Có nhiều câu hỏi được đặt ra cho giới trẻ ngày nay về biến cố 30/04/1975. Trong đó, có thể là về hòa giải dân tộc, những hiểu biết về thời trước năm 1975 ra sao, người trẻ có nên tìm hiểu về biến cố này hay không? nếu có thì nên tra cứu theo tài liệu của bên thắng hay bên thua cuộc, hoặc từ những người thân trong gia đình và nhiều nhân chứng sống, trước và sau ngày lịch sử ấy ?
Về bản thân tôi, là một người sinh ra đầu tháng 4 năm 1975, giữa lúc tình trạng chiến tranh càng lúc càng khốc liệt. Các cuộc lui quân chiến thuật của quân đội miền nam Việt Nam nhằm tái phối trí lực lượng lúc đó, đã kéo theo những dòng người lũ lượt, dắt díu nhau theo sau để tìm nơi lánh nạn. Đoàn người hỗn độn, cả quân lẫn dân chen lấn, hối hả di tản về phương nam trong một tình cảnh bi thảm, kinh hoàng với những đợt pháo kích man rợ từ quân cộng sản miền Bắc đã phủ ập lên đầu họ trên đường đi một cách không thương tiếc. Máu và nước mắt, xương thịt đã vung vãi, tràn ngập khắp nơi trong khói lửa mịt mùng. Phải nói, không lời nào có thể diễn tả hết được những nỗi đau thương, sợ hãi, hoảng loạn, khi gia đình ly tán, lạc mất nhau. Tiếng than khóc ai oán, uất hận vang thấu tận trời xanh.
Vâng, trên đây chỉ là những hồi ức của ông bà nội, ngoại, cha mẹ và các anh chị lớn trong gia đình tôi kể lại. Họ là những nhân chứng sống mà tôi được dịp ngồi nghe các dòng tâm sự tuôn trào. Vì trong thời điểm không có điện, không có tivi, internet hay điện thoại di động thông minh, thì những câu chuyện tâm tình xưa cũ dưới ánh đèn dầu, có một sức thu hút mãnh liệt dị thường. Nhiều sự kiện được kể đi kể lại, mà cả người nghe vẫn muốn nghe thêm và người kể vẫn thèm được nhắc lại một lần nữa.
Điều đáng nói đầu tiên trong nhận thức của tôi, chính là sự khác biệt giữa các sách lịch sử mà tôi được học tại trường, và lời kể của những người đã trải qua các biến cố bi thương ấy hiện vẫn còn sống. Nó là sự đối kháng, mâu thuẫn rõ rệt giữa cái gọi là "giải phóng dân tộc", "thống nhất đất nước", "chiến thắng Mỹ - Ngụy" vào thực tế cuộc sống đói khổ từng ngày, từng bữa ngay trước mắt mình. Trong thời tem phiếu, bao cấp, tôi dẫu còn bé vẫn biết ngồi vật vạ giữ chỗ với người anh trước kho gạo. Chờ đợi trong dòng người dài dằng dặc, lếch thếch, để mong đến phiên mình, mua được dăm ký gạo cho cả gia đình đông người ăn trong 1 tháng.
Giải phóng cái gì đây, khi mà cả nhà tôi 10 mạng người đi làm cả 10, mà vẫn không đủ ăn ?.. đến bữa chỉ có bát canh rau bầu hoặc rau lang lõng bõng của nhà trồng. Nồi sắn lát độn cơm, mà cơm chỉ dính quanh mỗi lát sắn vài hột ?...Rồi nào là bo bo, bắp hột, bánh bột sắn nhân hột mít, khoai ngào, khoai deo (kiểu Quảng Bình)… Tuổi thơ của tôi, hiếm khi được ăn một bữa cơm cho ra hồn, thèm thịt là nỗi ám ảnh thường xuyên qua giấc mơ… mà theo kiểu nói của những người anh lớn là: “thèm một bữa cơm ngụy!”.
Cá nhân tôi, từ lớp 4 đã phải phụ vào các việc nhà, như: gánh nước, tưới bụi rau bầu và hàng rau lang trồng quanh nhà để có thêm bát canh cho mỗi bữa ăn, mà vốn chỉ toàn là những thứ dành cho gia súc ngày nay.. Từ lớp 6 cho đến 12, tôi đã phải một buổi đi học, một buổi đi làm. Tối đến phụ các anh đi canh gác ở lò mì, hoặc thức đêm trông máy cán dây nhựa. Nhận thức của một đứa trẻ như tôi khi ấy luôn có thắc mắc : Tại sao những bạn bè, con cháu các cán bộ quan chức, có xe đạp, xe máy để đi học, áo mới để mặc nhỉ ? Các bạn ấy chả bao giờ có vẻ thiếu ăn, luôn trông thắm da đỏ thịt. Riêng con nhà gốc đạo, và con ngụy quân ngụy quyền chúng tôi luôn rách rưới, áo lò xo, quần thủng lỗ chổ, đứa nào cũng gầy còm, đen đủi.. đi học chỉ mong cho hết giờ về đi làm.
Vì thế, theo tôi nghĩ, giới trẻ sinh sau năm 1975 cần phải tìm hiểu kỹ về biến cố lịch sử này. Chính nhờ lịch sử mà các thế hệ nối tiếp học được các bài học thành bại của quá khứ. Lịch sử là dòng chảy một chiều, không thể có chuyện quay hồi dĩ vãng ; nhưng giới trẻ buộc phải nhìn lại quá khứ để sáng suốt rút ra cho mình một nhận thức chính xác, công bằng, khách quan về SỰ THẬT lịch sử của ngày 30/04 như thế nào, và dùng nó làm nền tảng suy tư, dẫn đến hành động ngay từ trong hiện tại, lẫn tương lai.
Điều đáng nói kế tiếp là suốt 46 năm qua, mỗi khi tháng 4 đến, tôi lại nghe nhiều người cả hai phía trong và ngoài nước, nói đến việc hòa giải giữa người Việt cộng hòa và cộng sản. Làm sao để chung tiếng nói thống nhất, xóa bỏ mọi hận thù, giải tỏa những đối nghịch nơi tâm hồn mỗi bên, và bắt tay nhau hướng đến tương lai. Nhu cầu đó là nên và cần, nhưng tôi không tin nó sẽ thành hiện thực.
Tại sao tôi lại có ánh nhìn bi quan như thế ? Trước hết, là những mất mát, đau thương trong và sau biến cố 1975 quá lớn. Và nó kéo dài không chỉ từ biến cố 1975, mà đó là cả một quá trình nghi ngại, ngờ vực từ khi cộng sản cướp được chính quyền vào thập niên 40 ngoài miền Bắc. Các thành phần trí thức, người có Đạo, các thành viên đảng phái Quốc Gia từ miền Bắc đã phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn chạy vào miền Nam, vì họ đã chứng kiến và bị ám ảnh bởi những cuộc ám sát, thủ tiêu thành phần đối lập, kể cả những người đồng chí hướng với họ. Và những người di cư đó thừa hiểu rằng, không thể sống với loại cuồng si ý thức hệ tối nguy hiểm này.
Hơn nữa, lòng tự tôn quá độ của người cộng sản, khiến họ không hề có thực tâm muốn hòa giải. Người cộng sản chỉ muốn hòa hợp trong tư cách họ là kẻ thắng cuộc. Bằng chứng là sau năm 1975, thay vì chú tâm vào các lãnh vực khoa học, kỹ thuật để phát triển nền công nghiệp, kinh tế có sẵn ở miền Nam; hay rộng lượng xóa bỏ thù hận, nhẹ tay với những người lính của phía Quốc Gia.. thì phe Cộng Sản đã kết án, cáo buộc cho chế độ VNCH mọi thứ xấu xa cần phải loại trừ, mà theo họ được gọi là tàn dư Mỹ Ngụy.
Người cộng sản đã đẩy toàn dân miền Nam về lại con số không, bằng cách ly tán các gia đình mà theo họ là ngụy quân, ngụy quyền.. Bắt đi cải tạo hơn một triệu quân nhân cán chính của chế độ cũ.. các gia đình của viên chức chính phủ, sĩ quan quân đội cộng hòa bị buộc đi kinh tế mới, để lại nhà cửa cho cán bộ cộng sản chiếm ở...Chánh quyền mới bắt đổi tiền nhiều lần, đánh tư sản, mại bản để gom tóm vàng, tài sản của các nhà giàu miền Nam… Tiếp theo, là đưa cả nước về lại cái thời kinh tế hợp tác xã, tem phiếu mà hậu quả là những tệ nạn mãi cho đến nay vẫn còn đầy rẫy, như: quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, hối lộ, biển thủ của công, mua quan bán chức,..v...v.., và đời sống người dân vẫn còn nhiều long đong, khốn khổ .
Ngoài ra, hòa giải là hòa giải giữa hai đối thủ, giữa những người ngày xưa từng cầm súng đối mặt nhau trên chiến trường. Còn bây giờ, chẳng lẽ là hòa giải giữa hai lớp con cháu của những người cựu thù chăng? Vậy giới trẻ sinh sau năm 1975, của cả bên thắng lẫn bên thua, có gì cần để hòa giải đây ?
Cuối cùng, là về từ “giải phóng”. Gần nửa thế kỷ trôi qua, Việt Nam cũng đã chạy đua cùng nhiều quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới; nhưng sự phát triển chỉ ở mức độ khiêm tốn nếu không muốn nói là quá chậm chạp, không thể nào so bằng với Nhật Bản hay Hàn Quốc được. Chỉ riêng các nước trong khối Đông Nam Á cũng đã vượt mặt Việt Nam từ lâu. Nợ công ở Việt Nam đã quá ngưỡng 4 triệu tỷ đồng, đến mức các ngân hàng thế giới không dám cho Việt Nam vay vốn nữa, ngoài các ngân hàng từ Trung Quốc.
Vì thế, tôi vẫn mãi băn khoăn là trong biến cố năm 1975, thật sự ai đã giải phóng ai ? Có thể là phe miền Bắc cho rằng mình là người thắng cuộc và giải phóng, thống nhất hai miền Nam - Bắc; nhưng sự kiện cô “giải phóng quân” Dương Thu Hương, cũng là một nhà văn nổi tiếng ngồi ôm mặt khóc nức nở trên hè phố Sài thành năm nào, vì uất hận cho một sự lừa gạt trắng trợn, bỉ ổi của phe giải phóng, mà chỉ đến khi vào Nam cô mới biết. Giải phóng để áp đặt một ý thức hệ man rợ, và hoang tưởng cho miền Nam ư !?. Hay để nhận ra rằng mình đã “lỡ tay” đập vỡ một “Hòn Ngọc Viễn Đông” quý giá !?!
Theo tôi, hai chữ “giải phóng” ứng dụng cho đất nước Việt Nam chúng ta, trong ý nghĩa thực sự của nó, chỉ là : Một miền Bắc nghèo khổ về kinh tế, nhưng dư thừa về súng đạn, đã xóa sổ một miền Nam trù phú, phồn thịnh, ấm no, với đầy đủ các quyền tự do, dân chủ. Cuộc sống của người dân nước Việt Nam Cộng Hòa đã tiếp cận được với khoa học, kỹ thuật hiện đại và gần sắp theo kịp đà phát triển của thế giới, nếu không vì cái ngày “Giải phóng” oan nghiệt, tức tưởi đó. Tóm lại, 30/04/1975 là mốc thời gian đánh dấu ngày mà người Cộng Sản miền Bắc đã vào để giải phóng người dân miền Nam Tự Do, từ một kiếp người, chuyển sang kiếp sống của loài cầm thú, hay của những nô lệ, tù nhân tủi nhục trên chính quê hương mình.
26/04/2021