LGT: Từ nhiều năm qua, độc giả của trang Tâm Thức Việt Nam và nay là Bức Tranh Vân Cẩu đã có dịp đọc những bài viết gởi từ Nhật Bản qua mục Chuyện Xứ Phù Tang với những tin liên quan đến thời sự, chính trị, văn hóa, giáo dục, xã hội, và ngay cả những câu chuyện thâm cung từ Hoàng gia Nhật Bản. Với văn phong dí dỏm nhưng không kém phần thâm trầm sâu sắc, tác giả của những bài viết này đã đem đến cho người đọc những giây phút thoải mái vui nhộn nhưng đôi khi gây nhiều cảm xúc khi anh viết về những người chiến hữu của anh, những người bạn đã ra đi trong ước mơ giải phóng dân tộc khỏi ách cộng sản, nhưng đã không thành công và đã nằm xuống tại một khu rừng núi Nam Lào. Người đó là cây bút Vũ Đăng Khuê hay Takenaga Hisahide.
Bức Tranh Vân Cẩu hôm nay xin mời quý vị cùng đọc loạt bài về “Nhật Ký Của Bố.” Đây là nhật ký viết bởi thân phụ của tác giả Vũ Đăng Khuê. Đọc những trang nhật ký này chúng ta sẽ hiểu hơn về đời sống của những người đi trước, cũng như thông cảm về hoàn cảnh đất nước Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh Việt Minh-Quốc Gia- Pháp-Nhật là như thế nào. Đọc để hiểu tác giả Vũ Đăng Khuê đã chịu ảnh hưởng tinh thần ái quốc của thân phụ anh ra sao.
——————————
Bố,
Hôm nay, con nhớ bố vô cùng. Bố đã kể lại vào lúc tranh tối tranh sáng năm 54: “Không thể nào sống với tụi này, bằng mọi giá mình phải tìm đường vào Nam”. Thế là từ làng La Thiện, Sơn Tây bố dắt mẹ, con và cô em kế vào Hà Nội rồi vào Nam lánh nạn và gia đình ta đã có một cuộc sống rất hạnh phúc. Năm 1975, giặc đến, bố ở lại và con thì đã ở ngoài này. Thời gian sau, gia đình ta lại may mắn hội ngộ.
Năm 1995 bố đã thực sự ra đi. Nghĩa là con đã sống với Bố 19 năm ở quê nhà và 14 năm tại Nhật Bản, chắc chắn con phải biết Bố hơn ai hết, nhưng mãi cho đến những ngày cuối tháng 4 năm nay (2021), con mới biết rõ hơn về nơi Bố đã sống và nơi con đã sinh ra qua chính những giòng chữ của Bố. Lúc còn sống, con vẫn thấy bố loay hoay viết, đánh máy gạch-xóa những giòng bố viết, con cũng không để ý lắm. Hôm nay con mới biết là bố viết “Nhật Ký” cuộc đời Bố.
Đọc xong, con thấy nghèn nghẹn sao đó. Nói rõ hơn một chút là sau ngày bố mất 23/1/1995, bố có để lại cho tụi con mấy cái cặp. Con, quyền huynh thế phụ đã giao cho những em trong đình, gia tài của bố. Con chỉ giữ phần bố viết lúc hoạt động bên này, còn các phần khác thì mỗi cô một cái cặp. Có một cô em lại tìm thấy phần Nhật Ký bố viết dở dang trong cái thùng con đã giao. Cô đánh máy lại và gửi cho toàn thể anh em trong nhà và con đã đọc được. Nói lại một lần nữa là hôm nay con mới đọc được về phần của Bố. Được biết, bố đã bắt đầu viết từ tháng 7 năm 1992. Nhưng đã phải ngưng nửa chừng vào đầu tháng 1 năm 1995 vì bố đã ra đi. Tụi con tiếc lắm, vì còn muốn nghe thêm nhiều chuyện về Bố, một chứng nhân sống ở ngay bên cạnh mình trước những biến động của lịch sử. Cám ơn Bố đã cho con biết thêm một phần đời của Bố.
Vũ Đăng Khuê
Bố viết chi tiết và hay quá. Xin phép Bố cho con trích lại từ từ những đoạn hồi ký của Bố.
---------------------
1. Ở nhà
Tôi sanh ngày 2/9/1914 (ngày sinh tháng đẻ này đã báo trước cho đời tôi những gian truân ghê gớm) tại
một làng quê cách xa tỉnh lỵ Sơn Tây 18 km, cách núi Ba Vì đi theo phía ngược hay phía xuôi cũng khoảng 18 km. Làng tôi nằm ngay trên hữu ngạn sông Hồng Hà, phía trên sông Hát Môn - nơi 2 Bà Nữ Anh Hùng đã trầm mình - đi khoảng 21 km và cũng đối diện với thành phố Việt Trì là căn cứ quân sự lớn của Pháp, nằm ngay ngã Ba sông Hồng Hà và sông Tô, nơi đã xảy ra trận chiến đã có bài hát sẽ nói ở phần sau. Về mùa nước thì sông nước mênh mông trông rất xa nhau khoảng 2 km. Nhưng về mùa khô thì đứng ở bãi cát bên này có thể nói chuyện với người đứng bên kia. Làng tôi quen thuộc với thành phố Việt Trì hơn là thành phố Sơn Tây.
Sanh trong một gia đình hạng trung lưu so với người làng lúc đó. Bố Mẹ tôi sanh được 4 con, 2 chị đến anh và tôi là út, điều buồn nhất cho tôi cho tới bây giờ, là Mẹ tôi mất lúc tôi 3 tuổi. Tôi không biết mặt Mẹ tôi và chẳng có di ảnh nào để lại. 80 năm về trước chụp ảnh hầu như chỉ có ở Hà Nội. Nhưng còn hơi may mắn là 2 bà chị ruột của Mẹ tôi, khu vực tôi gọi là Bá, các chị tôi nói Mẹ tôi giống Bá thứ 2, từ đó tôi quý Bá này lắm. Tôi hay đến chơi nhà Bá 2 hơn là Bá Cả. Mẹ tôi mất rồi, Bố tôi nuôi 4 con, 2 chị tôi giúp Bố tôi nhiều. Lúc tôi lên 7 tuổi, Bố tôi đưa tôi đến học chữ Nho với Thầy Đồ trong làng, phải gọi là Thầy đồ hay Ông đồ vì còn trẻ chứ không phải Cụ đồ già như họ thường chế riễu bằng câu hát :
Thầy đồ đời xưa, hay để móng tay dài,
Quần để tai hồng, vở nhòe mực son
Dạy mấy đứa như hủi phong,
Sai bưng cái điếu, bẻ bình phóng, biên cơi trầu.
Thầy đồ thuộc loại văn minh, không để búi tó, đi xe đạp đã theo học các Cụ có bằng cấp Nho học ở Bắc Ninh, rồi tiếp tục học với các Cụ ở làng về để định thi ông Cống ông Nghè gì đó nhưng mộng không thành về nhà dạy học và làm thuốc Bắc, Thầy đồ này 29 năm sau đã trở nên Bố vợ tôi
(Còn tiếp)
----------------------------