(Hồi ký của một Kháng Chiến Quân đã tham gia chiến dịch Đông Tiến 1987)
Tôi là một kháng chiến quân (KCQ) có mặt 48 ngày trong cuộc hành quân xâm nhập được gọi là Đông Tiến năm 1987, là chiến dịch quy mô nhất trong những nỗ lực của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam nhằm đưa những người con yêu trở về đất mẹ để giải phóng Tổ Quốc. Sau khi chiến dịch này bị thất bại và tôi bị địch quân bắt giữ, cầm tù, tôi đã trải qua những tháng ngày đau đớn nhất, với những vết thương trong lòng và trên thân xác, nhưng không một giây phút nào trong những năm tháng đó tôi đã ngã lòng về con đường mà tôi đã tin theo. Ở trong lao tù cộng sản, tôi đã kiên trì nuôi dưỡng lý tưởng của tôi, và tìm cách truyền đạt cho những người mà tôi có cơ hội gặp gỡ. Hai mươi năm sau ngày đau thương đó, khi những tiếng súng ở Nam Lào chỉ còn là những ngân vang của quá khứ, tôi xin viết và kể lại từng chi tiết mà tôi còn nhớ được trên đoạn đường đầy chông gai, nguy hiểm và là những ngày đau thương nhất trong cuộc đời của tôi khi phải chứng kiến những cuộc chạm súng với Việt Cộng và Lào Cộng cùng những sự hy sinh cao cả của toàn thể KCQ, như là một nén hương để tưởng nhớ đến Thầy và tất cả những chiến hữu thân thương của tôi. Tôi xin được viết thay cho tất cả những anh em đã nằm xuống trong đại cuộc đấu tranh cho Tổ Quốc và cho dân tộc Việt Nam.
---- oOo ----
Khi cộng sản chiếm được miền Nam vào ngày 30-4-1975, tôi đang là sinh viên năm thứ nhì trường Nông Lâm Súc ở Cần Thơ, nghành thú y. Bố mẹ tôi là những người làm ăn bình thường, nhưng trong nhà tôi có các anh là sĩ quan của Quân Lực VNCH. Ngày cộng sản chiếm chính quyền, tôi từ nội trú trở về nhà ở Sóc Trăng thì thấy nhà cửa tan hoang không còn gì, nhà thì bị tịch thu, đồ đạc thì cái còn cái mất. Bố mẹ và các anh em tôi ai cũng lo âu không biết tương lai trước mắt sẽ khó khăn như thế nào, cuộc sống sẽ ra sao?. Với kiến thức của một thanh niên mới lớn, không có nhiều kinh nghiệm về cộng sản, nhưng nhìn thấy những gì mà chế độ Việt cộng đang mang ra áp dụng cho người dân miền Nam sau khi chiếm chính quyền, tôi đã thấy bản chất lạc hậu và vô nhân đạo của chế độ này. Tất cả những luận điệu "nhân đạo, khoan hồng" mà họ tuyên truyền trên các cơ quan ngôn luận của nhà nước, thì trên thực tế hoàn toàn trái ngược, chỉ là một chính sách ngược đãi và trả thù. Tôi thấy không còn một cơ hội nào để có thể sống trong chế độ bạo tàn này, bởi vì tương lai hoàn toàn mù mịt. Vì thế tôi chủ tâm tìm kiếm những tổ chức đấu tranh phục quốc để tham gia, mong góp một tay trong công việc cứu nước thoát ra khỏi nạn cộng sản. Tôi liên lạc với một số bạn bè cũ, trong đó có một anh bạn tên là Lý Tẻng. Anh bạn này rủ tôi trốn vào trong rừng theo một tổ chức phục quốc do ông Nguyễn Quốc Long cầm đầu. Vào năm 1978, tổ chức của ông Long kếp hợp với một tổ chức phục quốc khác là Mặt Trận Quốc Gia Kháng Chiến Việt Nam do ông Nguyễn Thế Minh làm chủ tịch. Ông Minh tên thật là Nguyễn Văn Cường, và còn có những bí danh khác là Nguyễn Tất Thành hoặc Nguyễn Văn Thành. Ông Nguyễn Văn Cường người gốc Hồng Ngự, Châu Đốc, chuyên sống bằng nghề sản xuất phân bón. Năm 1972, ông là hội trưởng Liên vùng 3 và 4 của Hội Nhân Nghĩa Bác Ái Việt Nam. Năm 1975, vào ngày 7-7, chỉ hơn 2 tháng sau khi Việt cộng xâm chiếm miền Nam, ông thành lập Mặt Trận Quốc Gia Kháng Chiến Việt Nam, nhưng mới chỉ hoạt động được một thời gian ngắn thì ông bị Việt cộng bắt và giam giữ tại trại tù Z30A ở Xuân Lộc, Long Khánh vào năm 1976. Có lẽ Việt cộng không khai thác được nhiều ở ông nên đầu năm 1981 ông được thả và lập tức móc nối lại với anh em để tiếp tục đấu tranh chống cộng. Vào tháng 5-1983, ông cùng với tổ chức của ông gia nhập vào Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam.
Khi tham gia vào Mặt Trận của ông Nguyễn Thế Minh, tôi hoạt động tại nhiều tỉnh, từ Vĩnh Bình qua đến Rạch Giá, Hà Tiên, trên những hòn đảo ở ven biển, có thời gian hoạt động trong khu vực Rừng Lá Tối Trời cùng với anh Mã Thành Nghĩa. Trong thời gian này tôi có gặp ông Nguyễn Thế Minh một đôi lần. Đặc biệt nhất là có lần tôi về hội họp tại căn nhà của ông ở đường Trần Quốc Toản, Sài Gòn. Có lần tôi gặp ông Nguyễn Thế Minh cùng với ông Nguyễn Văn Tiên, là người ở Châu Đốc. Sau này tôi có gặp lại ông Tiên trong khu chiến của Mặt Trận, và được biết ông Tiên đã trở về nước năm 1985 trong diện cán bộ Uỷ Ban Kháng Quản cùng toán với anh Dương Thanh.
Anh Mã Thành Nghĩa là một tên tuổi nổi tiếng ở miền Tây thời bấy giờ. Anh tốt nghiệp khoá 15 trường sĩ quan Thủ Đức, trước năm 1975, anh là một tiểu đoàn trưởng can trường tại miền Tây, đã lập được nhiều chiến tích oai hùng. Sau 1975 anh lãnh đạo một nhóm phục quốc, gây cho Việt cộng rất nhiều tổn thất. Lực lượng của anh bị Việt cộng truy lùng ráo riết, anh bị thương, bị bắt và bị Việt cộng bắn chết. Theo một nguồn tin khác do bà con thuật lại thì trong một cuộc Việt cộng bố ráp, tên cán bộ chỉ huy tiến đến hỏi nhóm người vừa bị bắt, ai là Mã Thành Nghĩa, anh Nghĩa đã tiến ra rút súng bắn chết tên cán bộ chỉ huy rồi quay súng tự sát. Lực lượng của chúng tôi khoảng 70, 80 người trang bị vũ khí thô sơ, đạn dược không đầy đủ, chẳng có đường lối cương lĩnh gì hết, chỉ biết đánh phá rồi đi. Lương thực thì đi đến đâu tìm, xin đến đó, có khi đánh phá công trường của Việt cộng lấy lương thực. Bị bộ đội Việt cộng truy lùng, chúng tôi phải chạy dạt qua bên Kampuchea. Đến năm 1979 khi Việt cộng đánh qua bên Miên, chúng tôi phải ẩn lánh ở khu vực giữa biên giới Miên với đất Thái, tìm cách tồn tại và phát triển lực lượng để có một cơ hội thuận tiện lại trở lại Việt Nam. Trong thời gian này chúng tôi đã cứu nguy được cho một số đồng bào tỵ nạn bằng đường bộ khi đi ngang qua khu vực này bị quân Pol-Pot cướp bóc. Chúng tôi bảo vệ, hướng dẫn họ tìm đường dến trại tỵ nạn ở Thái. Đây chỉ là một số trường hợp may mắn vì chúng tôi có rất ít người, và chỉ hiện diện trên một khu vực rất nhỏ.
Vào tháng 4-1984 tôi nghe được đài Việt Nam Kháng Chiến nên biết đến lời kêu gọi của ông Nguyễn Thế Minh hô hào anh em thuộc Mặt Trận Quốc Gia Kháng Chiến Việt Nam hãy tìm cách phối hợp hoạt động với Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam (Mặt Trận) của chủ tịch Hoàng Cơ Minh. Lúc đó chúng tôi đang ở khu vực núi Dù trên đất Miên sát biên giới Thái. Anh em chúng tôi nghe được lời kêu gọi đó thì rất vui mừng, vì biết rằng cũng có những người yêu nước khác đang theo đuổi công cuộc đấu tranh như mình. Lập tức anh em chúng tôi tìm đường vô trại tỵ nạn ở Thái để từ đó tìm đường đến khu chiến của Mặt Trận. Chúng tôi đi đến trại tỵ nạn Dong-Krek ở Thái Lan và gặp lại nhiều người quen ở đây, là những người mà tôi đã từng giúp họ trước kia trên đường vượt biên bằng đường bộ khi di qua đất Miên. Trong số những người này có người đang làm việc trong ban điều hành của trại. Họ vui mừng và giúp đỡ tôi nhiều việc để đi định cư. Nhưng trong lòng tôi chỉ muốn đi tìm đại diện của Mặt Trận. Chỉ mấy ngày sau tôi gặp được đại diện của Mặt Trận tại đây là anh Trương Tấn Lạc. Tôi hỏi thăm về ông Cường thì được anh Lạc cho biết ông Nguyễn Thế Minh đã gặp và cộng tác với Mặt Trận rồi. Tôi nói rõ với anh Lạc rằng chúng tôi là những người thuộc lực lượng của ông Nguyễn Thế Minh, Mặt Trận của ông Nguyễn Thế Minh đã giải thể rồi và xáp nhập vào Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam, chúng tôi cũng tình nguyện tham gia vào Mặt Trận. Anh Lạc nghe nói vậy thì đồng ý chấp nhận và đưa chúng tôi vào khu chiến. Có một số anh em đi trước như Lâm Cương, Thạch Chen… Tôi đi theo toán kế tiếp, từ trại tỵ nạn Dong-Krek đi vào khu chiến gồm có 7 người là Hoàng Tiến Quân, Võ Ngự Bình, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Anh Tuấn, Bùi Minh Thảo, Lâm Sen và tôi. Đó là ngày 4-5-1984 mà tôi còn nhớ mãi, vì nó đưa cuộc đời của tôi vào một chặng đường mới. Xe chạy nhanh mà hết cả một đêm cho tới rạng sáng thì mới tới căn cứ 84. Ở đây nghỉ suốt ngày đến chiều tối thì lên đường đi đến căn cứ 81. Tại tiền đồn Long An của căn cứ 81 diễn ra lễ tiếp đón kháng chiến quân, do 2 chiến hữu Nguyễn Thanh Bình và chiến hữu Phan Thanh Phương chủ tọa.
Anh Hoàng Tiến Quân một năm sau đi về nước năm 1985 theo diện Uỷ Ban Kháng Quản. Anh Lâm Sen, anh Nguyễn Văn Thành và anh Võ Ngự Bình tham gia vào chiến dịch Đông Tiến năm 1985 do chiến hữu Dương Văn Tư làm tư lịnh, và anh Lâm Sen đã hy sinh trong cuộc xâm nhập này, còn anh Nguyễn Anh Tuấn với tôi thì tham gia vào chiến dịch Đông Tiến năm 1987. Khi ở trại tù A 20 Xuân Phước, tôi có gặp lại anh Võ Ngự Bình tại đây.
Vào đến khu chiến tôi vui mừng gặp lại chiến hữu Nguyễn Thế Minh và được chiến hữu Minh cho biết Mặt Trận Kháng Chiến Đông Dương đã chính thức giải thể và sát nhập vào Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam rồi. Ông cũng nói với tôi rằng nếu có liên lạc được với anh em còn ở trong nước thì cho biết là ai đang ở trong nước thì cứ ở đó tiếp tục hoạt động, nhưng từ nay khi hoạt động thì mang danh nghĩa của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam chứ không còn mang tên Mặt Trận Kháng Chiến Đông Dương nữa. Trước đó tôi đã từng gặp gỡ ông Cường vì thế khi gặp lại nhau trong khu chiến của Mặt Trận, chúng tôi rất vui mừng vì nhìn thấy con đường đấu tranh của mình không đơn độc mà có cả khối đồng bào trong và ngoài nước cùng đồng tâm đồng lòng hỗ trợ. Đồng thời công cuộc đấu tranh đối với chúng tôi đã thay đổi quan trọng vì có bản Cương Lĩnh Chính Trị làm kim chỉ nam hướng dẫn con đường đi thật là sáng tỏ, chứ không chỉ đơn thuần là những hoạt động có tính cách chống đối và gây rối như trước kia. Sau này trong thời gian ở trong khu chiến tuy tôi không ở trong cùng một bộ phận với ông Cường, nhưng tôi được biết ông sinh hoạt trong bộ phận trung ương với chiến hữu chủ tịch Hoàng Cơ Minh mà chúng tôi vẫn kính trọng gọi là Thầy. Thỉnh thoảng tôi có gặp chiến hữu Nguyễn Thế Minh, anh em thăm hỏi sức khoẻ của nhau, và ông nói với tôi một vài lời động viên "mọi chuyện tốt đẹp lắm"...
Khi vừa vào đến chiến khu, có 2 điều đã gây cho tôi những cảm tưởng đặc biệt. Thứ nhất là khi nhìn thấy đôi dép râu tôi cảm thấy "dội", vì thấy nó mang hình ảnh quen thuộc của những bộ đội Việt cộng ở trong nước. Tuy nhiên sau một thời gian cảm giác "dội" này cũng phai nhạt dần, và tôi từ từ nhận thấy công dụng của nó. Cái thư hai là khi nhìn thấy cuốn Cương Lĩnh Chính Trị của Mặt Trận, tôi cảm thấy "hấp dẫn" liền. Từ sau năm 1975, tôi đã theo nhiều tổ chức, nhưng chưa bao giờ thấy có một cuốn Cương Lĩnh cả. Bây giờ nhìn thấy cuốn Cương Lĩnh anh em đều cảm thấy yên tâm, vì bây giờ không còn chiến đấu "vu vơ" nữa, mà đã có đường lối đàng hoàng. Đây cũng là cái mà tôi mơ ước từ ngày bước chân vô rừng tìm đường phục quốc.
Trong thời gian ở trong khu chiến, tôi được theo học khoá KCQ căn bản và nhiều khoá học khác. Khoá KCQ căn bản được dành cho tất cả mọi kháng chiến quân khi mới nhập khu chiến, bất kể trước đó đã có quá trình như thế nào. Nội dung huấn luyện của khoá này đặt nặng vào việc giúp cho những người kháng chiến quân hiểu rõ thực chất về công cuộc đấu tranh mà họ đang đi theo. Đây là một công cuộc đấu tranh hoàn toàn dựa trên sức mạnh của dân tộc Việt Nam, nhằm chấm dứt độc tài, lạc hậu trên quê hương, và xây dựng một nước Việt Nam tự lực tự cường. Thuyết trình viên là những chiến hữu lãnh đạo Mặt Trận, đã trình bầy cho chúng tôi những bài học về lịch sử, về công cuộc đấu tranh gian nan vừa phải chống ngoại xâm Pháp, vừa phải đối phó với kẻ nội thù là Việt cộng. Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng một nước Việt Nam tự do dân chủ với những chính sách nhân bản và khai phóng, xứng đáng góp mặt với thế giới văn minh. Đối với hầu hết anh em chúng tôi, những quan niệm này thật là đơn giản và rõ ràng, nhưng trước đó chúng tôi không hề nghĩ đến những điều như vậy.
Trong những khoảng thời gian không có các khoá học, chúng tôi được điều động vào những công tác như đi tải xăng cho đài Việt Nam Kháng Chiến, đi tải lương thực, canh gác, tập luyện thể lực cho dẻo dai để chờ ngày... xuống núi. Ngoài thời gian đóng ở căn cứ 81, có thời gian tôi được bố trí ở tiền đồn Thuận Hoá, ở chung với chiến hữu Nguyễn Văn Lắm người Hóc Môn. Ơ đây khoảng 2 tháng tôi được rút về Đoàn 1288 ở căn cứ 83. Đoàn này có 3 Toàn thì Toàn của tôi do chiến hữu Toàn trưởng là Phan Minh Mẫn, nguyên là hạ sĩ quan không quân chỉ huy. Khi tôi về căn cứ 83 thì chiến hữu Nguyễn Ngọc Cường người Hóc Môn là dân đoàn trưởng của tôi. Chiến hữu Thạch Kim Dên là căn cứ trưởng căn cứ 83. Tôi được bố trí trong lực lượng bảo vệ đài phát thanh. Đài phát thanh Việt Nam Kháng Chiến lúc này do chiến hữu Hoàng Nhật chịu trách nhiệm, có Thầy, có anh Khánh, chiến hữu Trầm Vi Thiện (nguyên sĩ quan cấp tá quân lực Việt Nam Cộng Hoà), Phạm Hoàng Thiện, Phạm Hoàng Lê... rồi sau đó có thêm chiến hữu Nguyễn Đức Thắng (từ Đức về), Nguyễn Quảng Văn (từ Pháp về), Phạm Hoàng Tùng... Bất cứ ai đì vào khu vực phiá trong của đài, nơi có Thầy cư ngụ, đều phải để súng đạn ở ngoài, kể cả chiến hữu Dương Văn Tư hay chiến hữu Lê Hồng. Trong thời gian này tôi có gặp chiến hữu Lê Hồng nhiều lần, khi chiến hữu Lê Hồng từ căn cứ 81 đến căn cứ 83 để báo cáo hay bàn công việc với Thầy. Đặc biệt sau này tôi cũng là một trong những người khiêng chiến hữu Lê Hồng chạy ra bệnh viện khi chiến hữu Lê Hồng lâm trọng bệnh. Lúc đó Thầy không có ở trong khu chiến đang đi tham dự Hội Nghị An Ninh Nhật Bản và Đông Nam Á tại Tokyo, chiến hữu Lê Hồng sốt rất nặng. Chiến hữu Lý Hổ là y tá đã lo chăm sóc cho chiến hữu Lê Hồng và năn nỉ chiến hữu Lê Hồng để anh em đưa ra bệnh viện của Thái chữa trị. Nhưng chiến hữu Lê Hồng không chịu đi, nói rằng ở đây không có ai cả nên chiến hữu Lê Hồng không thể bỏ đi được.
Cho đến khoảng 4 giờ chiều ngày 30 tháng 4 năm 1985, khi chiến hữu Lê Hồng mê man thì chiến hữu Trần Thiện Khải phải quyết định cho anh em khiêng chiến hữu Lê Hồng đi bệnh viện. Có 6, 7 người đảm nhiệm công tác này, trong đó có tôi, chiến hữu Phan Thanh Phương, Nguyễn Thanh Bình, Khưu Xuân Hưng, Thạch Kim Dên... và 1, 2 người nữa tôi không nhớ tên. Bình thường từ căn cứ 81 đến căn cứ 84 phải đi trên 6 tiếng đồng hồ mới tới, nhưng anh em thay phiên nhau khiêng võng chạy chưa tới 3 tiếng đã đến căn cứ 84. Đi nhanh như chạy. Đến căn cứ 84 thì trời vừa chạng vạng tối, có chiến hữu Lưu Minh Hưng tiếp nhận chiến hữu Lê Hồng, còn chúng tôi quay trở về. Lúc này chiến hữu Lê Hồng đã hoàn toàn mê man... Chiến hữu Lộc đã tức tốc chở chiến hữu Lê Hồng ra bệnh viện của Thái ở U Bon. Xe chạy thật nhanh chưa tới 2 tiếng đã đến bệnh viện, nhưng đã quá trễ, chiến hữu Lê Hồng qua đời khi vừa đến nơi do căn bệnh sốt rét cấp tính. Đó là ngày 1-5-1985.
Đầu năm 1986, tôi nhận nhiệm vụ căn cứ trưởng căn cứ 84. Thời gian như vậy kéo dài cho đến năm 1987 thì tôi được lệnh chuẩn bị theo đoàn quân của Thầy để trở về Việt Nam...
Nhật Ký Đông Tiến
Tháng 7 năm 1987, tôi tham gia vào cuộc hành quân Đông Tiến 1987. Cũng xin nói rõ là khi lệnh hành quân được ban hành, chỉ có các cấp trưởng Quyết Đoàn và Dân Đoàn mới biết được Thầy cùng đi chung với đoàn nào, cũng như bộ tham mưu gồm có những ai.
10/7: Quyết đoàn của tôi khởi hành vào lúc nửa khuya ngày 10/7/1987 từ Căn Cứ 27 đi về phiá tây trực chỉ Căn cứ 84. Tập trung tại Căn Cứ 84 đến khoảng 4 giờ sáng thì có xe đến đón, đoàn xe đi hết một ngày trời đến tận 16 giờ chiều mới đến một địa điểm phía Đông quận Khiemmarat lối 20km (điểm A trên bản đồ) nằm trong tỉnh U Bon (Oubon) để chuẩn bị việc vượt sông sông Mêkông. Tất cả xuống xe và tiếp tục đi bộ về hướng bờ sông. Đến nơi là khoảng 20 giờ, trời đã tối. Cùng lúc đó, đã liên lạc được với Kháng Chiến Lào để lo ghe thuyền qua sông. Đoàn gặp trở ngại đầu tiên là số ghe thuyền không đủ để đưa toàn bộ đoàn quân qua sông.
11/7: Chờ đến 1 giờ sáng 11/7, vẫn không có đủ ghe, nên đoàn đã quyết định tìm cách vượt sông tại phía Đông quận Khiemmarat chừng 20km tại biên giới Thái-Lào. Đây là địa điểm thuận lợi vì lòng sông hẹp, nhất là sau khi qua sông đi một đọan đường ngắn là vượt qua quốc lộ 13 để ẩn mình trong vùng rừng núi. Một số qua sông bằng ghe, một số qua bằng cách dùng poncho gói toàn bộ quân trang vào đó rồi thả nổi trên sông, bơi bám theo. Đến 4 giờ sáng toàn bộ quân số mới qua được bên kia sông bình yên vô sự, tuy trong lúc vượt sông, có thuyền tuần tra của địch đi ngang qua, nhưng may mắn chúng không phát hiện. Quân ta ở hai bên bờ đã khéo léo nguỵ trang và ẩn nấp nên đèn pha của tầu tuần không chiếu thấy. Anh em được lệnh bố trí bên bờ sông, nghỉ ngơi đến 5 giờ sáng rồi lại lên đường đến Keng Nhang, thuộc tỉnh Savannakhet của Lào, cách điểm vượt sông 25km. Đoàn quân di chuyển đến 12 giờ trưa thì được lệnh dừng quân ăn trưa. Sau khi nghỉ ngơi chốc lát, tiếp tục đi và đi suốt đêm đến sáng ngày 12/7 mới đến Keng Nhang, dừng quân để nghỉ (điểm B trên bản đồ). Trong những ngày đầu khi mới khởi hành, sức khoẻ còn đầy đủ, đoàn quân di chuyển nhanh nhẹn, tinh thần hứng khởi, dù luôn luôn được nhắc nhở phải đề cao cảnh giác, việc nấu nướng phải cẩn thận, không để lửa, khói làm lộ đoàn quân.
12/7: Hai ngày đầu tình hình yên tĩnh, nhưng đoàn quân đã đi trên lộ trình tuần tra của Việt Cộng mà không biết. Chúng theo dõi và bám sát dấu vết của chúng ta. Đến 12 giờ trưa ngày 12/7, đang lúc chúng ta dừng quân ăn cơm trưa thì bị địch tấn công phía QĐ 7684 là quyết đoàn đi đoạn hậu. Trận chiến kéo dài khoảng 30 phút thì im tiếng súng. Quân ta phải tiết kiệm đạn dược nên không bắn bừa bãi, chỉ nổ súng khi thấy rõ địch. Kết quả cuộc giao tranh ngắn ngủi này ta không bị thiệt hại. Sau đó, đoàn quân được lệnh lên đường ngay tức khắc. Đêm hôm đó, quân ta băng qua quốc lộ 13 của Lào, qua một ngôi làng của người Lào. Đoàn quân được lệnh đi suốt đêm.
13/7: Khoảng 11 - 12 giờ trưa ngày 13/7 thì tới 1 đỉnh núi cao (điểm C trên bản đồ) hơn nửa đường từ làng Keng Nhang đến That Hai. Địa thế này tương đối khá an toàn, đoàn quân dừng lại nghỉ ngơi và ăn trưa. Tuy vậy địch vẫn bám sát ta mà ta không hay. Trong lúc dừng quân, Chiến hữu Trần Văn Náo thuộc QĐ 7684 của Chiến hữu Khưu Xuân Hưng, đi đào măng ở triền núi, chỉ cách nơi đoàn quân đang nghỉ ngơi một khoảng ngắn đã bị Việt Cộng bắt sống. (Chiến hữu Náo hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ). Lúc bị Việt Cộng bắt, Chiến hữu Náo đã la lớn "Việt Cộng xâm nhập". QĐ 7684 cho 1 toán quân chạy xuống cứu Chiến hữu Náo và đã chạm súng với địch khoảng 15-20 phút khiến địch phải rút, nhưng chúng ta không cứu được Chiến hữu Náo. Ngay sau cuộc chạm súng này đoàn quân tức tốc di chuyển đến một đỉnh núi khác. Khoảng 17 giờ hay 18 giờ tối đoàn quân tới That Hai (điểm D tên bản đồ). Đỉnh núi này có địa thế hiểm trở, dễ phòng thủ nên khá an toàn cho quân ta. Quân ta được lệnh nghỉ ngơi và thay phiên nhau tắm rửa. Đã có một số anh em tắm rồi, còn một số khác đang chuẩn bị đi tắm thì phát hiện Việt Cộng bám theo và đang tiến lên núi. Lúc phát hiện thì cũng là lúc địch đã tiến rất gần quân ta nên không thể rút kịp nên buộc lòng phải dàn thế trận để ngăn cản quân địch. Khoảng 19 giờ thì súng nổ và cuộc giao tranh kéo dài đến khoảng 2, 3 giờ sáng ngày 14/7. Bên ta có 2 Chiến hữu bị thương nặng là Chiến hữu Nguyễn Văn Hòa và Chiến hữu Nguyễn Thế Minh. Chiến hữu Nguyễn Thế Minh đi trong bộ chỉ huy trung ương của chiến dịch, trong Dân Đoàn của chiến hữu Đỗ Thành Nhân, cùng Quyết Đoàn với tôi. Chiến hữu Minh bị thương ở bên đùi trái, rất nặng. Lợi dụng lúc quân địch vơi tiếng súng, đoàn quân đã mở đường máu để rút khỏi trận địa. Anh em thay phiên nhau tải thương những người bị thương.
14/7: Đoàn quân đi về hướng Đông Nam trong rừng nhưng cập theo tỉnh lộ từ Mường Phin đến thị xã Saravane để đến điểm Tum Lan (điểm F trên bản đồ) cách That Hai (điểm D) 35km. Tum Lan nằm ở hướng Tây Bắc thị xã Saravane, thuộc tỉnh Saravane và tiếp giáp với tỉnh Savannakhet. Vì có người bị thường, vừa tải thương và vừa đi trong đêm tối nên lúc đầu vận tốc tương đối chậm.
Trong lúc chúng ta rút quân, Việt Cộng vẫn bám sát theo quân ta, nhưng quân ta biết và đã cài mìn đoạn hậu. Tính từ ngày khởi hành đến hôm nay thì chưa được một tuần lễ, và đoạn đường đã qua cũng chưa phải là bao. Đoàn quân di chuyển suốt ngày, đến tối mịt mới tới 1 ngọn đồi có rừng rậm và được ăn uống, nghỉ ngơi, đến khoảng 4 giờ sáng ngày 15/7 đoàn quân đến điểm E trên bản đồ.
Trong đêm đó, chúng tôi được gọi lên bộ chỉ huy nhận lệnh. Tại đây Thầy cho biết là "cuộc xâm nhập của chúng ta có thể đã bị lộ. Bằng mọi giá, tất cả phải bình tĩnh và thận trọng để giải quyết mọi vấn đề. Các cấp trưởng phải biết bổn phận của mình. Trước hết phải an ủi, nâng đỡ tinh thần của anh em trong đoàn của mình...". Thầy cũng thông báo là đã nhờ 20 kháng chiến quân Lào di tản 2 Chiến hữu bị thương nặng ngày hôm qua là Nguyễn Văn Hoà và Nguyễn Thế Minh trở về Thái Lan. Tuy nhiên thương tích của chiến hữu Minh nặng như vậy khó lòng chịu đựng được đoạn đường dài và gian nan, nên sau này tôi nghe nói chiến hữu Minh đã hy sinh trên đoạn đường tải thương, còn chiến hữu Hòa thì về được đến khu chiến. Tôi cũng được biết sau này là toán quân tải thương ngoài nhiệm vụ đưa 2 chiến hữu bị thương trở lại khu chiến ở Thái Lan, họ còn có nhiệm vụ gặp toán của chiến hữu Hải Xâm để đưa toán này đến đoàn lớn của Thầy. Tuy nhiên vì tình hình thay đổi nên việc này đã không diễn ra.
15/7: Đoàn quân rời vị trí ở điểm E vào khoảng 1 giờ trưa. Mức độ tiến quân nhanh nhưng rất thận trọng. Đi một đoạn đường dài chỉ dừng chân một lúc ngắn ngủi rồi lại lên đường. Đoàn đi đến khoảng 21, 22 giờ tối thì tới Tum Lan, điểm F trên bản đồ, đoàn quân được lệnh tạm dừng chân để sẽ tiếp tục đi nữa. Nhưng chỉ vài phút sau khi dừng quân, Việt Cộng đã nổ súng tấn công rất ác liệt. Với tinh thần đồng đội và chiến đấu cao, chúng ta đã đẩy lùi nhiều đợt xung phong của địch khiến chúng phải rút lui vào khoảng 3 giờ sáng. Sau khi ngưng tiếng súng, các đơn vị kiểm soát quân số và quân ta bình an vô sự. Sau đó, đoàn quân tiếp tục lên đường, lấy hướng Nam Tây Nam (đến điểm H trên bản đồ), giữa quận Va Pi Kham Thoong và làng Bung Kham nối nhau bằng một tỉnh lộ, vị trí điểm H nằm trong tỉnh Saravane, từ Tum Lan đến vị trí này vào khoảng 30km.
16/7: Đoàn quân di chuyển liên tục đến trưa ngày 16/7 thì tới 1 địa điểm hiểm trở có thể nghỉ quân. Chiều đến, đoàn quân lại tiếp tục di chuyển suốt đêm. Trong những ngày này, thời gian di hành quá nhiều, không có điều kiện nghỉ ngơi nên anh em đều mệt mỏi, tuy nhiên mọi người vẫn chấp hành lệnh di chuyển của cấp chỉ huy.
17/7: Đến sáng ngày 17/7 đoàn đã tới gần vị trí G, hơn nửa đường từ Tum Lan đến vị trí H. Đoàn quân được lệnh bố trí phòng thủ thật kỹ lưỡng và sẵn sàng tác chiến khi bị địch tấn công. Trong lúc này, các cấp chỉ huy được lệnh họp gấp để bàn thảo và đưa ra kế hoạch hành quân. Khoảng 16 giờ chiều, đoàn quân lại tiếp tục di chuyển. Đến khoảng 2 giờ sáng thì được lệnh dừng quân, nghỉ qua đêm tại đây.
18/7: Trong đêm dừng quân trên ngọn đồi này, quân ta nghe rõ tiếng xe của Việt Cộng và Lào Cộng chuyển quân dưới chân núi. Trên lộ trình di chuyển, đoàn cố gắng tránh né các quận lỵ lớn, các tỉnh của Lào, mà đi xuyên rừng để CSVN và CS Lào khó huy động kịp một số quân lớn để tấn công. Sau khi vượt sông Mêkông và quốc lộ 13 của ngày đầu, đây là lần thứ hai đoàn phải vượt qua tỉnh lộ nối liền thị xã Saravane và quận Va Pi Kham Thoong và sông Xê Đôn (Se Done) để tiến đến điểm Tha Teng nằm gần biên giới ba tỉnh Saravane, Chăm Pa Xắc và Xê Kông (Se Kong). Vì CSVN theo dõi và chận đánh đoàn quân nhiều lần nên phần nào họ đã đoán được hướng di chuyển của đoàn, do đó họ có thể huy động thêm nhân sự và cơ giới từ thị xã Saravane đến đây. Trong khi đoàn dừng quân tại ngọn đồi này, chừng non 10km cách tỉnh lộ, đang trên núi ban đêm yên tịnh nơi rừng rú, cho nên nghe rõ tiếng động của cơ giới CSVN. Tiếng động ầm ì của những loại quân xa vang dội trong đêm tối tĩnh mịch có tác động trấn áp rất mạnh đối với tinh thần của chúng tôi đang ém quân trên đồi. Chúng tôi hình dung ra một lực lượng thiện chiến của cộng sản với đủ loại cơ giới tối tân đang dàn trận sẵn sàng để tung ra một đợt tấn công vũ bão vào đoàn quân của chúng tôi. Những giờ phút này thật là căng thẳng, tuy nhiên chúng tôi bình tĩnh đón chờ những gì sắp xẩy ra.
Khoảng 6 giờ 30 sáng, đoàn quân tiếp tục lên đường. Buổi sáng tình hình yên tĩnh, nhưng vào khoảng 12 giờ trưa, đội hình quân ta di chuyển đã lọt vào một trận địa pháo của địch. Trận mưa cối 81, 82 kéo dài khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ. Thực ra đây là một trận "tiền pháo hậu xung" của địch vì khi vừa dứt tiếng pháo là địch liền mở những đợt xung phong tấn công vào quân ta. Chúng tấn công đồng thời cả tiền quân và hậu quân của ta, đồng thời tiếp tục pháo vào trung quân. Đây là trận tấn công dữ dội nhất kể từ đầu chiến dịch. Trong trận đụng độ này, chúng ta có 5 chiến hữu hy sinh. Đó là các chiến hữu Hà Hoài Hùng (7684), Ngô Văn Hà (7684), Ngô Xuân Nghiêm (7687), Nguyễn Văn Phan (7687), Nguyễn Văn Xứ (7686). Sau khi quân địch rút lui, anh em đã chôn cất các chiến hữu hy sinh một cách chu đáo. Sau đó, đoàn quân lại tiếp tục di chuyển.
19/7: Đoàn quân tới điểm H trên bản đồ, gần sông Se Done thuộc tỉnh Saravane trên đất Lào, và dừng tại đây đến khoảng 10 giờ khuya mới vượt sông. Đây là lần vượt sông thứ nhì. Đoàn quân qua sông an toàn, vô sự. Điểm vượt sông Se Done cũng nằm gần tỉnh lộ giữa quận Bong Kham và Va Pi Kham Thoong nên lãnh đạo Việt Tân e ngại CSVN và Lào có thể tiếp tục chận đánh, vì thế Đoàn quân được lệnh tiếp tục lên đường ngay, lấy hướng Đông Nam hướng về phiá Tha Teng, vào khoảng 55km. Đoàn quân băng qua một ngôi làng của dân Lào trước khi đến một ngọn núi. Quân ta đóng quân qua đêm tại đỉnh núi này.
20/7, 21/7, 22/7 và 24/7: Đoàn quân đi theo hướng Đông Nam để đến Tha Teng, điểm I trên bản đồ. Đoạn đường này núi rừng hiểm trở nên khó khăn cho việc tiến quân nhưng cũng tránh được sự đột kích hay tấn công của CSVN và Lào. Trong bốn ngày, đoàn quân vừa đi vừa nghỉ ngơi để lấy lại sức sau gần mười ngày di hành đường rừng và thỉnh thoảng bị chận đánh.
Chiều ngày 24/7 Đoàn quân đến Tha Teng, điểm I trên bản đồ. Đoàn quân nghỉ ngơi để hôm sau tiếp tục lên đường.
25/7: Khoảng 5 giờ sáng ngày 25/7, địch mở đợt tấn công vào vị trí quân ta. Việc tấn công vào lúc tờ mờ sáng có lẽ nhằm lúc chúng ta vừa thức dậy đang chuẩn bị lên đường, không đề phòng. Thoạt đầu chúng bắn SKZ (đại bác không giật), B40, B41. Khoảng 20 phút sau, chúng bắt đầu xung phong. Chúng tấn công vào hai bên sườn trái và phải, đúng ngay DĐ 432 của tôi và QĐ 7684. Trận chiến kéo dài đến khoảng 2 giờ trưa ngày 25/7, sau nhiều đợt xung phong, Việt Cộng không chọc thủng được phòng tuyến của quân ta nên chúng phải rút lui. Chiến hữu Huỳnh Văn Tiến, QĐ Phó QĐ 7684 trúng đạn DKZ của địch đã hy sinh. Anh em đã chôn cất chiến hữu Tiến tử tế ngay trên chiến địa.
Chiến hữu Huỳnh Văn Tiến nguyên là sĩ quan binh chủng nhẩy dù. Anh đã cùng với gia đình định cư ở Đan Mạch, nhưng theo tiếng gọi của nước non, anh tình nguyện về khu chiến và tình nguyện theo đoàn quân Đông Tiến trở về nước. Ngày hôm nay, ý nguyện chưa thành mà anh đã bỏ mình trên một khu rừng xa lạ, trường hợp hy sinh của anh thật là cao cả.
Ngay sau đó, lúc 4 giờ chiều, đoàn quân tiếp tục lấy hướng Đông Nam để đến Huoi Cong, điểm J trên bản đồ. Huoi Cong nằm ở phía Đông tỉnh Chăm Pa Xăc gần ranh giới tỉnh Xê Kông và cách Tha Teng 30km. Đoàn quân đi suốt đêm 25/7.
26/7 và 27/7: Đoàn quân tiếp tục di chuyển về Huoi Cong. Đoạn đường này tương đối vất vả vì là đồi núi và rừng, nhưng tương đối an toàn. Xế chiều ngày 27/7 đoàn đến Huoi Cong nghỉ ngơi để chuẩn bị tiến quân ngày hôm sau.
28/7, 29/7 và 30/7: Sáng 28/7 Đoàn xuất hành sớm, tiếp tục đi hướng Đông Nam để đến điểm Xa Mắc Khi Xây, điểm K trên bản đồ, cách Huoi Cong 45km nằm trong tỉnh Attopeu và giáp với tỉnh Chăm Pa Xắc. Trong ba ngày này Đoàn đi suốt ngày, đêm nghỉ. Chiều ngày 30/7 Đoàn đến điểm Xa Mắc Khi Xây và đóng quân trên một đỉnh núi rất cao và hiểm trở. Cả đoàn được lệnh tạm dùng quân nghỉ ngơi tại đây.
Từ khi rời biên giới Thái-Lào đến Xa Mắc Khi Xây, đoàn quân đã đi được 255km trong 20 ngày ròng rã, vượt qua bao nhiêu cánh rừng, đèo núi, sông suối, đụng độ với CSVN và Lào trong nhiều trận tao ngộ chiến. Một số anh em KCQ đã nằm lại trên đường xâm nhập mà ước nguyện của họ là mong muốn trở về nước để đấu tranh cùng với dân tộc Việt Nam chấm dứt độc tài và canh tân đất nước. Cá nhân tôi cũng như hầu hết anh em trong Đoàn rất vui mừng vì biết tỉnh Attopeu nằm tiếp giáp với tỉnh Kontum trên đất Việt, có nghĩa là quê hương ta nằm ngay trước mặt. Chúng tôi từng mong ước trở lại quê hương sớm nhất sau khi hoàn tất các khóa huấn luyện về quân sự, chính trị để trở thành cán bộ Việt Tân. Thỉnh thoảng có những đêm tại khu chiến Thái-Lào, trằn trọc không ngủ được, tôi thường quay mặt về hướng Đông, hướng về Việt Nam, và cầu mong được trở lại quê hương sớm nhất, giấc mơ đó bây giờ đã hiện ra trước mặt. Mặc dầu biết rằng con đường trước mắt còn đầy chông gai nhưng niềm vui lâng lâng tràn ngập lòng tôi đến độ choáng váng; nhưng sau cảm giác này tôi vẫn sẵn sàng đương đầu với những thử thách trước mặt.
1/8: Sáng ngày 1/8, tôi nghe Chiến hữu Nguyễn Anh Tuấn, DĐ Trưởng Dân đoàn 434 báo cáo Chiến hữu Hà Văn Lâm đào ngũ (Chiến hữu Lâm hiện sinh sống tại Hòa Lan). Chiến hữu Đỗ Thành Nhân cũng báo cáo có thêm một Chiến hữu nữa đào ngũ. Đó là Chiến hữu Phạm Hoàng Tùng (hiện đang sinh sống tại Kampuchia). Vì hai báo cáo trên đây, đoàn quân đã phải cấp tốc rời vị trí di chuyển đến một ngọn đồi khác. Có lẽ cấp chỉ huy e ngại những người bỏ ngũ rơi vào tay giặc sẽ bị khai thác tiết lộ vị trí của đoàn quân.
Đêm 1/8 rạng 2/8, là lúc chia tay giữa Kháng Chiến Việt Nam và Lào. Họ đã hoàn tất nhiệm vụ giao liên và mở đường từ biên giới Thái-Lào đến tỉnh Attopeu. Trên đồi núi tĩnh mịch của ban mai, buổi chia tay diễn ra tuy đơn sơ nhưng đầy cảm động. Kháng Chiến Lào đã cộng tác với chúng ta từ những ngày đầu của cuối năm 1981, đồng lao cộng khổ, cùng nhau chia xẻ từng viên đạn, con cá khô, nắm xôi hay từng viên thuốc chống sốt rét. Họ đã hết lòng đấu tranh cùng với chúng ta vì cùng cảnh ngộ và cùng mục tiêu, đặc biệt là họ đặt nhiều kỳ vọng vào Kháng Chiến Việt Nam. Nếu chúng ta thành công trong việc chấm dứt chế độ CS thì đất nước của họ cũng được giải phóng khỏi chế độ CS Lào do CSVN áp đặt. Những người Kháng Chiến Quân Lào bản tánh rất hiền lành, mộc mạc, thường chiếm được cảm tình của anh em chúng ta mỗi khi có dịp cùng cộng tác. Nhìn các Kháng Chiến Quân Lào lặng lẽ đi ngược về hướng Tây Bắc trở lại Chăm Pa Xắc, lòng tôi buồn man mác như phải chia tay với người thân. Xa cách lần này chỉ mong gặp lại nhau sau khi giải phóng Việt Nam. Tôi nén lòng mình, quay mặt về hướng Đông, hướng tiến tới Việt Nam thân yêu sau bao ngày xa cách.
2/8: Sáng sớm ngày 2/8, vào khoảng 5 hay 6 giờ sáng, đoàn quân chuẩn bị di chuyển đến điểm Công Mi, điểm L trên bản đồ, nằm về phía Nam tỉnh Attopeu. Công Mi cách Xa Mắc Khi Xây 30km. QĐ 7686 đi đầu và đã xuống được tới chân núi. Tiếp theo là QĐ 7687 của tôi. Khi chúng tôi vừa tới lưng chừng núi thì Việt Cộng tấn công vào QĐ 7684 còn ở trên đỉnh núi. Anh em QĐ 7684 đã chiến đấu rất anh dũng, ngăn cản được những đợt xung phong ác liệt của quân địch và cầm chân chúng đến 10 giờ sáng. Cuộc chiến đấu anh dũng của QĐ 7684 đã giúp cho 2 QĐ 7686 và 7687 thoát ra được khỏi vùng tấn công của địch, nhưng đã khiến cho QĐ 7684 chịu thiệt hại nặng nề. Một số anh em thuộc QĐ này đã hy sinh hoặc bị thương. Những anh em sống sót sau đó lại bị tử nạn trên đường di hành hoặc bị giặc bắt và sau này tôi mới gặp lại trong trại tù cộng sản. Khi gặp lại những anh em thuộc QĐ 7684 trong tù, tôi cũng được anh em cho biết chiến hữu Khưu Xuân Hưng, QĐ Trưởng QĐ 7684 đã bị thương nặng trong trận giao tranh này và đã rút súng tự sát. Đây là trường hợp tự sát đầu tiên của một cấp chỉ huy trong chiến dịch này.
Đoàn quân đã hoàn toàn mất liên lạc với QĐ 7684 vì thế kể từ ngày hôm nay QĐ 7684 bị coi như không còn trong chiến dịch. Tới 11 giờ trưa, QĐ 7687 mới xuống đến chân núi và bắt tay được với QĐ 7686. Địch tiếp tục pháo kích vào đội hình chúng tôi và tiếp tục bám theo.
Vì chỉ còn lại 2 QĐ nên đội hình di chuyển được bố trí lại như sau: QĐ 7687 dẫn đầu, kế tiếp là QĐ 7686 đi đoạn hậu. Để tránh bớt sự tấn công của địch, Đoàn quân đi nhanh ngày đêm trong ngày 2/8, đến chiều ngày 3/8 Đoàn được lệnh đóng quân để anh em nghỉ ngơi và kiểm điểm quân số còn lại.
Từ ngày rời biên giới Thái-Lào vào đến địa phận Attopeu để xâm nhập Việt Nam, đã có nhiều cuộc đụng độ xẩy ra trước đây, nhưng có lẽ trong những ngày đầu chưa có nhiều bộ đội CSVN tham dự, trận chiến tuy nhiều nhưng chưa ác liệt lắm. Nhưng khi Đoàn quân ta vào địa phận tỉnh Attopeu từ Xa Mắc Khi Xây, lực lượng biên phòng và quân chánh quy của CSVN tại tỉnh Kontum đã được tăng viện với hỏa lực và quân số hùng hậu nên trong trận đụng độ vừa qua Quyết Đoàn 7684 của ta đã bị thiệt hại nặng. Cuộc đụng độ đẫm máu ngày 2/8 báo hiệu trước lộ trình từ Công Mi đến Ben Het, Việt Nam dài 85km sẽ còn xẩy ra nhiều trận đụng độ ác liệt và liên tiếp khác giữa CSVN và Kháng chiến quân Việt Nam.
4/8: Đoàn quân kiểm điểm quân số thấy QĐ 7687 có một số chiến hữu hy sinh. Còn nỗi đau nào hơn nỗi đau khi phải thấy những anh em cùng chí hướng, cùng lý tưởng với mình đã bỏ mình trong khói lửa?
Các chiến hữu hy sinh của QĐ tôi (7687) gồm có: Nguyễn Ngọc Phước, Nguyễn Minh Đằng, Tạ Hoàng Thiện (tức nhạc sĩ Hồng Thái) và Huỳnh Thế Hào (tất cả đều là dân Sài Gòn). QĐ 7686 cũng có các chiến hữu hy sinh là: Ngô Tấn Nguyên (người Rạch Giá), Nguyễn Văn Phan (Sài Gòn), Nguyễn Văn Hoàng ("Hoàng hí", Cà Mau), Lê Văn Toàn ("Toàn bánh mì", Cần Thơ), Lê Trường Phong (Kiến Hòa), Nguyễn Văn Phong ("Phong rò", Sài Gòn).
Một số chiến hữu khác bị thương gồm: Trần Đế (QĐ Phó 7686), Đỗ Xuân Trường (DĐ Trưởng thuộc QĐ 7687).
Sau cuộc kiểm điểm quân số, anh em chỉ biết cắn răng và xót thương cho các chiến hữu đã nằm xuống và quyết lòng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để trả thù cho tất cả các chiến hữu của mình.
5/8: Đoàn quân rời vị trí di chuyển đến mục tiêu khác. Đến chiều đoàn đã đến Công Mi, điểm L trên bản đồ. Đoàn đóng quân trên một ngọn núi.
6/8: Đoàn quân di chuyển đến một ngọn núi vào lúc 11 giờ trưa ngày 6/8 thì đụng một toán phục kích của Việt Cộng và Lào Cộng. Chúng ta bắt buộc phải nổ súng và mở đường máu, một sống một chết để mà đi. Sau chừng 20 phút giao tranh, địch quân đã tan rã. Toán phục kích của địch có lẽ quân số không đông, vì thế quân ta thoát ra được trận phục kích bất ngờ này. Tuy nhiên trong trận này, chúng ta lại mất thêm một chiến hữu ưu tú, đó là chiến hữu Trương Ngọc Ny.
Chiến hữu Trương Ngọc Ny vốn là một sĩ quan cấp úy của binh chủng nhẩy dù QLVNCH. Anh đã đoạt nhiều chiến công, đặc biệt anh là một người hùng trong trận đánh Bình Long - An Lộc vào mùa hè đỏ lửa 1972. Sau năm 1975, anh bị tù cải tạo của cộng sản, nhưng sau khi ra khỏi tù anh đã tìm cách vượt biên, và khi đến trại tỵ nạn ở Thái Lan, anh liền tìm cách liên lạc xin gia nhập Mặt Trận. Bản thân anh tính tình vui vẻ và hoà đồng nên được anh em kháng chiến quân rất mến thương. Ngày hôm nay anh đã làm tròn bổn phận của người trai thời loạn, hy sinh trên đường trở về đất mẹ. Anh em đã chôn cất chiến hữu Ny trước khi tiếp tục tiến quân.
Đoàn quân chuyển về hướng Đông Bắc để đến điểm Phia Kham Đô Mang, điểm M trên bản đồ, cách Công Mi 30km về phía Nam tỉnh Attopeu. Để phần nào an toàn hơn, kể từ địa điểm này đi về Ben Het, Đoàn sẽ nhắm hướng Đông Bắc và tiến quân ven theo những đồi núi cao, vì thế vận tốc tiến quân sẽ chậm đi. Nhịp độ này lại càng chậm hơn khi có những cuộc đụng độ với bộ đội CSVN.
7/8: Quân ta tiến lên một ngọn núi khác và đoàn nghỉ đêm tại đây. Tình hình yên tĩnh, nhưng tôi biết rằng sự yên tĩnh này chỉ là tạm thời. Mặc dù mệt nhưng tôi nằm trằn trọc mãi. Suốt đêm, tôi luôn nghĩ đến những chiến hữu đã hy sinh trên con đường Đông Tiến.
8/8: Sáng ngày 8/8, lúc kiểm điểm lại quân số, đã phát giác một sự thật đau lòng, nghĩ rằng không bao giờ xảy ra nhưng đã xảy ra. Đó là sự kiện một số chiến hữu chỉ huy đã âm thầm bỏ ngũ. Các chiến hữu này gồm: Lê Trường Dũng (Tâm Đoàn Trưởng), Phan Thanh Phương (QĐ Trưởng 7686), Bùi Xuân Thịnh (QĐ Phó 7687), Nguyễn Văn Quốc (DĐ Trưởng của QĐ 7686).
Sau khi kiểm điểm quân số và phát giác việc một số cấp trưởng đào ngũ, chiến hữu Nguyễn Trọng Hùng (Anh Huy) đã tập họp tất cả các cấp trưởng còn lại để chỉ định những người thay thế: Chiến hữu Lê Văn Long, QĐ Trưởng 7686 thay thế Phan Thanh Phương, Chiến hữu Nguyễn Văn Đực, DĐ Trưởng thay thế Nguyễn Văn Quốc. Sau đó, đoàn quân tiếp tục di chuyển.
Quyết định cấp thời của chiến hữu Nguyễn Trọng Hùng làm anh em chúng tôi lấy lại tinh thần. Trong thời gian ở khu chiến cũng như trong cuộc di hành này, chiến hữu Nguyễn Trọng Hùng đã giữ vai trò thật quan trọng là chỉ huy hành quân. Anh nguyên là sĩ quan cấp úy của quân lực VNCH. Sau tháng 4-1975, anh cùng gia đình định cư tại Hawaii. Lẽ ra anh có thể tiếp tục cuộc sống bình yên bên vợ và con ở hòn đảo thần tiên này, nhưng lòng yêu nước nồng nàn đã thúc dục anh lên đường. Anh có dáng người đậm, thấp với làn ria mép duyên dáng. Tính tình anh cương quyết nhưng luôn luôn hoà nhã khiến các kháng chiến quân có dịp tiếp xúc với anh đều qúy mến.
9/8: Trên đường tiến quân, chiều ngày 9/8 Việt Cộng và Lào Cộng lại tấn công chúng ta. Đoàn vừa đánh vừa đi. Cuộc chạm súng kéo dài khoảng nửa giờ. Bên ta không bị thiệt hại gì. Nói chung quân ta tìm cách tránh đụng độ với địch, một phần vì đạn dược đã ít lại không có bổ sung, phần khác có lẽ vì các cấp chỉ huy muốn tiến nhanh về nội địa chứ không muốn giao tranh lòng vòng trên đất lạ. Dù đoạn đường chỉ còn rất ngắn nhưng địch đã dàn quân cố ngăn chặn nên chúng ta không thể tiến thẳng.
10/8: Sáng ngày 10/8 lại phát hiện thêm có 2 chiến hữu bỏ ngũ. Đó là Lê Đình Bẩy, QĐ Trưởng 7687 và Đặng Quốc Hùng (từ Đan Mạch về), DĐ Phó của QĐ 7686. Anh Huy đã bổ nhiệm chiến hữu Nguyễn Ngọc Cường lên thay thế trách vụ QĐ Trưởng 7687. Đoàn quân tiếp tục di chuyển hướng Đông Nam để đến Ben Het, vào địa phận Việt Nam. Kề từ đây, Đoàn sẽ dựa núi non hiểm trở mà tiến quân nên đoàn đi càng ngày càng chậm khi tiến gần Ben Het.
11/8: Khoảng 5 giờ sáng, khi đoàn quân đang di chuyển trên một sườn núi thì rơi vào một trận phục kích của Việt Cộng. Quân ta dạt vào một phiá, tìm địa thế che chở và giao tranh khoảng 30 phút thì chúng ta rời khỏi trận địa. Trong cuộc chạm súng này, chiến hữu Võ Kỳ Phát thuộc DĐ của tôi bị thương ở đầu và đã được y tá băng bó. Sau đó Đoàn tiếp tục đi đến ngày 15/8 không gặp trở ngại nào.
15/8: Đoàn tới Phia Kham Đô Mang, điểm M trên bản đồ. Từ Công Mi đến đây chỉ có 30 cây số nhưng đoàn quân đi mất gần 10 ngày trời, chứng tỏ lộ trình này rất cheo leo, hiểm trở, khiến tốc độ di chuyển hết sức chậm, đồng thời dọc theo lộ trình đã có nhiều trận đánh xẩy ra.
Sau khi dừng quân, Thầy đã triệu tập các cấp Trưởng lên Bộ Chỉ Huy để báo cáo quân số, kiểm kê lại tất cả trang bị, vũ khí... Trong chiến trận, tình chiến hữu rất là cao đẹp. Anh em thương yêu, đùm bọc lẫn nhau đến hơi thở cuối cùng. Từng viên đạn, từng miếng cơm, giọt nước... đều được các KCQ chia sẻ cho nhau. Không phải chỉ giữa KCQ với nhau mà cả Thầy cũng vậy. Thầy đã chia sẻ mọi thứ với tất cả các KCQ. Nếu trong phiên họp, anh em đã nêu lên những tấm gương của tình chiến hữu, tình đồng đội, thì anh em cũng nêu lên những thắc mắc. Một vài anh em đặt câu hỏi, tại sao trên suốt dọc đường tiến quân của ta, đi đến đâu là Việt Cộng đều biết và chặn đánh chúng ta? Theo Thầy và Anh Khánh (Chiến hữu Trần Thiện Khải) thì có thể là địch biết do những anh em mình bỏ ngũ, nhất là cấp Trưởng, bị VC bắt sau đó đã tiết lộ cho chúng. Riêng Chiến hữu Nguyễn Anh Tuấn đã đưa ý kiến, có vài trường hợp khả nghi là trong đoàn có kẻ đã để lại dấu vết báo cho địch biết hướng tiến quân của ta. Cuối cùng, quyết định được đưa ra trong cuộc họp rằng, nếu chính xác trong đoàn có ai làm nội tuyến cho địch, thì phải có bằng chứng cụ thể, rõ ràng, và báo cáo ngay cho cấp Trưởng trực tiếp rồi cấp Trưởng sẽ báo cáo lên trên để xử lý theo kỷ luật. Sau phiên họp, Thầy ban hành lệnh hành quân. Cả đoàn được nghỉ ngơi tại đây cho đến sáng ngày 16/8.
16/8: Sáng sớm, lúc đoàn chuẩn bị lên đường thì chiến hữu Đỗ Thành Nhân báo cáo, trong DĐ của chiến hữu có 1 người đào ngũ. Đó là Chiến hữu Phạm Hoàng Lê. Chiến hữu này phục vụ tại đài VNKC trước khi lên đường về nước. Ngay sau đó, Chiến hữu Lê Văn Long QĐ Trưởng 7686 cũng báo cáo có 1 người trong đoàn của mình bỏ ngũ. Đó là Chiến hữu Trần Khánh Linh (gốc Bình Trị Thiên). Tình trạng có những người bỏ ngũ khiến cho tôi suy nghĩ nhiều. Tôi hiểu rằng họ đã mất tinh thần khi đoàn quân liên tục bị chận đánh trong hơn 1 tháng vừa qua, và có nhiều người đã hy sinh, nhưng dù vậy trong lòng vẫn không tránh khỏi xót sa.
Sau khi kiểm kê quân số, đoàn quân lên đường theo hướng Đông Bắc để đến điểm Tai Xeng, điểm O trên bản đồ. Tai Xeng cách Phia Kham Đô Mang 35km.
Trong những ngày 17/8, 18/8 và 19/8, Đoàn tiếp tục đi theo hướng Đông Bắc để đến Tai Xeng. Mặc dầu cố gắng đi ráo riết, nhưng vì phải men theo rừng núi, tránh CSVN tấn công, nên Đoàn quân tiến chậm, nhưng an toàn. Đến chiều ngày 20/8, Đoàn đã đến điểm N, nằm về phiá Tây cách Tai Xeng 15km. Đoàn nghỉ ngơi để chuẩn bị di chuyển, nhưng khoảng 4 giờ sáng ngày 20/8 thì lại chạm địch.
Những ngày từ 20/8 đến 28/8, với đoạn đường 15km còn lại để đến Tai Xeng, sau đó vào Ben Het - Việt Nam để đến chiến khu của Việt Tân tại vùng Tây Bắc Sa Thầy thuộc tỉnh Kontum, là 8 ngày dài nhất, gian khổ nhất, bi hùng nhất, nhưng cũng đầy hào hùng đối đối anh em KCQ trong chuyển xâm nhập năm 1987. Hầu hết các KCQ mọi cấp bậc, từ chiến hữu chủ tịch Hoàng Cơ Minh cho đến tư lệnh Lực Lượng Võ Trang Kháng Chiến Nguyễn Trọng Hùng, cho đến những anh em KCQ bình thường, đều hoàn tất nhiệm vụ của mình, nhất là làm đúng những gì mà các chiến hữu lãnh đạo tiên phong đã nói:
"Đường chúng ta đi chỉ có hai cái đích. Một là giải phóng tổ quốc Việt Nam. Hai là được anh dũng hy sinh cho đại cuộc giải phóng tổ quốc Việt Nam" (Chiến hữu Hoàng Cơ Minh)
"Một chết anh hùng để giải phóng Việt Nam, hai sống vinh quang trong Việt Nam giải phóng". (Chiến hữu Đặng Quốc Hiền).
20/8: Ngày hôm nay tình hình căng thẳng. Từ 4 giờ sáng khởi sự giao tranh với Việt Cộng và Lào Cộng và trận chiến kéo dài suốt ngày với nhiều đợt tấn công của địch. Quân ta với khí thế anh dũng, quyết tâm chống trả đến hơi thở cuối cùng, nên địch không sao tiến lên được. Đến gần nửa đêm 20 rạng 21/8, quân ta mở được đường máu để rút ra khỏi trận địa. Đoàn quân tiếp tục di chuyển hướng về phiá Đông Bắc.
22/8: Đoàn quân di chuyển suốt đêm 21/8 đến tối mịt ngày 22/8 mới dừng quân trên một đỉnh đồi. Nơi đây khá an toàn và ta dừng lại kiểm điểm quân số, phát hiện vắng mặt một số chiến hữu, không biết bị chết, bị thương nằm lại, bị bắt sống hay bỏ ngũ. Thú thật, mỗi lần kiểm kê quân số, không chỉ riêng tôi mà tất cả anh em còn lại đều chỉ biết nhìn nhau, không nói lên lời. Cũng có một điều không may đã xẩy đến với quân ta. Đó là trong trận vừa qua Thầy đã bị thương khá nặng ở vai bên trái, có thể là gẫy xương quai sanh. Nhưng Thầy vẫn làm tròn nhiệm vụ của một KCQ. Vẫn ba lô trên vai, không nhờ ai mang phụ. Cũng trong trận này, cá nhân tôi đã bị thương trên đầu phía bên phải và một số chiến hữu khác cũng mang thương tích trên người. Y tá đã băng bó cho chúng tôi và chúng tôi vẫn tiếp tục chiến đấu. Đoàn nghỉ đêm tại vị trí này.
23/8: Sáng 23/8, đoàn quân tiếp tục lên đường. Địch vẫn bám sát phía sau. Chúng tôi có cảm tưởng rằng địch quân đã được lệnh truy đuổi chúng tôi đến cùng. Có lẽ chúng đánh hơi biết có nhân vật quan trọng trong đoàn quân này.
24/8: Khoảng 14 giờ hay 15 giờ chiều ngày 24/8, địch lại tấn công chúng ta. Trận chiến kéo dài khoảng 30 phút. Quân ta vừa chiến đấu vừa tiếp tục di chuyển ra khỏi vùng chiến địa. Kiểm soát lại hàng ngũ, tôi thấy thiếu một chiến hữu. Đó là Chiến hữu Nguyễn Hoàng Công, người Nghệ Tĩnh. Còn đang bùi ngùi thương tiếc vì đã cùng sống chết bên nhau trong khói lửa, tình thương yêu lẫn nhau rất sâu đậm, tình chiến hữu thật là thiêng liêng và gắn bó..., thì bất ngờ Việt Cộng lại tung ra một đợt tấn công nữa. Nhưng đoàn quân ta, tiền quân cứ tiếp tục di, hậu quân tiếp tục đánh trả.
25/8: Đến ngày 25/8, đoàn quân ta đến một đỉnh núi thật cao và đóng quân tại đây. Địa điểm này đã gần đến biên giới Việt Nam. Khoảng 12 giờ đêm, Việt Cộng và Lào Cộng mở cuộc tấn công ác liệt vào vị trí của ta. Chúng pháo kích nặng nề vào đỉnh núi cho đến khoảng 7 - 8 giờ sáng ngày 26/8. Quân ta tìm cách ẩn núp sau thân cây và những hốc đá để tránh đạn pháo của địch.
26/8: Dứt pháo, địch tấn công lên đỉnh núi, nhưng chúng đã thất bại. Vì ta có lợi thế hơn địch, ở trên cao bắn xuống, nên chúng đã bị đánh bật trở xuống triền núi. Chúng tiếp tục bao vây ngọn núi và pháo kích liên tục từ sáng cho đến khoảng 4 - 5 giờ chiều.
Theo trí nhớ của tôi thì trong ngày 26/8 này, có thêm một số anh em mình bị thương và hy sinh. Đặc biệt hai chiến hữu hy sinh là Chiến hữu Lê Văn Long, người Phan Thiết từ Hoa Kỳ về, nguyên là sĩ quan cấp úy binh chủng nhẩy dù, và Chiến hữu Nguyễn Lộc Vinh, người Rạch Giá, DĐ Phó DĐ 433. Các chiến hữu bị thương tôi không nhớ hết tên. Chỉ nhớ 4 chiến hữu. Đó là Chiến hữu Trần Thiện Khải, tức Anh Khánh, người Phan Thiết, nguyên là một sĩ quan hải quân, từ Hoa Kỳ về; Chiến hữu Nguyễn Anh Tuấn, người Sài Gòn, DĐ Trưởng DĐ 434; Chiến hữu Nguyễn Văn Tốt, người Đồng Bò, Tuy Hòa, Toàn Trưởng thuộc DĐ 434. Chiến hữu Thạch Ka Ra, người Gia Rai, Cà Mau, thuộc DĐ 433.
Khoảng 19 giờ tối, quyết định của chiến hữu cao cấp nhất trong đoàn quân là chúng ta phải chia ra làm 2 toán: Toán thứ nhất đã bị thương sẽ ở lại cố thủ trên đỉnh núi, cầm chân và đánh lạc hướng địch quân. Toán thứ nhì còn khỏe mạnh thì tiếp tục đi về hướng Đông. Mở đường máu để đi. Đất Mẹ đã gần kề.
27/8: Khoảng 12 giờ đêm, toán quân thứ nhì rút xuống chân núi. Đến 3 giờ sáng thì toán này chạm súng với địch khoảng chừng 10 phút. Trong 10 phút ngắn ngủi này, chúng ta đã mất Chiến hữu Nguyễn Ngọc Cường, người Hóc Môn, QĐ Trưởng 7687. Cũng trong 10 phút ngắn ngủi này, hàng ngũ của chúng ta lại bị tán loạn, thất thoát một số người. Đó là Đinh Văn Bé, người Ô Môn, DĐ Trưởng 432; Đỗ Bạch Thố, người Đà Lạt, DĐ Trưởng thuộc QĐ 7684; Tống Văn Sơn, Việt Kiều ở Kampuchia, thuộc dân đoàn của tôi.
Đêm 27 tôi có dịp tâm sự với Thầy và anh Huy. Thầy nói với tôi "rất tiếc trong giờ phút này có một số anh em cấp chỉ huy đã bỏ ra đi"… Tôi nghe những lời này của Thầy mà trái tim nghẹn ngào, không thể tiếp tục được câu chuyện.
Khoảng 7 giờ sáng, Việt Cộng và Lào Cộng tấn công lên đỉnh núi nơi các chiến hữu đã bị thương đang cố thủ. Phía dưới, chúng tôi nghe một loạt súng liên thanh, B40 và B41 nổ vang trên đỉnh núi. Cuối cùng, chúng tôi nghe nhiều tiếng lựu đạn nổ vang rừng. Sau đó, không còn tiếng nổ, chỉ nghe quân địch la hét vang lên rằng "chúng nó đã tự sát hết rồi". Linh tính cho tôi biết, tất cả các chiến hữu ở lại cố thủ đã không còn nữa. Chiến hữu Trần Thiện Khải thuộc trong số anh em ở lại tử thủ, đã hy sinh vào ngày này.
Đoàn quân mấy trăm người, lúc này chỉ còn vỏn vẹn trên dưới 30 chiến hữu. Tất cả vẫn tiếp tục di chuyển về phía trước. Tuy không đụng độ với địch, nhưng ai nấy nước mắt đều tuôn rơi, không biết tuôn rơi từ lúc nào, cứ rơi, rơi mãi. Chắc hẳn trong lòng mỗi người đều nghĩ đến những chiến hữu đã xả thân vì đại cuộc, nghĩ đến những chiến hữu mà mình mới gặp nhau đâu đó, mới tâm sự với nhau về việc nước non, mà nay đã không còn nữa. Tôi cũng nhớ lại một bài học trong lịch sử chúng tôi đã có dịp học trong quyển Anh Hùng Nước Tôi mà Mặt Trận đã xuất bản ở trong khu chiến và anh em Kháng Chiến Quân đều được phát mỗi người một quyển. Khi Bình Định Vương Lê Lợi bị quân Minh vây khổn ở núi Chí Linh, tình hình vô cùng nguy ngập. Một vị tướng của Lê Lợi là Lê Lai đã mặc áo long bào giả làm vua Lê Lợi, cưỡi voi dẫn quân đánh thẳng vào vòng vây. Giặc Minh trông thấy tưởng là Bình Định Vương bèn hò nhau ùa ra vây chặt. Lê Lai bị giết giữa trận tiền, nhưng nhờ đó vua Lê Lợi thoát khỏi vòng vây, về sau lên ngôi, lập nên nhà Hậu Lê. Tôi liên tưởng đến chiến hữu Trần Thiện Khải và những chiến hữu bị thương đã tình nguyện ở lại cầm chân giặc để cho chúng tôi tìm đường thoát. Ôi gương hy sinh đời nào cũng vô cùng cao đẹp. Tôi vừa thương mến vừa cảm phục những chiến hữu anh hùng của mình.
Khoảng 10 giờ tối ngày 27/8, toán quân vào được một khe suối nằm giữa hai trái núi, và tạm dừng quân để nghỉ ngơi. Đoàn đã tới Tai Xeng, điểm O trên bản đồ. Tai Xeng nằm về hướng Tây Ben Het 20km, nghĩa là sau khi trải qua đoạn đường đầy máu và nước mắt dài gần 400 cây số, chúng tôi đã về gần đến lòng đất mẹ. Chỉ còn một đoạn đường ngắn ngủi nữa thôi là tôi sẽ thực sự chạm tay vào nền đất thân yêu của mẹ Việt Nam, tôi sẽ cúi xuống hôn vào nền đất này cho thoả những nỗi mong ước từ bao năm nay. Nhìn vào những cánh rừng chập trùng trong đêm đen tĩnh mịch, tôi mường tượng như đáng thấy những tàng cây lá thật thân yêu gần gũi. Nhìn những anh em đang mỏi mệt ngồi, nằm nghỉ bên nhau, trí óc tôi trở về thực tế: với lực lượng nhỏ bé hiện tại, mà một số lớn đã mang đầy thương tích, chúng tôi sẽ vượt qua những cây số cuối cùng này như thế nào?
Khoảng 11 giờ khuya, Anh Huy gọi tôi cùng vài chiến hữu cấp Trưởng đến để bàn về kế hoạch di chuyển. Lúc này Thầy mới nói, sáng ngày mai là 28/8, đoàn quân chúng ta sẽ chia thành 5 toán nhỏ, mỗi toán 6 người: Toán 1 do anh Huy làm Toán Trưởng; Toán 2 do Thầy làm Toán Trưởng; Toán 3 do Đỗ Thành Nhân làm Toán Trưởng; Toán 4 do Trần Đế làm Toán Trưởng; Toán 5 do tôi, Lý Minh Chánh, làm Toán Trưởng.
Sau khi chia toán, Thầy nói tiếp, ngày mai, chúng ta sẽ chia tay nhau, mỗi toán đi một ngả và hẹn gặp lại nhau trên đất nước Việt Nam sau này. Trước tình cảnh này, tôi không biết mình nên vui hay nên buồn? Vui vì đích tới đã gần kề, mình sắp được đặt chân lên Đất Mẹ để thực hiện lời thề giải phóng quê hương. Buồn vì sắp phải chia tay trong tình huống thập tử nhất sinh, tứ bề thọ địch... Chỉ thấy tất cả anh em, ai cũng dàn dụa nước mắt.
Đang còn bàn luận về kế hoạch ngày mai, đột nhiên phía trước có tiếng người nói xôn xao. Anh Huy kêu tôi và ra lệnh cho toán của tôi đi ra hướng có tiếng động để trinh sát. Vừa ra tới gần ven rừng, tôi hoảng hồn vì đông nghẹt lực lượng địch đang bủa vây, đứa nọ cách đứa kia chỉ chừng 5 mét. Tôi vội vã trở vào báo cáo với Anh Huy. Lúc đó là khoảng 3 hay 4 giờ sáng gì đó.
Vào những giờ phút nghiêm trọng này, Thầy tỏ ra bình tĩnh lạ thường. Thầy dặn dò tâm sự cùng anh em KCQ. Lời Thầy khắc ghi trong tâm khảm tôi, không bao giờ phai nhạt: "Hướng chúng ta đi là về tới Việt Nam để giải phóng quê hương của chúng ta. Dù có bị thương, hay bị hy sinh thì nếu còn sức bước đi một bước hướng về Việt Nam thì ta cũng vẫn phải bước để gần quê hương thêm một bước. Nếu chúng ta không may bị địch bắt, thì trong tù phải nhớ đến gương anh hùng dân tộc Lương Ngọc Quyến. Còn hơi thở là còn đấu tranh để cứu đất nước mình ra khỏi chế độ độc tài...". Thầy tâm sự, dặn dò chúng ta phải có trách nhiệm và bổn phận vì chúng ta là người Việt Nam và đất nước Việt Nam còn nhiều đau khổ... Thầy cũng thông báo cho chúng tôi một số những chi tiết để có thể tìm đến những cơ sở nội thành của chúng ta trong trường hợp anh em về thoát đến Việt Nam. Nghe lời Thầy nhấn mạnh "Chúng ta sẽ gặp lại nhau ở Việt Nam" mà nước mắt tôi tuôn trào, còn trong lòng thì vô cùng nghẹn ngào. Lúc đó là khoảng 5 giờ sáng ngày 28/8.
28/8: Toán của tôi gồm có tôi là trưởng toán và 5 chiến hữu là Dương Hùng, người Hà Tiên; Tô Văn Chảy, người Tây Ninh; Trần Hướng Việt, người Thái gốc Việt; Bùi Hồng Thủy, người Phú Quốc; và Lâm Văn Đen, người Sóc Trăng.
Đúng 5 giờ sáng, 5 toán đồng loạt mở đường máu đánh ra 5 hướng. Cả 5 mũi đều chạm súng dữ dội với địch quân đến khoảng 7 giờ 30. Toán tôi có 2 chiến hữu hy sinh là Dương Hùng và Trần Hướng Việt. Riêng tôi bị thương lần thứ hai, bên vai trái. Còn lại 4 người tiếp tục chiến đấu mở đường máu.
Đến khoảng 8 giờ sáng 28/8, tôi nghe mấy phát súng nhỏ và vài tiếng lựu đạn nổ ở phía sau. Lúc bấy giờ nước mắt tôi tuôn xuống không ngừng. Khoảng 15 phút sau, nghe thấy tiếng Việt Cộng la vang rừng núi: "Hoàng Cơ Minh và đồng bọn đã tự sát rồi".
Tôi nghe như xé ruột, xé gan. Máu như ứ đọng trong tim làm tôi thấy nghẹn. Tôi như phát điên lên.
Đến 8 giờ 20, tôi lại bị thương lần thứ ba, vào bàn tay phải. Vết thương khá nặng. Tôi không thể sử dụng được tay bị thương nữa. Tôi bỏ khẩu AK xuống và rút khẩu súng lục ra. Khẩu súng tôi chỉ có 1 băng đạn 6 viên. Ý định tự sát đã đến với tôi vì tôi không còn thiết sống nữa khi Thầy và các chiến hữu của tôi đã vĩnh viễn ra đi cả rồi. Nhưng rồi tôi nghĩ lại, mỗi viên đạn phải giết được một quân thù. Bắn hết đạn, thế nào chúng cũng sẽ bắn chết tôi.
Tôi chiến đấu đến 8 giờ 45 thì súng tôi hết đạn. Tôi bình tĩnh chờ một viên đạn thù. Nhưng khi bọn Việt Cộng tiến tới chỗ tôi, chúng la lớn: "Mày nằm yên thì tao không bắn. Mày nhúc nhích tao bắn chết". Lúc đó, tôi không còn biết chết là gì vì tôi không sợ chết. Tôi còn kêu bọn chúng cứ bắn tôi đi. Nhưng bọn chúng không bắn. Một tên Việt Cộng dí súng AK vào đầu tôi, hai thằng khác, một đứa lấy chiếc ba lô của tôi, một đứa lột chiếc quần jeans tôi đang mặc. Sau đó nó đưa cho tôi 1 cái quần bộ đội rách và nói tôi mặc vô và dẫn tôi đi. Trong lúc bị bắt, tôi không kịp huỷ bỏ đồ mang trong người như cái đồng hồ, 2 lượng vàng, 2.000 đô-la và một số tài liệu khác. Bọn chúng tịch thu hết những thứ trên người tôi. Chúng dùng dây buộc súng trói tay tôi ra đàng sau và dẫn tôi xuống chân núi. Kể từ đó, tôi không còn biết giờ giấc gì nữa.
Khoảng trưa ngày hôm đó, chúng dẫn tôi ra đến đường lộ. Nơi đây tôi thấy Việt Cộng và Lào Cộng đông như kiến. Tôi liếc nhìn xung quanh, thấy dưới hàng cây cổ thụ phía bên trái tôi, có một số chiến hữu cũng bị bắt và bị trói tay như tôi. Tôi nhìn kỹ và nhận ra, có Tô Văn Hải (chảy), Lâm Văn Đen, Bùi Hồng Thúy, Nguyễn Tấn Khỏe (người Tân Thuận, Sài Gòn), Trần Văn Sơn (Nam Trật Vuột, người Sài Gòn), Nguyễn Văn Hùng (Hùng ba lóc, người Sài Gòn). Riêng Trần Khánh Linh thì không bị trói tay như anh em chúng tôi.
Sau khi ngưng tiếng súng khoảng 1 - 2 tiếng đồng hồ, Việt Cộng và Lào Cộng áp tải chúng tôi đi khoảng 3 km tới một làng của người Lào. Làng này mang tên là bản Kok. Tại đây, tôi đã nhận diện ra bộ đội biên phòng Việt Cộng. Theo tôi được biết thì có thể là lính biên phòng của Gia Lai - Kon Tum, cộng thêm Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 357 của Việt Cộng đóng bên Lào và một tiểu đoàn khác của bộ đội Lào.
Sau đó, Việt Cộng đưa anh em chúng tôi vào một chuồng bò khá lớn và rộng trong làng này. Khi đến nơi thì đã thấy trong chuồng bò số người thất lạc trước đó mấy ngày như Đinh Văn Bé, Đỗ Bạch Thố, Tống Văn Sơn và một số các chiến hữu đã chiến đấu anh dũng đến phút chót như Lý Hổ (người Sóc Trăng), Ngô Văn Sinh (Sóc Trăng), Trần Hữu Công (Ngã Bảy, Sài Gòn), Thạch Sự (Trà Vinh), Nguyễn Văn Thạch (Trà Vinh), Bùi Minh Thảo (Biên Hòa), Võ Kỳ Phát (Sài Gòn), Tất Tân (Sài Gòn), Thạch Sên Ly (Sài Gòn), Đỗ Xuân Trường (Sài Gòn), Hồ Lam Hùng (Sài Gòn). Nhóm mới bị bắt gồm tôi, Lý Minh Chánh, Lâm Văn Đen, Bùi Hồng Thủy, Tô Văn Hải, Nguyễn Tấn Khỏe, Trần Văn Sơn, Nguyễn Văn Hùng cũng bị đẩy vào cái chuồng bò này.
Thế là chúng tôi đã nhập chung với nhau trong cùng một cái chuồng bò. Anh em nhìn nhau chỉ biết khóc thương cho tất cả anh em của mình. Điều lạ là tiếng súng vẫn còn tiếp tục nổ lai rai.
Khoảng xế trưa, có 2 tên bộ đội Việt Cộng tới chuồng bò nói thật to rằng: "Mở cửa chuồng bò để cho thằng Bé nó đi với chúng tao nhận xác Hoàng Cơ Minh". Và Đinh Văn Bé đã ra, đi theo chúng.
Lúc đó, anh em chúng tôi rất bình tĩnh. Chúng tôi nói nhỏ với nhau: "Thầy không có hy sinh đâu, đừng có khóc để chúng nó cười". Nhưng khoảng chừng 2 tiếng đồng hồ sau đó, chúng tôi thấy Đinh Văn Bé và khoảng một trung đội Việt Cộng trở về. Một tên bộ đội Việt Cộng đã đưa khẩu súng lục nhỏ của Thầy cho tên Trung Đoàn Trưởng tên là Nguyễn Văn Nghĩa. Khẩu súng này, tôi đã từng nhìn thấy trong tay Thầy. Thế là Thầy hy sinh thật rồi. Tôi rỉ tai anh em. Nhưng không ai còn nước mắt để khóc thương Thầy nữa. Chúng tôi đã khóc quá nhiều. Mỗi lần giao tranh là mỗi lần có người nằm xuống. Anh em chỉ còn biết nhìn nhau, cắn răng, nuốt hận.
Chiều tối hôm đó, Đinh Văn Bé bị đưa trở lại chuồng bò để nhốt chung với anh em chúng tôi. Đinh Văn Bé nói rằng: "Thầy đã tự sát. Thầy tự bắn vào màng tang và Thầy đã hy sinh trên ngọn núi kia kìa". Lúc đó, tôi nói với anh em, nếu như vậy thì Thầy hy sinh lúc 8 giờ 20 phút sáng ngày 28/8, ngay lúc lựu đạn và súng nhỏ nổ, đúng không ? Tất cả anh em đều đồng ý với tôi là vào giờ đó, Thầy hy sinh tại vùng Tai Xeng, thuộc tỉnh Attopeu của Lào và nằm về phía Tây, cách Ben Het, Việt Nam 20km. Các chiến hữu lãnh đạo thuộc bộ chỉ huy trung ương như chiến hữu Nguyễn Trọng Hùng, chiến hữu Võ Hoàng cũng đều hy sinh trong ngày này.
Bên ngoài vẫn còn nghe tiếng súng nổ lác đác. Tôi đoán rằng anh em tôi có người vẫn còn anh dũng chiến đấu đến giọt máu cuối cùng.
29/8: Trong lúc tôi còn đang nghĩ về anh em của mình, khoảng 10 giờ sáng, bộ đội Việt cộng dẫn Chiến hữu Trần Đế tới chỗ nhốt chúng tôi.
Tổng cộng số người bị bắt nhốt trong cái chuồng bò này là 22 anh em kháng chiến quân. Gặp nhau, Chiến hữu Trần Đế nói với chúng tôi là Thầy đã hy sinh hồi sáng hôm qua (28/8/1987). Tuy nhiên Trần Đế cũng xác nhận rằng chính mắt anh không nhìn thấy cảnh đó.
Chúng tôi bị nhốt trong chuồng bò này ở bản Kok của người Lào trong 4 ngày trời, cho đến ngày 2-9-1987 thì tất cả bị áp giải đến một địa điểm khác thuộc bộ chỉ huy trung đoàn 586 tại tỉnh Saravane, Lào. Khi đến nơi thì khoảng 4, 5 giờ chiều. Tại nơi đây chúng tôi bắt đầu bị tra khảo, hầu như tất cả các kháng chiến quân bị bắt đều không tránh khỏi bị đánh đập nặng nề trong lúc điều tra.
Cuộc điều tra kéo dài nhiều ngày trời. Đến ngày 10-9-1987 có một chiến hữu lớn tuổi sau khi bị tra khảo khi lấy cung trở về phòng giam có nói với tôi và một số anh em cùng bị nhốt chung rằng, sức khoẻ của anh quá yếu, và bị đánh đập quá nặng nề, có thể không còn sống nổi đến lúc được chuyển giao về Việt Nam. Đêm hôm đó, vào khoảng 4, 5 giờ sáng ngày 11-9, chiến hữu này phát ra mấy tiếng thở dài rồi ra đi vĩnh viễn, trong lúc 2 chân còn đang bị cùm trong cái cùm bằng gỗ. Đến 7, 8 giờ sáng thì lính canh mới đến mở cửa để lấy xác mang ra đặt nằm trước cửa, trên nền đất không một manh chiếu che thân. Nhìn cảnh đó anh em không ai không khỏi thấy đau xót cho một chiến hữu thân thương đã hy sinh trong cảnh ngộ như vậy.
Chiến hữu này tên là Ngô Văn Sinh, người miền Tây ở xã Phú Mỹ, quận Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng.
Ngày 13-9, chúng tôi lại bị áp giải đến một trại tù khác. Trại này không xa vị trí của trại cũ, di chuyển bằng xe bít bùng cho đến trưa thì tới. Đây là một trại tù chính thức chứ không phải doanh trại quân đội, vì trong này còn có những tù nhân khác thuộc các lực lượng Kampuchia hay Lào Tự Do.
Ngày 15-9, lúc sáng sớm lại có những chiếc xe bít bùng đến trước sân trại, có rất nhiều bộ đội theo hộ tống. Anh em chúng tôi được điểm danh từng người trước khi lên xe, mỗi xe bít bùng có 2 người tù và 6 bộ đội cộng thêm tài xế, chạy đến chiều mới tới. Đến trại này, chúng tôi bị nhốt trong phòng giam nhỏ, mỗi phòng nhốt 2 người. Sáng hôm sau chúng tôi mới biết rằng đây là căn cứ biên phòng của Việt cộng trên đất Kampuchia thuộc tỉnh Stung Treng. Tại đây chúng tôi bị nhân viên cục an ninh của bộ nội vụ Kampuchia và công an biên phòng của Việt cộng tra khảo và lấy cung. Lúc này Việt cộng vẫn đang còn chiếm đóng Kampuchia sau khi họ tiến quân qua quốc gia láng giềng này với danh nghĩa "tiêu diệt Khmer đỏ Pol Pot" vào năm 1979, nên họ có những đơn vị bộ đội đóng khắp nơi.
Mãi cho đến ngày 25-9 nghĩa là gần một tháng sau khi bị bắt, chúng tôi mới bị áp giải về Việt Nam. Chuyến di hành này kéo dài gần một ngày, đi qua ngõ Gia Lai, khoảng 6 giờ chiều thì đến tỉnh Kon Tum, đưa vào nhốt tạm trong một đồn công an. Trong gần một tháng vừa qua, chúng tôi bị tra khảo liên miên, ăn uống thiếu thốn, di chuyển qua nhiều địa điểm, ai cũng xanh sao mệt mỏi và tâm trạng thì lo âu, không biết số phận của mình ra sao, mặc dù ngày ra đi là đã chấp nhận bước chân vào chốn gian nguy. Khi đoàn xe di chuyển vào lãnh thổ Việt Nam, lòng chúng tôi buồn vời vợi. Không ai mường tường là sẽ trở về đất mẹ trong hoàn cảnh này, các chiến hữu lãnh đạo thì đã gửi xác nơi núi rừng xa lạ, còn mình thì mang thân tù tội trong vòng tay của kẻ thù, ngày giải phóng đất nước trông sao mờ mịt. Còn nỗi buồn nào to lớn hơn!.
Sáng 26-9 một đoàn xe bít bùng của công an cục an ninh bộ nội vụ Việt cộng áp giải chúng tôi đi đến địa điểm mới. Khoảng 5 giờ chiều thì đến khám lớn Nha Trang. Không hiểu do điều kiện hạn chế ra sao, hay là công an không còn trại tù nào khác gần đó nên phải nhốt chúng tôi chung với những người tù vượt biên. Anh em chúng tôi giải thích với những người tù vượt biên này rằng chúng tôi là các kháng chiến quân của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam do chủ tịch Hoàng Cơ Minh lãnh đạo, trên đường xâm nhập từ Thái qua Lào đụng độ với bộ đội Việt cộng nên bị bắt. Sau khi nghe chúng tôi trình bầy như vậy, những người này biểu lộ cảm tình nồng nhiệt với chúng tôi. Họ đem lại cho chúng tôi quà bánh, thuốc men, thuốc hút, và cả tiền mặt nữa. Họ còn cầu chúc cho chúng tôi được bình an, không bị hành hạ tra tấn trong khi điều tra. Những hành động này làm cho anh em chúng tôi rất cảm động. Phải nói rằng từ sau khi bị bắt trên đất Lào, đây là lần đầu tiên tinh thần chúng tôi cảm thấy một niềm an ủi lớn lao, vì biết rằng lúc nào đồng bào cũng thương yêu và qúy mến những người dám xả thân chống lại chế độ cường quyền này.
Ngày 30-9, chúng tôi lại bị di chuyển nữa. Cũng những chiếc xe bít bùng và những công an đó lại áp giải chúng tôi đi về hướng Nam. Đến khoảng 4 giờ chiều trong ngày thì chúng tôi biết rằng được đưa về nhốt ở trại tù Suối Máu ở Biên Hoà. Trước năm 1975, trại này vốn là nơi giam nhốt tù phiến cộng của Vùng 3 chiến thuật. Sau ngày 30-4-1975, Việt cộng dùng trại tù này làm nơi giam giữ những người tù cải tạo sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, sau đó giam giữ cả các thành phần khác nữa, có cả tù hình sự và tôi nghe nói có cả những người trở về từ chiếc tầu Việt Nam Thương Tín. Ở trại Suối Máu, chúng tôi bị nhốt trong những phòng kiên giam, mỗi phòng 2 người. Cùng chung phòng với tôi ở phòng kiên giam số 5 là chiến hữu Bùi Hồng Thủy người gốc Phú Quốc.
Ở trại tù Suối Máu chúng tôi tiếp tục bị điều tra trong thời gian gần một tháng. Trong thời gian này, có một vụ tự sát rất thương tâm đã xẩy ra ở đây. Người chiến hữu bạc phước đó tên là Hồ Lam Hùng, người Sài Gòn, cư ngụ trong cư xá Bắc Hải, đã dùng cọng giây điện gắn đèn trong phòng kiên giam để thắt cổ tự tử. Khi nghe tin, anh em chúng tôi không khỏi rơi nước mắt và cầu nguyện thầm cho người chiến hữu của mình.
Ngày 25-10, chúng tôi được chuyển đến nhà tù khác mang bí số T82, trước là trụ sở tổng nha cảnh sát của Việt Nam Cộng Hoà. Trên đường di chuyển, để che mặt mọi người, họ để chúng tôi mặc đồ dân sự, kể cả tài xế và công an áp tải. Mỗi chiếc xe loại du lịch, chỉ có một tù nhân và 4 công an thêm một tài xế. Khi đến nơi, chúng tôi bị nhốt riêng mỗi người một phòng. Gần 2 tháng sau khi bị bắt và sau khi trải qua gần một chục trại tù với những cuộc khảo cung dã man, chúng tôi biết rằng cuộc điều tra đã đến hồi kết thúc và họ chuẩn bị để đưa chúng tôi ra một phiên toà đặc biệt. Trong thời gian này có một người công an đến gặp tôi, cho tôi một số chi tiết và khích lệ tinh thần của tôi. Anh ta cũng cho tôi một ít thuốc hút và bảo "yên tâm đi, không sao đâu, không có ai bị tử hình cả". Sau này khi tôi vượt ngục từ trại Xuân Phước tôi có gặp lại nhân viên công an này, và được anh ta tặng cho một số tiền giúp làm lộ phí trên đường đi Cam Bốt.
Phiên toà đã khai diễn ngày 1-12-1987 và kéo dài 3 ngày cho đến ngày 3-12 thì kết thúc, tại toà nhà quốc hội của Việt Nam Cộng Hoà trên đường Nguyễn Huệ và Tự Do. Tại phiên toà này có 18 anh em chúng tôi đã bị đưa ra xét xử. Trong phiên toà, viên chánh án cộng sản đã nhiều lần lớn tiếng nói đích danh tôi là "thành phần lang sói ăn thịt đồng bọn", hoặc "theo bọn kháng chiến tàn ác, giết đồng đội bị thương để dễ bề di chuyển". Những luận điệu này đã được báo cộng sản đăng tải nhiều lần. Những ai ở trong nước trong thời gian này, theo dõi báo chí Việt cộng hay nghe đài, xem truyền hình của Việt cộng đều biết rõ. Nhưng sau này tôi thấy có một số phần tử ở hải ngoại cũng nhai đi nhai lại những bài bản này của Việt cộng để bôi nhọ kháng chiến.
Kết quả của phiên toà nói trên là những bản án như sau:
1- Đinh Văn Bé: chung thân khổ sai
2- Trần Đế: 19 năm tù
3- Đỗ Bạch Thố: 17 năm tù
4- Lý Minh Chánh: 15 năm tù
5- Nguyễn Văn Bình: 15 năm tù
6- Lý Hổ: 13 năm tù
7- Trần Hữu Công: 10 năm tù
8- Nguyễn Tấn Khoẻ: 9 năm tù
9- Bùi Hồng Thủy: 8 năm tù
10- Đỗ Xuân Trường: 8 năm tù
11- Tô Văn Hải: 7 năm tù
12- Thạch Xen Lý: 7 năm tù
13- Tất Tân: 7 năm tù
14- Trần Văn Náo: 5 năm tù
15- Lê Đình Bẩy: 4 năm tù
16- Phạm Hoàng Lê: 3 năm tù
17- Đặng Quốc Hùng: 2 năm tù treo
18- Trần Khánh Linh: tha bổng
Chiến hữu Đinh Văn Bé bị đưa về nhốt riêng trong khu chung thân của trại giam Chí Hoà. Những người khác cũng bị giam tại Chí Hoà trong khu F phòng 19, có 6 người là Trần Đế, Đỗ Bạch Thố, Lý Minh Chánh, Nguyễn Văn Bình, Lý Hổ và Trần Hữu Công. Những người còn lại nghe nói bị đưa về trại tù Nhà Đỏ ở tỉnh Bình Dương.
Trong thời gian bị giam ở Chí Hoà, tôi có gặp một số các linh mục bị bắt trong vụ Giòng Đồng Công. Chúng tôi bị nhốt ở Chí Hoà hơn nửa năm cho đến ngày 18-5-1988 thì bị chuyển giao qua nhà tù A 20 Xuân Phước thuộc thôn Đông Xuân, xã Xuân Phước, huyện Phú Xuân tỉnh Khánh Hoà. Trại này còn có tên là Thung Lũng Tử Thần. Tôi ở trại tù này cho đến lúc tôi vượt ngục vào đầu năm 1991.
Trước vụ vượt ngục của tôi mấy ngày cũng có mấy chuyến vượt ngục và đều thành công. Đầu tiên có chiến hữu Dương Thanh (bị bắt khi xâm nhập trong các chuyến công tác của cán bộ Ủy Ban Kháng Quản), rồi sau đó là chiến hữu Trần Đại. Thêm chuyến vượt ngục của tôi nữa, cũng thành công, làm cho dư luận trong trại tù rúng động, bởi vì từ trước tới nay chưa có một vụ vượt ngục nào tại trại tù này mà thành công cả. Tôi nghe kể là hồi trước có mấy người vượt ngục nhưng đều bị bắn ngay tại hàng rào.
Vụ vượt ngục của tôi thực ra đã được sắp xếp trước. Do những chi tiết ông Thầy căn dặn trước khi chia tay, tôi đã tìm cách móc nối được với anh em trong nội thành để sắp xếp cho chuyến vượt ngục của tôi. Tôi ra đi vào ngày 22-2-1991 tức ngày mùng 2 Tết, lợi dụng lúc các công an canh gác và cán bộ đều lo vui Xuân, chè chén say sưa, lơ là việc cnah gác. Trước đó một thời gian, anh em bên ngoài đã kín đáo báo tin cho tôi biết mọi chi tiết đã được sắp xếp, tôi phải nhớ và làm y theo những điều đã được bố trí. Đúng 8 giờ sáng mùng 2 Tết tôi đi ra cổng trại, nói với cán bộ quản giáo là đi mua thuốc hút. Tình trạng canh gác trong những ngày này cũng lơ là nên họ cho tôi ra. Cũng có thể là họ không ngờ rằng tù nhân táo bạo đến độ dám vượt ngục bằng cổng chính. Phiá trước cổng trại có một khu rừng mía, chạy dài khoảng 1 cây số. Tôi chạy vào đó. Ở đó có một chiếc xe Honda đã chờ sẵn. Người đi xe hỏi tôi mật khẩu đã được giao hẹn trước. Tôi đáp đúng. Người đó đưa cho tôi một bộ đồ công an, nói tôi lột bỏ bộ đồ đang mặc đi. Tôi mặc bộ đồ công an vào rồi ngồi lên sau xe Honda, chạy thẳng lên Tuy Hoà. Ở đó tôi được chuyển qua một chiếc xe jeep, chạy xuống Nha Trang. Sau đó tôi được những đường dây của Mặt Trận đưa sang Kampuchia rồi lại qua Thái, và sau cùng tôi được đi ra hải ngoại. Những chi tiết của câu chuyện này tôi xin phép không kể ra ở đây, vì nó có liên hệ đến những anh em của chúng tôi vẫn còn đang hoạt động ở trong lòng đất địch.
Hôm nay, tôi ngồi đây viết để thuật lại đoạn đường hành quân Đông Tiến mà không sao cầm được nước mắt. Tôi thương Thầy và tất cả anh em chiến hữu của tôi đã anh dũng nằm xuống, đã để lại thân xác mình nơi rừng sâu, núi thẳm. Những nấm mộ không có người thân nhang khói... Những hình ảnh này luôn luôn đi theo tôi như để nhắc nhở tôi nhiệm vụ chưa hoàn thành và phải vững chí đấu tranh để những hy sinh của Thầy và của các KCQ tử sĩ khác không bị uổng phí. Nhiệm vụ của chúng ta là phải đưa công cuộc đấu tranh giải phóng Việt Nam đến thành công. Đất nước Việt Nam phải có tự do dân chủ...
Tôi viết và thuật lại tất cả những gì tôi đã nhìn thấy và đã chứng kiến. Tôi hy vọng là một chứng nhân của sự thật để giúp mọi người cùng hồi tưởng lại sự hy sinh cao quý của chiến hữu chủ tịch Hoàng Cơ Minh và của tất cả các chiến hữu của mình trên con đường Đông Tiến.
(Tháng 1-2007)