Thật xúc động bồi hồi liên tưởng miên man khi đọc tác phẩm THE VIETNAMESE NATIONAL MILITARY ACADEMY AND THE VIỆT NAM WAR 1948-1975 được in ấn và phát hành bởi Amazon năm 2020, sách tài liệu viết bởi nhiều vị cựu sĩ quan tốt nghiệp từ Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Sách được Ông Chú gởi cho, Ông là thủ khoa khoá 14 và là Chief Editor (sở dĩ phải viết rõ vì giá trị tài liệu xác thực của tác phẩm).
Bút mực nào tả cho hết được bao nhiêu đau xót oan khiên máu và nước mắt trong Cuộc Chiến Ba Mươi Năm trên đất nước Việt Nam!
“Anh trở về dang dở đời em
Ta nhìn nhau ánh mắt chưa quen”
Một vị Thủ Khoa Trường Võ Bị Quốc Gia đã nói hai câu trên là hai câu mà làm Ông đau xót nhất…( người vợ trẻ của Ông đã ôm cầm thuyền khác khi Ông còn ở trong tù cải tạo).
Nhiều chuyện xẩy ra không biết sao giải thích nên có lẽ phải tin là số mệnh của mỗi người mà thôi.
Th. và M. hai cô nữ sinh bạn thân của trường Gia Long, thời ăn xoài tượng chấm muối giờ ra chơi, thời đầu thập niên 60 bây giờ người nào cũng trên tuổi thất thập cổ lai hy. “Người Xưa“ tuổi cũng quá xa bát tuần. Khi Th. còn học tại trường Gia Long chưa đi Pháp, Anh T. , sinh viên Trường Đại Học Kiến Trúc thiết tha theo đuổi Th., Th. cô bạn thật thân của tôi, hai đứa ngồi cùng bàn trong lớp, để ăn soài tượng chấm muối ớt... Th. là con gái út của một vị Hiệu Trưởng của một trường trung học công lập nổi tiếng.
Có một năm gần Tết, hai đứa trốn giờ nghỉ buổi trưa ra vườn Tao Đàn, vì trường Trung Học Gia Long chúng tôi học rất gần đó...
Khi về bị bà Giám Thị bắt gặp, lên loa phóng thanh cho cả trường biết tên ... hú hồn là không bị gọi về nhà!. Th.đi Pháp du học rất sớm, đầu thập niên 60, bỏ lại bao mắt ngẩn ngơ của những cây si thời đó... Th. đi Pháp học thành tài, lập gia đình, giầu có và ở lại Pháp từ đầu thập niên 60. Bây giờ sau bao năm nói chuyện điện thoại viễn liên mà vẫn còn nhớ rõ những ngày còn tuổi học trò xa xưa!
Khoảng 2005, hơn mười lăm năm trước, khi thấy tin trên báo về sự ra đi của người em Anh T. Tôi điện thoại, số để liên lạc trên báo, cho người em họ của Anh T. và hỏi thăm thì được cho biết là Anh T. vẫn ở Việt Nam và rất giàu có nhưng lại là người rất cô đơn... Tôi không hiểu tại sao lại rất cô đơn khi mà giầu có nhất là ở tại Việt Nam? Người em họ của Anh T. cho biết là Anh T. có vợ và ba con nhưng đều không còn sống. Tôi hỏi là chắc vượt biển mà xẩy ra như vậy nhưng được cho biết là vợ con Anh đều chết vì bịnh tật do đó Anh rất giầu nhưng rất cô đơn! Tôi không nói cho Th. biết chuyện này. Như vậy phải chăng là số mệnh!
*
Tết Nguyên đán là dịp lễ truyền thống quan trọng và ý nghĩa nhất trong cả năm đối với người Việt Nam. Đây là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, cũng là khoảng thời gian được xem là vui nhất, nhộn nhịp nhất, ấm áp và ý nghĩa nhất của cả một năm.
Ngày TẾT luôn luôn mang lại những kỷ niệm thật đẹp tuổi học trò...
Chuyện của M. là câu chuyện tình Tam Cúc:
M. tha thướt mảnh mai, luôn mặc áo lụa Hà Đông trắng, đội nón quai tím, đi xe solex, người học rất lười nhưng có vẻ khá thông minh nên thi tú tài đậu rất cao... Cô này thì chỉ biết Tam Cúc và thích chơi Tam Cúc ngày Tết.
Tam Cúc là tên một trò chơi bài lá dân gian phổ biến ở miền Bắc Việt Nam. Tam cúc là thú chơi của tầng lớp bình dân và được nhiều tầng lớp chơi vì luật chơi khá đơn giản. Tam cúc không chỉ được chơi khi giải trí, rỗi rãi mà trong các ngày lễ, Tết, nó cũng là trò chơi không thể thiếu.
Một ngày Tết ở nhà một người bạn, M. ở tuổi 16, thích chơi Tam Cúc vì chỉ biết và thích đánh bài Tam Cúc, trong số người chơi bài Tam Cúc có Ông Anh họ của cô bạn chủ nhà. Ông sinh viên y khoa này có cặp mắt thật tinh anh, thật tình cảm . . .ván bài nào ông ấy cũng thua... cô bạn M. thì thắng bài, thắng cả canh bài... chuyện chỉ ngắn ngủi như vậy thôi, nhưng có lẽ cô em họ đã nói nhiều về M. cho người Anh họ nghe, mà chỉ qua những ván bài Tam Cúc ngày TẾT đó...nhưng ánh nhìn thiết tha của người sinh viên đó mang sâu “ cái thuở ban đầu lưu luyến ấy “... 60 năm trôi qua rồi ...
Số mệnh có cho Ông sinh viên y khoa đó sẽ được gặp lại cô học trò năm xưa để sẽ không thua bài Tam Cúc nữa...!
Nhà thơ Hồ Dzếnh có bài thơ về Cỗ Bài Tam Cúc:
Nhạc Sĩ Anh Bằng phổ nhạc, Ca sĩ Mạnh Đình - Diệp Thanh Thanh
https://lyric.tkaraoke.com/26662/co_bai_tam_cuc.html#playMp3
Ngày Tết mải chơi Tam Cúc
Không hay anh đến sau lưng
Ghé lại gần em mách nước
Kết luôn xe pháo mã hồng
Ôi ván bài em đỏ quá
Đỏ theo đôi má ngày xuân
Em có ăn trầu đâu nhỉ?
Mà sao người thấy bâng khuâng!
Nắng mới rọi vào bên song cửa
Rung rinh bóng lá cành xoan
Năm đó em mười sáu tuổi
Trăng tròn Anh chẵn đôi mươi
Từ độ mỗi mùa hoa nở
Pháo xe lại đợi canh bài
Có độ Anh về, có độ
vắng Anh em cứ mong hoài
Mấy chục muà xuân thấm thoát
Nhớ thương buồn giận chen nhau
Một bức tranh tình bát ngát
Quý thay cái thuở ban đầu!
Dù tóc đời ta điểm trắng
Bể dâu thời thế phôi pha
Em ạ! Cỗ bài tam cúc
Vẫn thơm nguyên vẹn tình ta.
Nhà thơ Hoàng Cầm có bài thơ về Cây Tam Cúc nổi tiếng và sau này được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc:
...Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa
Ổ rơm thơm đọng tuổi đương thì...
...Em đi đêm tướng điều sĩ đỏ
Đổi xe hồng đưa Chị đến quê Em...
...Thả tịnh vàng cưới Chị võng mây trôi
Em đứng nhìn theo Em gọi đôi.
**
Nói về số mệnh, tôi xin mạn phép chép lại bài đã viết :
Ông Ngoại tôi, một Nhà Giáo đã ra đi rất sớm khi Bà Ngọại tôi chưa tới tuổi 40, khi tôi vừa vài tháng tuổi. Mẹ tôi là con gái đầu lòng nên mới đầu Bà Ngoại tôi và sáu Dì, Cậu đều ở chung với gia đình tôi. Những gì tôi biết về Ông Ngoại tôi đều qua Bà Ngoại, Mẹ các cậu các dì. Bà Ngoại là người rất “ rất cổ” sống với những giá trị của người xưa mà bây giờ tôi nhớ lại còn rất thương cho thân phận đàn bà thời đó. Đất nước chia đôi sau Hiệp Định Genève 1954, gia đình tôi di cư vào Saigon. Bà Ngoại không đi theo, ở lại với các cậu các dì. Quan niệm phu tử tòng tử đã khiến Bà ở lại miền Bắc với Cậu Thiện, cựu học sinh Trường Bưởi, người cũng như rất nhiều thanh niên khác theo “cách mạng” với tinh thần chống Pháp để dành độc lập. Buồn thay sau 1954 Cậu Thiện nhận thấy chân tướng sự thực của nhà cầm quyền mới nên đã mắc bịnh tâm thần điên loạn.
Bà Ngoại tôi như đã viết ở trên, “ rất cổ” sống với những giá trị của người xưa, Phu Tử Tòng Tử , đã chọn ở lại miền Bắc, dù rất yêu thương Mẹ tôi, các cháu Ngoại của Bà nhất là cá nhân tôi, cháu ngoại đầu đời, yếu ớt mà Bà luôn luôn yêu thương, chiều chuộng che chở... viết những dòng này tôi không khỏi nước mắt nhạt nhòe nhớ lại Bà, người luôn luôn che chở bảo vệ tất cả những gì dù rất ngang chướng của tôi. Bà ơi, cháu vẫn nhớ những buổi đi theo Bà đi lễ, đi xem Lên Đồng, vẫn nhớ khúc cá thu nướng kho thịt Bà nấu, những miếng cao Ban Long nho nhỏ mà Bà thuê người nấu, các quả trứng gà mà Bà cho đóng chuồng gà nuôi ở sân sau cho cháu... cặp mắt sâu thẳm của Bà... Từ cuộc chia ly xa rời miền Bắc, tới khi Bà vĩnh viễn ra đi tôi không được một lần nắm lại, ôm lại bà tay gầy guộc của Bà. Bà Ngoại ơi cháu Vân vẫn luôn thương nhớ Bà!
Tôi còn nhớ bà dì thứ tư, dì Ninh, người rất hiền lành, lập gia đình có hai người con, ở cùng gia đình nhà chồng, bà mẹ chồng bắt ne bắt nét đủ điều khó khăn, ông chồng lại còn có mèo, hay đánh đập Dì bằng cây củi tạ. Dì Ninh vẫn tiếp tục chịu đựng chỉ về khóc với Bà Ngoại. Khoảng hơn năm chục năm trước, khi còn ở Saigon, một ngày được tin rất buồn, Dì Ninh đã vĩnh viễn bỏ hai con nhỏ, một trai một gái tức tưởi ra đi. Nguyên là rất nhiều lần Dì xin về vì những hắt hủi, những trận đòn của người chồng vũ phu nhưng Bà Ngoại đã không cho Dì Ninh về vì Dì đã đi lấy chồng, đã thuộc về gia đình khác rồi, gia đình nhà chồng. Sau lần cắt tay tự tử không chết, Dì Ninh đã để lại hai con thơ Dì đã nhảy xuống đường rày xe lửa..., đi tìm giải thoát. Dì Ninh ra đi sớm cũng tránh cho Dì không phải chứng kiến số mệnh tàn nhẫn cũng vĩnh viễn mang đi em Thịnh, người con gái của Dì.
Khi còn nhỏ ở ngoài Bắc, tôi được ăn những con ốc mút dùng đồng xu bẻ, những con cá phèn chỉ mà Bà Ngoại phơi trên nóc sân thượng, những chùm nhãn ngọt của những người gánh qua, quả thị vàng thơm, những quả nhót mà xoa xoa vào áo, những quả xấu giầm... những đĩa giò chiên với trứng gà buổi sáng... tuổi chưa lên mười, tôi thích đọc chuyện kiếm hiệp Kim Hồ Điệp, các Dì tôi thì hay đọc những chuyện tiểu thuyết mà trong số đó tôi còn nhớ chuyện Đồi Thông Hai Mộ, “Anh Đinh Lăng giờ đây đâu nhỉ, Anh của Em yêu quý nhất đời... Anh đi ngàn dặm xa xôi...”.
Hồi đó duyên phận của phần lớn các phụ nữ đều do cha mẹ định đoạt. Tôi tuy còn nhỏ nhưng vẫn nhớ tới Dì Hạnh, khóc sưng đỏ cả mắt khi Bà Ngoại tôi bắt Dì lấy con trai Cụ Đốc vì người mà dì thích không phải thuộc gia đình dòng dõi.
Theo thiển nghĩ của tôi, xui xẻo, may mắn , giầu nghèo, thất bại, thành công ít nhiều đều có số mệnh, các Cụ thường nói “ Đức Năng thắng Số” hay “ Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”,
Khánh Vân