Hồi ký của bố (tiếp theo) (kỳ 7)
------------
𝐍𝐡𝐮̛̃𝐧𝐠 𝐭𝐡𝐚́𝐧𝐠 𝐧𝐚̆𝐦 𝐓𝐡𝐚̂̀𝐧 𝐇𝐨̣𝐜
𝐓𝐫𝐢𝐞̂́𝐭 𝐥𝐲́ 𝐧𝐚̆𝐦 𝟐
Năm này cũng là năm đau khổ nhất của tôi:
Đã đến ngày trở lại trường, lần này tôi đi một mình bằng xe đạp có ý về thẳng. Nhưng anh tôi khuyên giữ sức, vì Sơn Tây lên xa và không phải mang đồ dùng lỉnh kỉnh như năm đầu.
Khác hẳn với năm trước, tôi vào trường một cách hiên ngang. Vì về việc học tôi không sợ khó khăn như năm trước, lại đã quen mọi luật lệ, đã có nhiều bạn. Cha Giám đốc thấy tôi khỏi bệnh, có vẻ hồng hào, Ngài vui vẻ nói chuyện và mừng cho tôi, khuyên cố gắng học phải có phương pháp mới giữ được sức khỏe. Bạn lớp cũ đã lên lớp Thần Học hoặc đi thực tập ở các xứ đạo, tùy luật lệ của mỗi giáo phận, nhưng lại có thêm bạn học triết mới vào. Năm nay cả cũ (lớp tôi là năm 2) và lớp mới năm 1, có 123 người. Thời gian học thì không thay đổi, nhưng khóa học đương nhiên có thay đổi.
𝐁𝐨̛ 𝐯𝐨̛!
Học chưa được một tháng, thì tôi phải chịu một cái tang đau đớn nhất sau 2 cái chết của Bố Mẹ ruột. Đó là bữa cơm tối, đến nhà ăn, tôi chưa ngồi vào chỗ ăn, thì Cha Giám đốc đến ghé vào tai tôi nói nhỏ: ăn cơm xong lên văn phòng gặp Cha. Tồi ngồi bàn ăn, trong lòng nghĩ ngợi lung tung, không biết chuyện gì đây. Nếu là lỗi cá nhân của tôi, thì chả bao giờ Cha Giám Đốc gọi vào giờ này, hay có gì không may xảy ra, và cứ nghĩ như thế nên chẳng ăn gì được, và tôi kết luận là sự rủi ro hơn là sự may mắn.
Cơm xong, tôi lên chờ ở cửa văn phòng, chỉ chốc lát Cha Giám Đốc lên mở cửa và chìa tay có ý mời tôi vào trước. Đến bàn giấy, Ngài chỉ tôi ngồi ghế, đây cũng là một cử chỉ khác thường, mọi khi có việc gì kêu lên, thì đứng nói vài phút, lần này lại chỉ ghế ngồi, tôi thêm nghĩ ngợi. 2 Cha con ngồi yên rồi, Ngài đưa một mảnh giấy điện tín, tôi đọc chỉ vỏn vẹn mấy chữ "Pere Tuyên decédi, Cha Tuyên mất rồi". Đọc xong, tôi tự nhiên khóc nức nở, Ngài yên ủi tôi và bảo tôi về phòng sửa soạn, sáng mai đi sớm. Hôm đó là 22/9/1943.
Cảm ơn Cha Giám Đốc, tôi lên phòng ngủ, vừa nức nở vừa kiếm mấy thứ lặt vặt cần thiết để mai đi sớm. Suốt đêm đó, tôi không tài nào nhắm mắt được, lúc đứng lúc ngồi chỉ mong chóng sáng để ra đi. Bạn ngủ cùng phòng là Phạm Thiết và Cương, hết sức yên ủi. Tôi cũng cố giữ bình tĩnh, để khỏi làm mất giấc ngủ của các bạn cùng phòng.
Đến 4 giờ sáng, tôi đã ra đi, xuống cổng còn đóng, tôi phải vào đánh thức người giữ cổng ra mở cho tôi. Ông già giữ cổng này rất thông minh, không ngờ bức điện tín tối qua chính ông đưa cho Cha Giám Đốc lại chính là của tôi, ông hiểu ngay và chia buồn với tôi.
Ra khỏi cổng không thấy một xe kéo nào (paques), phải đi bộ một khúc mới có xe kéo đến nhà ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội), tôi đi thẳng ra xe, quên cả lấy vé, người kiểm soát chìa tay hỏi vé, tôi mới nhớ ra và trở vào lấy vé. Lên xe chờ mấy phút mà tôi tưởng mấy ngày. Xe buổi sáng sớm còn rất ít người, cả tôi chỉ có 5 người. Tôi ngồi co ro một xó, buồn bã vẫn khóc nức nở, chẳng thèm nhìn ra hai bên như tôi vẫn quen từ trước. Được khoảng 6, 7 ga gì đó, thì có hành khách lên xe thấy ướt như chuột, tôi chợt nhìn ra ngoài mới biết trời đang mưa tầm tã.
Ngồi trên xe, trí tôi cứ nghĩ tới xác Cha Tuyên quàn ở đâu, nhà thờ hay nhà Cha ở?
Xe tới ga En, tôi xuống xe ra bến đò sang bên kia Sông Hồng Hà (bên Tử ngạn) tôi mới hay tôi đã xuống một ga sớm hơn, nhẽ ra phải xuống ga Vĩnh Châu về Ngô Xá chỉ có 3 km, xuống ga En phải cuốc bộ 5 km, đã trật rồi đành cuốc bộ dưới trời mưa như trút nước không ô dù về đến Ngô Xá.
Nước mắt tôi đầm đìa, cứ thế đi vô nhà thờ, nơi quàn xác Cha Tuyên, tôi nằm sụp xuống trước quan tài khóc thảm thiết. Thấy tôi, cụ Đồ (đã săn sóc tôi một tháng trước) và mấy người sợ tôi bị cảm, vào nhấc tôi dậy đưa vào nhà ăn, mấy bà thì lo đốt lửa cho ấm, rồi lấy gói đồ mà tôi mang theo từ nhà trường để kiếm quần áo khô, nhưng chẳng có cái nào khô, đành lấy tạm quần áo của mấy người anh cùng con Cha Tuyên đã về trước tôi. Thay xong tôi ra nhà thờ sụp trước quan tài, thì có người đến bảo Cha Sở muốn gặp (Cha Sở Du Bơ đến lo đám tang Cha Tuyên). Gặp Cha tôi xin lỗi Cha vì từ lúc vô tôi chưa chào Cha, Cha Sở nói không có lỗi gì mà phải xin, Ngài muốn báo cho tôi biết: “Cha Tuyên vẫn mạnh khỏe, không đau ốm gì mà mất từ sáng qua đến lúc này gần 2 ngày 1 đêm, cần phải đưa đi sớm, nhưng vì trời mưa quá chưa đem đi, lúc nào hết mưa phải đem đi ngay, không để đến mai được”. Tôi cảm ơn Cha và cảm ơn Chúa, nhờ mưa mà tôi được dự lễ mai táng Cha Tuyên, một người tôi phải biết ơn sau Cha Mẹ ruột.
Một tiếng sau thì trời hết mưa, chiêng trống nổi lên, giáo dân trở lại. Lễ mai táng bắt đầu, từ nhà thờ ra huyệt khoảng 500m, người tiễn đưa dài chật đường đến huyệt.
Cha Tĩnh (Cha phó Du Bơ) làm các nghi lễ trước khi hạ huyệt, tôi nhân danh con Cha đọc bài diễn văn, tôi vừa khóc vừa đọc, làm mọi người có mặt cũng khóc theo. Tôi cũng thay mặt cảm ơn các Cha (5 Cha dự lễ an táng) và mọi người.
Tham dự đắp mộ xong, mọi người giải tán ra về thì trời lại mưa lớn.
Tôi về nhà Cha khoảng 10 phút thì ông Tri huyện Cẩm Khê (xứ Ngô Xá thuộc huyện này, thời đó gọi là quan huyện) đến dự lễ an táng vì trời mưa đến trễ. Và cũng vì đang mưa lớn không ra thăm mộ được đành ra về.
Dự lễ mai táng có 5 Cha, khoảng 4,000 giáo dân, quan huyện Cẩm Khê. Gia đình ruột thịt có em ruột, em dâu, em gái, các cháu của Cha đến sau một ngày, nghĩa tử có 4 người kể cả tôi, giáo dân các xứ cũ nơi Cha Tuyên đã coi sóc Gia Thanh, Làng Lang cũng có mặt.
Hai ngày sau, chúng tôi 4 anh em cùng với em trai, em gái, em dâu, các cháu nội ngoại của Cha và một số giáo dân đem hoa ra mộ, đắp mộ lại sau cơn mưa lớn.
Đây là lần cuối cùng, chúng tôi gồm nghĩa tử, và anh chị em ruột thịt gặp nhau trước mộ Cha Tuyên. Từ mộ về tôi thấy thấm thía sự mồ côi phải đau khổ đến mức nào.
Thú thật khi Cha Mẹ ruột tôi mất, tôi còn quá nhỏ, 3 tuổi lúc Mẹ mất và 9 tuổi lúc Cha mất, chưa ý thức được sẽ đau khổ khi mất Cha Mẹ. Nay Cha Tuyên mất, tôi thấy đau khổ đã đến cực độ, lại nghĩ luôn đến sự mồ côi Cha Mẹ từ bé, tôi càng đau khổ hơn. Tôi đau khổ vì mồ côi bao nhiêu, thì tôi lại thương các chị và anh ruột tôi bấy nhiêu. Vì anh chị tôi phải trông nom tôi thay Bố Mẹ.
Thế là một đời người của Cha Tuyên đã chấm dứt, Cha hy sinh nhiều không những cho giáo dân theo bổn phận của một vị Linh Mục, mà còn hy sinh cho xã hội, can thiệp vào những việc áp bức và bất công, điển hình là chuyện:
Tại Phù Lỗ có chủ đồn điền gọi là đồn điền Phù Lỗ rất rộng cả mấy ngàn hecta, mở một cái chợ trong khu đồn điền, người thuộc đồn điền cũng như các dân lân cận vào chợ mua bán phải đóng thuế rất nặng, dân chúng kêu ca nhờ Ngài can thiệp (lúc đó Ngài ở xứ Gia Thanh, huyện Phù Ninh, Phù Lỗ thuộc huyện này). Ngài trực tiếp can thiệp với chủ đồn điền, chủ chỉ hứa hảo thấy không kết quả, Ngài can thiệp với ông Tri huyện Phù Ninh, ông Tri huyện hứa sẽ can thiệp để bớt thuế, chờ mấy tháng cũng không thấy kết quả, Ngài đã giúp đỡ mấy làng chung quanh đồn điền bằng cách mở một cái chợ khác cạnh chỗ của đồn điền khoảng 1 km. Các làng hết sức hoan nghênh và tích cực làm việc. Chợ thành hình các làng đua nhau đến chợ mới, chỉ trừ những người nằm trong đồn điền. Chủ đồn điền đến điều đình xin dẹp chợ mới và hứa sẽ bỏ luôn việc thu thuế, vì nông phẩm của đồn điền không bán được, vì dân đồn điền không mua được các thứ cần mà đồn điền không có. Cha nói “cái đó tùy ý dân”. Đó chỉ là một việc điển hình trong nhiều việc khác mà Cha Tuyên đã giúp dân làng trong vùng.
Sau khi viếng mộ với các em Cha, tôi vội về trường ngay, vì ở lại càng đau khổ giữa một số người đau khổ. Cha Tuyên mất là xong cuộc đời của Ngài, nhưng với tôi một năm học trong đau khổ và đau khổ theo cả đời tôi. Từ đó, mặt tinh thần tôi thiếu hẳn một tình thương, lời chỉ dẫn của một nghĩa phụ mà tôi đang cần có, về tài chánh anh chị tôi lo tất cả.
Cha Tuyên mất đi, tôi vẫn nhớ những lời Ngài chỉ dạy và cố gắng học để khỏi phụ lòng mong ước khi còn sống. Tôi luôn ghi trong lòng những gì Ngài đã dạy, nhất là khẩu hiệu: “Thiên Chúa, Tổ Quốc và Gia Đình cho người đời và Thiên Chúa, Tổ Quốc và Tha Nhân cho kẻ tu hành”. Tôi đã hứa trước mọi người trong kỳ nghỉ Hè cuối năm học đó và các kỳ Hè năm sau.
𝐋𝐞̂𝐧 𝐓𝐡𝐚̂̀𝐧 𝐇𝐨̣𝐜:
Năm học thứ 2 (năm 1943) trong nước mắt cũng đã qua tôi bắt đầu học năm 1 Thần Học (1943 - 1944).
Lớp Thần Học của tôi (không nhớ là bao nhiêu người, chỉ nhớ có 1 từ Thái Lan tên là Trung, Vientiane (Lào) 2 người, Prompenh Cao Miên 4 người, còn là từ Sài Gòn, Lạng Sơn, Vinh, Phát Diệm, Bùi Chu có người tên là Hiên và Tiên (sau này gặp cả 2 ở Sài Gòn), Hà Nội có 10 người, sau này gặp nhiều người ở Sài Gòn. Trong số sinh viên thuộc giáo phận Hà Nội vào lớp này có cả sinh viên Trịnh Văn Căn ở cùng phòng với tôi (vần C), sau này được phong Hồng Y, ngài mới mất năm 1990, và nhiều vị Giám Mục khác như Phạm Văn Đạt giáo phận Lạng Sơn, Ngô Tưởng Cường giáo phận Phát Diệm.
Dạy Thần Học là Cha Bùi (Bouis) sau này bị chết trong trại giam việt cộng ở Tuyên Quang. Học môn Thần Học cũng rất gay, vì giảng dạy bằng tiếng La Tinh, các môn khác như Khoa Học bằng tiếng Pháp. Năm Thần Học thứ nhất tuy có gay go vì học bằng tiếng La Tinh, nhưng mọi việc xong xuôi, không có gì đáng ghi và cuối năm và đi nghỉ Hè như thường lệ.
𝐓𝐡𝐚̂̀𝐧 𝐇𝐨̣𝐜 𝐧𝐚̆𝐦 𝟐 (𝟏𝟗𝟒𝟒 - 𝟏𝟗𝟒𝟓)
Năm thứ 2 Thần Học đầy những rủi ro cho đất nước nói chung, cho trường tôi nói riêng. Thời gian đó, chiến tranh lần thứ hai giữa phe đồng minh Mỹ, Anh, Pháp .
và phe trục Nhật, Đức và Ý đã đến lúc quyết liệt. Phe đồng minh đã có phần trội hơn Nhật về mặt không quân, đánh phá căn cứ trọng yếu của Nhật đã xây dựng từ 1939.
Tất cả những nơi trọng yếu của Nhật tại miền Bắc, nhất là Hà Nội và phi trường Gia Lâm, Hà Nội bị thả bom liên miên ngày đêm. Các nơi trong thành phố, bất cứ nơi nào có thể đào hầm trú ẩn là phải đào, trong nhà tư nhân, nhà trường, Các trường Tiểu học phải đóng cửa, những ngày trời tốt, nắng ráo thì dân thành phố ăn cơm thật sớm, bồng bế nhau tản ra các vùng lân cận, đến các nơi đến có cây cối um tùm, rồi khoảng 5, 6 giờ chiều kéo nhau về, sinh hoạt trong thành phố sút giảm hẳn, chúng tôi cũng ở trong tình trạng như mọi người. Mỗi lần có còi ai oán báo động, máy bay khu trục bay lên nghênh chiến, súng cao xạ phòng không bắn lên, coi như trời xập xuống. Sau mỗi lần hết báo động, kiểm điểm sơ sơ, cũng có vài chục sinh mạng VN bị hy sinh vô lý.
Ý thức được trách nhiệm của sinh viên và thanh niên trong thời chiến, đại diện sinh viên các trường Đại học và đại diện các đoàn thể như hướng đạo họp lại, để phân chia khu vực trách nhiệm giúp đỡ người dân. Trường tôi trách nhiệm khu nhà Thờ Catouch - Phố Ngọc Hà, đường Quần Ngựa, Ô Cầu Giấy chia ra từng toán: liên lạc, chuyển vận, chỉ dẫn ra hầm trú ẩn, cứu thương.
Nghe còi báo động phải bỏ hết mọi việc chạy ngay đến địa điểm đã được chỉ định, trường tôi có thêm ban kiểm soát. Kiểm soát ngay trong trường xem khi còi báo động có anh nào còn ở nhà, rồi kiểm soát các địa điểm có anh nào vắng mặt .
𝐆𝐢𝐚 𝐧𝐡𝐚̣̂𝐩 𝐛𝐚𝐧 𝐜𝐮̛́𝐮 𝐭𝐡𝐮̛𝐨̛𝐧𝐠,
Tôi xung vào ban cứu thương, khu vực trách nhiệm của trường tôi tương đối nhẹ hơn, vì xa căn cứ quan trọng của Nhật. Nhưng có một lần báo động, máy bay Đồng Minh thả bom xuống, ở dưới cao xạ Nhật bắn lên, tiếng kêu gọi của loa phóng thanh ầm ỹ "địch thả bom" thì thốt lên tiếng kêu thảm thiết, cách chỗ tôi đứng khoảng 200 ~ 300 m. Toán cứu thương tá hỏa chạy đến, mặc dù rất sợ vì phải ra ngoài sợ lộ, nhưng vì nhiệm vụ 3, 4 anh chạy đến trong đó có tôi. Đến nơi thấy một bà khoảng 50 tuổi đang nằm quằn quại và kêu khóc. Mấy anh xúm vào, anh khiêng chân, anh khiêng tay để đưa vào băng bó, nhưng bà ta dãy không chịu, miệng vẫn kêu và cứ ngắc ngắc về đằng trước, mọi người nhất định lôi bà vào, trên trời vẫn tiếng bom, tiếng cao xạ lẫn lộn. Một anh sáng ý chắc gần đây có hầm, gia đình bà ở hầm đó. Một anh chạy xuống, hầm cách đó chừng 50, 60m, thấy 2 ông bà, hỏi thì không ai bị thương, anh ta nói lại: có người bị thương ở trên kia, ông ta hốt hoảng chạy lên nói ngay “vợ tôi, ở dưới hầm tôi không nghe thấy gì”. Vài phút còi hết báo động, 2 cô cậu thanh niên cũng tới, bà còn ở hầm cũng lên.
𝐂𝐮̛́𝐮 𝐭𝐡𝐮̛𝐨̛𝐧𝐠 𝐯𝐚̀ 𝐜𝐮̛́𝐮 𝐠𝐡𝐞𝐧!
Có một chuyện thật buồn cười: ông ta chỉ cậu thanh niên và phân trần: “lỗi tại thằng này, số là thằng con trai tôi có yêu cô này (chỉ cô thanh niên) còn bà này (chỉ bà ở chui từ dưới hầm lên, mẹ của cô thanh niên). Con trai tôi yêu cầu vợ chồng tôi đến ngỏ lời với bà này để xin phép cưới cô này. Vợ tôi bận không đi được, chỉ mình tôi dẫn con trai đến, vừa vào câu chuyện thì có còi báo động, 2 đứa cháu chạy đi trước, còn tôi thì cố nán lại để nói chuyện cho xong. Không ngờ lần này bắn phá dữ dội quá, phải chạy với bà này tìm hầm mà xuống, mà hầm nào cũng đầy người, mãi đến hầm này mới trống, đành xuống vậy. Bà vợ tôi cũng chạy, trời xui đất khiến sao đó bà lại vào đúng ngay hầm này, khi thấy tôi bà vợ tôi hét lên: “con đĩ kêu đến đây phải không"? Cậu con trai phải đến sụp lạy: “xin Mẹ đừng hiểu lầm” và năn nỉ để đưa Mẹ về. Còn tôi phải quay lại xin lỗi bà xui tương lai cũng như cô con gái hãy bỏ qua lúc vợ tôi lên cơn nóng giận nói bậy”.
Đến đây thì hạ màn cứu thương, thật ra cứu "ghen", chúng tôi vừa cười vừa vội về để tiếp tục học.
(Còn tiếp 1 kỳ nữa)