quyền không vì dân tộc, không biết thực thi chính sách mượn sức người để bảo vệ và xây dựng quốc gia độc lập vững mạnh, thì sự mất mát và đổ vỡ của đất nước đó hẳn không tránh khỏi. Người Mỹ khi đưa quân và đổ viện trợ vào một quốc gia nào thì luôn có những tính toán lợi ích riêng cho dân tộc họ. Khi lợi ích đó không còn dĩ nhiên họ sẽ ra đi.
Có thể so sánh chuyện này với trường hợp của một người được cho vay tiền tín dụng vì chủ nợ nhìn thấy ở người đó có tiềm năng sinh lời và trả nợ. Khi đúng hạn trả tiền, người đó không có khả năng hoàn vốn, họ sẽ phải trả nợ theo hình thức vốn cộng lãi. Nếu không biết tính toán người vay nợ đó có thể sẽ phải bị phá sản. Nhưng nếu người đi vay mượn biết tính toán, khôn ngoan biết tận dụng tín dụng được cấp thì sẽ khai thác được vốn tín dụng để trang trải những chi tiêu cần thiết, phát triển được công việc mà không phải mất đi đồng xu lãi nào. Và vẫn được chủ nợ tín nhiệm.
Tóm tắt, nhận viện trợ, nhận huấn luyện quân sự để phát triển đất nước, đối với một quốc gia nhược tiểu có thể là một con dao hai lưỡi. Cách khai triển tốt nhất là vận dụng sức dân tộc và sự đóng góp của các lực lượng khoa học kỹ thuật văn hóa trong ngoài nước để cân bằng và khai phá tương lai đất nước. Có như thế thì những thất bại lịch sử mới không tái diễn.
Tuệ Vân
Ngày 18 tháng 8 năm 2021.