Hôm kia thì phải, qua chung cư thấy rợp trời với những trao qua đổi lại các bài viết xưng tụng món ăn nước Việt, tôi lại được xem một “lai chim” trực tiếp về quang gánh của một “bà ba bán bún bò, bánh bèo bên bãi biển, bà bị bắt ….bà la qua xá”, với nhũng hình ảnh cứ trông thấy là lòng mình lại “ngổn ngang” xao động. Tôi cố và tìm và lục lại được một bài viết thuộc loại “Dư Hương Ngày Cũ” không phải của tôi, mà là của cô em trong nhà đã viết cách đây lâu lắm, cô luận về cái bánh bèo. Tuy không phải là một món chết mê chết mệt, không nằm trong.... tự điển ăn uống thường trực của tôi, nhưng cứ đọc hay thấy một cái gì đó mang chút quê hương nhất là về ăn uống là lòng lại cảm thấy “bừng bừng”, nhớ nhung kỳ lạ. Những hình trong bài viết toàn là những hình chôm trên mạng, tôi không biết là thuộc miền nào, vùng nào. Bạn ta góp ý nhé, nghe nói cỏ cả mấy chục loại tùy theo miền Trung, Nam nhưng không có Bắc.
Nếu đã đọc rồi thì xin hỉ sả bỏ qua, nếu chưa đọc thì xin mời bạn ta tiếp tục.
Vũ Đăng Khuê
--------------------
Bánh bèo chiêu niệm
Mình nghèo mình ăn bánh bèo
Bánh bèo cho nhau dăm miếng
Bột trong ôm lòng tôm cháy
Nước mắm pha cay nào ai dễ quên ai
Đây là bài hát duy nhất nói về bánh bèo mà tôi được biết. Bài hát được lũ học trò trung học chúng tôi: con gái thì tóc thắt bím mặc áo dài trắng vạt thấp, vạt cao, con trai thì quần tây xanh đầy bụi bậm, áo sơ mi đã sờn cả cổ - gân cổ mà hát. Tôi nhớ hồi ngày lễ Hai Bà Trưng, chỉ có tụi học sinh con gái là được vào trường cắm trại suốt một ngày: thi nấu nướng, thi nhảy bao bố, thi đua xe đạp chậm, thi làm hoa vải.... Giải nhất của trường năm đó là học sinh nữ lớp 9A2 với món bánh bèo. Khi nghe ông Hiệu Trưởng tuyên bố kết qủa mọi người đã ồ lên một tiếng biểu lộ sự ngạc nhiên. Cứ thử nghĩ món vịt tiềm của cô Ánh dạy gia chánh trông thật quyến rũ, rồi món “Long Phụng Giao Duyên”, “Ngư Ông” với cái con tôm uốn cong thành hình ông lão đánh cá, nước luộc gà làm thành cái hồ và những sợi dây câu cong cong là 1 cọng hành lá được cắt mỏng do nhóm giáo sư lớp 7 o bế từ mấy ngày trước – vậy mà món bánh bèo được chấm giải nhất. Vì đã lâu nên tôi không nhớ rõ lời giải thích của thầy hiệu trưởng, chỉ nhớ đại khái rằng “Vịt tiềm'' hay “Long Phụng Giao Duyên”, “Ngư ông”, “chou creme"....chỉ là những món học được từ sách tây sách tàu, còn bánh bèo mới đúng là món ăn thuần túy của người Việt Nam, được chế biến với hương vị đặc biệt Việt Nam không pha vị Tàu, không lai vị Tây... Và thế là bài hát “bánh bèo'' được Thầy Ẩn giám thị đứng trước micro mà dạy chúng tôi. Rồi vài ngày sau bài hát bình dân này trở nên nổi tiếng trong trưởng, trai gái đứa nảo cũng thuộc. Và có lẽ đó cũng là lý do tôi đã giã từ ngôi trường trung học nhỏ bé gần 11, 12 năm mà tôi vẫn còn nhớ rõ, cứ mỗi lần hát lại là hình ảnh của Lễ Hai Bà Trưng năm nào lại hiện diện trong đầu tôi như mới ngày hôm qua, hôm kia đây thôi.
Nhưng đó cũng không phải là cái duyên cớ chính mà tôi viết lên bài này. Số là ngày hôm qua vì là ngày nghỉ, mấy chị em tôi cậy cục làm bánh bèo. Bột chẳng phải pha chế gì vì là thứ bột tiền chế được người bạn gởi từ Mỹ qua cho 1 gói. Từ bé đến lớn, đây là lần đầu tiên tụi tôi làm thử bánh bèo, và cũng từ lúc bỏ VN qua tới Nhật, đây là lần đầu tiên tôi ăn lại bánh bèo. Ăn thì cũng đỡ thèm nhưng thú thật là chẳng ngon gì cho lắm. Chẳng qua vì không có nên cái gì cũng qua.
Thưc sự bánh bèo là món khoái khẩu của tôi nhất. Ông anh tôi thì thích phở mê phở như người ta mê thuốc phiện, bà chị kế tôi thì chuộng bì cuốn, cứ mỗi lần làm bì cuốn thì phải để dành cho bà ấy gần đến chục cái. Tôi thì trước sau vẫn như một, dù đã từng thưởng thức sukiyaki của Nhật, sausage của Đức, beef steak của Pháp....tôi vẫn mê bánh bèo. Mê như cái hồi còn học tiểu học, mỗi sáng tay xách cặp đen, tay cầm lọ mực tím, được mẹ phát cho vài đồng ăn sáng là đến thăm ngay hàng bánh bèo trước cổng trường. Lũ học trò nhỏ mặt mày, quần áo lem luốc vây quanh bà hàng hò hét. Hôm nào không mưa thì có cả cái bàn con với mấy chiếc ghế đẩu. Còn trời mưa thì cả bà hàng với lũ học trò xúm xít dưới mái hiên cửa tiệm tạp hóa gần đó. Bà hàng thân với chúng tôi đến nỗi bà nhớ hết: đứa thì thích bánh bột lọc, còn con nhỏ này phải thêm vài muỗng nước mắm mới đủ (vì cô ả vừa ăn vừa húp nước mắm), thằng nhỏ kia chỉ thích ăn bánh bèo nóng với tôm thịt. Thời gian qua, cây Phượng trong sân trường đã bao lần trổ bông, đám học trò đã bỏ trường đi gần hết, nhưng bà hàng vẫn còn ở đó, chung thủy với đám học trò mới tới. Mãi sau này có lần đi ngang qua ngôi trường xưa bây giờ, mà một phần đã bị biến thành Ủy Ban Phường tôi mới thấy mất bóng bà hàng. Có lẽ bà đã bị đưa đi vùng kinh tế mới như một số nguời bán hàng rong trước cửa nhà tôi.
Lớn hơn tí nữa, thì tôi, học sinh trung học không còn ăn bánh bèo như hồi Tiểu học nữa, thay vào đó là bánh mì, là xôi, là cơm tấm....Bánh bèo chỉ đến với tôi vào buổi chiều khi mới thức giấc ngủ trưa, hoặc khi cùng lũ bạn đạp xe ra chợ ăn quà chiều. Gần nhà tôi có một bà thật mập, người trong xóm quen gọi là Bà Ba bánh bèo. Cả gia đình sống vào gánh bánh bèo của bà, làm ăn phát đạt đến nỗi bà xây được 3 căn nhà có bàn thờ tổ tiên cẩn thận. Cứ mỗi sáng khi tôi mở cưả đi học là thấy bà ngồi chễm chệ trên xe cyclo, phía trước là 2 cái quang gánh với đủ thứ: chén đĩa, bình nuớc mắm, lọ mỡ hành... Dù là hàng xóm đã bao nhiêu năm, tôi vẫn chưa có dịp thường thức món bánh bèo của bà lần nào vì bà bán ở tận chợ Vườn Chuối. Đến năm 1976 thì cả gia đình bà bị xếp vào diện “Hồi Hương lập nghiệp"? vì “không có việc làm ăn chắc chắn'', ngày dọn nhà hàng xóm đến tiễn, thấy bà đứng trước mặt mấy tên công an Phường và chửi rủa thậm tệ. Bà đi bỏ lại 3 căn nhà mà chẳng bao lâu đã biến thành sở hữu của ông chủ tịch Phường và 2 thằng công an.
Đến ngày tôi đi cũng chẳng nghe tin tức gì của gia đình bà. Liệu bà có thể mở thêm một gánh bánh bèo ở nơi khi ho cò gáy nào đó hay không?
Bánh bèo cùng với tôi đi vào cơn tai biến của đất nước. Bánh bèo Huế và bún bò Huế Hương Bình phải dời từ mặt đường Phan Thanh Giản vô đường Cao Thắng đối diện rạp hát Long Vân. Dù bị đánh thuế cao bao nhiêu, quán Hương Bình vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, thách thức với cái chính sách thuế má ăn cướp của chế độ. Quán vẫn đông khách dù thực phẩm quá mắc và hiếm nên quán đã phải tăng giá tiền lên làm nhiều lần. Nhà nhỏ bạn tôi ở kế bên, cứ mỗi lần đi học may về là hai đứa lại rủ nhau qua ăn bánh bèo Huế. Chẳng biết con trai của bà chủ quán có “phải lòng” bạn tôi hay không thì không biết - chứ đĩa của tụi tôi phải là đĩa đặc biệt so với những thực khách khác. Lâu lâu chàng lại làm môt màn service đẹp là không lấy tiền. Ngày tôi ra đi quán Hương Bình vẫn còn tồn tại nhưng qua lá thơ mới nhất của nhỏ bạn thì chàng con bà chủ quán đã vượt biên, quán bị đánh thuế đến ngất ngư - Bây giờ chỉ còn hoat động rất thoi thóp. Tôi nghe tin mà mũi lòng, cũng như số phận của Mì Hảo Huê, Phở Pasteur, bánh bèo Huế Hương Bình chắc cũng phải đóng cửa nay mai. Cái quá khứ huy hoàng của Việt Nam thuở trước đã và đang bị việt cộng xóa tan xóa nát. Ngoài Hương Bình, cái chỗ bán bánh bèo thứ hai mà tôi ưa thích phải nói là ở chợ Bàn Cờ, Nguyễn Thiện Thuật. Bà hàng người Huế, mỗi chiều cứ 1 hay 2 giờ là dọn hàng ra. Tôi đến thăm bà đều đặn mỗi chiều khi còn có tiền rủng rỉnh trong túi. Nhưng càng ngày đời sống càng khó khăn, khách không có tiền đi ngang qua cũng ngại không dám ngó mặt bà hàng. Lần cuối cùng tôi ghé bà trước khi đi xa và nghe bà than thở: “Chừ cái chi cũng mặc (mắc), thịt bốn chục, năm chục một kỵ (ký) (năm 1982), tôm thì hai ba chục, buôn bán cái chi mà buôn bán răng biết. Bán mắc quá thì khách không ăn, bán rẻ quá thì lấy chi mà lời?”
Những thảm kịch xảy ra sau 1975 đã bao trùm lên tất cả, bánh bèo vì thế cũng không thoát khỏi định luật chung mà đao phủ Hà Nội đang định sẵn. Bánh bèo hiện chỉ còn sống lây lất hoặc cũng biến đi mất hương vị vì nền kinh tế kiệt quệ, không đủ sức đưa bánh bèo đi lên.
Ăn bánh bèo ở đây thì cũng tạm gọi là, ít nhất là ngon hơn loại bánh bèo quốc doanh của các cửa nhà hàng ăn uống nhan nhản ở thành Hồ mà có lần tôi đã bị ăn phải. Ăn ở đây là ăn lấy thơm lấy thảo chứ loại bánh bèo pha bằng bột gạo chế sẵn thì làm sao bằng bánh của bột gạo nguyên chất, được khéo léo đổ vào chén và được mang hấp từng cái một rồi cho ra những cái bánh tròn xinh xắn trắng ngần. Ở đây tôi nhớ bánh bèo như nhớ quê hương, nhớ cái vị nước mắm cay đến chảy nước mắt mà vẫn húp lấy húp để. Bánh bèo có ngon phải nhờ nước mắm, bánh bèo mà không nước mắm cũng giống như biển mà không có gió
Cũng như bánh bèo gắn liền với nước mắm, người Việt chúng ta cũng phải gắn liền với quê hương xứ sở. Nước mắm làm cho bánh bèo sống thì không khí của quê hương làm cho người Việt phục sinh. Dù cho nhà cao cửa rộng ở xứ người nhưng thiếu không khí thật của quê hương người Việt cũng sẽ chất lần chết mòn. Đất này chỉ là đất tạm dung, người Việt chỉ ở đây chờ đợi ngày trở lại cũng như bánh bèo nguyên chất chờ được phục sinh,
Và ngày đó, tôi hẹn mình sẽ ngồi đàng hoàng ăn bánh bèo ở quán Hương Bình, ở chợ Bàn Cở Nguyễn Thiện Thuật và chắc chắn là không phải loại bánh bèo được làm bằng bột từ Mỹ gởi sang và câu hát
Mình nghèo mình ăn bánh bèo
Banh bèo cho nhau dăm miếng
Bột trong ôm lòng tôm cháy
Nước mắm pha cay nào ai dễ quên ai
đã theo tôi đi vào nỗi niềm hoài vọng cố hương cùng cuộc đấu tranh của dân tộc.
HOÀI NHƯ (1985)