1/Bài một: Mở đầu: Vào đạo bằng hành.
Bồ Đề Đạt Ma sáng tổ của Thiền Tông Trung quốc nói rằng “Phù nhập đạo đa đồ, yếu nhi ngôn chi bất xuất nhị chủng. Nhất thị lý nhập. Nhị thị hành nhập”. Nghĩa là Phàm đi vào đạo có nhiều đường nhưng nói tóm lại không ra ngoài hai loại. Một là vào bằng lý. Hai là vào bằng hành.
*Vào đạo bằng lý, thì cần nghe , suy nghĩ để hiểu và thấy đúng rồi thực hành tu sửa. Tức là theo đúng tiến trình của ba chữ văn tư tu Phật dặn lại trước khi nhập diệt. Theo kinh Đại bát Niết bàn, trước giờ đức Phật nhập diệt sau khi đã giảng đạo 45 năm, chúng Phật tử van vỉ cầu xin Phật nán lại hướng dẫn, vì cảm thấy vẫn là chưa đủ, bơ vơ không biết dựa vào đâu được. Thì Phật nói rằng ta đi rồi thì còn Pháp. Nhưng cũng đừng có nhắm mắt tin nghe vì thương yêu ta, hay vì rằng ta là thầy. Mà phải nghe (văn) rồi suy nghĩ cho kỹ để thấy đúng sai (tư). Thấy đúng sai rồi thì mới biết là tu thế nào. Đi theo đường lý như vậy là rất khó, phải thực sự là một con người có khả năng để nhận thức theo tiến trình thọ, tưởng, hành, thức như kinh Phật nói, mà thấy đúng sai. Lại phải là người có quyết tâm tu hành (sửa mình) thì mới đạt.
Có người “đầu tròn áo vuông” thời nay được nhà nước cho làm chủ một cái cơ ngơi thờ phượng gồm đất rộng chùa to tượng lớn đã hỏi “sửa” để thành cái gì?, và tự trả lời là để thành “người khác”, để mà bác bỏ cái phương thức tu hành Phật đã chỉ ra là văn-tư-tu này đi. Chúng ta không bỏ thì giờ nghĩ về cái ngụy luận này làm gì.
Khi nói đến khả năng nhận thức thì không tránh khỏi làm người nghe nghĩ rằng phải là người có bằng cấp có học. Điều này có phần đúng, nhưng không nhất thiết đúng. Tại vì người có học có thể biết nhiều điều về khoa học kỹ thuật và có những tiêu chuẩn lượng giá là những con số cân đo đong đếm. Thí dụ cụ thể năng nhẹ thì dùng cân lạng, dài ngắn thì dùng thước tấc vân vân. Nhưng về giá trị tinh thần, đạo đức hay nghệ thuật thì tiêu chuẩn khác nhau, tùy theo thời gian và hoàn cảnh sống. Đẹp xấu, đúng sai , hay dở, tùy theo xã hội, hoàn cảnh trưởng thành, và tùy góc nhìn. Chữ trinh đáng giá ngàn vàng theo cổ tục bên Tầu, đáng giá mạng người ở các xứ sở Hồi giáo, nhưng chẳng có gì đáng kể ở các nước Âu Mỹ thời nay. Cho một người dân nông thôn Việt Nam vào nghe nhạc cổ điển Tây phương thì một là người đó đòi ra, xin về, hay là ngủ ngáy khò khò. Cho một đứa bé Mỹ con hay Tây con nghe nhạc ví von đối đáp đồng quê Việt nam thì nó kêu chán (boring) không chịu nổi.
*Vào đạo bằng hành, thì chỉ cần tin mà tụng kinh niệm Phật, cũng vào được đạo. Đây là đường lối tịnh độ. Kết quả cũng vẫn là thân tâm an lạc. Theo đường hành nói chung dễ hơn, đơn giản hơn.
Thực thế có bài kệ rằng
“Ái hà thiên xích lãng, khổ hải vạn trùng ba, Dục thoát luân hồi khổ, tảo cấp niệm di đà”. Nghĩa là Sông yêu sóng ngàn thước, Bể khổ sóng vạn lớp; Muốn thoát khỏi nỗi khổ luân hồi thì hãy sớm niệm Di Đà. Di đà là Phật A Di Đà. Câu hỏi nẩy ra là tại sao niệm A di đà Phật mà lại thoát được khổ não. Và có thực như thế không? Nói đến tình yêu thì ai cũng nghĩ tới sự say mê, hoan lạc ở những mức độ khác nhau. Nhưng thực tế phần nhiều không thế. Như Hồ Dzếnh đã viết “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở, Đời mất vui khi đã vẹn câu thề”. Nhẹ nhàng đằm thắm thì như bài thơ Khóc Bằng Phi của vua Tự Đức, cực tả bởi hai câu “Đập cố kính ra tìm lấy bóng, Xếp tàn y lại để dành hơi”. Ước ao chờ đợi ngoài sương lạnh thì như Vũ Hoàng Chương:
“Ngoài hiên vắng gió đưa vàng rụng đến
Ngọn tường vi xuống mãi chiếc liềm cong
Đêm gần khuya, sương đổ,
Anh thấy ướt vai áo
Anh thấy lạnh trong lòng”
Những lời thơ này là diễn tả tình trạng yêu mà không được đáp ứng, không trọn vẹn hay là yêu rồi bị mất. Cho nên yêu mà thành khổ. Còn có những trường hợp có yêu, được yêu mà cũng vẫn khổ. Là bởi vì ai cũng biết rằng yêu quá thành cuồng, thành ghen, hay là sợ mất mà khổ.
Rõ ràng là con sông tình ái sóng cao ngàn thước. Ngồi trên sóng lướt đi đó mà rồi trồi lên trụt xuống cả đời, như Vũ Hoàng Chương.
Luân hồi, vòng xoay là như thế. Ngay trong một đời. Cột mốc luân hồi chẳng phải chỉ là qua cái chết như nhiều người tưởng. Luân hồi là vòng xoay thất tình lục dục hỉ nộ ai lạc ái ố dục ở ngay trong đời một con người. Bởi vì như Vũ Hoàng Chương qua trận 12 tháng 6 với “Kiều Thu hề, Tố hỡi em”… thì lại đến chuyện khác
“Gặp gỡ chừng như chuyện Liêu trai
Ra đi chẳng hứa một ngày mai
Em ơi lửa tắt bình khô rượu
Đời vắng em rồi say với ai.”
Và chuyện khác nữa, năm 1959, khi Vũ hoàng Chương 43 tuổi được chính phủ VNCH cử đi dự hội nghị đệ tứ Quốc tế Thi ca lưỡng niên tại Knockke-le Zoute (Bỉ quốc). Trong hội nghị này Vũ Hoàng Chương gặp nữ thi sĩ Ysabel Baes tuổi mới 15. Hai người đã làm thơ đối đáp, và Ysabel đã dịch một số bài thơ sang tiếng Anh in thành sách.
Rồi chia tay, là xong. Không bao giờ gặp lại hay nghe tin gì về Ysabel Baes dẫu bỏ công tìm.
Cho nên, muốn thoát khỏi vòng “khổ hải vạn trùng ba”, đơn giản chỉ là “tảo cấp niệm di đà”. Là “hành” không cần nghĩ. Có thực thế không? Những người theo Phật giáo đều tin như thế. Cho nên, trong chùa nào chính điện cũng có bàn thờ đức Thích Ca Mâu Ni Phật (Phật lịch sử, chỉ đường thoát khổ), đức Quán Thế Âm Bồ Tát (Phật cứu khổ hiện tại) và đức Phật A di Đà (Phật cứu khổ tương lai, khi chết). Người Phật tử bình thường đi vào chính điện chỉ chú tâm một lòng tụng kinh niệm Phật, ngay cả không cầu xin, hay nếu có thì là cầu xin cứu giúp trong tiềm thức.
Ai cũng biết rằng trong những lúc nguy khốn, những nguời đi lương, nghĩa là Việt nam truyền thống, theo tinh thần tam giáo Khổng Lão Phật, thì cũng hay niệm Phật. Với những người không có lòng tin, niệm Phật A Di Đà có tác dụng giải khổ, cứu nạn hay không? Tôi nghe có những người vượt biển kể rằng trong lúc lương thực hết, thuyền hỏng máy trôi nổi giữa biển sóng lớn tưởng chìm thì nhiều người đã niệm Quan Thế Âm Bồ tát, hay Nam mô A di đà Phật, rồi có tầu ngoại quốc cứu. Chính tôi trong một thời gian dài chưa từng đọc thành tiếng (tức là tụng) kinh Phật bao giờ, tuy rằng có tìm hiểu kỹ lưỡng, nghiền ngẫm hai chữ văn với tư. Nhưng đến chữ tu thì thực khó, cho nên mới thấy ngượng ngùng khi cầm quyển kinh đọc thành tiếng mà chỉ mở quyển kinh nhìn và đọc thầm theo người khác tụng. Nhưng trong một giai đoạn đầu óc lung tung nhiều vấn đề, ngay cả trong khi lái xe đi xa mà lòng không yên, cho nên đã thử niệm thành tiếng liên tục Nam mô A di đà Phật. Thì sau một hồi như thế, lòng đã tĩnh lặng, lái xe tới nơi an toàn. Nếu không tin ở sức mạnh siêu hình thì cũng có thể giải thích được rằng khi chú ý tập trung vào một vấn đề, - trong trường hợp cá nhân tôi là tập trung niệm Nam mô A Di Đà Phật - thì người ta cũng có thể không bị lôi kéo bởi các sự kiện chung quanh. Nói khác đi không bị tạp niệm nghĩa là bị những ý nghĩ lung tung lộn xộn làm đầu óc lung tung bất an nữa.
Hành đơn giản, dễ dàng nhất chỉ là như thế.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
(Ngày 6 tháng 2/2021)