Lên 8 tuổi thì Bố tôi lấy bà Mẹ kế, mặc dầu Mẹ ghẻ con chồng nhưng Bà Mẹ kế và anh em chúng tôi rất vui vẻ.
Lên 9 tuổi thì Bố tôi mất sau 2 tháng đưa phu lên núi Ba Vì dọn một khu rừng ở độ cao 400m để làm căn cứ quân sự cho Pháp, đây là một sự đau khổ nhất cho tôi, vì lúc này tôi đã hiểu được sự mồ côi sẽ thê thảm như thế nào, khác với lúc Mẹ tôi mất vì lúc đó chưa biết gì.
Bố tôi mất rồi, Bà Mẹ kế và chị em chúng tôi vẫn sống với nhau rất hòa thuận, lúc này chị Cả tôi đã đi lấy chồng, 2 anh em tôi vẫn tiếp tục đi học chữ Nho.
Trong giai đoạn này làng tôi có phong trào theo Công Giáo, 1/3 dân làng khoảng 150 người, cả họ Vũ của tôi cũng theo. Tôi không nhớ rõ ngày tháng nào, một Cha người Pháp tên Việt Nam là Hương (tên Pháp là Húe) rất thành thạo tiếng Việt và chữ Nho (đã chép từ điển chữ Hán) đến làng tôi để tiếp nhận những người theo Công Giáo.
Sau 1 tuần lễ, cha Hương cử 1 thầy Tu sĩ (không phải Linh Mục) ra ở luôn làng tôi, buổi tối dạy Giáo lý, ban ngày dạy chữ Quốc ngữ, lúc đó Tỉnh tôi chưa có trường dạy Quốc ngữ, thế là tôi thôi chữ Nho. Số theo học đông lắm, học trong một nhà tư nhân không bàn, không ghế, ngồi bất cứ chỗ nào trong nhà có thể ngồi được, khi viết thì nằm trên sập, trải chiếu dưới đất.
Nhưng sau họ bỏ dần dần chỉ còn 9, 10 đứa, trong số còn lại có tôi được Thầy Tu sĩ khen là thông minh. Sau 5 tháng tôi được cử ra đọc bài chào mừng Đức Giám Mục đến thăm họ tôi. Bài đó Thầy Tu sĩ làm và tập cho tôi trước. Từ đó tôi càng được khuyến khích và tôi học rất chăm chỉ, hầu như cả ngày ở nhà lo đọc cho trơn tru và được dạy cả Toán nữa. Bọn chúng tôi 5, 6 đứa cả ngày quanh quẩn với Thầy Tu sĩ, đưa Thầy đi thăm các gia đình.
9, 10 tháng sau thì trường dạy Quốc ngữ của Tỉnh (gồm nhiều xã) khai giảng, trường cách nhà tôi khoảng 500 m. Thầy tu sĩ bảo chúng tôi đến đó học cho có phương tiện và quy củ. Chúng tôi tới đó học, nhưng trường mới mở chỉ có 1 lớp vỡ lòng (classe enfantin) mà chúng tôi đã đọc thông viết thạo lại biết cả toán cộng trừ nữa, nếu dạy theo trình độ chúng tôi thì những đứa kia không theo được, nếu dạy theo những đứa mới học thì chúng tôi ngồi chơi. Thế là Thầy giáo liên lạc với Thầy Tu sĩ tiếp tục dạy chúng tôi. Một số trong chúng tôi nghỉ luôn chờ khi nhà trường nhà nước có lớp thì đi học. Còn chúng tôi có 3 đứa tiếp tục học với Thầy Tu sĩ.
Học được mấy tháng thì có Cha Việt Nam tên là Vũ Đình Tuyên đến cấm phòng cho họ tôi một tuần lễ. Trong tuần này 3 đứa chúng tôi tích cực giúp tất cả những việc trong nhà thờ. Gần cuối tuần cấm phòng thì cha Tuyên đưa chúng tôi sang thăm phố Việt Trì, cha Tuyên mua cho mỗi đứa một cái bút, một đầu là bút chì, một đầu là bút ngòi sắt trông rất đẹp, đây là lần thứ nhất chúng tôi trông thấy lại được có, chúng tôi mừng hết sức.
Ngày cuối cùng của tuần cấm phòng, cha Tuyên trước khi từ giã, giáo dân đến chào từ biệt, có mặt tôi là đương nhiên. Cha bảo tôi về mời bà Mẹ kế và các anh chị tôi tới để Cha hỏi ý kiến là muốn đưa tôi vô nhà Xứ (xứ đạo ngoài Bắc gồm nhiều họ) Phú Nghĩa (nhà Xứ gọi theo tên làng Phú Nghĩa sở tại). Tôi về và nói ý của Cha như thế, tức thì có buổi hội ý ở nhà trước khi gặp Cha, chị Cả tôi chống đối ngay vì cho rằng Bố Mẹ mất không muốn đứa em phải cho đi ở, Bà Mẹ kế và chị Hai, anh tôi không có ý kiến. Đang thảo luận thì có người từ nhà thờ đến bảo ra gấp để Cha còn về Phú Nghĩa.
Chúng tôi đến gặp Cha trước mặt rất đông giáo dân trong khi chúng tôi chưa đến, vì biết ý Cha muốn đem tôi đi học, thì có bà Mẹ thằng Bằng vẫn đi với tôi xì xào với nhau, xin cho thằng Bằng cùng đi với tôi. Đến gặp Cha, chị Cả tôi vẫn giữ ý kiến như đã nói ở nhà, còn bà Mẹ kế, chị Hai và anh tôi không có ý kiến, đến lúc tôi được hỏi, thì tôi nói tùy ý chị Cả tôi, nhưng thực tâm thì ý muốn đi chiếm 60%. Nhưng sau nhiều người khuyên chị Cả tôi và cắt nghĩa sự lợi hại của sự đi học, nhất là ý kiến của Mẹ thằng Bằng nói rõ muốn cho thằng Bằng đi mà Cha chưa nhận. Thế là sự ra đi theo Cha của tôi đã dứt khoát. Cha từ giã họ ra về và hẹn sẽ trở lại đón tôi sau 1 tuần lễ.
Trong tuần lễ chờ đợi, tôi đi chào bà con họ hàng tôi, đến đâu cũng được khen và cổ vũ. Có nhiều đứa cùng tuổi với tôi, đều mừng cho tôi được may mắn và hứa sẽ có mặt lúc Cha ra đón. Từ ngày Cha đi, Thầy Tu sĩ bảo tôi ở luôn luôn với Thầy, có khi bắt tôi ở lại ăn cơm nữa, Thầy chỉ dẫn những điều cần thiết, hiện nay tôi vẫn còn nhớ mặt và kính yêu Thầy Tu sĩ hiền lành đạo đức này.
Đi học Tiểu học
Đúng ngày hẹn, Cha và 1 người nữa rất trẻ và khỏe mạnh với xe đạp. Xe của người thanh niên có cái đệm nhỏ ở đằng sau (porte bagage). Nghe tin Cha đến, những chức sắc trong họ đã có một số lớn, và các bà gần đó cũng như các đứa bạn tôi, đương nhiên là có đầy đủ gia đình tôi, có cả các ông Chú bà Bác nữa. Ai ai cũng quây quần chung quanh tôi, khuyên điều này dặn điều nọ. Lúc đó tâm trí tôi vừa hãnh diện vừa buồn. Hãnh diện vì ai cũng để ý đến mình, cả ông Chú bà Bác nữa, trước kia đâu có. Buồn vì biết rằng phải xa cách chị các anh. Sau vài giờ chuyện vãn, Cha bảo sửa soạn đi để về kịp giờ cơm. Lúc này chị Cả tôi òa lên khóc, rồi chị Hai và anh tôi cũng như bà Mẹ kế đều khóc theo. Lúc đó tôi mới thấy ly biệt là một nỗi sầu thảm. Cha sợ chần chừ lại đổi ý chăng, nên giục anh thanh niên đưa tôi ngồi đằng sau xe anh, còn Cha cầm đồ của tôi thực ra chẳng có cái gì, chỉ có một quyển vở tôi đang viết dở, vài cái áo quần mặc hằng ngày vì Cha đã dặn trước đừng may gì mới, để vào trong Xứ may cho đồng đều với những đứa đến trước.
Khi tôi ra đi, bộ mặt của bà Mẹ thằng Bằng rất buồn vì đã xin cho Bằng đi cùng tôi, mà Cha chỉ hứa giải quyết sau vì mới chuẩn bị chỗ ăn ở cho 1 người. Còn tất cả đều vui, trừ anh chị em tôi buồn vì xa tôi.
Trên con đường đất khoảng 3 km, ngồi đằng sau anh thanh niên khỏe mạnh đạp đi bon bon và anh luôn luôn hỏi chuyện để tôi khỏi nhớ các anh chị. Cha Tuyên thì đi sau.
Đến nhà Xứ khoảng 15:30 từ đó anh thanh niên từ giã tôi về nhà anh. Sau này tôi mới biết anh là trưởng nhóm thanh niên thể thao của làng Phú Nghĩa.
Cha đưa tôi vào lớp học để chào Thầy Tu sĩ đang dạy học. Đây là một phòng ăn, bàn ghế là để ngồi ăn cơm có khoảng 30 học trò, có 8 đứa được các Cha nhận như tôi.
Tôi còn bỡ ngỡ thì nghe vài đứa xì xào: cậu bé này học giỏi lắm đó; có lẽ Cha Tuyên đã nói trước. Rồi Cha đưa tôi lên chào Cha Hương (Huê) là Cha Sở. Cha Hương niềm nở xoa đầu tôi và cho biết Thầy Tu sĩ dạy tôi đã nói tôi học khá và chăm chỉ, lại một lần nữa tôi được hãnh diện.
Rồi Cha Tuyên trao tôi cho Thầy Tu sĩ ở Xứ để chỉ chỗ ngủ và dặn mấy đứa đến trước chỉ dẫn cho tôi những giờ giấc, nơi tắm rửa … đến 17:30 là giờ ăn cơm.
Những bàn học giờ biến thành bàn ăn, 2 Cha Hương, Tuyên ngồi 1 bàn, 3 Thầy ngồi giữa bàn dài, chúng tôi 8 đứa ngồi một bàn dài nhưng thành 2 mâm. Bữa đầu tôi chẳng ăn được gì, vì lúc này tôi nhớ nhà lắm. Nhất là buổi tối hôm đó suốt đêm tôi chỉ khóc và nhất định sáng ra là trốn về, nhưng lại không dám.
Cả một tuần đầu Thầy Tu sĩ cho một anh đến trước nhất coi như thông thạo mọi chi tiết, chỉ dẫn cho tôi tất cả những gì cần thiết giúp lễ, dọn áo lễ, trang trí bàn thờ và đi sắm quần áo, chăn mền, sách vở … nhờ đó tôi cũng đỡ nhớ nhà.
Sang tuần thứ 2 tôi bắt đầu học theo chương trình Tiểu học, nhưng chỉ học những môn chính như Toán, chính tả, cũng có một vài giờ học chữ Nôm và chữ Nho, có tập đọc tiếng La Tinh nhưng không học nghĩa. Cứ thế kéo dài một năm, thỉnh thoảng được về thăm nhà, được bà con và anh chị em thương lắm. Khi đó bà con còn cho tiền nhưng không phải tiêu gì. Tôi học rất khá, những anh đến trước có nhiều bài họ phải hỏi tôi, nhất là Toán.
Ở Xứ Phú Nghĩa là Xứ tôi, nhẽ ra năm sau tôi được vào học Tiểu chủng viện, nhưng cha Tuyên lại đổi lên Xứ Dư Bơ thuộc tỉnh Phú Thọ, tôi phải đi theo.
Xứ Dư Bơ là một Xứ lớn, lớn có nghĩa là đông giáo dân, lúc nào cũng có 2, 3 Cha, có Thầy giáo dạy đúng tiêu chuẩn để vô Tiểu chủng viện. Ở đây có 18 trò được học để chọn một số khá để vô Tiểu chủng viện. Tôi lên Xứ Dư Bơ mới bắt đầu học chữ La Tinh, khi thi để chọn học sinh vô Tiểu chủng viện, trong số 18 người chỉ đậu 6, trong số đậu có tôi. Tôi kém môn La Tinh mới học 3 tháng, nhưng các môn khác như Toán, chính tả bù vào, thế là tôi được vô Tiểu chủng viện vào tháng 8 sau 2 tháng thi tuyển.
Trong khi nghỉ Hè để sửa soạn vô Tiểu chủng viện, tôi được về quê một tháng đi thăm bà con bạn bè, nhất là đến thăm Thầy Tu sĩ đã dạy Quốc ngữ cho tôi trước kia, bây giờ Thầy không còn ở Họ tôi nữa, đang sang giúp Họ bên cạnh. Trước khi trở lại Dư Bơ để cùng vô Tiểu chủng viện, tôi cũng lên chào Cha Hương, Ngài rất vui và cổ vũ tôi nhiều, và còn hứa sẵn sàng giúp tôi bất cứ tinh thần hay vật chất khi cần. Ngài cũng cấp cho tôi mấy quyển sách tự điển La Tinh - Việt Nam.
Trong thời gian khoảng 6 tháng ở Dư Bơ, tôi có dịp đi theo Cha Tuyên đến các Họ đạo xa xôi ở chân núi, lại bên cạnh một cái ngòi gọi là ngòi Lao lớn như một con sông nhỏ chảy ra Sông Hồng Hà. Chính nơi này là một trại tập trung cải tạo của Việt cộng, những sỹ quan bị giam ở trại này về kể lại, được Họ đạo này âm thầm giúp đỡ nhiều lắm. Tôi còn được đến thăm một làng khác tên là Thượng Vỹ, ở ngay chân núi thường bẫy được Voi, Cọp, Beo, nhờ thịt beo mà tôi khỏi bệnh sẽ kể ở phần sau lúc đã vô Đại chủng viện ở Hà Nội. Tôi cũng có theo họ săn bắn một vài lần, chỉ đi ban ngày không dám đi ban đêm.
Vào lớp Trung học Hà Thạch
Đầu tháng 8 tôi trở lại Dư Bơ để cùng sửa soạn, mua sắm những thứ cần thiết như quần áo, sách vở … để vô Tiểu chủng viện (tức là Trung học).
Dường như ngày 12/8 tôi không nhớ rõ, nhưng chỉ biết hàng năm Trường làm lễ khai giảng vào 15/8 là ngày kính Đức Mẹ Hồn Xác lên Trời. Đúng ngày tựu trường, Thầy giáo hướng dẫn 6 chúng tôi đã đủ tiêu chuẩn vô Tiểu chủng viện, đứa nào cũng có bộ mặt vui, nhưng riêng tôi vẫn lo lắng sao đó, có lẽ vì sợ sức học yếu kém. Chúng tôi phải qua Sông Hồng Hà để sang bên kia (hữu ngạn ) là ga Thanh Ba, đứa nào cũng tay xách nách mang một gói nặng, chỉ có 2 đứa là có cái va ly gỗ, chen nhau lên xe lửa, khoảng 5 ga thì đến ga Phú Thọ lúc đó khoảng 12 giờ xuống ga, thì gặp rất đông học trò cũ có, mới có nhưng tôi chưa biết ai. Thầy giáo thuê 4 xe kéo (chưa có xích lô) về thẳng nhà Trường để đồ đạc và ghi tên. Rồi trở ra đi bộ lên Tỉnh lỵ Phú Thọ để mua sắm thêm như giày, dép … và ăn trưa.
17 giờ là hạn chót phải có mặt tại Trường, 18 giờ phải có mặt tại lớp, lớp mới này đông hơn dự định là 11 đứa. Mỗi lớp mới từ trước chỉ nhận 30 là tối đa, lớp năm nay có tới 41.
Điểm danh đầy đủ rồi, Thầy giám thị hướng dẫn lên nhà ngủ nhận giường, cứ theo thứ tự A, B, C chỉ có 30 giường nên 11 anh sau theo vần V, U … là nằm chiếu. Sau khi chia giường rồi xuống nhà ăn, may mắn nhà ăn có đủ bàn ghế, không anh nào phải ngồi đất. Nhà ăn có dãy bàn dài dành cho học trò. Các lớp cũ ngồi 2 dãy bàn hai bên theo thứ tự bài thi cuối trước khi nghỉ Hè. Học trò mới ngồi dãy bên giữa theo thứ tự A, B, C . học trò 1 năm. Chỗ ngồi thay đổi theo thứ tự số điểm bài thi mỗi tuần. Do đó những học trò giỏi
thì hầu như quanh năm ngồi với nhau. Mỗi ngày học trò phải chia lượt cũng thứ tự theo A, B, C….lớp trên trước, lớp dưới mỗi bên 5 anh bưng cơm từ nhà bếp lên phòng ăn qua cầu thang khoảng 20m, và ăn xong bưng mâm trả cho nhà bếp. Những anh phụ này ăn cơm sau. Thức ăn thì cũng rất được với tuổi thơ, ngày 3 bữa. Sáng điểm tâm chỉ có một món xào, trưa và tối có đủ 3 món
xào, kho, canh. Vào những ngày lễ thì có thêm món đặc biệt nào đó và có trái cây tráng miệng chuối và ổi là thịnh hành nhất, vì nhà Trường có vườn ổi rất nhiều. Ngày mùa ổi người làm lấy không kịp rụng đầy gốc cây.
14/7
Tôi tạm ngưng ở đây để nói về ngôi trường. Trường Tiểu chủng viện Hà Thạch vì nằm trong địa hạt làng Hà Thạch, là ngôi nhà gồm 3 dãy xếp theo chữ U, mỗi dãy 2 tầng rất đồ sộ có thể nói là một trường đẹp đẽ nhất Tỉnh Phú Thọ lúc đó, lại rất cao nằm trên một quả đồi trọc. Sau năm 1946 xảy ra chiến tranh Việt - Pháp, Việt minh (Việt cộng) cắm cờ đỏ sao vàng lên nóc nhà Trường này, thế là máy bay Pháp tha hồ thả bom, mà sự thật trong ngôi nhà này chỉ có 1 Thầy quản lý, học trò bị giải tán từ lâu và chẳng có thằng Việt cộng nào ở đó.
Trường này nằm bên cạnh một cái gành gọi là gành Tháp, rất đáng ngại cho các thuyền bè xuôi ngược Sông Hồng Hà phải qua gành này vào mùa mưa nước lên.
Trường Hà Thạch cách tỉnh lỵ Phú Thọ 3 km và cũng cách Đền Hùng Vương 2, 3 km theo đường tắt. Trong thời gian học tại đây, tôi đã có nhiều dịp đến viếng Đền Hùng Vương, dự nhiều ngày giỗ Tổ 10/3 Âm lịch. Cũng trong dịp những ngày này tôi đã đến thăm làng Xuân Lũng ngay dưới chân núi Đền Hùng, là nơi xuất phát của Quốc Dân Đảng đánh 2 nơi: Phủ Lâm Thao cách làng này 2 km và cũng đánh đồn lính Khố Xanh, Phú Thọ cách đó 5 km rưỡi, tuy thất bại nhưng đã gây một tiếng vang lớn. Sau khi thất bại Pháp đã đem quân về vây bắt nhiều người trong làng Xuân Lũng và phá các nhà có người đi theo cách mạng. Pháp cũng khám phá có nhiều bằng cớ quân cách mạng đã dùng khu vực núi Đền Hùng làm nơi hội họp và tàng trữ vũ khí cũng như có lò đúc vũ khí nhẹ như bom, lựu đạn …
Làng Xuân Lũng nằm trên một mỏ than, mặt đất khu vực nổi lên những than vụn mặt đất đen. Một nhà khoáng chất người Pháp đến đây nghiên cứu đã khai thác nhưng họ cho biết còn non.
Trở lại vấn đề lớp tôi, vì số học trò vượt mức 11 người thiếu chỗ ngủ, cần phải thu xếp sớm. Trong 2 tuần sau ngày nhập học, phải thi thử khả năng, anh nào có điểm số 31 trở đi, phải cho về để vô lớp năm tới.
Các môn thi chính là Toán, chính tả, Giáo lý, đọc tiếng La Tinh, mỗi môn là 10 điểm tối đa.
Thi liên tiếp trong 4 ngày. May mắn cho tôi là La Tinh chỉ đọc, chứ không cắt nghĩa nên tôi thấy ngon lành và rất yên tâm.
2 tuần sau tuyên bố kết quả, tôi đứng hạng 9/30, trong số 6 đứa tụi tôi từ Xứ Du Bơ cũng bị mất một thằng số 11 phải về. 11 đứa trở về, năm sau tôi lại thấy đủ mặt. Được trúng tuyển vào Tiểu chủng viện Hà Thạch cũng rất gian truân, và mỗi địa phận Công giáo chỉ có 1 Tiểu chủng viện, mà địa phận Hưng Hóa tức là địa phận tôi gồm 30 Xứ Đạo (mỗi xứ Đạo gồm nhiều họ Đạo) thuộc 8 Tỉnh miền Trung du và Thượng Du Bắc Kỳ : Sơn Tây (Trung Du), Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Lao Kay, Yên Bái, Hòa Bình và Lai Châu, xứ nào cũng cử đi những học trò ưu tú.
(Những anh này được nhà Xứ hoặc gia đình đến đón. Anh nào cũng tỏ vẻ âu sầu. Trông thấy các anh ra về cả lớp chúng tôi ra tiễn, tôi thấy buồn buồn sao đó và nghĩ nếu mình ở trong số này, thì không biết tâm trí mình ra sao).
Mọi việc giải quyết xong rồi, bắt đầu vào trật tự khuôn phép.
(Còn tiếp)
-----------------------