Trong cái không khí dầy đặc cô-vi 19 với số lây nhiễm tăng nhanh chóng mặt, chính phủ Nhật đang dự định đưa ra những “tình trạng khẩn trương” với nội dung “khẩn trương” hơn những lần trước, có thể là “lockdown” đúng nghĩa, không được ra khỏi nhà ngoại trừ những trường hợp tối cần thiết không đi không được, để giới hạn tối đa sự xâm nhập của cái quân cô vi Vũ Hán ra khỏi đời sống hàng ngày, nhưng sẽ không có những cảnh “ngăn sông cấm chợ”, chỉ thị lúng túng đầu voi đua chuột, treo gọi trương cờ tổ quốc để …nêu cao tinh thần chống giặc covid của các ông, các bà đầu não xứ Đông Lào.
Đây đó đầy rẫy những lời kêu gọi “hãy ngừng ngay Olympic”. Chuyện cũng chả có gì là khó hiểu và tôi biết, mọi người đều biết. Quyết định “tiếp” hay “dừng” là chuyện của…. người ta.
Nhưng “Dừng” thì buồn, mất hẳn cái thú chờ và đợi từng giờ, từng ngày được thấy bảng thành tích mỗi lúc một dài, được nghe kể những “masaka” và “sasuga” qua màn ảnh nhỏ, qua những bài tường thuật đầy tính “kiếm hiệp” nổi đình nổi đám của Nguyễn Huy.
Mà chắc là không có chuyện “dừng” đó đâu, ít ra là cho đến cái Oly này sẽ chấm dứt vào ngày 8/8, chỉ lo cho cái Para sau đó bắt đầu từ ngày 25/8, nếu phải “dừng” thì tội cho những tuyển thủ khuyết tật đang cố gắng miệt mài tập luyện sau những tháng năm đợi chờ vất vả.
Tạm gác chuyện “tiêu cực” qua một bên, ta linh tinh sang chuyện khác.
Quan sát toàn cảnh cho đến ngày hôm nay (31/7) thì “Masaka” cũng nhiều và “Sasuga” cũng không thiếu, bạn ta có thể tìm thấy tất cả qua phần tường thuật của Nguyễn Huy, chỉ xin góp mặt vài hàng lăng nhăng trong khi cả nước lên cơn sốt về dịch bệnh, về lũ lụt.
Dấu hiệu chữ “K”!
Màn trình diễn của Takefusa Kubo (20 tuổi, Real Madrid), người ghi bàn thắng cuối cùng trong trận đấu Nhật Bản - Nam Phi ở giải bóng đá nam Olympic Tokyo lần thứ nhất diễn ra vào ngày 22/7 vừa qua, đã trở thành chủ đề nóng bỏng mà ngôn ngữ bây giờ gọi là đầy “ấn tượng”. Thế thì ý nghĩa hình chữ "K" là gì thế nhỉ?
Khi nhận banh từ bên phải vòng cấm ở phút 26 của hiệp hai đang hòa 0-0, Kubo lách qua lách lại và dứt bằng chân trái, thủ môn Nam Phi đã tung cả người lên để “vồ” lấy banh tưởng như đã dính chặt như bao lần trước nhưng quả bóng bật vào xà ngang tung lưới. Kubo hét lên và chạy đến hàng ghế của Nhật đưa dấu 2 tay trông như chữ "K".
Ngay sau đó, Những câu hỏi như “K là gì?” là “Tên viết tắt của Kubo?” tiếp tục xuất hiện trên các mạng xã hội và trở thành chủ đề nóng bỏng.
Nói về các dấu hiệu, thì chắc ai cũng còn nhớ "Vũ điệu Kazu" của FW Kazuyoshi Miura rất nổi tiếng ở Nhật Bản. Hậu vệ Yuto Nagatomo của đội tuyển quốc gia Nhật Bản với màn cúi đầu (ojigiお辞儀), của Okazaki và Honda với cái (keirei) 敬礼rất Nhật Bản trong các trận trên sân mỗi lần tung lưới.
Kubo cũng từng khoe dáng chữ "K" này vào tháng 7 năm ngoái sau khi ghi bàn thắng vào lưới Levante. Kota Yamada (22 tuổi) một đồng môn từ thời J1 Yokohama F. Marinos, đã giải thích: “sau bàn thắng trong trận giao hữu với Jamaica vào ngày 12 tháng 6 năm nay tôi có hỏi thì Kubo trả lời: “Đó là tên viết tắt của tao”, còn bây giờ có ý nghĩa gì không thì không biết.
Tuy nhiên, lần theo manh mối để tìm thêm ra sự thật của báo Mainichi, thì dấu hiệu chữ “K” lại mang một ý nghĩa khác, là một lời hứa của một cầu thủ túc cầu với một cô gái trẻ đã mà cuộc đời đang dần bước vào giai đoạn cuối, chỉ chờ lúc ra đi.
Năm 2017, một cô gái ở thành phố Hiratsuka, tỉnh Kanagawa, được chẩn đoán mắc bệnh ung thư buồng trứng giai đoạn cuối khi mới 12 tuổi.
Tên cô là Karen Sugiyama. Bố là Taichi (44 tuổi). Cả bố và con đều là fan hâm mộ của câu lạc bộ J League, Shonan. Trong số đó có DF Maya Yoshida (Sampdoria) là thủ quân của Olympic Tokyo, cựu đội tuyển quốc gia Nhật Bản FW Yoshito Okubo (Se Osaka) và tiền vệ Keisuke Honda cũng đã thường xuyên liên lạc thăm hỏi Karen.
Ngày 31/5/2018, vào ngày công bố tên tuổi của đội tuyển quốc gia Nhật Bản, Yoshida tình cờ gặp ông TaiIchi (bố của Karen) và đã đến thăm Karen, lúc đó Yoshida đã hứa với Karen là sẽ thực hiện tư thế chữ “K” (chữ đầu của Karen) nếu mình tung lưới. Nhật Bản tuy đã lọt vào top 16 tại World Cup Nga, nhưng Yoshida và đã không thể tạo dáng "K".
Đáng tiếc nhưng không đáng buồn vì hôm qua (31/7) thì Nhật đã vào bán kết và sau 53 năm chờ đợi với màn thắng bằng bàn đá luân lưu căng thẳng với đội Tân Tây Lan.
Nói tóm lại thì Truyền thuyết nào cũng được, mong nhất là Kubo và Yoshida hai người “dính dáng” đến chữ “K” sẽ tạo nên nhiều kỳ tích trong trận gặp Tây Ban Nha vài ngày tới và mong tới luôn chuyện Nhật Bản sẽ được đứng trên bục, tự tay mình lấy huân chương trong cái “mâm” đựng medal và tự tay đeo trao đổi cho đồng đội của mình.
Gia nhập bộ đội!
Chắc hẳn quân ta còn nhớ chuyện một anh chàng tuyển thủ xứ Uganda Julius Ssekitoleko đến Nhật, vài ngày sau bị nhiễm dương tính cô vi và bị cách ly ở một khách sạn thuộc thị xã Izumisano, Osaka. Ngày 16/7 anh đã ra đi để lại lời ước nguyện: “Tôi muốn ăn, muốn thở, muốn sống ở Nhật chứ Uganda khổ lắm”.
Bốn ngày sau (20 tháng 7), cảnh sát đã tìm thấy anh tại Mie, nơi có một số người Uganda cư ngụ. Đưa anh về lại Tokyo, anh xin tị nạn nhưng lại đổi ý sau khi gặp trưởng đoàn tuyển thủ.
Về lại xứ Uganda ngày 21/7 thì lại bị giam giữ 5 ngày, và hiện anh đang được tạm phóng thích sau khi trả được gia đình bảo đảm, vì nhà chức trách nghi anh không phải là tuyển thủ, nhưng “vận động” sao đó để được qua Nhật Bản gia nhập “bộ đội” tìm đất sống.
Tội nghiệp anh ghê, thông cảm anh lắm.
Nihon ga daisuki!
Anastasia Baxis, một phóng viên của đài truyền hình công cộng Canada "CBC Sports",
nguyên là một cựu tuyển thủ trượt băng tốc độ đã tham gia Thế vận hội mùa đông Vancouver (Canada, 2010) và Sochi (Nga, 2014).
Ngày 27/7, Cô đã làm một clip video trên tay cầm cái Onigiri (cơm nắm) khoe thiên hạ. Trịnh trọng như thuật uống trà, cô chầm chậm kéo lên, kéo xuống, kéo ngang và mở nhưng rồi cô…..chau mặt, “không phải, không phải là onigiri “hình bóng” cũ của tôi”, có nghĩa là cô…. thất bại. Cô kêu cứu: “Làm ơn giúp tôi để làm sao mà bóc”. Hình ảnh này đã làm nước Nhật lên cơn sốt, 600,000 lượt xem và hơn 300 lời giúp ý bằng tiếng Anh lẫn tiếng Nhật.
Hai ngày sau, ngày 29, cô “phục thù” lại làm thêm một clip video nữa. Cô từ từ bóc “từng bước từng bước thầm” theo sự chỉ dẫn của mọi người và cô đã đi đến đích. Cô gào lên “Thành công, đại thành công”,
“Cảm ơn những người bạn tuyệt vời Nhật Bản. Tôi thích Nhật Bản vô cùng tận”.
Nippon ga daisuki!
Cô giỏi ghê!
Yoroshiku onegaishimasu!
Từ ngữ này có rất nhiều nghĩa: nó có thể là một lời thăm hỏi, gửi gấm, khẩn khoản, van xin, trao thân gửi phận….được dùng tùy theo từng trường hợp. Quân ta có nhớ một bộ phim kịch nhiều tập Nhật Bản nổi tiếng có tên 『101回目のプロポーズ』(ひゃくいっかいめのプロポーズ)tạm dịch là “Lần cầu hôn thứ 101” với hai vai chính là Asano Atsuko và Takeda Matsuya được chiếu liên tục trên đài số 8 từ tháng 7 đến tháng 9/1991. Chuyện kể lại là: Sau 100 lần liên tiếp khẩn khoản mà chàng đã thất bại khi ngỏ lời cầu hôn “kekkon shite kudasai” với nàng, mãi đến lần 101 chàng mới thành công khi được nàng nghẹn ngào đáp lại: “Yoroshiku Onegaishimasu” với chiếc nhẫn cưới cầu hôn chỉ là cái bù lon mà chàng nhặt được trên đường.
Chỉ là chuyện phim ướt át đầy hư cấu. Chuyện kể sau đây không tình tứ như phim kịch nhưng “điểm nhấn” của câu chuyện là “Những đường kiếm tuy bại nhưng ….có hậu”.
Trong một trận đấu của Thế vận hội Tokyo (Thế vận hội Olympic) diễn ra vào ngày 26-7, Tuyển thủ Perez Maurice đã thua Anna Marlton của Hungary với tỷ số 12-15 trong môn kiếm….mà cứ chạm vào người thì đèn đỏ bật sáng. Khi được phỏng vấn sau trận đấu, ông huấn luyện viên Saused đã âm thầm xuất hiện sau lưng, quỳ gối với một mảnh giấy lớn viết tay bằng tiếng Tây Ban Nha: “Kekkon shite kudasai” (Làm ơn cho kẻ này được nâng khăn sửa túi!"
Người phóng viên bảo cô nhìn phía đằng sau, cô quay lại… tròn mắt vui sướng và…. thốt lên “yoroshiku onegaishimasu”, nghĩa là chấp nhận lời cầu hôn từ huấn luyện viên Lucas Guillermo Saused, họ đã trao nhau một nụ hôn rất “nồng nàn” dù phải qua “miếng vải” “bịt mồm” thay cho cái bù lon trong phim ảnh!
Ông Huấn luyện viên này đã theo cô cả mười mấy năm trước, đã từng bị cô “chối từ” vì “em” còn quá trẻ, nhưng ông vẫn kiên trì luyện tập cho cô và theo đuổi thực hiện ước nguyện của mình cho bằng được.
Thực ra, cũng có rất nhiều chuyện tỏ tình, đáp ý tương tự nhiều lắm, nhưng chuyện này đặc biệt được thiên hạ chú tâm vì chuyện diễn ra ngay trong mùa dịch.
Sao làm khó nhau thế, bắt chờ đến 10 năm, tuổi tác không quan trọng mà chỉ cần sự cảm thông giữa 2 đương sự thôi cô ơi!
Thân chúc “hai mình sẽ có nhau mãi mãi”.
---------------------
Đến đây đã oải. Xin chấm dứt chương trình ở đây sau một ngày đầy căng thẳng chờ kết quả cho ngày mai, ngày mốt cũng ….tiếp tục căng thẳng.
Ước mơ
“Ta bước đi khắp phố khắp phường
Còn thấy huy chương trên màn ảnh nhỏ”
Nhật 17 vàng 5 bạc 8 đồng
Hẹn gặp lại bạn ta trong các bài viết…. của Nguyễn Huy.
Yoroshiku Onegaishimasu!
Vũ Đăng Khuê
Hình 1: Dấu hiệu chữ K!
Hình 2: Gia nhập làng “bộ đội”
Hình 3,4,5: Thất bại, Thành công, Miếng Onigiri
Hình 6, 7: Chiếc nhẫn bên đường- Lần cầu hôn thứ 101
Hình 8, 9: Kekkon shitekudasai – Yoroshiku Onegaishimasu