𝐓𝐫𝐚̣̂𝐧 đ𝐨́𝐢 𝐧𝐚̆𝐦 𝐀̂́𝐭 𝐃𝐚̣̂𝐮 (𝟏𝟗𝟒𝟓):
Tổng kết trận đói này:
- Người chết theo dư luận: 2 triệu người.
- Địa phương bị ảnh hưởng nhiều nhất các tỉnh từ Hà Nội xuống ven biển, nhất là Nam Định, Thái Bình, Hà Nam. Vĩnh Phúc Yên, Hà Đông, Sơn Tây bị ảnh hưởng ít hơn.
Từ Phú Thọ trở lên không bị ảnh hưởng nhiều vì là rừng núi…
- Nguyên nhân.
Pháp và Nhật vơ vét để dự trữ lương thực, đánh nhau. Trong khi đó, vẫn thả bom, cao xạ vẫn bắn xối xả, người Việt Nam vẫn tiếp tục chết oan uổng. Thanh niên, sinh viên chúng tôi thời đó cũng tự hào vì đã làm được vài việc để giúp đỡ phần nào cho đồng bào trong cơn đau khổ vì đói rét.
𝐍𝐡𝐚̣̂𝐭 đ𝐚̉𝐨 𝐜𝐡𝐢́𝐧𝐡 𝐏𝐡𝐚́𝐩:
Dư luận đồn Nhật đảo chính Pháp càng ngày càng lan rộng, và việc phải đến đã đến.
21 giờ ngày 19/3/1945, tiếng súng rền vang trong thành phố và vùng phụ cận. Nghe tiếng súng nổ, mọi người đoán ngay là Nhật đánh Pháp. Chúng tôi, thanh niên tỉnh lên sân thượng tầng 3 để quan sát, nhưng có chỉ thị của Ban Giám đốc bảo xuống phòng vì nguy hiểm. Tuy xuống phòng nhưng ai cũng ngóng ra cửa sổ nhìn bên ngoài. Vì là người chủ động, Quân Nhật đè bẹp Pháp cách dễ dàng, Quân Pháp hoặc đầu hàng hoặc bị bắt sau vài giờ giao tranh. Riêng căn cứ ở khu cột cờ (Thành cũ của VN xưa có xây cột cờ cao ở giữa) là căn cứ chính của Pháp ở Hà Nội, gan dạ chống trả đến cùng. Quân Nhật xung phong nhiều đợt, bị thiệt hại nặng mà không chiếm được.
Hôm sau khoảng 2 giờ chiều, Nhật làm áp lực với Toàn quyền Jean Decoux, bị giữ ở Sài Gòn (được mời vô Sài Gòn dự tiệc rồi bị giữ luôn để Nhật tấn công) phải gửi lệnh “buông súng” và dùng máy bay thả xuống. Bên trong họ mới chịu buông súng. Tại căn cứ này, Nhật thiệt hại nặng.
Chính từ căn cứ này mà người VN đánh giá Bộ Tham mưu Nhật với một giá rất thấp.
- Phía Nhật đã hoàn toàn làm chủ lãnh thổ và tuyên bố Nhật có ý lập khu thịnh vượng chung vùng Đông Nam Á.
- Phía Pháp, một số bị bắt làm tù binh, một số tự tử bằng cách lái xe đâm thẳng xuống, một số chạy sang Tàu theo mọi ngã có thể được. Nhóm này vất bỏ súng ống rải rác khắp các nơi họ chạy qua.
Mặc dầu Pháp cai trị VN ác nghiệt, nhưng lúc chạy qua làng nào cũng được giúp đỡ, vì người Việt đã không thèm đánh người đã ngã ngựa, nhưng chính những vũ khí bị vất bỏ này đã làm náo loạn các vùng quê, sẽ nói sau.
- Về phía chính quyền VN, vua Bảo Đại xé hòa ước ký với Pháp 80 năm về trước và tuyên bố VN độc lập thống nhất.
Vua Bảo Đại mời ông Ngô Đình Diệm ra lập Chính Phủ, nhưng ông Diệm từ chối. Tôi có đọc Trung Hòa Nhật Báo có lời tuyên bố của Vua Bảo Đại: Trẫm đã mời Ngô huynh 2 lần ra lập Chính Phủ, nhưng Ngô huynh từ chối, lấy lý do vừa trốn Pháp cần nghỉ một thời gian
Lúc đó, ông Ngô Đình Diệm chấp nhận việc thành lập Chính Phủ với điều kiện Nhật phải chấp nhận có Bộ Quốc Phòng và khoảng 20,000 quân tự vệ, nhưng Nhật không đồng ý, do đó ông Diệm đã từ chối lập Chính Phủ.
Sau đó, Ông Trần Trọng Kim, một học giả thiên về Nho Giáo đã thành lập một Chính Phủ không có Bộ Quốc Phòng, còn thành phần Chính Phủ gồm toàn trí thức chỉ có tính cách chuyên môn, thiếu khả năng chính trị, không có tinh thần tranh đấu, ươn hèn, một số thiên tả như Hoàng Xuân Hãn, Trịnh Đình Thảo, Bác sỹ Vũ Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Y Tế trên đường từ Hà Nội về Hà Nam bị máy bay đồng minh bắn chết.
Chính Phủ Trần Trọng Kim lấy lá cờ Quẻ Ly làm Quốc Kỳ và Quốc Ca, tôi nhớ câu đuôi
" 𝘒𝑖̀𝘢 𝘯𝑢́𝘪 𝘷𝑎̀𝘯𝘨 𝘣𝑒̂̉ 𝘣𝑎̣𝘤 𝘤𝑜́ đ𝑎̂́𝘵 𝘵𝘳𝑜̛̀𝘪.
Chính Phủ Trần Trọng Kim đặt 2 Khâm sai ở Bắc Việt và Nam ở Hà Nội. Phan Kế Toại, một quan lại cao cấp của Pháp, vừa ươn hèn, vừa thiên tả. Sau này được việt cộng đặt làm Bộ trưởng Nội Vụ bù nhìn. Ông Nguyễn Văn Sâm được cử làm Khâm sai ở Sài Gòn có tinh thần tranh đấu cao và sau này bị việt cộng ám sát
Tôi thấy Chính Phủ Trần Trọng Kim có thể chỉ hợp với thời bình.
- Về các cơ quan văn hóa của Pháp, các Giáo Sư bị bắt nhà trường đóng cửa. Riêng trường tôi không phải của Pháp, mà là của Giáo hội Công giáo, nhưng Ban Giám đốc là người Pháp nên cũng bị ảnh hưởng.
Từ ngày 19/3 chúng tôi chỉ chờ Nhật tới, xem kết quả ra sao. Chúng tôi thầm nghĩ các Cha Giáo Sư chắc chắn sẽ bị bắt, và số phận chúng tôi không biết về đâu. Nhưng dù sao việc học cũng bị gián đoạn. Về phần các Cha, chắc chắn trong lòng có thể lo âu, nhưng bề ngoài vẫn tỏ ra bình tĩnh, giờ giấc vẫn như thường. Các Ngài luôn luôn nhắc nhở chúng tôi nếu quân Nhật có đến thì cứ bình tĩnh, đừng làm gì để người Nhật hiểu lầm là chống đối. Các Ngài đã chuẩn bị sẵn sàng, chấp nhận bất cứ gì xảy ra cho thể xác.
𝐍𝐡𝐚̣̂𝐭 đ𝐞̂́𝐧 𝐭𝐫𝐮̛𝐨̛̀𝐧𝐠:
Sau 3, 5 ngày Nhật đảo chánh, chúng tôi đang học như thường, nói như thường chứ thật sự trong lòng vẫn hồi hộp, hoang mang, không biết số phận các Giáo Sư và chính mình ra sao? Thì ông gác cổng già dẫn 3 người Nhật vào, người đi giữa có vẻ là sỹ quan cấp Tá, và 2 người hộ vệ, mỗi người đeo bên hông một cái kiếm dài lê thê, lên văn phòng Cha Giám Đốc. Cha Bùi (Bouis) đang dạy chúng tôi nhìn ra cũng như chúng tôi, rồi cứ dạy tiếp như không có chuyện gì xảy ra. Khoảng 10 phút sau, có người đến mời Cha Bùi lên văn phòng Cha Giám Đốc. Trước khi rời lớp, Ngài nhắc chúng tôi bình tĩnh. Chúng tôi ngồi lớp bàn tán nhỏ với nhau. Nhật tập trung các Giáo Sư tại văn phòng Cha Giám Đốc. Tôi nghĩ ngợi nhiều, nếu bị bắt thì làm sao? Nhưng chắc chắn không dễ dàng vì trường chúng tôi không dây vướng đến chính trị. Nhưng có một điều là phòng chứa dụng cụ của Cha Giáo Sư dạy về Khoa học có đủ những thứ cần thiết để ráp các máy như Radio rất hiếm thời đó (50 năm về trước). Với trình độ kỹ thuật của Nhật, phải hiểu đó là loại bình dân. Cứ nghĩ lung tung như thế, rồi xì xào với nhau ra nhiều giả thuyết.
Khoảng hơn một giờ, thấy Cha Giám Đốc dẫn 3 người Nhật đi thăm các phòng. Vào lớp tôi, học trò đứng dậy, người Nhật có vẻ Sỹ quan giơ tay theo kiểu kêu chúng tôi ngồi xuống, viên Sỹ quan này nói được tiếng Pháp. Họ đi thăm hết các phòng kể cả nhà kho như gạo rồi rút lui. Từ khi vào trường đến khi họ ra khoảng 2 tiếng.
Tiễn họ ra cổng rồi, Cha Giám Đốc tập trung cả trường vào nhà hội nói lại: "sau khi trả lời hết những câu họ hỏi và đi xem xét các phòng của trường, họ (người Nhật) kết luận về số phận của Cha cũng như nhà trường, trình cấp trên của họ quyết định". Rồi Ngài tuyên bố: mọi việc từng ngày cứ diễn tiến như không có gì thay đổi, và giải tán để ăn cơm trưa.
Trong khi ăn cơm và sau đó, chúng tôi thảo luận và đi đến kết luận: người Nhật đã xử sự một cách lịch sự, trí thức, không hằn học, cục cằn. Nhưng với số phận các Cha, nhà trường họ vẫn chưa dứt khoát để đi đến kết luận. Thế cũng tạm ổn, đến đâu hay đến đó, tùy cơ ứng biến.
Chúng tôi vẫn tiếp tục học như thường, trong lòng vẫn hoang mang. Rồi 1 tuần, 2 tuần một, thấy không gì xảy ra. Lúc đó rỉ tai nhau: người có thẩm quyền quyết định việc này, là Đại Sứ Nhật ở Pháp trước kia, cho nên có nhiều ân tình với các Giáo Sư người Pháp nhất là các Giáo Sỹ.
Năm học này đã phải kết thúc sớm hơn mọi năm cả tháng. Chương trình học cũng hết, nhưng kết quả tiếp thu kém hơn nhiều, vì cuộc chiến gây nhiều đau khổ cho đồng bào, cũng như sự không hay cho các trường nói chung, cho trường tôi nói riêng. Nhưng chúng tôi sinh viên cũng tự yên ủi là mình đã đóng góp phần nào để làm giảm sự đau khổ của đồng bào. Sau ngày Nhật đảo chính, đồng bào có câu thơ mỉa mai :
“𝘕𝘩𝑎̣̂𝘵 𝘤𝑢̛𝑜̛̀𝘪, 𝘛𝐚̂𝘺 𝘬𝘩𝑜́𝘤, 𝘛𝑎̀𝘶 𝘭𝘰, 𝘝𝘕 đ𝑜̣̂𝘤 𝘭𝑎̣̂𝘱 𝘯𝑎̆̀𝘮 𝘤𝘰 𝘯𝘨𝘰𝑎̀𝘪 đ𝑢̛𝑜̛̀𝘯𝘨”.
𝐋𝐨̣̂𝐧 𝐱𝐨̣̂𝐧 𝐯𝐮̀𝐧𝐠 𝐪𝐮𝐞̂:
Như tôi vùa viết, năm học bế mạc sớm hơn, tôi về quê cách Hà Nội 58 km, cho anh chị tôi khỏi mong, vì rất lo lắng khi nghe tin Nhật đánh Pháp. Dĩ nhiên là cả nhà vui mừng thấy tôi về. Vùng quê lúc đó thật là hỗn độn thê thảm, hỗn quân hỗn quan, an ninh trật tự hoàn toàn không còn.
Nhật chưa để ý đến vùng quê. Chính Phủ Trần Trọng Kim cũng chưa ngó ngàng đến dân chúng ở các làng mạc. An ninh là do các quan từ thời Pháp vẫn còn cũng đang lo số phận của mình.
Vẫn mấy ông lính lê dương, không có súng đạn, chỉ đi đưa "trát", các “trát” này đều là chỉ thị, thông báo của Tỉnh, Huyện đưa đến các làng còn dân chúng. Để thủ thân, dân chúng, nhất là bọn trộm cướp thì lượm được nhiều súng đủ loại do quân Pháp bỏ lại. Người không lượm dùng vì ở những làng không có quân Pháp chạy qua, thì mua của những làng lượm được: 300 đồng Đông Dương một khẩu (1 tạ gạo = 150 đồng). Những bọn lưu manh tập hợp thành băng, đảng, ban ngày vác súng đi nghênh ngang bắn bừa bãi. Ban đêm vào các nhà khá giả lắm tiền, lấy đồ, dân làng lúc nào cũng nơm nớp lo âu, sợ bị bắn nhầm chết oan, sợ bị cướp của. 4, 5 giờ chiều mùa Hè còn nắng chói chang mà đã phải đóng cửa, đóng cổng.
Giữa hai làng đã phải kéo tre ra làm hàng rào cản, có đau ốm đành chịu. Có nhiều nhà giàu lén đi đêm với đứa đứng đầu băng đảng.
Có một vài tỉnh, ông Tỉnh trưởng dẹp những tụi côn đồ, đi giữ trật tự cho dân như: Nguyễn Trọng Tấn, Cung Đình Vận, đã bị việt cộng tử hình khi chúng mới nổi lên (tháng 8/1945) vì mang tội là “đàn áp cách mạng”.
𝐓𝐡𝐚𝐧𝐡 𝐧𝐢𝐞̂𝐧 𝐏𝐡𝐚𝐧 𝐀𝐧𝐡:
Khoảng tháng 6, Bộ thanh niên do Phan Anh cán bộ, tổ chức một nhóm thanh niên đến các làng xã gây khó cho dân. Lại chính những bọn côn đồ lợi dụng danh nghĩa thanh niên thân Nhật, làm nhiều việc ức hiếp, chống lại các viên chức cũ cho là của Pháp. Cạnh tranh từ việc nhỏ đến việc lớn, miễn là có chút lợi.
Về phía các viên chức Huyện từ thời Pháp phải thiên về nhóm thanh niên này.
𝐂𝐡𝐮𝐲𝐞̣̂𝐧 𝐭𝐫𝐨̂̀𝐧𝐠 Đ𝐚𝐲 𝐜𝐮̉𝐚 𝐍𝐡𝐚̣̂𝐭:
Đến thời điểm này, một số vùng quê miền Bắc, nhất là những vùng ven sông Hồng Hà có bãi phù sa để trồng các hoa màu như ngô, đậu, khoai .
Lấy lý do phục vụ chiến trường. Nhật đã cử người (2 người đến một làng) để trực tiếp đôn đốc phá hết các hoa màu đó, dù cải hoa đó chưa ăn được, có thứ chỉ cần nửa tháng nữa mới tạm ăn được cũng phải phá hết, để lấy đất trồng đay. Điều này làm thiệt hại đến đời sống dân quê và gây bất mãn rất nhiều.
Trồng đay cũng rất gian truân, hạt đay nhỏ hơn hạt thóc, từ lúc gieo hạt đến lúc chặt mất khoảng 4 tháng. Khi đay già rồi, chặt đay đem về bào vỏ, cây vất đi làm củi, còn vỏ đem ngâm độ một tuần, rồi đem giặt cho hết chất xanh, rồi phơi khô, khô rồi đem cân cho Xã, Xã tập trung đem cân cho Nhật, Nhật trả tiền cho Xã, Xã trả lại cho người trồng đay. Từ khi cân đay cho Xã, đến khi được lãnh tiền, ít nhất cũng nửa tháng, giá bán đay lại chính người Nhật ấn định.
𝐍𝐡𝐚̣̂𝐭 𝐭𝐡𝐮 𝐥𝐮́𝐚:
Nạn đói xẩy ra từ tháng 1/1945 vì Nhật & Pháp cùng thu mua thóc mùa tháng 10 năm trước. Nhật trực tiếp thâu (Pháp đã thua) thóc gặt tháng 5 gọi là lúa Chiêm. Cũng như thể thức trước, không phân biệt ruộng tốt xấu. Người có ruộng tự cấy hay cho tá điền cấy, cũng phải nộp theo tiêu chuẩn mỗi mẫu (hecta) là bao nhiêu và phải đúng thời hạn. Sự kiện này gây khốn đốn cho những nhà có ruộng mà không tự cấy được mà vẫn phải bán cho Nhật đủ số thóc như tự mình cấy lấy. Về thời hạn cũng rất khốn đốn cho người có ruộng, vì không có phương tiện chuyên chở.
Có nhiều chủ ruộng bị bắt giam, trong đó có các vị Linh Mục, Cha Sở xứ Phú Nghĩa thay Cha Hương cai quản 300 mẫu ruộng, dân địa phương quen gọi là ấp Cố. Ấp này vẫn cho dân chung quanh cấy chia, mỗi mẫu đóng cho nhà Chung 250 kg gạo, trong khi người ngoài chia cấy, lấy mỗi mẫu 400 kg. Như vậy thực tế Cha Sở chỉ thu lợi có 100 mẫu, nhưng Nhật đòi phải đóng đủ 300 mẫu. Nếu bán tất cả cho Nhật số đã thu được cũng chưa đủ .
Chuyên chở lại khó khăn, từ ấp đến huyện, cách nơi Nhật ngồi thâu thóc là 8 km. Mỗi ngày Cha Sở phải mướn 15 người, mỗi người gánh được 30 kg như thế mấy tháng cho xong, ngoài ra không còn phương tiện chuyên chở nào khác. Lúc đó đâu có xe hơi chuyên chở trên con đường mà xấu, gồ ghề ở vùng quê, chiếc xe đạp là văn minh rồi. Nhật cho là thiếu thiện chí, bắt giam Cha và nhiều người có nhiều ruộng cũng bị bắt giam như vậy.
Được tin Cha Sở Phú Nghĩa bị Nhật bắt giam vì bị cho thiếu thiện chí, tôi vội vàng vào Phú Nghĩa để phụ giúp tìm cách giải quyết. Tôi đi kiếm khắp nơi mượn được 3 xe bò hơi giống xe ba gác. Xe này chỉ cần 1 người kéo 2 người đẩy, và chở được khoảng 2 tạ, mỗi ngày 3 xe x 2 tạ = 6 tạ. Nhật liền cho Cha Sở về, còn tiền mua thóc thì Nhật gửi vào ngân khố và cấp cho người có thóc một biên lai, khi bán đủ số thóc, sẽ đem biên lai đến ngân khố nhận tiền. Lúc này dân quê cho là Pháp nói đúng là Nhật sẽ đè nén đồng bào VN gấp đôi.
Nhật bắt đầu để ý tới vấn đề an ninh tại thôn quê. Nhật đánh phủ đầu một vài người mà không rõ có tội hay không. Tin đồn lan ra rộng rãi, Nhật chém người chỗ này, xiên người nơi kia, đồng thời chỉ thị các làng xã khác khai báo những người có thành tích bất hảo. Chỉ thị này lại qua hệ thống Tỉnh, Phố, xã vẫn do các quan và viên chức thời Pháp thi hành vì Chính Phủ Trần Trọng Kim chưa có thay đổi gì ở các tỉnh. Nhờ theo hệ thống cũ đó, các băng đảng làm loạn mấy tháng trước đều sợ hãi đến năn nỉ các viên chức để khỏi kê khai và bắt giao cho Nhật nên đều im lặng, lại đến cầu cứu các viên chức tha thứ. Do đó các làng mạc thật yên tĩnh, trộm cướp hết đường làm ăn.
Nhưng việc kê khai những tên trộm cướp trong làng gây nhiều khó khăn sau này cho các viên chức thi hành. Điển hình là làng tôi, ông Lý Trưởng (người đứng đầu làng thời đó) rất ngần ngại khai tên, sợ sau này bị trả thù, nhưng những nhà bị bọn du đãng trộm cướp làm hại, ngầm rỉ tai nhau nếu ông Lý Trưởng không kê khai, họ sẽ tố với Nhật là ông thông đồng. Do đó ông phải khai một tên trộm cướp khét tiếng, cả làng đều ghét. Căn cứ tờ khai của Lý Trưởng, Nhật bắt đi, không rõ Nhật phạt anh cướp đó cách nào, rồi không thấy anh ta trở về. Anh cướp khét tiếng này mất tích đã làm cho ông Lý Trưởng bị việt cộng kết tội: đàn áp cách mạng vô sản và phải đền nợ máu 1959, nhưng may mắn cho ông đã bỏ vợ con trốn vào Nam.
Trở lại việc chuyên chở lúa bán cho Nhật, tôi giúp việc chở thóc bán cho Nhật đến ngày Cha Sở Phú Nghĩa được tha, và cũng nhờ sự điều động này tôi biết Nhật không trả tiền mặt, mà cấp cho một biên lai mỗi chuyến nộp bao nhiêu, còn tiền gửi vào ngân khố, hẹn khi chở hết số phải nộp sẽ lãnh tiền ở ngân khố. Nhờ biết rõ vậy mà sau này chính tôi đã đòi được số tiền này do việt minh (việt cộng) đã nắm chính quyền (sẽ nói sau).
Cha Sở được thả rồi, tôi cũng được chỉ thị sửa soạn về học. Năm học này được khai giảng sớm hơn vì đã đi nghỉ hè sớm hơn.
Chúng tôi đi nghỉ hè chưa được bao lâu, thì nghe tin Đức đầu hàng đồng minh 4/5/1945, ai ai cũng đoán sớm muộn Nhật cũng sẽ đầu hàng. Nhưng quân đội Nhật vẫn hung hăng con bọ xít làm những việc gây bất mãn khắp nơi, phá hoa mầu, lấy đất trồng đay, thu thóc với giá rẻ .
Chính cá nhân tôi đây cũng bị oan ức, mặc dù nguyên cớ không phải là Nhật, nhưng do Nhật thiếu sáng suốt nguyên nhân xảy ra.
Mỗi tuần chúng tôi đi chơi một buổi chiều thứ Tư, địa điểm hay đến là cửa Chùa có cây um tùm, mát mẻ và có nhiều vị Sư đáng kính. Cũng như mọi khi toán tôi có 7 người (mỗi toán đi chơi là 6, 7 người) vào Chùa (tôi quên mất tên), vào thăm vị Sư. Đang trò chuyện như thường, thì có tiếng chuông, trống mà đánh vang ầm ỹ. Chúng tôi hỏi vị Sư có gì lạ? Vị Sư trả lời: “không rõ, chắc có chuyện gì của làng”. Sau vài phút, thì một lũ người gậy gộc hùng hổ chạy vào miệng hô lớn: “chúng nó đây rồi, chúng nó đây rồi”. Họ bắt dẫn chúng tôi ra đình làng và luôn miệng hô: “có người trông thấy chúng nó bỏ thuốc độc xuống giếng”. Thời đó có tin đồn là có người do Tây mướn đi bỏ thuốc độc xuống giếng nước. Chúng tôi hết sức phản đối và nói “ai trông thấy chúng tôi bỏ thuốc độc xuống giếng và giếng nào, chúng tôi xin uống nước giếng đó”, để chứng minh sự vô tội của chúng tôi. Vị Sư khả kính cũng luôn miệng mô Phật và nói: “các cậu này vẫn thường đến thăm tôi trong các ngày nghỉ và hôm nay cũng vừa đến thăm, có làm gì đâu mô Phật”. Nhưng bọn dân quê cuồng tín, nhất định không nghe, dẫn chúng tôi đem giao cho Nhật ở bót cảnh sát Khâm Thiên, trước kia Pháp giữ, nay Nhật chiếm đóng.
Nhật chẳng hỏi han gì hết, giam chúng tôi vào phòng cùng với lũ trẻ ăn cắp, đánh lộn. Trưa hôm sau, một anh Nhật vào đưa 7 chúng tôi ra, nói tên tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp rồi cho sang một phòng giam khác chỉ có riêng chúng tôi, độ 14 giờ thì đưa cơm vô, theo tờ khai địa chỉ nó bảo nhà trường đem cơm tới. Thế là từ trưa hôm trước ăn cơm nhà trường, rồi đi chơi đến 14 giờ hôm sau mới có cơm. Chiều hôm đó Nhật cấp cơm, chúng tôi không ăn được vì không quen, vả lại mới ăn lúc 14 giờ. Tối hôm đó chúng tôi ngủ được vì quá mệt, và thấy cử chỉ của Nhật đưa ra phòng giam riêng cũng đỡ lo phần nào và nhà trường đã biết, chắc cũng đang lo đầu này đầu nọ.
Sáng ngày thứ 3 (từ khi bị đưa đến bót) khoảng 9 giờ, họ mở cửa nhà giam, đưa chúng tôi vào một phòng nhỏ, đã có một người Nhật ngồi đó và một viên thông dịch cũng là Nhật nói tiếng Việt. Người hỏi chúng tôi bữa nay là cấp trên của anh hỏi hôm bữa trước. Đầu tiên anh ta chỉ vào một cái máy và nói: “đây là kiểm tra sự nói thật hay nói dối” (tôi hiểu ngầm đây là máy dọa thì đúng hơn).
Họ bịt mắt chúng tôi và dẫn sang một phòng bên cạnh chắc cách nhau có cái màn và nhắc ngồi im không được xì xào. Rồi dắt từng người sang phòng để máy hỏi: tên tuổi, nghề nghiệp, trường sở, quê quán, với một giọng gay gắt, dữ dằn, kèm có ý đe dọa, hỏi được khoảng 20 phút, thì anh ta thét một câu giận dữ và nói “máy ghi là mày chưa nói sự thật”, rồi dẫn qua một cái cửa thấp lắm, vì thông dịch nói cúi xuống, lại nghe tiếng rút gươm lịch xịch, rồi ngồi ở đó, mắt vẫn bị bịt. Lần lượt hỏi tới 7 anh. Tôi là người bị hỏi thứ 3, bị bịt mắt nhưng nghe những tiếng quát tháo, tiếng gươm loảng xoảng, tôi nghĩ 2 anh kia chờ đợi nữa rồi và sắp đến mình. Tôi chỉ cầu nguyện, ăn năn tội, để được chết sạch tội.
Khi được mở mắt ra, 7 anh đều sống cả, nhìn nhau phì cười. Và thấy trước mặt một người Nhật ăn mặc cevil (dân sự), miệng nhoẻn nụ cười và cúi đầu chào. Ông nói xin lỗi đã giữ chúng tôi 3 ngày. Ông nói tiếp câu chuyện bỏ thuốc độc vào giếng, ông ta nghe đã lâu, nhưng chưa có xảy ra cụ thể và cuối cùng hiểu đó là tin đồn nhảm, nên ông ta không hề hỏi han gì về vấn đề này. Nhưng dân chúng đưa chúng tôi lên đây, ông ta phải hỏi.
Ông đưa mỗi người một tờ giấy ghi 10 điều tâm niệm, người Nhật nào cũng phải biết, thì yêu cầu “các anh nên học” (đến nay tôi chẳng còn nhớ câu nào), rồi ông ta đi ra, để mặc chúng tôi. Khoảng nửa giờ sau, ông ta trở lại và đưa mỗi anh tờ giấy trắng và một cái bút, bảo viết 10 câu đó, anh nào xong trước về trước. Chúng tôi thuộc hay không thuộc cũng viết được hết, vì liếc nhìn nhau. Ông ta trở lại thu bài và xin lỗi, mở cửa mời chúng tôi ra. Chúng tôi ra hết, ông ta đứng cúi chào, có người dẫn ra tới cổng. Ở đây chúng tôi đã thấy Cha Giám Đốc vừa tới đón chúng tôi. Cha vui cười, bắt tay từng người và nói Nhật bảo đến đón các anh về.
Về tới nhà, Cha Giám Đốc bảo chúng tôi đi tắm ngay, quần áo mặc trong nhà giam thay ra đưa cho người phụ trách giặt phải nên kỹ, giày cũng phải đưa vì sợ rệp sẽ lan tràn vào trường. Chúng tôi về ngủ 2 ngày mới lấy lại được phần nào sức khỏe. Nhưng cũng tự yên ủi vì đã “tiếp máu nuôi ổ rệp được 2 tối”.
𝐍𝐡𝐚̣̂𝐭 đ𝐚̂̀𝐮 𝐡𝐚̀𝐧𝐠:
(viết ngày 𝟐𝟏/𝟏𝟐/𝟏𝟗𝟗𝟒)
Chúng tôi vào học chưa được một tháng, thì Nhật Hoàng tuyên bố 15/8/1945 đầu hàng khi 2 quả bom nguyên tử của Mỹ thả xuống Quảng Đảo (Hiroshima) và Trường Kỷ (Nagasaki).
Đối với chúng tôi hay những người theo dõi tình hình chiến tranh thì không ngạc nhiên về việc Nhật đầu hàng. Chúng tôi đã tiên đoán từ khi Đức đầu hàng 9/5/1945, Nhật sẽ không chống chọi được quá 5 tháng, như vậy là đầu hàng sớm hơn chúng tôi dự đoán 2 tháng.
Rất tiếc, Chính Phủ Nhật quá ngây thơ tin tưởng vào thiện chí của tên cộng sản Stalin chủ tịch Liên Xô, để nhờ Liên Xô làm trung gian với Hoa Kỳ xin đầu hàng, thay vì trực tiếp liên lạc với Hoa Kỳ. Có lẽ Nhật nghĩ rằng Liên Xô vẫn tôn trọng Hiệp ước
Bất Xâm Phạm giữa 2 nước. Nhưng Stalin thay vì nói với Hoa Kỳ về lời yêu cầu của Nhật xin đầu hàng, lại chuẩn bị tuyên chiến với Nhật và đem quân chiếm 4 đảo phía Bắc và chiếm luôn cả Bắc Triều Tiên, đưa hàng vạn quân đội Nhật đưa sang Tây Bá Lợi Á .
4 hòn đảo phía Bắc vẫn chưa trả lại cho Nhật, chính vì 4 hòn đảo này, mà sự liên lạc Nhật - Nga nhiều lúc rất căng thẳng.
-------------------------------
Bố tôi bắt đầu viết từ tháng 7/1992 và đến ngày 21/12/1994 thì ông ngưng lại. 1 tháng sau đó, ngày 23/1/1995, ông đã vĩnh viễn ra đi. Ngồi đọc lại những giòng hồi ký của ông, hiểu thêm được vài chuyện mà ông là một chứng nhân, nhưng nhiều thắc mắc của tôi vẫn chưa được “giải tỏa” nhất là những câu “sẽ nói sau” trong hồi ký. Tuy những tài liệu nói về như thế này, tôi có thể tìm đầy rẫy khắp nơi với thời đại bây giờ, nhưng tôi muốn nghe từ cái nhìn của chính ông, từ một thanh niên trên 30 tuổi, một nhân chứng sống của một phần lịch sử.
Sau ngày ông mất, mẹ tôi biến thành một con người hoàn toàn khác. Khi còn ông, bà nhanh nhẹn, tháo vát bao nhiêu thì bây giờ bà lại ngơ ngơ, ngác ngác bấy nhiêu. Hình như bà sống ở một thế giới khác, thế giới của Bố, của hai bên họ Nội-Ngoại. Những lần anh em trong nhà họp mặt, thấy bà cũng chú ý nghe, nhưng những câu trả lời lại không liên quan một chút gì đến câu hỏi, cứ quanh quẩn câu chuyện của Bố.
Bà sống không thể thiếu ông. 6 năm sau, thì bà cũng theo ông.
Ông-bà đã tái ngộ và đang thong dong hạnh phúc nơi chốn ấy.
Xin chấm dứt những giòng hồi ký của ông ở đây. nhưng tôi sẽ cố ráp lại từ nhiều mảnh, từ anh em trong gia đình để tiếp nối những phần dở dang mà ông đã viết.
Vũ Đăng Khuê
(Tháng 5/2021)