Chiều ngày 1 tháng 4 năm nay (2021) trong phần tin tức của đài NTV (Nippon TV), người giới thiệu đã mở đầu bằng lời chào,
“Shinnen akemashite omedeto gozaimasu” (Chúc mừng năm mới)
nghe thấy là lạ không đúng mùa. Tết nhất thì mới xài câu này, câu đầu môi chót lưỡi khi quân ta gặp nhau dịp đầu năm, nhưng bây giờ đã là tháng 4 mà? Qua phần tin tức, phóng sự sau đó như hình ảnh tổ chức ngày nhập học cho các sinh viên năm thứ… 2, tổ chức nghi thức nhập công ty…. thì mình vỡ lẽ.
Tháng 4 là tháng mà ở khắp xứ Phù Tang đâu đâu cũng thấy hoa anh đào khoe sắc, là tháng đẹp nhất của năm.
Tháng 4 là tháng bắt đầu một niên học mới, một niên khóa tài chánh mới, một khởi điểm cho các nam thanh nữ tú chính thức bước vào đời “trả nợ áo cơm” sau thời gian dài “miệt mài đèn sách”.
Nhưng từ năm ngoái đến nay sinh hoạt truyền thống của dân Nhật vào dịp này đã hoàn toàn thay đổi, không còn nguyên thủy:
Thú ngắm hoa (hanami) với “Tôi yêu đi bộ dưới hàng cây, đấu vui với bạn bè và ly rượu ngon” đã được đổi thành “Tôi đi nhanh vội dưới hàng cây, nói chuyện với ….chính mình và đeo khẩu trang” mới hợp tình hợp lý.
Các địa điểm du lịch, giải trí, hàng quán, phố phường.... vắng bóng khách đi mua sắm, đi sương sương, du xuân. Thành phố về đêm không còn chan hòa ánh sáng mà mờ mờ ảo ảo v.v..., các trường học, nhất là đại học thì vắng teo. Gặp nhau không tay bắt mặt mừng, thay lời chào với người mặt kín mít bằng những cái cụng tay, chạm vai. Chưa bao giờ có những hiện tượng quái lạ như thế? Không thể nào có câu giải thích trọn vẹn. Vì ai nên nỗi?
Dạ, từ lúc cái con tàu du lịch Diamond Princess cập cảng Yokohama (tháng 1/2020), mang theo mầm cái “quân khốn nạn” từ Vũ Hán, “họ” là…. Virus, tên” là cô vi, hay còn gọi là Corona trùng tên với một hiệu bia nổi tiếng xuất hiện, Nó làm cả thế giới đảo điên, tưởng chừng là nó sẽ là cơn gió thoảng như bao cơn dịch cũ, nhưng nó vẫn ngoan cố, hơn nữa nó lại quái ác sản sinh những biến thể đến từ Anh, Ba Tây, Phi Luật Tân với tốc độ lây nhuyễn chóng mặt khiến cả trăm triệu người bị lao đao! Lẽ dĩ nhiên là Nhật Bản cũng lãnh đủ nhưng vẫn chưa bằng những “đại gia” Hoa Kỳ, Ba Tây, Ấn Độ v.v….
Bao nhiêu đối sách đã được vạch ra, bao nhiêu ý kiến của những khoa học gia, kinh tế gia, chuyên gia tầm cỡ với những giải thích tận tường, những chỉ dẫn phòng tránh: Tam mật (密閉・密集・密接, tránh chỗ đông, tránh tụ tập, tránh tiếp xúc), rửa tay, đeo khẩu trang, giản cách xã hội v.v…. sao cho nó đừng dính, đừng lây, vẫn chỉ là “một cái gãi cho đỡ cơn ngứa” bên cạnh những chính sách chi viện mà các đảng đối lập gọi là: “vẽ đường cho hưu chạy: goto travel, goto eat…..
Bây giờ đã bước hẳn vào tháng 4, sau hơn 2 tháng rưỡi phong tỏa, tình hình vẫn còn lấp lửng ở ranh giới giữa cấp 3 và cấp 4, vẫn còn nhiều “quan ngại” cái gọi là “リバウンドrebound”. Dù lệnh phong tỏa đã được dỡ bỏ tại nhiều nơi trên toàn quốc nhưng nói chung thì tình hình càng ngày xấu. Có 3 nơi là Osaka, Hyogo, Miyagi đã đi đầu trong việc dỡ bỏ trước đó 1 tuần (21/3), nhưng chịu không thấu vì số người tăng trở lại, qua mặt cả Tokyo, đành phải áp dụng biện pháp “Manenboshi”, 蔓延防止 “Man diên phòng chỉ” (tạm dịch là phòng chống dịch lây lan trầm trọng, dưới một bậc của biện pháp cao nhất là “緊急事態“ (tình trạng khẩn trương), chỉ khác là các biện pháp này do các tỉnh trưởng chủ động tùy theo tình hình, và các án phạt nhẹ hơn với tình trạng khẩn trương.
Từ trước tới nay, căn bản các biện pháp là: tự chế (jishuku-自粛), yêu cầu, có vẻ không đạt nhiều kết quả nên chính phủ quyết định đi thêm một bước nữa: từ “yêu cầu” thành “nghĩa vụ” và được quốc hội thông qua, nếu bất tuân thì phạt thẳng tay, nhất là các quán nhậu.
Giải thích thêm một chút thì các biện pháp dựa trên 4 cấp với những chỉ số: người bị lây nhiễm, giường bệnh, tỷ lệ lây nhiễm (tính trên 100,000 người, thí dụ: 5% là trong 100,000 ngàn người có 5 người bị dính), bệnh nặng, cách ly tại nhà hay trung tâm, đại khái là như thế.
Cấp 1: ít
Cấp 2: tăng một ít
Cấp 3: có chiều hướng trầm trọng
Cấp 4: trầm trọng “Toàn văn Diện”
Ba đô thị lớn sát nách Tokyo là Kanagawa, Chiba, Saitama vẫn chưa đạt được sự “đồng thuận”, dù lúc “kết hợp” đã đồng ý với nhau là “chúng ta sẽ có cùng một tiếng nói (one voice)”, nghĩa là sẽ cùng “phong tỏa” hay cùng “dỡ bỏ“, nhưng nơi này thì cấp 3, nơi kia thì đang lưng chừng giữa 3 và 4. Cuối cùng chắc cũng sẽ đến điểm chung nào đó có thể là “Manenboshi”.
Việc chủng ngừa cũng được xúc tiến “thần tốc” nhưng Nhật Bản chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu, mới được 1%, dù đứng thứ 7 trong G7 là 7 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong khi lượng thuốc nhập vào thì rất là nhỏ giọt. Thôi, phải đành đợi chứ biết sao!
Tới đâu thì tới! Thôi cố “nín thở qua sông” bằng cách giữ gìn cho chính mình, đợi đến phiên chích ngừa, nếu không cẩn thận thì “nó” giở chứng hung hăng đòi:
“Ta sẽ thăm từng đường
Sẽ đi thăm từng người
Sẽ vô thăm từng nhà.”
như bài hát “Qua cơn mê” của nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân thì …“sad see mother”.
Tin tức hàng ngày về “nó” trở thành quá quen thuộc, nhàm chán khiến chả ai muốn nghe!
Thôi ta sang chuyện khác.Tâm sự với bạn ta về các câu chuyện chung quanh.
“ウーバイットUba Itto”
“Từ ngày có em về” thì trên truyền hình, đường phố xuất hiện cùng khắp, cảnh quân ta chuyển hảng bằng xe “2 bánh không động cơ”. Từ một nơi nào đó (lẽ dĩ nhiên là phải trong vòng cho phép), chỉ cần quẹt quẹt vài cái trên mobile thì những món ăn nóng hổi từ hàng quán, sẽ được đưa đến ngay trong thời gian ngắn nhất. Thực ra “dịch vụ” chuyển hàng này đã có từ lâu, tiếng Nhật gọi là “haittatsu 〔配達〕” nhưng thường là bằng “2 hay 4 bánh có động cơ”. Sự tràn ngập của các “tay đua” này đã phát sinh những cảnh cười ra nước mắt,
- lâu lâu trên cao tốc lại bắt gặp cảnh quân ta đi cùng chiều với các “xe có động cơ 4 bánh” hay cảnh một tay giữ gói hàng, một tay dắt xe đi ngược chiều Ông đi qua và bà cũng đi… qua, thấy kỳ kỳ liền báo cho cảnh sát, sau khi “Điều văn Tra” thì được các “tay đua” này cho biết đi lộn vào đường cao tốc phải xuống và ….dắt bộ tìm lối ra. Hỏi thêm một chút nữa thì biết các chàng vừa đạp và ngó vào cái navi, hướng dẫn đi đâu mình cũng theo đó và cuối cùng….xâm nhập vào vùng cấm.
- Các chàng khi phóng xe cũng rất tự nhiên coi như chỗ không người, đèn xanh, đỏ, tím, vàng thì cũng như nhau, cứ thế là tiến tới và cảnh đâm xầm xảy ra như cơm bữa. Mẹ cháu nhà này cũng từng bị té bầm mặt vì tránh những tay đua thứ dữ này.
- Ngay trên đường dành cho người đi bộ cũng thế, “2 bánh không động cơ” còn tràn ngập nhiều hơn nữa vì ngoài những “tay đua” này, học sinh, các công nhân….nhân viên cũng dùng loại giao thông này. “Tay đua” thì tham gia vào công việc giao đồ ăn, thức uống, học sinh thì không cần giải thích, các “xã viên” thì “2 bánh không động cơ” vừa tốt cho sức khỏe vừa tránh được cái nạn “Tam mật” trong xe điện mỗi buổi sáng vốn tràn ngập hơi người dù thời gian có dài hơn một chút!
Chuyện đâm xầm xảy ra như cơm bữa, khiến sở cánh sát phải mở lớp huấn luyện dành riêng cho các tay đua, các túi giao hàng phải đăng ký có tên công ty để người ta còn nhận diện, chứ không thì mất dấu.
Quân ta ở đây có lẽ đều biết, đi xe đạp cũng có thể bị hỏi “bằng”: “Xe có đăng lục chưa? Xin cho coi số?”. Có lần, Mẹ cháu nhà này cũng xất bất xang bang vì vụ này. Đang trên đường về thì cảnh sát chận lại hỏi “bằng”, tuy là người Nhật nhưng còn “đượm mùi Rừng Sát” với lối phát âm tiếng Nhật theo cách Việt, thế là bị nghi ngờ về nguồn gốc cái xe đạp, có phải dân “bộ đội” không? Check tới check lui rồi thì mấy cha nội cảnh sát gập đầu xin lỗi.
Ở xứ này, khi mua xe đều được yêu cầu đăng lục và khuyên nên mua bảo hiểm xe đạp, vì lỡ có “ập” vào người ta gây thương tích hay ngược lại thì còn có tiền mà đền. Chứ không thì chỉ có mà mơ trúng số để “Bồi thị Thường”.
Kỳ thị nam-nữ và Olym”pig”
Ngày 8/2, một ông cựu thủ tướng nổi tiếng là “thất ngôn”….bát cú đã khiến tình hình tổ chức thêm “Thê văn Thảm”. Tại một cuộc họp, ông Mori Yoshirou, chủ tịch ban tổ chức Olympic 2020 (JOC) nổi hứng sảng: “Cứ có mấy bà trong các buổi họp là mất thêm thời giờ”. Lời nói nhẹ tênh nhưng mang tính kỳ thị bay cùng khắp thế giới, thiên hạ đập ông tơi tả, 4 ngày sau, ông đã thành thật xin lỗi và “xin rút lại lời nói” nhưng quân ta nhất định không tha, khiến ông phải hát bài: “Con thuyền xa bến” sau 5 năm ở vai trò “Ông lái đò” đưa khách sang sông. Người thay thế ông là nữ nghị sĩ Hashimoto Seiko, một dân biểu và cũng một cựu tuyển thủ đã từng tham dự các kỳ Olympic trong nhiều mùa lá đổ, và JOC bổ sung thêm vào ban tổ chức nhiều “dáng huyền” hầu lấy lại cân bằng và bắt đầu chuyển lửa, nhưng lại thêm một chuyện “đau lòng” khác xảy ra. Ngày 24/3, Một ông xếp của tổ chức gọi là “Ủy ban sắp xếp các diễn xuất” tên Sasaki Hiroshi, người đã từng “bày” cho cựu thủ tướng Shinzo Abe cách xuất hiện bất ngờ trong buổi lễ chấm dứt Olympic 2016 tại Brazil đã tuyên bố từ chức. Chuyện là thế này: “Tháng 3 năm ngoái, trong các trao đổi của nội bộ, ông đã đề nghị mình nên tạo một bất ngờ để quảng cáo cho Olympic 2020 bằng cách lấy hình của cô diễn viên có thân hình tròn trịa: “Watanabe Naomi” và đổi tên Olym”pic” thành tên Olym”pig”. Ông bị dập ngay tại chỗ và ngưng ngay ý định, chuyện đã một năm nhưng có những loại tuần báo theo dõi ông từng cây số tung ra. Ông nhận lỗi và và xin từ chức dù chuyện xảy ra đã một năm. Riêng Naomi khi nghe được chuyện vẫn nhất định: “tôi hãnh diện và tiếp tục và sống với thân hình tròn trịa của tôi”.
Dù sao đi nữa, Thế vận hội 2020 cũng nhất định tiến hành, lửa thế vận đã bắt đầu cho cuộc rước đuốc trên đoạn đường dài 121 cây số từ mấy ngày nay, Ban tổ chức và chính phủ chấp nhận thiệt hại và sẽ tổ chức với những hàng ghế hầu như trống trơn khán giả, chỉ có tuyển thủ và trọng tài. Shikata ga nai.
Tạm kết luận: là nữ giới sẽ tiếp tục lên ngôi, không có chuyện phân biệt nam làm việc hãng, nữ làm việc nhà nữa.
Nói vậy nhưng không làm vậy!
Lệnh trên ban xuống cho toàn dân: phải triệt để tránh “tam mật”. Một cách cụ thể là không nên nhậu với số lượng đông người, tối đa là 4 hay 5, “chất cồn” chỉ được cung cấp đến 8 giờ và đến 9 giờ tối là chấm dứt chương trình… của ban Tùng Lâm.
Nhưng, lệnh mới ra hôm trước thì hôm sau đã “phạm”, đầu tiên là …..thủ tướng Suga, đã có mặt trong số 6 người tại một quán nhậu để bàn chuyện thời sự. Lai rai sau đó cũng xảy ra vài vụ, nhưng nặng nhất là vụ 23 công chức của bộ y tế thuộc khâu “gìn giữ sức khỏe cho lão niên” lại hiện diện trong quán nhậu tại Ginza ngày 23/3 trong buổi “sobetsukai” của ai đó từ 9 giờ đến trước 12 giờ, mà người tổ chức lại là ông chủ sự (課長). Sự việc này đã bị một tờ tuần san theo dõi “từng bước từng bước thầm” tung lên mặt báo. Các đảng đối lập không làm ngơ, đánh tới cùng đòi nội các tổng từ chức. Kết quả từ trên xuống dưới kể từ ông Thủ Tướng phải gập đầu xin lỗi, ông Bộ Trưởng bộ Y Tế tự nguyện trả lại 2 tháng lương, 23 nhân viên kia thì bị giáng chức và thuyên chuyển. Còn nữa, kể ra không hết, tại Tokyo, Chiba cũng thế “Nói vậy nhưng không làm vậy”!
“Nước tôi” là thế đó không vòng vòng mà nhận lỗi khi đã rành rành. Một câu chuyện nữa của người trong nhà cho thấy “tinh thần” đó. Trích nguyên văn:
------------------
“Hối hận ... muôn trùng”
Chủ Nhật tuần trước, nhận lời rủ đi ăn với những người đồng nghiệp cũ. Và tối hôm đó bị mất ngủ suốt đêm vì hối hận: Sao đã ham vui nhận lời đi ăn lúc này
Dù đã tự bào chữa bằng nhiều lý do:
1) 2 người ngồi kế mình đã chích vaccines
2) Tiệm ăn đã chuẩn bị cái phòng lớn riêng cho 6 người, ngồi kế nhau cũng cách khoảng 1.5 m, cửa mở, máy lọc không khí chạy hết ga
3) Bữa tiệc cũng chỉ trong 1:30 giờ, chẳng ngồi lâu
4) Không uống nhiều, chỉ một ly beer, vài cốc rượu Shao Hsing (Chinese rice wine) nhỏ
5) và v.v...
Nhưng vẫn cảm thấy hối hận ... muôn trùng vì đã ham vui và yếu lòng.”
Cả tuần nay, cứ mỗi giờ, lại check nhiệt độ cơ thể. Bằng mọi cách không tiếp xúc nhiều với bịnh nhân. Mặc đồ bảo hộ, đeo găng tay, khẩu trang, đồ che mặt (face shield) ... . Cũng may vẫn làm như thế này gần cả năm nay, nên chẳng ai thấy lạ .
Một tuần đã trôi qua rồi, cả mình và các đồng nghiệp không ai có triệu chứng bị nhiễm . Nên thấy yên tâm. Nhưng dù sao, đây cũng là bài học tốt. Cần thận trọng mọi lúc” .
---------------
Tháng 4 còn có chuyện buồn chịu không thấu,
Năm năm cứ đến ngày oan trái
Ta thắp hương lòng để nhớ thương”
Thôi để khi khác, chứ nói thêm thì quá dài và cũng chả hứng thú gì để “Tỉ thị Tê”.
Bye!
Vũ Đăng Khuê