Tối ngày 30 tháng 4/2021, qua email tôi nhận được một bài viết nhan đề “Ba mươi tháng tư lại về và nghĩ về một ngày mai…” ký tên Lâm Bình Duy Nhiên. Nghe tên hay hay, tôi không ngại nhanh chóng liếc qua. Và nổi hứng viết mấy giòng này.
Tác giả đang sống ở Lausanne Thụy Sĩ, viết rằng ‘vì chìm trong mối bận tâm Covid, nên ông không để ý gì đến ngày 30 tháng tư tẻ nhạt cho đến khi vào một ngày cuối tháng 3, ông đã nhận được thư mời tham gia viết bài về ngày 30/4 từ một tờ báo mạng. Mục đích của những người chủ trương tờ báo là tập hợp những đoản văn ghi lại những ký ức, kỷ niệm đau buồn về sự kiện trên’ mà Duy Nhiên cho là “một di sản văn hóa dành cho các thế hệ mai sau. Suy nghĩ mãi rồi mới bất chợt nhận ra rằng cái sự kiện này là một thảm kịch, đã trở thành một gánh nặng trong tiềm thức của cả một dân tộc…Bởi vì “Thắng, thua vẫn chỉ như mới hôm qua. Nước mắt cay đắng, máu đỏ thắm nhuộm đất Mẹ dường như vẫn chưa nguôi sau gần nửa thế kỷ… Là thời gian mà Duy Nhiên nói rất đúng là “dân tộc Đức và Nhật đã hồi sinh giầu mạnh sau thất bại toàn diện trong thế chiến hai”.
Là một người trong cuộc, tôi không nghĩ biến sự 30 tháng 4 là tẻ nhạt, vì rằng những xúc động cá nhân của tôi cũng như của nhiều đồng bào miền Nam khác vẫn còn nguyên đó nhưng chỉ đã chìm lắng, không còn nghĩ tới nữa. Vì rằng tất cả những mất mát dù to lớn đến mấy cũng đều chịu luật 3 Q là qua, quen và quên
Bài viết có kèm theo hình chụp một cái bảng lớn gắn vào hàng rào một căn nhà nhiều tầng trông như một công sở, sơn đỏ choét với những chữ mầu vàng “Nhiệt liệt chảo mừng 46 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước!”. Có lẽ bức tranh này đã khiến Lâm Bình Duy Nhiên nghĩ đến sự thắng thua trong cuộc chiến Việt Nam. Mà đề nghị với những kẻ thắng cuộc đang cầm quyền ở Việt nam rằng hãy bỏ những khẩu hiệu tuyên truyền như thế vì nó chỉ mang lại hận thù và chia rẽ, chứ chẳng cần khói lửa chiến tranh. Duy Nhiên rõ ràng là người có thiện ý.
Nhưng theo tôi, lời kêu gọi này chắc chắn sẽ bị bỏ qua, bởi nếu không có những khẩu hiệu này thì nhũng kẻ đương quyền và tay chân lấy gì để biện minh cho những đặc quyền đặc lợi ngập mặt nhờ độc chiếm những vị trí quyền lực không ai được phép thách đố. Cũng vì ở ngoại quốc, Duy Nhiên chấp nhận dễ dàng cơ chế quyền lực này, để mà môt cách sai lầm đồng hóa nó với người dân dưới chế độ, trong khi thực sự thì chỉ có một đám chừng dăm triệu đảng viên quyền lực không chế đa số gần chín trục triệu dân. Đám quần chúng này đã nhẫn nhịn chịu đựng để sống yên thân theo triết lý “mặc kệ nó” truyền lại từ ngày Hồ chí Minh và đồ đảng thiết lập chế độ toàn trị chuyên chính vô sản. Sự đồng hóa sai lầm này được thấy qua câu ‘có một cuộc chiến trong lòng người dân, giữa hai miền, bên “thắng” và bên “thua’, của bài viết. Sai lầm vì rằng, giữa đa số người dân với nhau, không có sự phân cách bao nhiêu giữa bên thắng và bên thua, theo như truyền thống bao dung “dĩ hòa vi quý” và “bầu ơi thương lấy bí cùng” của người Việt. Sự phân biệt thắng thua chủ yếu đến từ những kẻ thắng cuộc cầm quyền, qua cách đối xử với người thua cuộc, chứ không từ người dân phía thắng cuộc. Sau tháng 4/75, ai cũng biết chuyện kể có những người miền Bắc vào Nam mang theo chút đường hay mấy cái bát cho người thân trong gia đình, vì nghe tuyên truyền miền Nam đói khổ, không có cái bát mà ăn. Riêng cá nhân tôi, tôi có một ông chú họ đã từng ở miền Nam khá giả nhờ nghề đóng bàn ghế giường tủ. Khi quân Pháp nương theo gót quân Anh ở tư thế phe Đồng mInh thắng trận vào giải giới quân Nhật đầu hàng mà chiếm lại Sàigon, ông về quê miền Bắc sống. Sau khi miền Nam sụp đổ, ông từ miền Bắc vào Nam thăm các họ hàng di cư năm 1954. Gặp tôi, ông dùng mấy tiếng tự xưng rất thân mật, là “cái thằng ông chú này” để tâm sự rằng ông đã dành dụm được chút ít tiền để chạy chọt vào thăm lại miền Nam và thăm các cháu, trong đó có tôi. Ông an ủi tôi là cứ yên tâm mà sống rồi mọi sự sẽ qua đi như ông đã trải. Ông kể rằng ông tuy chỉ là một “thằng dân” tay làm hàm nhai, chẳng cấp chức gì nhưng nếu lâu lâu muốn có ít đường, ít thịt cá mà ăn thì cũng xoay trở được. Nghe thế tôi chẩy nước mắt thương ông. Nhưng lại càng quyết tâm ra đi, vì không muốn ở lại để sống với triết lý đơn giản “mặc kệ nó”, để sống cho qua ngày. Các trại cải tạo tập trung là một chứng cớ khác . Chính tôi là một người bị đi cải tạo tập trung ở Trảng Lớn Tây Ninh rồi chuyển tới đại đội quân y sư đoàn 18 Long Khánh. Ở đó, tôi đã thấy có người quản giáo tên là Lân, gốc Thanh Hóa cắt cả một buồng chuối gần chín ở khu gia binh nơi quản giáo ở, đem cho nhóm cải tạo mà anh trách nhiệm. Cũng chính anh Lân này, có lần nghe tôi nói cay đắng linh tinh lung tung khi khâu một vết thương cho một đồng tù bằng những thứ phương tiện mà bác sĩ Nguyễn Hữu Ân nhặt trong đống rác của đại đội 18 quân y đã lờ đi không bắt tội. Bác sĩ Ân đã mất tích sau đó khi trốn trại. Nhà tôi không có ai là thuộc thành phần gọi là “cách mạng” để nộp đơn xin được khoan hồng ra sớm theo như chỉ thị lúc khai lý lịch. Thì có một cán bộ tập kết sống trong khu phố cùng họ Trần khi thấy vợ con tôi trong tình trạng nheo nhóc mà sẵn sàng nhận họ xa với tôi để làm giấy bảo lãnh cho tôi . Giấy này không có kết quả gì, nhưng vẫn cho thấy tình người dân hai phía với nhau. Sau nữa, cũng chính gia đình tôi khi sửa soạn vượt biển thì tình cờ có một cán bộ miền Bắc biết. Nhưng anh ta đã bỏ qua không tố giác gì, mà còn gián tiếp khuyến khích chúng tôi vượt biên. Tóm tắt lại thì qua chính kinh nghiệm của tôi, người dân phía thắng và người dân phía thua nói chung đa số không có thù hận với nhau.
Tôi đã chỉ ra những nhận định không phản ảnh thực tế của Lâm Bình Duy Nhiên không phải để chê bai. Bởi lẽ tôi biết rằng Duy Nhiên không ở trong nước, và những hiểu biết về đất nước của ông là dựa trên sách vở ngoại quốc lấy từ các nguồn tin chính trị có dụng ý, và từ các bài viết của các phóng viên không biết tiếng Việt công tác ở Việt nam rồi được sửa đổi bởi các chủ biên ngồi ở Mỹ. Như tay dẫn chương trình đài CBS nổi tiếng Walter Cronkite thời chiến tranh VN với câu kết nghênh ngang vào lúc chấm dứt mỗi bản tin buổi chiều hàm ý “chịu thì chịu không chịu thì thôi”. Là: “That’s the way it is”
Tôi viết những giòng này chỉ là một thiện ý, như thiện ý của Duy Nhiên nói trong bài viết của ông, là giúp cậu học trò được giới thiệu cho ông để tìm ra sự thật. Sự thật này chỉ có thể thấy qua cuộc sống và suy nghiệm của chính mình, không thể qua những sách vở, báo chí, thông tin ngoại quốc, đưa ra.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
Ngày 6 tháng 5/2021