Đêm hôm qua hoàn tất xong bài tường thuật Olympic ngày thứ 7 thì vừa đúng lúc Tivi lên hình ảnh cô gái Sunisa Lee, đoàn thể dục dụng cụ nữ của Mỹ đoạt huy chương vàng cá nhân tổng hợp hay còn gọi là toàn năng. Huy chương này giống như của tuyển thủ Hashimoto -Nhật Bản, đã lấy ở phần thi đấu của bên Nam trước đó.
Sáng hôm nay tất cả các báo chí Việt Nam đều chạy những tin thật lớn về cô gái gốc H’Mong, còn thòng thêm cha cô từng là lính Mỹ tham chiến tại Việt Nam khiến mọi người cứ tưởng cô gái vàng có dính dáng tới quê hương ta.
Thật sự cô có gốc H’Mong của Lào (chẳng dính gì tới “Đông Lào” cả). Mẹ cô người Lào, cha kế của cô tên John Lee và bố của John Lee mới là người lính Mỹ có thời gian tham chiến tại VN. John Lee gặp mẹ của Sunisa lúc cô 2 tuổi và cùng di dân sang Hoa Kỳ.
Được tập luyện trong môi trường tự do từ năm 6 tuổi, Suni (cách gọi thân mật) phát triển, nhanh chóng đạt tiêu chuẩn tài năng ưu tú quốc gia. Bên cạnh cô có một đàn chị nổi tiếng, kỳ vọng huy chương vàng thế vận là Simone Biles, tuy nhiên Simones đã bỏ cuộc chỉ ít ngày trước khi thế vận hội Tokyo khai mạc vì sợ vượt không qua nổi áp lực khiến báo chí còn chạy tít: “Nữ hoàng TTDC Simone Bills bỏ cuộc, Mỹ tuột huy chương vàng”.
Nhưng cô gái gốc H’Mong không xuống tinh thần nhờ những lời động viên, trong đó có người cha dượng bị té tổn thương cột sống 2 năm trước đó: “Con ơi, con không cần phải cố gắng cho bạn bè, thầy cô, gia đình kể cả cộng đồng H’Mong. Hãy thi đấu vì chính mình, hãy vượt qua chính mình”.
Và nhờ đó, Mỹ có cô gái nhập cư tuyệt tài tuyệt sắc. Chúng ta khâm phục thế hệ di dân thứ hai đã cống hiến để trả ơn cho nơi cưu mang cha mẹ của họ. Chúng ta cũng không cần phải nhận Họ nhận Hàng vì thế hệ trẻ Việt Nam bên Mỹ cũng đóng góp đâu thua kém gì ở những lãnh vực khác.
Ngày thứ 8, thế vận hội Đông Kinh bước vào cuộc tranh tài điền kinh truyền thống: Chạy, nhảy xa, nhảy cao, ném tạ v.v… Bất cứ thời điểm nào Chạy là môn chứng tỏ sức mạnh thể thao nhất của quốc gia đó; lý do, đây là môn thể thao không tốn bất cứ thiết bị hay vật dụng nào và đã có mặt ở những cuộc thi đấu đầu tiên của Olympic cổ đại. Ai chơi cũng được.
Riêng đối với Nhật, thi đấu điền kinh còn một ý nghĩa sâu xa hơn nữa, thế vận hội năm nay kỷ niệm 99 năm Nhật tham gia Olympic.
Năm 1912, lần đầu tiên, Nhật Bản và cũng là lần đầu tiên một nước Châu Á tham gia Olympic với các môn điền kinh, lúc đó chỉ 28 quốc gia góp mặt, nước chủ nhà là Thụy Điển. Năm 1928, lần đầu tiên Nhật đoạt huy chương vàng nhảy xa ba bước và bơi 200m ếch tại Amsterdam của Hoà Lan.
Thế vận hội Rio 5 năm trước, đoàn chạy tiếp sức 400m của Nhật đoạt huy chương bạc và năm nay, hy vọng đổi qua màu vàng nhờ các lực sĩ chạy 100m có tiềm năng.
Trước mắt ở cự ly việt dã 3000m, lực sĩ Miura Ryoji phá kỷ lục quốc gia, về nhì ở vòng dự tuyển với thời gian 8 phút 09 giây 92.
Lực sĩ Yamauchi Hiromu được vào chung kết chạy vượt chướng ngại vật 400m.
・Bơi nữ 200m ếch, SCHOENMAKER cho 2 vận động viên Mỹ King và Lazor hụt hơi ở đàng sau để lấy huy chương vàng về cho quốc gia Nam Phi.
・Bơi ngửa 200m nam, tuyển thủ Irie của Nhật chỉ về hạng 7; Rylov của Nga huy chương vàng, Murphy Hoa Kỳ về nhì và GREENBANK của Anh quốc về ba
・Úc làm chủ mặt nước ở cự ly 100m tự do nữ với McKEON vàng và CAMPBELL đồng trong khi HAUGHEY của Hong Kong lấy huy chương bạc.
・Ở Cự ly 200m hỗn hợp nam, Seto của Nhật đã vuột cơ hội đoạt huy chương khi về hạng tư, cách huy chương đồng của DESPLANCHES –Thụy sĩ chỉ 0.05 giây. Wang Trung quốc huy chương vàng và Scott của Anh quốc lấy bạc.
Niềm hy vọng vũ cầu của Nhật tiếp tục gây thất vọng khi Okuhara bị tuyển thủ Trung quốc hạ ở vòng tứ kết. An ủi còn có cặp thi đấu Nam Nữ Watanabe và Higashino hạ cặp Hong Kong Tang -Tse để lấy huy chương đồng. Ngay cả cựu số 1 thế giới Yamauchi Akane cố gắng duy trì phong độ để tiến vào bán kết nhưng cũng không thành sau khi thua tuyển thủ PUSARLA của Ấn Độ.
Túc cầu nữ cũng chấm dứt giấc mơ vàng trước đối thủ quá mạnh là Thụy Điển. Có khả năng đội cầu từ Bắc Âu sẽ đoạt huy chương vàng trước Ba Tây hoặc Mỹ.
Ngày cuối hạng cân nặng nhất của nhu đạo, nữ võ sĩ Sone Akira 21 tuổi vào chung kết sau khi thắng toàn bộ 3 đối thủ bằng Ippon (Một đòn kết thúc). Đụng Idalys Ortiz của Cube với thân hình 102kg không phải dễ uy hiếp, nhưng Sone cũng thắng trong hiệp phụ nhờ đối thủ bị lỗi 3 bận; giúp nước nhà lấy huy chương vàng nhu đạo thứ 9.
Trong khi đó bên Nam, võ sĩ Harasawa, huy chương bạc Rio de Janeiro 2016 đã thua Lukaš Krpálek (Cộng hòa Séc) trong trận bán kết ở 7 phút 59 giây hiệp vàng bằng một thế đòn nghiệt ngã. Harasawa đấu với Teddy Riner (Pháp) kiếm huy chương đồng an ủi. (Riner cũng là người đã chơi trận chung kết Rio de Janeiro với anh và đoạt huy chương vàng lúc đó).
Nhưng Harasawa thêm một lần ôm hận. Chờ tái phục 3 năm nữa trên quê hương của Riner.
Trước khi kết thúc ngày thi đấu thứ 8, “Phù Tang Tứ Kiếm” gây chấn động.
Kazuyasu Minobe, Koki Kano, Yu Yamada, Satoru Uyama lần đầu tiên hạ Kiếm chủ võ lâm Phú Lang Sa (Pháp, huy chương vàng Thế vận hội Rio de Janeiro) chỉ hơn một điểm ở tứ kết. Sau đó tiếp tục đánh bại đội Hàn Quốc kiếm sĩ với tỷ số 45-38 ở bán kết. Cuối cùng tranh ngôi vô địch Hoàng Kiếm với Bạch Nga giáo chủ qua 9 trận long trời lở đất. 3 kiếm sĩ chính thức + 1 kiếm sĩ thay thế, thay nhau tiếp chiêu đối phương, mỗi trận 3 phút hoặc nếu lấy 5 điểm trước thì đổi hiệp. Đánh làm sao đầu kiếm đụng vào người đối phương, đèn bên mình tự động báo là vào một điểm. Bên nào tới 45 điểm trước coi như thắng luôn.
Các kiếm sĩ Phù Tang dẫn điểm cho tới trận thứ 8, chỉ cách đối phương 3 điểm. Kiếm sĩ Kano vào hiệp 9 áp đảo toàn diện bằng những chiêu thức ảo diệu của “Kim xà kiếm pháp “, khó thấy khó đỡ vì quá nhanh của “Tịch tà kiếm pháp” và kết thúc trận ở điểm 45 bằng “Độc cô cửu kiếm”.