Dạo này cứ quanh đi quẩn lại, chuyện cô vi 19, chuyện tuyên bố “tình trạng khẩn trương”, “chuyện đoạn kết có hậu của một chuyện tình” & “chuyện đoạn kết không có hậu của một chuyện tình” như chuyện tuyển thủ pingpong Fukuhara Ai của Nhật, đã đoạt nhiều huy chương tại các giải lớn, rất nhiều người biết cô này vì đã theo rõi đời sống của cô lúc còn ranh con cho đến khi khôn lớn qua hình ảnh đầy rẫy trên TV, cô đã giải nghệ và bắt đầu cuộc tình với một tuyển thủ cùng nghề người Đài Loan vào năm 2018. Sau mấy năm chung sống, thì cuôc tình đã kết thúc bằng cuộc ly hôn không lường trước vào tháng 4/2021, nguyên do cũng đơn giải: “không hợp với tính cách gia trưởng của người chồng, không hợp với mẹ chồng v.v.... “Tôi không đi sâu vào chuyện này vì là chuyện quá thường tình, không biết cũng....không sao và cũng quá hiểu: ranh giới của “kết hợp” và “chia ly” của những giới này mong manh lắm
“Mối tình “thủ sĩ” như ước mơ
Chóng tàn vì vương bao ý thơ...”
Ta sang chuyện khác!
--------------
Xin bắt đầu câu chuyện về những kỷ niệm, của một thời đã đi qua.
Thưở đó, vào thập niên 1960 hay 1970, những vật bất ly thân của đám sinh viên nghèo đói của chúng tôi thì nhiều thứ lắm, cái bàn kotatsu, cái mền điện, cái đồng hồ báo thức v.v...
Cứ đến tháng 1 hay vào tháng 12, sau khi thi “Monbusho” (文部省), thời đó thì gọi như thế nhưng bây giờ thì đổi lại N1, N2, N3, N4 xong, sẽ là mùa mà anh em chúng tôi gọi là mùa đi trường, có nghĩa là chọn trường mình sẽ thi, với kết quả cuộc thi là A, B, C, D. Monbusho A hay B là vào trường tốt, C hay D thì cứ thế mà “tuột”. Cũng có trường không căn cứ vào kết quả, họ chỉ căn cứ vào kết quả trong bài thi. Tôi thì rơi vào những hạng “bét” dèm, nhưng may mắn lại vào được trường công cạnh Tokyo là Yokohama. Có anh bạn chúc mừng: “Mừng ông vừa tiểu đăng khoa và đại đăng khoa”. Thú thật tôi chỉ được “tiểu đăng khoa” còn vụ “đại đăng khoa” toàn là tin.... đồn, vì thấy tôi...... Hú vía!
Qua được giai đoạn tìm trường vì đã vào được trường, sẽ là thời gian chọn chỗ ở mới tùy theo trường mình đậu, đa số ban văn nghệ của tụi tôi “kết” vào năm Nhật Ngữ đã tan hàng (1972), kẻ đây người đó, bà thì xuống Akita, ông thì xuống Fukui, Yamagata, Nagoya v.v..., chỉ gặp nhau trong ngày “hội lớn” nhất là vào các dịp hè hay nghỉ dài. Tôi thì cương quyết tử thủ Tokyo vì ham vui, ham hóng chuyện.
Sau khi chọn chỗ ở: các vật dụng linh tinh thường được chuyển giao với “giá phải chăng” hay “cho không” từ sempai, hay đồng môn khi chuyển chỗ ở. Tôi sở hửu chủ cái kotatsu vuông vức “cho không” đã qua 2 đời chủ.
Trừ chuyện “tắm truồng”, Tất cả mọi chuyện khác trong đời sống của tụi tôi đều được giải quyết nhanh gọn với cái bàn kotatsu. Đặt nó ngay giữa cái phòng khá chật hẹp: 4 chiếu rưỡi, sang lắm là 6 chiếu*, bần cùng hơn nữa là 3 chiếu. Nó vừa là bàn học, bàn ăn và giường ngủ.
* 1 chiếu (tatami) chiều dài là 1m8, ngang 0,9m.
Kotatsu
Theo Bác Google cũng như góp nhặt từ nhiều nơi thì
“Nguyên gốc của bàn Kotatsu bắt nguồn từ Irori, là một loại bếp lò của Nhật thường được sử dụng than để nấu ăn và sưởi ấm. Về sau nó đã được từ từ cải tiến trở thành bàn Kotatsu để phù hợp hơn với nhu cầu sưởi ấm của người Nhật như hiện nay. Theo một số tài liệu, lịch sử ra đời Kotatsu gắn liền với chiếc lò than. Ngày xưa, người Nhật xây một cái lò vuông giữa nền nhà để vừa sưởi ấm, vừa nấu ăn (độ sâu của lò vuông này vào khoảng 40 cm). Sau đó, vào thế kỷ 14 thời Muromachi, người ta đã chế tác ra những cái kệ để đặt bên trên cái lò này. Chiếc Kotatsu đầu tiên xuất hiện ở Nhật Bản. Chiếc bàn thuở sơ khai này có tên gọi là Hori-gotatsu, nghĩa là “ngọn đuốc”. Đến thời Edo, thế kỷ 17, chiếc Hori-gotatsu có nhiều thay đổi. Một chiếc chăn lớn được phủ lên, vừa để che đi phần lò than bên dưới, vừa để giữ ấm thêm đôi chân của những người ngồi quanh bàn.
Kotatsu là loại bàn sưởi đặc biệt, thường được làm từ gỗ và có độ cao trung bình thấp (thường từ 35.5 tới 43cm), phía dưới có nguồn sưởi ấm dùng để ngồi bệt trong nhà. Cấu tạo của một chiếc kotatsu gồm 4 phần: 1 cái khung bàn gỗ (thường có 2 loại vuông hoặc chữ nhật); 1 thiết bị sưởi đặt ở giữa khung gỗ này, 1 tấm chăn dày trùm ra ngoài bàn gỗ được gọi là futon, là một tấm đệm dày (khoảng 5 cm), và một mặt bàn dùng để đặt lên chăn và gắn cố định với phần khung gỗ phía dưới.
Kotatsu là nơi cả gia đình tụ họp để ăn, ngủ, đọc sách và nhiều sinh hoạt khác.
Ngoài ra, kotatsu là phát minh tuyệt vời nhờ khả năng “thiên biến vạn hóa” của nó. Vào mùa hè, những tấm futon phủ bên trên có thể được gấp gọn lại, biến nó trở thành một chiếc bàn bình thường”.
Ngày nay, mọi thiết bị sười ấm đã văn minh hơn, nhà nào cũng có aircon vừa là máy lạnh, vừa là máy sưởi hay sang hơn là “床暖房” (loại máy sưởi ấm đặt dưới những sàn nhà) nhưng kotatsu vẫn rất được ưa chuộng. Đơn giản là vì cảm giác vùi mình dưới những chiếc bàn sưởi này thực sự rất… sướng, không một thiết bị nào có thể mang lại được. Chiếc bàn Kotatsu ngày nay trở thành biểu tượng của gia đình đầm ấm, quây quần, sum họp. Vào những ngày giá lạnh, còn gì tuyệt vời hơn tất cả mọi người cùng ngồi xung quanh bàn Kotatsu để sưởi ấm và cùng nhau chuyện trò. Và những ngày đông sẽ chẳng còn lạnh nữa mà tuyệt vời hạnh phúc biết bao.
Mà hạnh phúc thiệt.
Nhớ lại thời gian đó, tầng 2 của căn アパートapato của mình lại nằm sát mặt đường nên lãnh trọn những cơn gió lạnh rít từng cơn len qua khe cửa. Về đến nhà, là muốn cho chân ngay vào trong Kotatsu.
Đói? Ngay bên cạnh có một ấm đun nước cũng bằng điện, cho nước vào đợi lúc những tiếng sôi sùng sục reo vang, mở hộp mì ăn liền, đồ nước sội vào đợi 3 phút là cứ thế mà tùn tụt. Còn sót bụng, chưa no? nhét mấy 2 miếng bánh mì lát vào lò nướng. Tiếng máy bật lên, 2 miếng bánh mì văng ra, trét thêm chút bơ, hay sang hơn cho vài lát “hăm” nhai nghe rau ráu là có một bữa ăn tạm qua ngày. Muốn xem tin tức? rút chân ra vói tay bấm nút vào cái TV đen trắng cũng nằm ngay gần đó, sẽ biết thêm tin tức hàng ngày, dù lúc đó chỉ là đoán mò chứ tiếng Nhật chỉ 1, 2 năm làm sao mà hiểu!
Ngày mai sẽ thi, gạt tất cả mọi thứ lỉnh kỉnh trên bàn sang 1 bên, lôi mấy quyển sách quyển vở copy lại từ các bạn Nhật cùng trường để tra và học, bên cạnh luôn luôn có quyển “当用漢字―Đương Dụng Hán Tự” và Tự Điển “Hán Việt Thiều Chỉu”, 2 vật bất ly thân trong việc học hành. Chả được như ngày nay, quẹt quẹt vài cái trên cái mobile là nắm vững vấn đề ngay.
Hôm nào buồn buồn, có tên bạn nào muốn ghé “tệ xá”, câu hỏi đầu tiên là:
- “Nhà mày có đủ chăn không?
- “Không có chăn, nhưng có kotatsu”.
- Vậy thì OK.
Sau khi rửa chân cho bớt “mùi” vì những đôi vớ đeo “triền miên, 4 thằng 4 bên, chân đụng chân trong bàn kotasu, chả sao.
Trên bàn lại có vài hũ sake hâm nóng nữa là có thể bàn luận tới sáng. Muốn “giường ềnh”?
Dễ quá, chỉ cần ngả ra phía sau là có ngay một giấc tới mấy giờ cũng được.
Vào mùa hè, ta cất cái chăn vào cái tủ là thành cái bàn học, bàn ăn ngay. Thật là tiện lợi!
Tôi đã mất hẳn thú này cũng hơn 20 năm khi chuyển cư, vì ba cái đồ tiện lợi có sẵn, nhưng cái thú cho chân vào Kotatsu, tắm truồng cứ mãi mãi theo tôi khi bất chợt thấy cái gì gần gần như cái ống khói, khi nhớ lại những cảnh đêm giao thừa cho chân vào kotatsu vừa chiêu sake, vừa xem TV Hồng Bạch, vừa làm tô mì Toshisoba nóng.
Có nhiều người nói: “Bạn sẽ rất là hạnh phúc cho những gì bạn được hưởng dù trong quá khứ, vượt quá tầm tay”, Tôi cũng y chang thế.
Natsukashii ne! Kotatsu!
Vũ Đăng Khuê
(tháng 4/2021)