Xin gửi tiếp phần 3 hồi ký của bố tôi, ông viết dài và chi tiết lắm, ông viết như ông nói vậy. Chỉ tiếc là những phần sau khi từ đại chủng viện (hiện thời đang vào phần tiểu chủng viện) ông đã làm gì cho đến ngày vào Nam? Tôi nghe từ hai họ Nội-Ngoại nói có thời kỳ ông là Quận Trưởng quận Tam Dương, tỉnh Vĩnh Yên hiện nay thành tỉnh Vĩnh Phúc (12/2/1950 thì 2 tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên mới hợp thành tỉnh Vĩnh Phúc), rồi làm việc cho Ty Thanh Niên Bộ Thông Tin, và khi việt minh về ông đã thoát chết vì bị việt minh phục kích, những người lái xe hay đi cùng đều bị bắn chết. VĐK.
--------------
(Tiếp theo kỳ trước)
Môn học cũng như chương trình Trung học thời đó, Toán, Lý, Hóa, Sử, Địa, Pháp văn … chúng tôi phải thêm 2 môn chính nữa: La Tinh và Sử ký Giáo Hội.
Thời khóa biểu : 5 giờ dậy, vệ sinh … ~ 5:30
5:31 dự Lễ … ~ 6:15 hoặc 6:30
6:30 học riêng (tự học) … ~ 7:30 (tự học ở phòng tập trung cho mọi lớp)
7:30 điểm tâm … ~ 8:00
8:00 chơi, giặt quần áo … ~ 8:30
8:30 trở đi học mỗi môn một giờ, rồi chơi 10 phút …
12:00 ăn cơm trưa, chơi ~ 13 giờ
13:00 ngủ trưa ~ 14 giờ này được làm các thứ lặt vặt như làm hoa, đóng sách nhưng tuyệt đối không được gây tiếng động lớn.
14:00 học riêng như ở trên ~ 15
15:00 học đúng môn như ở trên ~ 16 giờ
16:10 chơi bắt buộc ~ 17:10 mọi người đều phải chơi ngoài sân, không được ở trong lớp. Trời mưa thì chơi ở hành lang, có thể được tập đàn, tắm rửa, giặt giũ
17:10 tập hát, các môn ngoại như vẽ ~ 18 giờ ở lớp riêng
18:10 học và tập viết chữ Nho ~ 19:40
19:40 đọc kinh ở nhà nguyện ~ 20
20:00 ăn cơm tối, chơi ~ 21 giờ
21:00 chuông báo đi ngủ, mọi người lên lầu. Lầu có 3 dãy nhà, là nhà ngủ chia cho từng lớp. Mỗi đầu giường là phòng làm việc và phòng ngủ của các Giáo sư. Mỗi lớp có 1 giám thị ngủ cùng phòng với học trò.
Mấy điều chú ý đặc biệt :
1. Ở trên lầu, tức phòng ngủ, không được nói chuyện. Giờ chơi có việc phải lên lầu, bắt đầu từ bậc thang thứ nhất là phải im lặng và phải xuống hết bậc thang cuối mới được nói.
2. Chỉ được nói chuyện trong các giờ chơi.
3. Trong lúc ăn cơm phải im lặng nghe đọc sách những môn không cần học nhưng vẫn phải nghe cho biết qua, chuyện dòng Đạo ở Phi Châu, dòng Đạo ở Kon Tum (sẽ kể sau), những chuyện tiếu lâm lành mạnh. Lắm Thầy giáo ngặt nghèo, thỉnh thoảng bắt đầu giờ học trong lớp, ông bảo đem miếng giấy ra viết bài đọc sáng hay trưa … xem có để ý hay không.
Lúc ăn, chỉ được nói chuyện các ngày lễ, chủ nhật và thứ Tư mỗi tuần, khi có khách đến ăn cơm với Giáo sư cũng được nói chuyện. Đang học trong lớp, sắp giờ cơm, thấy có Cha khách nào đến đã xì xào sẽ được nói chuyện trong bữa ăn, mừng lắm.
4. Không được liên lạc với những người nhà bếp và không được xuống nhà bếp, trừ lúc bưng cơm. Cơm để sẵn ở trong 1 phòng, chỉ đến đó bưng lên và sau để mâm tại đó, không có giờ nói chuyện.
5. Tắm rửa giặt giũ vào các giờ chơi buổi sáng và chiều. Có 10 nhà tắm, phải đem nước từ giếng vô. Giặt thì có 3 hồ lớn chứa đầy nước quanh năm.
6. Hớt tóc có 1 thợ ở ngoài vào mỗi tuần 1 lần vào chiều thứ Bảy với giá phải chăng.
7. May vá quần áo có 1 thợ may vào mỗi buổi chiều trong giờ nghỉ. Có may vá gì thì đưa cho thợ cũng giá phải chăng. Nhưng phần nhiều chỉ vá, ít khi may đồ mới.
8. Muốn mua gì như sách vở, bút, dép guốc, kim chỉ … ghi một giấy nhỏ đưa ban Giám thị, rồi ban Giám thị gom lại ghi vào 1 cuốn sổ (cahier), rồi một tùy phái đem sổ đó lên Phú Thọ đến cái hiệu sẽ ghi số tiền vào sổ đó, căn cứ sổ ghi đó người mua trả tiền. Không được mua bánh trái.
Thuốc do nhà trường trông coi, đau ốm thì nằm phòng riêng, chỉ có lúc này có thể nhờ người bếp bưng cơm cho người ốm mua dùm, không phải được chích thuốc. Không ăn được cơm hay cháo, nhà trường cấp sữa.
9. Quà bánh người nhà cho phải đem xuống ăn trong bữa cơm. Có ít thì ăn một mình hoặc chia cho người cùng bàn, có nhiều thì cho cả các bàn bên cạnh. Hoặc ăn ngay ở phòng khách với người nhà. Không bao giờ được ăn riêng bất cứ nơi nào, ngoại trừ giờ ăn cơm. Người nhà đến thăm nếu phải ngủ lại, thì nhà trường gửi ở một nhà quen ở ngoài làng.
Mỗi tuần chúng tôi được ra ngoài chơi một lần vào chiều thứ Tư, đi tập thể tất cả các lớp, có 2 Giáo sư hoặc 2 Giám thị hướng dẫn. Nơi hay đến là rừng, núi, gò gần đó. Có khi đến đền Hùng hoặc các Chùa lân cận. Vào mùa nắng có khi đi tắm sông, nơi hay tắm là gành tháp như đã nói về gành này ở trang đầu.
Thi để biết khả năng học của học sinh. Ngoài mỗi tuần phải thi một môn, và mỗi niên học phải thi 2 lần tất cả các môn học. Kỳ 1 vào trước Tết, kỳ 2 vào đầu tháng 5. Xếp thứ tự nhất, nhì … là căn cứ vào điểm thi mỗi tuần cộng với 2 kỳ thi chính. Nếu đồng điểm, thì anh có nhiều điểm hơn trong 2 kỳ thi chính được trên. Ngoài ra, còn cộng điểm từng môn từ đầu đến cuối năm, để phát thưởng riêng cho mỗi môn nữa.
Tôi thường được nhất môn Pháp văn, môn đọc tiếng La Tinh và dịch La Tinh ra tiếng Việt gọi là version. Cứ thế tuần tự hàng ngày không mấy chốc đến tháng 5. Tổng cộng mọi môn tôi được xếp hạng 4/30.
Bảng xếp hạng được in rõ ràng, cấp cho mỗi học sinh 1, và gửi đi mỗi Linh Mục 1 bản và mỗi xứ Đạo 1 bản, vì thế thành tích của mỗi học sinh mọi Cha mọi Xứ đều biết, học khá hay kém họ đều biết không giấu được.
Trường nghỉ Hè từ đầu tháng 6 đến 10 hay 11 tháng 8. Như đã nói ở trên, háng năm trường khai giảng vào đúng ngày 15/8 là ngày Kính Đức Mẹ lên Trời.
Suýt quên nói về nhân sự ở trường :
- Ban Giáo sư gồm 4 Cha, 2 Pháp, 2 Việt và 4 Tu sĩ chia nhau dạy các môn tùy sở trường của mỗi người.
- Ban Giám thị thì thật èo ọt, chỉ có 2 người thay phiên trông coi giờ học riêng, tức là nơi học tập trung ở phòng lớn tự học và các giờ chơi. Còn đi chơi ngoài vào chiều thứ Tư, thì các Giáo sư phải thay phiên nhau đưa đi.
- Ban quản lý cũng chỉ có 2 Thầy Tu sĩ lo về nhà cửa, ăn uống … dưới quyền 2 Thầy này có khoảng 30 người làm lao động chia làm 3 toán: toán xay lúa giã gạo, toán trông coi lợn gà, và toán làm bếp. Lợn có tới 30 con rất lớn từ 100 kg trở lên. Những ngày lễ lớn hoặc Tết thì thịt chúng, không phải mua ở ngoài. Trong số 30 người giúp việc này có một người nấu bếp có hành động khôi hài hết sức. Anh này trắng trẻo khỏe mạnh trông có vẻ hào hoa lắm, lúc nào cũng vui cười, nhưng lại hơi “mát”; hơi “khùng” …
Số là khi Pháp thua trận ở chính quốc, thì Thái Lan lợi dụng sự yếu thế của Pháp xua quân sang đánh Cambod để chiếm khu vực Đế Thiên Đế Thích thì phải, do đó Pháp phải động viên cả người Pháp ở Đông Dương còn trong hạn tuổi nhập ngũ. Trong số nhập ngũ này có 3 vị Linh Mục đại úy là Cha Kim (sau này làm Giám Mục) và Cha Đăng đều là Giáo sư trường Tiểu chủng viện và Cha My (Millot) trung úy.
Trong ngày nghỉ cả 3 sỹ quan lái chiếc xe Jeep về thăm trường Hà Thạch, ăn bữa cơm trưa xong thì ra đi. 2 Cha Giáo sư còn chuyện với học trò, Cha Millot ra lên ngồi trên xe mở máy, thì anh kia cũng leo lên xe ngồi phía sau, đến khi 2 Cha Giáo sư ra lên xe thì Cha Millot mở máy đi luôn. Lên tới tỉnh lỵ Phú Thọ, Cha Millot hỏi anh này xuống đâu, anh này chỉ cười, bây giờ 3 vị mới hỏi nhau, thì ra Cha Millot tưởng 2 Cha Giáo sư sai anh này đi có việc gì. Và trái lại 2 Cha tưởng Cha Millot bảo anh ta việc gì. Thế là báo hại lại phải chở anh ta về trường. Đến sân trường anh ta xuống vẫn nụ cười hề hề và có vẻ đắc ý lắm. Hỏi tại sao lại lên xe đi, anh ta trả lời tỉnh bơ thấy xe thừa chỗ thì lên ngồi cho vui.
Về chuyện giảng đạo ở Kontum VN, có một sự việc khá khôi hài. Các vị Linh Mục thừa sai người Pháp đến giòng Đạo ở Kon Tum, có một số người mọi Rađê chống đối. Ta cần biết 100 năm về trước VN còn chưa văn minh, nhất là người sắc tộc. Một buổi sáng sớm khoảng 5 giờ, người Rađê gậy gộc đến vây nhà vị Linh Mục ở đòi giết, nhưng Ngài đã trốn được trước khi chúng đến. Khi chúng vào lục lạo trong nhà, thì bỗng dưng cái đồng hồ báo thức reo lên, chúng hoảng sợ chạy hết. Chúng cho là thần linh của Đạo này thiêng lắm. Chạy ra ngoài suy nghĩ bàn bạc với nhau, rồi quay trở lại vái cái đồng hồ xin lỗi thần linh. Và đi kiếm người Thượng khác theo Công Giáo yêu cầu báo cho vị Linh Mục về làm việc và xin lỗi. Từ đó họ luôn luôn tôn kính Thần linh của Đạo.
Như cuối trang 13 tôi đã nói, trường Tiểu chủng viện khai mạc vào khoảng 12 or 13 tháng 8 và nghỉ Hè từ đầu tháng 6, sau khi đã tuyên bố kết quả năm học và làm lễ bế giảng. Thế là sau gần 10 tháng bị hãm trong nhà trường với sự lo lắng ngày đêm để đạt số điểm cao, nhất là năm đầu, chúng tôi nghỉ Hè lần đầu tiên.
Chiều hôm trước ra khỏi trường, mỗi lớp đều lên tạm biệt Giáo sư chủ nhiệm và ban Giám thị. Rồi đi từ giã nhau và nhờ nhau gì đó.
Đúng ngày ra đi, thật như ong vỡ tổ tha hồ vào lớp của nhau, được nói chuyện ở trên lầu, được sang phòng ngủ lớp khác để gửi đồ đạc … kẻ đi sớm, người đi muộn tùy chuyến tàu hoặc thuê hẳn một cái ghe lớn đến những nơi không có đường tàu.
Riêng tôi đi cùng với 4 người học lớp trên tôi một năm và cùng là con đỡ đầu của Cha Tuyên. Đầu tiên là chúng tôi phải về chào Cha Tuyên, lúc đó Ngài đã đổi về xứ Làng Lang, huyện Phù Ninh, Phú Thọ.
Xứ này gồm những họ Đạo không được văn minh lắm, nhưng nhà nào cũng rất giàu có. Những người làm việc công cũng như trùm, trưởng họ Đạo đều sắm ngựa và súng săn bắn vì nguồn lợi của họ là tre, nứa, chỏ, sơn, lá cọ, nhất là nhựa sơn rất có tiền vì xuất cảng sang Nhật.
Xuống xe đò trên đường Phú Thọ - Tuyên Quang phải đi bộ 4 km thì tới. Nhưng chúng tôi không biết đường, hỏi thăm người đi đường, họ nói 2 km nhưng tôi đi hơn 2 km rồi, gặp người khác hỏi, họ lại nói 2 km và đến ngay phía sau nhà thờ rồi, vì nhà thờ ở trong khu vực cây cối um tùm không thấy.
Chúng tôi chán quá và cũng mệt, cứ 2 km lại 2 km, gặp người thứ ba họ cũng nói 2 km. Chúng tôi đành ngồi nghỉ mệt thì gặp một người nữa, lại đúng là ông Trùm họ Đạo. Ông rất vui mừng vì ông nghe Cha sở nói: hôm nay các Thầy về, (thói quen của giáo dân: vô học Tiểu chủng viện từ lớp 3 trở lên là họ gọi là Thầy. Tuy chúng tôi mới có lớp 5, 6 họ cũng xưng hô là Thầy, thực sự họ không biết chúng tôi học lớp mấy) mà không biết giờ nào, “tôi ngóng chừng các Thầy sẽ về khoảng giờ này, may mắn ra gặp các Thầy”.
Ông chỉ ngay phía cây cối um tùm đó là nhà thờ, chỉ cách chỗ chúng tôi ngồi độ 300 m. Thế là ông mang ít đồ cồng kềnh cho chúng tôi và cùng về.
Sau khi để đồ đạc ở nhà dành cho chúng tôi, lên chào các Cha. Ở xứ này có một Cha sở đã già sắp về hưu. Cha Tuyên, Cha nghĩa phụ của chúng tôi về đây để chuẩn bị lên thay thế.
Lên gặp các Cha chúng tôi trình luôn bảng ghi thành tích học. Cha Tuyên còn tế nhị, Cha già thì tự nhiên vì là lần thứ nhất gặp chúng tôi, Cha bảo từng người tự giới thiệu tên mình rồi Ngài coi ở bảng thành tích. Khổ tâm là 4 người học lớp trên tôi đều kém, lớp có 23 người cả 4 người đều đứng hạng từ 15 trở xuống, Ngài nói học kém. Đến lượt tôi tự giới thiệu, Ngài thấy tôi hạng 4/30, Ngài khen ngợi hết mình, làm tôi e ngại với 4 anh kia, tuy trong bụng cũng thích và hãnh diện. Lúc đó khoảng 5 giờ chiều, chúng tôi về sửa soạn đồ đạc và chỗ ngủ để kịp ăn cơm. Còn ông Trùm cũng không “tế nhị”, tính mộc mạc cứ lẩn quẩn quanh tôi, và giúp chúng tôi những thứ cần thiết như giáng đồ treo màn … Rồi ông chào chúng tôi ra về, chúng tôi theo ra cũng cảm ơn ông. Đến 8 giờ là giờ nhà thờ đọc kinh tối, ông Trùm lại dẫn các ông các bà với đủ thứ trái cây như chuối, đu đủ … tặng chúng tôi. Lại khổ tâm cho tôi một lần nữa, ông rất mộc mạc, thật thà cứ giới thiệu tôi học giỏi … làm tôi khó xử với 4 anh kia. Sau họ rủ nhau lên xin 2 Cha cho chúng tôi hôm sau ra ăn cơm và dẫn đi thăm họ Đạo. 2 Cha bằng lòng cho đi thăm các gia đình vào các buổi chiều, nhưng không ăn cơm nước gì. Nhưng họ năn nỉ mãi và nói trước khi về xứ 2 Cha, họ đã chia nhau những nhà nào mời trước mời sau … 2 Cha đành đồng ý. Riêng chúng tôi đề nghị là vào cuối Hè trước khi nhập học vì chương trình của chúng tôi là đến chào 2 Cha và ở đó một tuần rồi về quê. Sau là đi thăm các Thầy cũ, trở lại uê một lần nữa rồi trở lên đây chào 2 Cha rồi vô trường luôn. Họ cứ năn nỉ, các bà đứng đợi ở ngoài thấy lâu, các Bà nhào vô năn nỉ. Thế là “đầu hàng” nghe theo họ vậy. Tôi trong lòng bực tức lắm, 5 anh em chúng tôi rỉ tai nhau 10 ngày là cùng.
Sau 2, 3 ngày là chủ nhật, các họ Đạo khắp xứ đến lễ. Họ thấy chúng tôi đây là lần thứ nhất có tới 5 học sinh của Tiểu chủng viện về nghỉ Hè ở xứ này, rồi lại nghe ông Trùm họ sở tại giới thiệu, họ vào thăm chúng tôi, lại lên năn nỉ 2 Cha như họ sở tại, là sau ngày thăm họ sở tại rồi, chúng tôi phải đến thăm từng họ, họ suy bì họ sở tại được chúng tôi đi thăm và ăn cơm, mà họ ở xa các Cha, không được đón chúng tôi là con yêu con ghét, nhất là ở họ Gia Thanh, một họ lớn trong xứ này, có người em trai Cha Tuyên từ Nam Định lên dạy học, đã lập gia đình với con một nhà giàu có và chức tước nhất làng, đến nay chúng tôi mới biết, lại cũng có mặt trong các vị vào mời chúng tôi.
Thế là tất cả 2 Cha và chúng tôi phải đồng ý.
Suốt 3 tuần lễ từ khi ra khỏi trường lang thang hết làng này qua làng khác, Chủ Nhật trở về nhà Xứ lễ rồi lại ra đi. Họ tiếp đãi ân cần niềm nở, đưa lên rừng nứa rừng cọ, ra đồi trồng sơn, ăn đủ thứ thịt thú rừng, đêm đem súng đi bắn thú với họ nữa. Tôi rất khó chịu vì muốn về quê cho sớm.
(Trong 2 tuần lễ đi thăm họ Đạo, ban ngày đi nhà nọ sang nhà kia, hỏi thăm, nói chuyện, ăn uống … chập tối cả họ tập trung nói chuyện, tập hát cho thanh niên … mệt hơn cả học. Nhưng tôi thấy thực hữu ích, vừa học hỏi vừa hướng dẫn họ).
Nên tôi phải cáo ốm, đi về nhà Xứ nghỉ ngơi ít bữa rồi về quê. Nhưng họ đón ngay thầy lang đến coi mạch, cắt thuốc Bắc cho tôi uống. Sau cùng tôi cũng đòi về và đem thuốc về uống, thực sự thuốc bổ thôi. Còn 4 anh kia cứ phải đi lang thang cả tuần nữa.
Tôi về nhà Xứ nghỉ 2 ngày đỡ mệt. Tôi đem bài nghỉ Hè ra làm, nghỉ Hè còn phải làm 10 bài toán khó, 5 bài luận văn, 10 bài dịch La Tinh ra tiếng Việt. Chỉ làm được 1, 2 bài là uể oải, nhất là luận văn không có hứng chút nào, đành bỏ luôn nghỉ cho khỏe. Tội nghiệp hằng ngày có người sợ tôi ốm, cứ đến hỏi thăm.
Nhưng tôi nghĩ họ thật tình quý mình, mà vì lý do không chính đáng lắm là về thăm quê để “lấy le” với bà con thì vô lý, tôi lại đi tiếp với 4 anh kia đến những nơi chưa đến. Và chúng tôi đi thăm 2 họ nữa là hết chương trình ấn định từ đầu.
Rồi cũng về ở với 2 Cha khoảng 2 ngày nữa thì về quê. Xin nhắc lại là khi họ tiễn chúng tôi về Xứ, bà con nhét túi chúng tôi mỗi người tí tiền. Em ruột Cha Tuyên là ông giáo Sử còn rỉ tai: đây là số tiền tiêu mùa nghỉ, còn tiền cho lúc nhập trường khác nữa.
Tính từ lúc rời nhà trường đến lúc đó gần một tháng rồi, chúng tôi về quê.
Con đường về, riêng tôi ra đón xe đò tuyến đường Phú Thọ - Tuyên Quang.
Đến ga xe lửa Phú Thọ lấy vé về ga Việt Trì. Đến đây tôi đã gặp nhiều bà con dân làng sang chợ này. Gặp bà con xóm làng, sau 11 tháng xa cách, tay bắt mặt mừng vui vẻ hết sức. Lúc đó khoảng 12 giờ trưa, không mấy chốc tất cả bà con có mặt ở Việt Trì lúc đó đã tề tựu đủ để xuống thuyền về làng. Tức là làng ở bên kia sông, sợ buổi chiều hay có bão, mà ngày tháng này nước đã lên cao. Tôi cũng xuống thuyền đó cùng về, mấy gói đồ họ đều mang cho hết. Ngồi trong thuyền chuyện như pháo nổ, chẳng biết trả lời cho ai. Khoảng nửa giờ về đến làng. Từ bến đò đến nhà tôi khoảng 300 m mà đi cả tiếng không về được tới nhà. Vì cứ gặp bà con chặn lại hỏi thăm. Còn cách nhà khoảng 100 m thì chị Cả tôi tới. Lúc tôi đi học thì bà lấy chồng, được hơn một năm thì chồng chết không có con. Bà không tái giá, ở vậy về nhà săn sóc chúng tôi. Thay vì vui mừng, thì chị tôi lại khóc, làm tôi cảm động quá. Nhờ thế chị em tôi về thẳng nhà, không bị cản trở dọc đường nữa.
Về tới nhà còn đang đứng hỏi thăm bà Mẹ kế và anh tôi. Bà chị Hai cũng đã đi lấy chồng, buổi tối mới tới được, thì bà con hàng xóm đến hỏi thăm và cứ thế tiếp diễn mãi tới 9, 10 giờ đêm, gia đình chúng tôi không kịp ăn cơm, sáng hôm sau cũng vậy.
Buổi chiều, tôi phải lựa lúc không có người đến, vội đi thăm mấy ông Chú, bà Bác và những người có tuổi trong họ Đạo. Tôi chỉ ở nhà được 1 tuần, phải vô chào Cha Hương và Thầy dạy ở xứ Phú Nghĩa. Tới nơi thì biết Cha Hương và Thầy dạy đã nghe tôi về quê rồi. Tôi bèn xin lỗi vì không vào thăm Cha và Thầy trước. Cha Hương rất quảng đại, Cha yên ủi tôi có chi mà phải bận tâm, về thăm anh chị em ruột trước là phải phép rồi, cần chi phải xin lỗi.
Tôi ở đây 1 tuần và tuần này mới là đúng tuần nghỉ, không bị ai quấy rầy. Chỉ bữa ăn mới gặp Cha Hương và Thầy dạy, vì ai cũng có việc của vị đó. Chỉ sau bữa ăn, có vài đứa bạn học cũ đến nói chuyện, đi thăm vài nhà của tụi nó. Rất tiếc tôi không đem bài làm trong nghỉ hè để làm trong tuần này.
2 ngày trước khi từ giã, Cha Hương dành ra buổi sáng một giờ, cuối chiều một giờ chỉ dẫn cho tôi những sự cần thiết cho việc xử trí trong đời. Khi từ giã sau một tuần lễ ở nhà xứ, Cha Hương còn ân cần căn dặn lại và cũng hứa sẵn sàng giúp tôi tinh thần cũng như vật chất. Và người cũng không quên cho tôi ít tiền và vài chai thuốc bổ. Từ giã Cha Hương và Thầy dạy, tôi trở lại quê.
Ở quê, lần này mệt hơn lần trước, vì bà con cô bác kêu đến ăn cơm, cứ hết nhà này sang nhà khác. Vì là bậc Cha Chú, không từ chối được, lại cũng biết các bà con đó thương mình thì mới kêu đến. Lần này, tôi phải ở lại nhà bà Bá Hai, chị gái Mẹ tôi, mà là người Mẹ tôi giống nhất như tôi nói ở đầu. Tôi dự tính ở nhà độ một tuần, nhưng bà con cứ quyến luyến mãi, thành ra mất tới 12 ngày mới ra đi được, vì phải trở lại xứ Cha Tuyên và làm bài hè nữa.
Lúc ra đi rất đông người tiễn ra đến bến xuống thuyền đi sang Việt Trì mới trở lại. Còn các chị và anh tôi đều tiễn tôi sang đến ga Việt Trì, chờ tàu chạy mới quay lại, cũng như lúc tôi ra đi 3 năm về trước. Chị Cả tôi khóc sướt mướt, tôi thấy ái ngại làm sao. Ngồi trên xe hỏa, tôi thấy thương các anh chị tôi quá, cứ nghĩ bâng quơ. Tới ga Phú Thọ lúc nào mà không hay, lật đật xuống xe, lên xe tay kéo đến bến xe đó đi Tuyên Quang. Dọc đường khoảng 20 km thì xuống xe, đi bộ vào nhà xứ Làng Lang, lúc đó khoảng 4 giờ rưỡi chiều. Thay quần áo tắm rửa lên chào 2 Cha. Tôi đề nghị với Cha Tuyên, nếu ai mời đi chơi thăm chỗ này chỗ kia thì xin từ chối vì tôi cần nghỉ để làm bài mùa Hè, Cha đồng ý ngay. Còn 4 anh kia tới sau tôi 3 ngày.
Chỉ còn 2 tuần nữa là chúng tôi phải nhập học. Chúng tôi miệt mài làm bài luôn 10 ngày thì xong. Nghỉ năm ngày nữa cho có sức để vô trường, nhưng ông em ruột Cha Tuyên đến kéo xuống nhà ông nghỉ. Thế là lại lang thang mất 3 ngày luôn. Đúng chiều thứ Bảy, ông và mấy thanh niên con cháu đưa chúng tôi bằng xe đạp về nhà xứ và ở lại luôn lễ Chủ nhật. Vào hôm sau là thứ Hai lại chở chúng tôi ra đón xe trên đường Tuyên Quang - Phú Thọ.
Trước khi lên xe, ông không quên đưa chúng tôi đứa ít tiền như lời ông nói lúc gặp lần trước. Khi từ giã các Cha, các Cha cũng cho tiền, đây là trách nhiệm của Cha Tuyên, Cha bảo trợ chúng tôi. Những tiền của người khác cho là hảo ý của họ. Nhưng chúng tôi cũng báo cáo với Cha là người này người kia đã cho. Các Cha dặn giữ lấy mà tiêu, nhưng phải nhớ tiết kiệm và cầu nguyện cho họ, nhất là chịu khó học là điều làm họ vui nhất.
Từ lúc lên xe về tới bến xe Phú Thọ khoảng 15 giờ. Lần này không phải ai đưa, chúng tôi cũng không hấp tấp, gửi đồ vào nhà quen, đi bát phố Phú Thọ, ăn phở … đã gần đến giờ phải trình diện, chúng tôi mới ra xe kéo về trường.
Lần này chúng tôi hiên ngang vì lớp trên của lớp mới, tôi đều phân biệt được phòng ngủ đã biết ở đâu …
Sau khi ghi tên trình diện, tôi thẳng lên phòng ngủ để đồ đạc … đến xem qua lớp mới, thăm hỏi vài người bạn. Đúng 6 giờ chiều tập trung cả trường ở phòng hội, nghe Bề trên (Giám Đốc) chỉ thị mấy điều cần thiết, nhất là cho lớp mới.
Đến 6:30 về lớp riêng, nghe Giáo sư chủ nhiệm điểm danh và cũng dặn riêng của lớp. Năm nay Cha Giáo sư chủ nhiệm của lớp tôi là người mới đến, tên của Cha Vũ Văn Thuyết.
19/7
Sau khi giới thiệu xong Thầy trò và ít lời dặn dò khuyên nhủ của Cha chủ nhiệm, thì chuông báo đi ăn cơm. Dọc đường đến nhà cơm, chuyện trò như ong vỡ tổ. Các lớp cũ thì cứ ngồi thứ tự như lúc trước khi đi nghỉ Hè. Còn lớp mới thì đứng sớ rớ chờ Thầy giám thị gọi tên vào chỗ ngồi theo thứ tự a, b, c.
…
Bữa nay phần thì mãi chuyện trò, phần vì mệt, lại phần nữa như tôi đã ăn phở rồi nên ăn cho có lệ, nhưng uống nước thì nhiều. Lớp mới còn dè dặt, nên cơm và đồ ăn thừa quá nhiều.
Cơm xong, tôi tìm mấy bạn thân mà vẫn chưa gặp từ lúc vô trường. Vừa gặp chưa được chuyện trò bao lâu thì có lệnh Cha Bề Trên bảo ra nhà thờ đọc kinh tạ ơn, vì tất cả học sinh đã trở về trường đầy đủ sau hơn 2 tháng nghỉ hè và lớp mới có 29 người. Hơn nữa tối nay đi ngủ sớm nửa tiếng tức là 8:30 tối, thay vì 9 giờ như thường, vì Ngài nói hôm nay chúng tôi đi đường mệt mỏi.
8:30 tối từ nhà thờ ra lên thẳng phòng ngủ, tôi nằm ngay cạnh cửa sổ vừa may vừa rủi, may vì gần cửa sổ sẽ mát mẻ hơn, đó là ngày không có gió mạnh. Còn hôm có gió lớn bay tung cả màn, cũng phải đóng cửa lại. Tôi ngủ một giấc ngon lành cho tới sáng. Hôm nay cũng dậy muộn hơn thường một tiếng tức là 6 giờ, thay vì 5 giờ. Làm vệ sinh riêng 30 phút, rồi 6:30 ra nhà thờ xem lễ 30 phút.
7 giờ tập trung nơi hội trường muốn xếp sách hay ngồi chơi … nhưng không được nói chuyện.
Đến 7:30 đi ăn cơm sáng, từ đây được nói chuyện thả cửa đến 9 giờ.
9 giờ vào lớp riêng, Giáo sư phát sách vở và ghi chương trình cho niên học, cắt cử trưởng lớp, chia tổ để chơi thể thao …
Năm nay lớp 5, tôi phải phụ trách giữ giờ, nghĩa là cài đồng hồ để báo chuông hiệu chung của trường trường. Sáng sớm là báo hiệu thức dậy, giờ lễ, ăn cơm, vô học … người phụ trách giờ, mất giờ riêng của mình vì phải dậy trước, việc gì mình cũng phải đi trước. Người phụ trách được cấp một đồng hồ báo thức, đi đâu cũng phải mang theo. Trong giờ chơi mình cũng phải để nơi dễ coi nhất. Đồng hồ này luôn luôn theo đúng đồng hồ lớn của trường và phải có thời khóa biểu trong mình dù đã thuộc lòng.
Sau giờ phát sách và ghi chép chương trình thì hoàn toàn tự do đi tắm, đi giặt … rồi ăn cơm và nghỉ trưa một tiếng, giờ ngủ phải im lặng. Hết giờ ngủ lại tự do … làm việc tùy mỗi người cho đến 18:30 tập trung tại phòng lớn tập hát cho ngày mai 15/8 lễ Đức Mẹ lên Trời và cũng là ngày khai giảng niên học. Rồi ăn cơm đi ngủ …
Sau giờ phát sách và ghi chép chương trình thì hoàn toàn tự do đi tắm, đi giặt … rồi ăn cơm và nghỉ trưa một tiếng, giờ ngủ phải im lặng. Hết giờ ngủ lại tự do … làm việc tùy mỗi người cho đến 18:30 tập trung tại phòng lớn tập hát cho ngày mai 15/8 lễ Đức Mẹ lên Trời và cũng là ngày khai giảng niên học. Rồi ăn cơm đi ngủ …
Ngày 15/8 là đại lễ, ngoài việc mừng lễ về phần hồn, còn bổ dưỡng phần thể xác nữa. Nhà trường làm thịt 2 con heo lớn, ăn uống lu bù và được tự do cả ngày không phải về lớp cũng không phải tập hợp trở lại.
20:30 vô nhà thờ rồi đi ngủ, từ đây coi như hết mùa Hè và những ngày còn được rôm rả của đầu niên học.
Hôm sau 16/8 thứ Hai, mọi việc trở lại trật tự khuôn khổ, sáng dậy 5 giờ … 8 giờ vô lớp, chương trình và môn học thay đổi theo khả năng của lớp, riêng giáo sư chủ nhiệm là mới. Giờ học đầu, Cha cho mỗi anh lần lượt kể một chuyện vui nhất trong nghỉ Hè. Kể chuyện cũng theo thứ tự A, B, C, tôi đứng vào C phải kể vào thứ 3, vì A không có, B hai đứa. Tôi kể chuyện không vui nhưng là thích nhất của tôi là từ bé đến giờ được cầm súng dù là súng bắn chim và cũng không bắn phát nào. Tôi nói xong thì nhao nhao đề nghị bắt thăm để nói. Nếu thứ tự A, B, C thì anh sau có đủ thời giờ sửa soạn. Cha chủ nhiệm nói, đây là chỉ kể cho vui chứ không lấy điểm, nếu có thời giờ sửa soạn thì chuyện càng vui. Nhưng Ngài cũng chấp nhận ý kiến nhưng có đổi đôi chút là viết số thứ tự rồi những anh chưa nói một số, anh nói trước gọi rút số vào anh nào thì anh đó nói. Tôi vừa nói xong được chỉ một số, tôi chỉ số 5 đúng anh Xuân, nhẽ ra anh này nói cuối cùng nếu theo thứ tự A, B, C thế là cậu ta quýnh lên chẳng biết nói gì, cứ nhe răng cười. Cha chủ nhiệm cũng vui nói cho anh xuống, thế cũng là vui rồi, rồi cứ tiếp tục hết giờ học đầu, ra chơi. Học trò lớp tôi liền bàn tán Cha chủ nhiệm dễ tính …
Sau 10 phút ra chơi trở vào cũng lại môn của Cha chủ nhiệm phụ trách. Ngài chỉ bài học, bài làm cho các ngày sau. Rồi dặn cách ăn nói, ăn mặc … một điểm mà Ngài nhấn mạnh nhiều lần, học kém vì trí khôn kém, nhưng vẫn cố gắng chịu khó thì còn chấp nhận được, nhưng lười thì không tha thứ được.
Sau giờ này anh nào cũng lắc đầu, chắc ông này khó lắm. Đúng như dự đoán, tuần sau ông truy bài đọc, bài viết, anh nào cũng ngắc ngư. Ông lại có vẻ thạo về tâm lý, vô lớp thấy anh nào cắm đầu vô sách, là bị ông gọi trả bài ngay. Riêng tôi bị một lần rồi kinh nghiệm ngay, bài nào không thuộc thì cứ tỉnh bơ, bài nào thuộc thì cắm cúi thế là trúng tủ. Phải thú thật nhờ Cha chủ nhiệm ngặt mà tôi tấn tới rất nhiều trong niên học này (lớp 5).
Việc học cứ tiếp diễn bình thường. Cuối năm tổng cộng các bài thi viết, điểm học hàng ngày, tôi được đứng hạng 3/30 hơn năm lớp 6 một bậc. Bế mạc năm học và đi nghỉ Hè cũng như mọi năm, bảng thành tích học được đưa lên trình 2 Cha. Cha Tuyên rất vui coi bảng của tôi trước, được thêm phần thưởng lại lên hạng. 4 anh kia cũng khá hơn nên Cha Tuyên càng vui.
Kỳ Hè này tôi bận hơn năm trước vì phải phụ Cha Tuyên dạy giáo lý ở nhà xứ Làng Lang và tập hát cho thanh niên, nhưng không mệt bằng đi các Họ thăm các nhà. Chỉ có một lần đến thăm ông em ruột Cha Tuyên.
(Còn Tiếp)
Là hình ảnh tái hiện lại lúc Chúa Giesu bị bắt và bị treo lên thánh giá. Gồm 14 chặng. Đi qua hết 14 chặng đó gọi là đi đàng thánh giá. Mô tả diễn tiến Cuộc thương khó của Chúa Giêsu, từ khi Người bị kết án đến khi bị đóng đinh trên thập giá và cuối cùng là an táng trong hầm mộ. Thánh Giá được thể hiện qua hình thức tôn thờ bằng cách đi chuyển đến từng chặng (từng hình ảnh) theo thứ tự rồi đọc kinh nguyện và suy tư tương ứng với sự kiện tại chặng đó. Đàng Thánh Giá thường được cử hành vào các ngày Thứ Sáu trong tuần (đặc biệt là Mùa Chay, vì Kitô hữu tin rằng đó là ngày Chúa Giêsu chịu chết).