(Tiếp theo kỳ trước)
𝐍𝐡𝐮̛̃𝐧𝐠 𝐧𝐠𝐨̂𝐢 𝐭𝐫𝐮̛𝐨̛̀𝐧𝐠 𝐛𝐨̂́ đ𝐚̃ đ𝐢 𝐪𝐮𝐚
-------------------
𝐕𝐚̀𝐨 𝐭𝐫𝐮̛𝐨̛̀𝐧𝐠 𝐒𝐭 𝐒𝐮𝐥𝐩𝐢𝐜𝐞 (𝐗𝐮𝐚̂𝐧 𝐁𝐢́𝐜𝐡):
Nhưng việc phải đến đã đến, ngày vô trường đã đến vào giữa tháng 8 hay cuối tháng 8, anh tôi tiễn tôi đến chỗ đón xe đi Hà Nội, cách làng tôi 65 km. Anh tôi muốn đưa tôi vào trường luôn, nhưng tôi xin tạm biệt ở đây vì xuống Hà Nội phải ngủ lại mất nhiều thời giờ, anh tôi trở lại, mình tôi đi, trong lòng vẫn lo lắng.
Vé dừng ở bến xe Kim Mã và mướn xe kéo về trường. Đến trường vào khoảng 2 giờ chiều, tôi gặp anh bạn học lớp cũ của tôi, đã vô học năm trước tên là Trần Đình Hồng, dẫn tôi lên trình diện Cha Giám đốc rồi đi nhận phòng, để đồ đạc ở đó, rồi lên trình diện Cha Giám đốc, rồi đi xem các nơi cần thiết. Mà cần thiết trước tiên là nhà vệ sinh, nhà ăn, nhà học.
𝐕𝐞̂̀ 𝐭𝐫𝐮̛𝐨̛̀𝐧𝐠 𝐒𝐭 𝐒𝐮𝐥𝐩𝐢𝐜𝐞:
Trường St Sulpice (Xuân Bích) Hà Nội, do dòng Saint Sulpice gốc ở Paris, sáng lập khoảng năm 1933 - 1935, mục đích là đào tạo Linh Mục cho vùng Đông Nam Á, đủ khả năng về Thể dục, Đức dục và Trí dục. Lớp đầu được khai giảng năm 1935, Linh Mục Bửu Dưỡng, viện trưởng viện đại học Minh Đức, và Cao Văn Luận, viện trưởng viện đại học Huế xuất thân lớp đầu tiên trường này.
Trường St Sulpice (Xuân Bích) Hà Nội cũng đào tạo Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn, các Giám Mục Nguyễn Duy Dung, Ngô Phụng Hiểu giáo phận Huế; Phạm Đình Tụng, Bắc Ninh, Nguyễn Tùng Cung, Hải Phòng; Phạm Văn Dụ, Lạng Sơn và nhiều Giáo Sư, Bác Sỹ như Trần Hữu Tuyên, Nguyễn Văn Thọ.
Năm tôi vào học, Ban Giám đốc có 6 Cha: Cha Lý (Paliard) làm Giám đốc, Cha Đoán (Uzurean) Cha Tín (Gastin) làm quản lý và dạy luân lý (moral) Cha Bùi (Bouis) dạy Thần học, chết trong trại giam việt cộng ở Tuyên Quang, Cha Tín (Gastin) dạy Triết lý, Ngài còn sống khi tôi viết dòng này 1/2/1994, Cha Lịch (Courtois) dạy Khoa học, Cha Cả (Carré) dạy Sử và Kinh thánh.
Cả 6 Cha bị việt cộng bắt ngay đêm 19/12/1946, đưa đi giam ở Tuyên Quang, Cha Bouis chết tại đây, còn 5 Cha được thả 1951 với điều kiện phải về Pháp.
Chúng tôi 5 người được gọi vào St Sulpice thì chỉ có 3 trình diện, còn thiếu 2 anh, sau này mới biết bị tai nạn trên đường về Hà Nội.
Mấy năm về trước các giáo phận Miên, Lào, Thái Lan có lẽ chưa chuẩn bị kịp để gửi sinh viên vào học. Năm nay, khi điểm danh buổi học đầu tiên, tôi nghe thấy có đủ tên các giáo phận thuộc Bắc, Trung và Nam, Prompenh, Vienttane (Lào), có 1 sinh viên thuộc giáo phận Bangkok, gồm 120 người.
Buổi học sáng đầu tiên chỉ nói về chương trình và căn dặn phương pháp học.
Ngồi trong lớp tôi thấy có cả thằng bạn cùng lớp trước với tôi (vì đau tôi phải lùi lại 1 lớp) vào trường này trước tôi một năm (anh Lưu Đình Hồng như tôi đã kể ở trước) cũng vào lớp này. Hết giờ học, tôi mới được chính anh Hồng giải thích chương trình học triết lý có 2 phần 1 và 2, học phần nào trước cũng được, không cần học phần 1 trước rồi mới học phần 2.
Anh A vào học đầu tiên năm thứ nhất thì học phần 1, năm thứ 2 học phần 2.
Anh B vào năm một học luôn phần 2 với anh A. Hết phần 2 của anh A, tức là hết năm thứ nhất của anh B.
Rồi anh C vào học năm rhứ nhất theo phần 2 của B và cứ thế luân phiên. Do đó cùng bạn một lớp có 3 anh A, B, C. Buổi chiều học Khoa học, cũng chỉ nói về chương trình, giờ Luân lý, Kinh Thánh cũng vậy.
Mấy ngày đầu thì rất nhẹ nhàng. Tuần thứ 2 trở đi, thấy nặng nề với tôi. Trong đệ nhất lục cá nguyệt, tôi phải cố gắng nhiều. Từ đệ nhị lục cá nguyệt, tôi thấy nhẹ nhõm.
Lúc này tôi hết sức ân hận, vì đã phản đối Ban Giám đốc Tiểu chủng viện bắt từ lớp chúng tôi về sau phải học thêm 1 năm. Lớp cũ của tôi có 5 được gọi vào trường này, chỉ có 2 anh theo được, còn 3 anh phải bỏ nửa chừng.
Suýt quên nói về ngôi trường Saint Sulfice Hà Nội, tọa lạc tại khu đất trước kia gọi là làng Liễu Giai, nên những bác phu xe cũng hay gọi là trường Liễu Giai.
Trường 2 phía có hồ lớn, dân địa phương trồng rau muống, hái rau muống phải có những thuyền nhỏ (ghe nhỏ). Nhờ những thuyền nhỏ này, mà chúng tôi chuyển được xe đạp và ít đồ dùng ra ngoài. Khi quân Trung Hoa đến chiếm trường, chúng không cho đem bất cứ đồ gì ra khỏi trường, chỉ có đi người không.
Trường gồm 2 dãy song song từ dãy này qua dãy kia qua một hành lang rộng, để đi dạo trong các giờ chơi bị mưa, nên trông như chữ Môn (門). Dãy nằm bên cạnh đường Quần Ngựa có 3 tầng, dài trên 100 m, hai tầng trên là phòng ngủ, tầng dưới làm nhà nguyện, phòng học, hội trưởng. 2 giường cách nhau bằng một cái tủ 2 mặt, dành đựng quần áo cho 2 anh. Đầu giường là bàn học cá nhân như một bàn giấy, có đèn riêng, ở giữa phòng có đèn chung. Mỗi anh có một chìa khóa ra khỏi phòng, phải mang theo. Có lắm khi quên mang theo, trở về phòng ngồi chờ mút chỉ, tuyệt đối không được nói chuyện trong phòng ngủ, nếu cần hỏi nhau gì, phải nói rất nhỏ, không làm phiền người khác, không được vào phòng khác.
Trở lại trường hợp của tôi, 10 ngày trước khi đi nghỉ Hè, tôi bị đau 2 bên sườn, lúc đau bên này lúc đau bên kia, may mắn là đã thi xong đệ nhị lục cá nguyệt. Bác sỹ Nguyễn Văn Tam, lo sức khỏe cho trường, săn sóc tôi, nhưng 1 tuần không khỏi, giới thiệu ra bệnh viện Phó Đoàn chữa cũng không khỏi. Tôi phải ở lại trường 4 ngày đó chữa cũng vô ích. Tôi xin về quê để chữa thuốc Bắc (thuốc Tàu) để có người trông nom cơm nước. Ở quê được mấy ngày, thì Cha Tuyên nghe tin tôi bị đau, cho người đón tôi lên xứ Ngô Xá, là xứ Cha mới đổi về từ Gia Thanh đến.
Tôi lên xứ Ngô Xá gặp Cha, Cha nói sợ tôi đau như năm nào phải bỏ học thì buồn lắm. Cha hết sức lo cho tôi, mời thầy thuốc Bắc, Ngài nói với thầy Lang: “xin Cụ cố gắng chữa, không quản ngại phí tổn”. Bệnh của tôi đau từng cơn, có ngày đau ngày không, nên nhờ cụ Lang này nổi tiếng vì nghe đồn chỉ bốc một chén thuốc là sẽ khỏi cơn đau, ai ai đều khen, nhưng tôi uống chén thứ 2, thứ 3 thì cơn đau vẫn như cũ, có phần nặng hơn, thay đổi mấy thầy Lang cũng vậy.
Trong khi tôi đau thì được một cụ đồ săn sóc tận tình. Cụ Nho này (tôi quên tên) cùng quê với Cha Tuyên lên thăm Cha, thì làng mời Cụ ở lại dạy chữ Nho cho người trong làng, thù lao tượng trưng, ăn ở do Cha Tuyên cấp (ăn ở trong nhà xứ). Lúc tôi đau, cũng là lúc Cụ nghỉ Hè, Cha để Cụ lo nấu thuốc, cơm cháo cho tôi, nhất là lúc lên cơn, Cụ xức dầu, xoa gừng. Cụ ngủ cùng phòng với tôi để theo dõi cơn bệnh, mỗi cơn đau của tôi kéo dài 2, 3 tiếng, đau âm ỷ, đau lắm. Từ khi ra khỏi trường đến lúc đó, quá nửa kỳ Hè rồi, mà cơn đau vẫn không thuyên giảm, lại có phần tăng hơn. Cha Tuyên và tôi đã chán ngấy với các cụ Lang vì chữa hoài không khỏi, đành nằm tự chữa lấy theo ông này bà kia kê thuốc.
𝐌𝐢𝐞̂́𝐧𝐠 𝐭𝐡𝐢̣𝐭 𝐁𝐞𝐨 𝐡𝐮𝐲𝐞̂̀𝐧 𝐝𝐢𝐞̣̂𝐮
May mắn, họ Phường Vĩ ở chân núi mà tôi đến chơi và săn bắn kỳ Hè trước (họ Phượng Vĩ thuộc xứ Ngô Xá) có người đánh bẫy được con beo (lúc đầu tôi không phân biệt con beo, con cọp, con hùm là một hay ba con khác nhau) đem tặng Cha một miếng thịt khoảng 1 kg, họ gọi là thịt Beo. Cha hỏi tôi (đang đau) có dám ăn không? Đầu tiên tôi có suy nghĩ không biết thịt này lành hay dữ, nhưng là của lạ chưa được ăn bao giờ, dù đã đi săn 2 nơi họ Thượng Lao, họ Phượng Vĩ nên tôi muốn ăn. Cha bảo nhà bếp cắt một miếng khoảng 200, 300 gr giao cho cụ đồ Nho nấu riêng cho tôi, còn phần kia nấu cho cả nhà, tôi ăn ngon lành. Đêm đó, tôi để ý theo dõi sự biến chuyển bệnh ra sao, thấy mỗi lúc một dễ chịu. Cụ đồ cũng theo dõi sát, thỉnh thoảng lại đến gần tôi nghe ngóng bệnh của tôi.
Sáng hôm sau tôi buồn đi vệ sinh sớm, ra nhà vệ sinh đã thấy cả nhà khoảng 10 người đang xếp hàng trước cửa 2 nhà vệ sinh. Làm công tác cần thiết đó xong, tôi thấy người khoan khoái quá sức, bữa cơm trưa tôi ăn bình thường, không hề đau chút nào. Cha Tuyên thấy vậy vui mừng hết sức. Ngài cho người vào nhà ông Chủ cho thịt Beo hỏi có còn xin để cho một ít vì tôi ăn thịt đó đã khỏi bệnh. Ông chủ nói hết mất rồi, vì bắt được con beo chia cho cả xóm. Nhưng cái số tôi khi đau ốm lại hay gặp may. Một tuần sau, chính ông chủ đó lại đem đến 4 kg thịt beo, ông nói lần trước con beo con đi lạc vô bẫy, con beo mẹ mất con đi tìm lại sa vào bẫy, nghe nói Thầy Cầu lần trước ăn khỏi bệnh, nên lần này đem ra nhiều hơn để Thầy ăn tiếp. Cha cũng bảo chia đôi, giao cho cụ đồ nấu riêng cho tôi, có tới 2 kg, mấy bữa đầu ăn ngon, từ sau thú thật chán ngấy đến cổ, nhưng thấy là thuốc nên cố gắng nuốt, Cha và cụ đồ cũng ép ăn cho hết bệnh. Từ đó, tôi không đau (mà các cụ Lang nói là đau thận) bao giờ nữa.
𝐁𝐚̂̃𝐲 𝐁𝐞𝐨:
Nói về cái bẫy hay cái hầm thì đúng hơn:
Họ đào ở một bìa rừng một cái giếng nước, sâu độ 3 m, đường kính độ 1,5 m, thả một con lợn (heo) con xuống, ở trên mặt che bằng cái phên, phía trên phên này ít lá khô.
ở dưới khi con lợn kêu thì thú rừng đánh hơi tìm đến là thọt vô hầm này rồi gầm lên, nghe tiếng gầm, người làng chỉ đem lên là xong.
Từ đó tôi ăn uống cảm thấy ngon lành, cụ đồ nói là ăn trả bữa sau gần 2 tháng chỉ ăn cháo. Cha Tuyên vui lắm, Ngài bảo nhà bếp bồi dưỡng cho tôi khỏe cho kịp ngày nhập học. Tôi được bồi dưỡng tận tình, tôi đã đi bộ quanh làng. Còn 8 ngày nữa phải tựu trường, trước khi từ giã Cha Tuyên về quê sửa soạn vào trường, tôi xin phép vào họ Phượng Vĩ kỳ Hè trước tôi đã ở một tuần đi săn, lần này có ý cảm ơn người đã cho thịt beo, Cha Tuyên đồng ý ngay và Ngài cũng có ý đó, nhưng sợ tôi chưa đi xa được khoảng 4 km. Hôm sau tôi và cụ đồ vô Phượng Vĩ, không ngờ ông chủ đó đã biết trước ngày tôi vào, ông đã tổ chức cơm và mời một số người đến dự. Ông yêu cầu tôi trình bày bệnh tật của tôi như thế nào mà ăn thịt beo lại khỏi. Tôi có nói sự việc xảy ra, mà nói cho mọi người có mặt biết: “tôi bị đau âm ỷ từng cơn ở 2 bên sườn, mỗi lúc lên cơn thì coi như hồn lìa khỏi xác, đau ở bên hông, bề ngoài không sưng hay có dấu vết gì, đã chữa ở bệnh viện Phủ Doãn, Hà Nội 10 ngày, chữa 2 thầy lang ở quê và 2 thầy lang ở Ngô Xá (nơi Cha Tuyên) cũng không khỏi, có phần tăng. Tôi đã chán, bỏ thuốc đã 1 tuần, chỉ ăn thịt beo do cụ đồ có mặt ở đây nấu, thì từ bữa đó khỏi, rồi ăn tiếp do ông cho lần 2. Bây giờ các ông thấy tôi khác xa với 3 tuần trước đây”. Không ngờ sự việc xẩy ra may mắn giúp tôi, lại cũng giúp cho toán săn kiếm được tiền nhiều nữa khi bắt được con beo bán thịt đắt như vàng.
Tin tôi ăn thịt beo khỏi bệnh còn lan sang tới xứ Làng Lang, Cha Tuyên đã ở 3 năm về trước. Sau 2 ngày ở Phượng Vĩ về, tôi về quê.
Về tới quê, còn 5 ngày nữa phải vào trường. Tới nhà, anh chị tôi mừng rỡ lắm, vì thấy tôi nhanh nhẹn hồng hào, không như lúc đi mặt mày nhăn nhó. Khi ở Ngô Xá tôi khỏi bệnh, có biên thư về nhà, nhưng cũng tin phần nào thôi, bây giờ trông thấy mới mừng.
Trong thời gian ở nhà, anh em nhất là chị cả tôi cấm mọi sự tiếp xúc, để dành thời gian nghỉ ngơi. Ngày cuối tôi phải tiếp những thanh niên thể thao, họ thấy tôi khỏe hẳn, họ mừng lắm.
(Còn tiếp)