Như tôi đã nói, hồi ký của bố tôi dài và chi tiết lắm, tôi chỉ mới đưa được lên giai đoạn ông đang theo học Tiểu Chủng Viện, không thể chỉ một vài kỳ là xong. Vì thế tôi xin rút ngắn lại và chỉ giới thiệu với bạn ta những phần chính yếu, sau khi ông tốt nghiệp tiểu chủng viện, đi dạy học và chuẩn bị thi vào Đại Học Thần Học. Hơn nữa lại là những phần hôm nay tôi mới biết, tôi rất bất ngờ và ngạc nhiên khi đọc phần hồi ký này.
Loạt hồi ký rất thú vị, mời các bạn đọc theo dõi. Câu chuyện về một ông thiếu tá Nhật.
------------------------------
(Tiếp theo kỳ trước)
Nhật đổ bộ:
Trong thời gian tôi đang dạy học ở Phú Thọ, thì quân đội Nhật đánh Lạng Sơn, rồi Pháp điều lính sao đó, thì quân đội Nhật ào vào các tỉnh như Lạng Sơn, Phú Thọ.
Quân đội Nhật đến Phú Thọ thì dân chúng rất hoang mang sợ sệt, vì đồn thổi lính Nhật rất ác, việc ác thì chưa xẩy ra, nhưng có một việc người Việt Nam rất khinh người Nhật là: quân đội Nhật cởi trần truồng tắm ngay chỗ máy nước công cộng, điều này dân Việt nhất là ở thành phố chưa có bao giờ.
Cuối nhà thờ bên phải có một máy nước, cứ khoảng 10, 11 giờ thì có 2, 3 xe camion chở một đống quân Nhật đi công tác đâu về đỗ lại, quân nhân xuống cởi truồng tắm tỉnh bơ giữa thanh thiên bạch nhật. Tắm xong, họ phơi quần áo trên thành xe lấy cơm ra ăn tỉnh bơ chờ quần áo khô. Vào giờ đó không ai dám đi qua, nhất là các bà, các cô.
Một ngày bất ngờ tôi đứng trong tiệm tạp hóa gần nơi quân Nhật tắm, có người Nhật mang lon Thiếu Tá đi vào tiệm. Thấy người Nhật vào, vợ chồng người chủ tiệm có vẻ lúng túng sợ sệt. Ông chủ tiệm giơ tay như giới thiệu tôi ra tiếp, tôi lúc đó cũng lúng túng, không biết làm gì bây giờ. Tôi lấy bút định đưa cho ông ta viết chữ Nho (Kanji) vì tôi biết vài chữ Nho. Nhưng trong bụng tôi nảy ra ý kiến, sỹ quan Nhật sang nước Pháp cai trị, chắc cũng biết ít nhiều tiếng Pháp. Tôi liền hỏi (bằng tiếng Pháp) ông có nói được tiếng Pháp không? Ông ta trả lời biết, thế là chúng tôi bắt đầu nói chuyện trước mặt ông chủ tiệm tạp hóa (là Giáo sư rất rành tiếng Pháp), nhưng ông đứng im lặng không có ý kiến gì, rồi nói tiếng Việt để tôi thông dịch (lúc đó người biết nói tiếng Pháp thiếu gì) nhưng vì là công chức, giáo sư làm việc cho Pháp nên họ sợ Pháp vì có sự liên lạc với Nhật nên họ đều lánh mặt. Còn tôi không phải công chức cho Pháp, dù người có quyền với tôi là một người Pháp, nhưng là một Linh Mục già yếu, không chính trị chính em gì, nên tôi không ngại, không sợ sệt. Câu chuyện với Thiếu Tá Nhật đó cũng chẳng có gì, chỉ hỏi vớ vẩn: “ông đến đây ngày nào và sở đây hay đi đâu” .
Ông giáo sư chủ tiệm bảo tôi làm cách nào cho Thiếu Tá ra khỏi nhà cho sớm. Tôi liền dẫn ông Nhật này ra cửa tiệm tạp hóa, quay hướng về chỗ lính Nhật đang tắm truồng, tôi nói nước Nhật văn minh lắm, người Việt Nam đều biết, nhưng cách tắm truồng như dân Nhật đang làm, thì Việt Nam khinh rẻ lắm. Người VN nghèo nhất thành phố này cũng chẳng bao giờ tắm như vậy. Anh Nhật gật đầu lia lịa, không biết là đúng ý hay sao? Rồi ông ta từ giã quay đi, đi vài bước thì lại quay lại gọi tôi và hỏi tôi làm ở đâu? Tôi chỉ vào nhà thờ và nói dạy học ở đó. Sau đó Thiếu Tá này còn đến tìm tôi ở nhà thờ vài lần nữa.
Trong khi tôi nói chuyện với viên Thiếu Tá này trước cửa tiệm tạp hóa, có các tiệm và người gần đó theo dõi. Khi ông ta đi xa rồi, tôi còn đứng với vợ chồng ông chủ tiệm, thì mọi người xung quanh đổ ra hỏi tôi chuyện gì. Tôi nói không có chuyện gì, chỉ hỏi vớ vẩn vài câu để cho nó ra khỏi nhà. Tôi cũng chỉ cho ông biết tụi nó tắm trần truồng là cái nhục,
- nó nói gì thế?
- nó còn chửi lại mình nữa, tôi trả lời
- nó chửi sao? họ hỏi
- nó nói cái nhục này (tắm truồng) không bằng cái nhục mất nước.
- thế ông trả lời sao? họ hỏi tiếp.
- Hơi bất ngờ nhưng Tôi cũng nói: “chúng tôi không mất nước, mà chỉ mất chủ quyền, một ngày nào đó chúng tôi hoặc con cháu chúng tôi sẽ lấy lại. Còn cái nhục tắm truồng sẽ ghi vào đầu óc dân Việt và có thể ghi vào lịch sử VN luôn”.
Rồi mọi người giải tán, ngày hôm sau tụi lính Nhật vẫn đến tắm, nhưng từ ngày thứ 3 trở đi, không thấy đến tắm nữa, không biết vì viên Thiếu Tá hay là họ đi chỗ khác hay lí do gì. Nhưng với người dân phố đó, họ rỉ tai nhau: nhờ có ông giáo nhà thờ can thiệp với ông Thiếu Tá, họ dân phố coi như thần tượng. Hễ có việc gì, họ chạy vào cầu cứu ông giáo nhà thờ.
Gặp ông Thiếu Tá lần thứ 3, tôi có xin ông là cho tôi thiếp danh của ông ta, nhưng không có hay lý do gì không cho thiếp danh, mà chỉ viết một mảnh giấy bằng chữ Nho đưa cho tôi và dặn có người Nhật nào khó dễ, cứ đưa giấy này ra, tôi thấy cái bùa này rất hiệu nghiệm.
Các ngày Chủ nhật, giáo dân đến lễ rất đông, đủ hạng người già trẻ, nam nữ .
Lính Nhật cứ đến đứng cách cổng nhà thờ độ 10, 15 m khiến nhiều bà, nhiều cô rất sợ. Họ vào nói với tôi, tôi bèn ra và đưa giấy đó họ rút lui và từ đó không đến nữa.
Từ đó, việc giao dịch với ngoài, Cha Sở đã giao hoàn toàn cho tôi, lại người dân phố, kể cả những công chức cao cấp đang làm việc cho Pháp cũng đến nhờ cậy (vì họ không dám giao dịch với Nhật, sợ Pháp để ý), nên công việc của tôi thêm nhiều và phức tạp.
------------------
Với Đức Giáo Hoàng John Paulo II