Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,
Chập chờn sống lại những ngày không…
(Nắng Mới, Lưu Trọng Lư)
Viết, để tưởng nhớ Mẹ tôi.
Nếu Tháng Tư là tháng của Tưởng niệm, thì với tôi, Tháng Năm là tháng để tưởng nhớ: Tưởng niệm ngày Quốc hận 30 tháng 4 chưa nguôi thì tháng Năm đã vội về, mang theo ngày Lễ Mẹ. Từ bao nhiêu năm qua, năm nào cũng thế. Đối với người còn Mẹ thì đó là ngày vui trong gia đình, để mọi ngưòi cùng nhau hân hoan chào đón. Nhưng riêng đối với người có mẹ đã khuất núi, thì đây là dịp để tưởng nhớ.
Ngày Lễ Mẹ vốn xuất xứ từ phương Tây, nay đã dần dần trở thành truyền thống tại nhiều nước trên thế giới, kể cả ở Việt Nam. Ở Canada, tháng Năm còn có ngày lễ Victoria Day, với Hội Hoa Tulips đầy ý nghĩa lịch sử của nó. Ấy là chưa kể, lễ Phật Đản, dù thuộc về tháng Tư âm lịch, nhưng lại cũng rơi vào tháng Năm (dương lich). Càng làm cho tháng Năm trở nên phong phú với những ngày lễ đặc biệt. Riêng đối với tôi, tháng Năm là tháng đầy ý nghĩa, vì có ngày giỗ Mẹ của tôi. Cho nên, hàng năm cứ đến ngày Mother’s day, các con tôi mong mỏi gặp tôi. Còn tôi lại nhớ đến …ngày giỗ Mẹ.
Mẹ tôi qua đời đến nay đã được đúng mười năm, vào tháng Năm; và đám tang mẹ tôi lại được cử hành đúng vào ngày Mother’s Day năm ấy. Tôi còn nhớ, hôm ấy bầu trời ảm đạm và thời tiết vẫn còn khá lạnh, mặc dù đã sang Xuân. Mưa bụi bay lất phất và lòng tôi thì buồn rười rượi. Chúng tôi theo xe tang đi vào nghĩa địa để làm lễ hoả táng. Mười năm rồi, mà còn tưởng như vừa mới hôm nào! Thời gian nhanh đến không ngờ… Tôi vẫn chưa quên buổi sáng hôm ấy, khi ở nhà quàn, gia đình làm lễ nhập quan, anh em chúng tôi lòng đầy cảm xúc, nhìn di ảnh Mẹ mà lòng nặng triũ…Nhưng tôi cố nén nỗi đau, chú tâm niệm Phật A Di Đà và Chú Vãng Sanh để linh hồn mẹ tôi ra đi trong yên ổn. Dù thương xót mấy, tôi cũng không thể kêu gào thành tiếng được. Lòng thì xót mẹ, nhưng tôi lại cũng ý thức rất rõ, rằng ngay trong giây phút người thân vừa nằm xuống, điều quan trọng nhất là không nên than khóc, để linh hồn khỏi vương vấn cõi trần. Điều này tôi cũng đã thực hiện đối với ba tôi, cách đó tám năm về trước. Ông anh tôi có lẽ vì xúc động quá, nên không nói nên lời. Trong lúc bối rối ấy, tôi được giao cho … nhiệm vụ, thay ông anh, nói lời cảm tạ đối với sư thầy hộ niệm và quan khách cùng những vị thân quen trong Cộng đồng. Trong hoàn cảnh ấy, tôi cũng đành phải thu hết can đảm, nén cảm xúc, để nói năng cho đỡ ấp úng. Tôi cũng không nhớ trong giây phút ấy, mình đã nói những gì. Chỉ biết rằng cảm xúc thế nào thì nói thế ấy. Bây giờ tôi chỉ còn mang máng nhớ lại. Tôi đã cảm ơn vị sư chủ trì lễ hộ niệm, cảm ơn các quan khách trong cộng đồng đã bao nhiêu năm gắn bó với bố mẹ tôi. Và giờ đây đã vẫn chí tình, quan tâm đến mẹ tôi. Nhưng đến phần nói lời vĩnh biệt với mẹ thì tôi thực sự không ngăn được nước mắt. Tôi nói lời tạ lỗi với mẹ tôi, vì tôi đã không thực hiện được điều mong muốn tầm thường nhất: Được sống với mẹ tôi những năm cuối cùng để phụng dưỡng. Tất cả cũng chỉ vì công việc, vì hoàn cảnh, và không gian xa cách. Từ Đông sang Tây, cách nhau hàng mấy ngàn cây số. Mà chỉ có thể về thăm. Nhắc đến sự ra đi của Mẹ tôi và lòng hối tiếc của tôi khi không có dịp ở gần mẹ, tôi xúc động đến phải khựng lại một lát, để …nức nở. Tôi nhắc đến đâu, laị nghe tiếng nấc nghẹn ngào của các anh chị em tôi. Và trong quan khách, nhiều tiếng sụt sùi. Tôi không định làm cho mọi người phải buồn lây. Nhất là tôi không muốn mẹ tôi phải “chứng kiến” cảnh tượng và tâm trạng xót xa của chúng tôi. Nên lại cố tỉnh táo để cầu mẹ tôi ra đi được thanh thản và được về cõi Tây phương, xa lánh cõi trần ai bụi bậm đầy phiền não này. Tôi cũng xin tạ lỗi vì đã định không khóc để mẹ tôi được yên tâm ra đi; nhưng vì xúc động quá, không nén được. Tôi tin rằng mẹ tôi thấu hiểu. Cuối cùng, tôi cũng làm xong … công tác khó khăn này. Viết đến đây, mắt tôi còn nhoè vì sống lại với tâm trạng lúc ấy. Nói về Mẹ không hết được, vì còn biết bao nhiêu điều nữa, trong suốt cuộc đời dài…
Trong thâm tâm tôi, từ lâu, ngày nào cũng là ngày của Mẹ. Không cần đợi đến ngày lễ Mẹ mới tưỏng nhớ. Vì quả thực, từ bao nhiêu năm nay, tôi luôn nghĩ và nhớ đến mẹ tôi, hầu như mỗi ngày Không phải nhớ để buồn phiền hay than vãn. Nhưng nhớ về những kỷ niệm xưa – tuy có lắm bùi ngùi – cũng đủ thấy lòng ấm hơn. Những lúc ấy, tôi thấy mình thật may mắn: Vì đã trưởng thành, đã trải đời, đã lớn tuổi rồi vẫn còn có bố, mẹ. Vẫn nghĩ, và vẫn nhớ nhiều, kỷ niệm êm đềm những ngày còn bé. Nhiều, không kể hết được trong vài trang giấy. Và, chắc không ai có thể tưởng tượng rằng, cho đến giờ phút này tôi vẫn còn có có ý nghĩ, giá mẹ tôi còn sống thì tôi sẽ được dịp hỏi han nhiều chuyện đời hơn.
Tôi nhớ mẹ chỉ tự nhiên thôi, không “cố ý”. Nhưng có lẽ những hình ảnh, ý nghĩ, lời nói của Mẹ tôi đã quá quen thuộc, gần gũi, nên còn đọng trong tiềm thức tôi, khó phai nhạt. Quả đúng là “Hình bóng mẹ tôi chửa xoá mờ, hãy còn mường tượng lúc vào, ra…”. Chỉ khác một điều là mẹ tôi không có “nét cười đen nhánh sau tay áo” như bà mẹ trong thơ Lưu Trọng Lư, mà tôi yêu thich từ ngày còn nhỏ. Nhưng tôi vẫn nghĩ”Mẹ là mẹ, đâu có nhất thiết mẹ phải là thế này, thế kia; hay phải giống những bà mẹ khác, mới là…Mẹ?.
Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa quên bài thơ mà tôi đã được học từ những ngày còn nhỏ, bài “Nắng Mới” của Lưu Trọng Lư. Ngày ấy, khi đọc đến câu “Tôi nhớ mẹ tôi thuở thiếu thời, Lúc người còn sống tôi lên mười” tôi cảm động và thương cho tác giả đã sớm mất mẹ. Và, tôi cảm thấy mừng rằng mình may mắn, vì còn mẹ. Bây giờ khi nhớ lại bài thơ, cũng vẫn cảm xúc ấy, tôi muốn đổi thành “lúc người còn sống tôi… năm mươi”, vừa gần với thực tế, lại vừa hợp với vần điệu. Từ trước đến giờ tôi vẫn yêu thích bài thơ, tưởng rằng chỉ có mình mới thích thơ … thẩn thôi. Hoá ra, sau này, tôi mới biết là cũng có rất nhiều người thích như tôi. Lời thơ mộc mạc, đơn sơ. Hình ảnh bà mẹ chân phương với hàm răng đen nhánh, trước giậu thưa, phơi áo, dưới ánh nắng trưa hè. Khung cảnh êm đềm, quen thuộc ấy chỉ có thể tìm thấy ở thôn quê: song cửa, nắng mới ngoài (đồng) nội, cùng với tiếng gà xao xác ban trưa. Tất cả đều rất quê hương và rất “việt nam”. Nghe man mác, và buồn vời vợi… Tôi yêu bài thơ này những ngày tôi còn mẹ, ở quê nhà. Lúc thầm ngâm nga bài thơ ấy, tôi đã nghĩ đến mẹ tôi. Và bây giờ, khi nghĩ đến mẹ tôi, tôi lại nhớ đến bài thơ này. Có lẽ tại chữ “Mẹ” rất thân thương và những hình ảnh bình dị chốn thôn quê chính là những hình ảnh của quê nhà thân yêu. Những hình ảnh ấy vốn đã ăn sâu vào tâm khảm, nên tôi thấy gần guĩ, gắn bó vô cùng. Mẹ tôi, hay “mẹ Việt Nam” cũng đều vô cùng cao quý.
Chả thế mà mất mẹ đã mười năm rồi mà tôi vẫn còn nằm mơ thấy mẹ tôi. Nhiêù lần tôi thấy bà đang nằm cạnh , nói chuyện với tôi. Cũng có khi ngồi bên tôi, cùng tham gia vào việc trong đời sống gia đình, nhắc nhở điều này, điều khác. Một cách lặng lẽ, rất tự nhiên, mẹ tôi cứ đi bên cạnh cuộc đời tôi, trong giấc mơ. Những lời nói, ý nghĩ, cử chỉ, hình dáng v.v… của mẹ tôi vẫn y như trong đời sống thường nhật. đến nỗi tôi tưởng như không phải là mình nằm mơ. Thế mới biết, không phải chỉ “phụ tử tình thâm” mà mẫu tử cũng …tình thâm, chẳng kém.
Không cần đợi đến ngày giỗ, hay ngày Mother’s Day, tôi mới nhớ mẹ; mà bất cứ khi nào, ở đâu, một hình ảnh nào gợi nhớ…Từ những ngày còn bé, chưa biết gì, cho đến lúc đã trưởng thành. Nhưng ít nhất ngày này cũng là một sự nhắc nhở, một sự hưởng ứng cho những người con còn có dịp làm một chút gì cho mẹ vui và cho gia đình cùng vui.
Ngày giỗ mẹ tôi năm nay, cũng như mọi năm, tôi làm cỗ chay, cúng mẹ tôi và bố tôi cùng lúc. Hai cụ mất cách nhau 8 năm nhưng ngày tháng gần nhau; nên anh em trong nhà thường làm giỗ chung một ngày. Làm chung, để thấy đầy đủ hơn và ấm cúng hơn. Khi mẹ tôi còn sống, bà luôn cúng chay, mỗi khi có giỗ. Nhất là, kể từ ngày qui y, mẹ tôi luôn chủ trương tránh sát sinh. Và tôi cũng đã quen như thế. Mẹ tôi thường bảo các cụ qui tiên lâu rồi, cúng chay cho dễ… giải thoát.
Thế là năm nay ngày giỗ Mẹ của tôi và mừng Mother’s Day cũng cùng một ngày. Nghe tưởng như mâu thuẫn (?). Nhưng tôi lại thấy có ý nghĩa đôi. Xong xuôi bổn phận đối với bố mẹ, tôi yên tâm . Không nỡ phụ lòng mấy đưá trẻ, tôi theo chương trình các con tôi đã định trước. Mấy mẹ con lái xe ra ngoài thành phố để hưởng không khí trong lành, yên tĩnh. Chúng tôi đi đến Deep Cove, là một thành phố nằm ở phiá Bắc của Vancouver. Cách khoảng 1 giờ lái xe. Nơi đây không gian yên tĩnh, không khí trong lành mát mẻ, có nắng phơn phớt, và gió nhẹ vừa đủ gây gây lạnh. Nơi đây, người người thoải mái, hồn nhiên. Đời sống họ sung túc nhưng giản dị, không bề ngoài. Đó có lẽ cũng là đặc điểm của ngưòi dân Bắc Mỹ. Trừ những lúc tiệc tùng, dạ hội, hay khiêu vũ thì mới cần đúng điệu…Và cũng chính nơi đây, chúng tôi có được những giây phút an lạc, thư thái.
Những ngày này, ở Canada còn là mùa Xuân. Người dân lại sắp chuẩn bị đi dự Hội Hoa. Tháng Năm trời đẹp, và hơi hơi lạnh, làm tôi nhớ mẹ tôi, và nhớ Ottawa, nơi mẹ tôi nằm xuống. Vancouver, tháng Năm, trời cũng đang đẹp. Và, nắng mới cũng vừa “hắt bên song”…
Nguyễn thị Ngọc Dung
**
Nắng Mới (Lưu Trọng Lư)
Mỗi lần nắng mới hắt bên song.
Xao xác gà trưa gáy não nùng;
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,
Chập chờn sống lại những ngày không.
Tôi nhớ Me tôi thuở thiếu thời,
Lúc Người còn sống, tôi lên mười;
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,
Áo đỏ Người đưa trước giậu phơi.
Hình dáng Mẹ tôi chửa xoá mờ
Hãy còn mường tượng lúc vào ra
Nét cười đen nhánh sau tay áo
Trong ánh trưa hè, trước giậu thưa.
**