Việc chính quyền Việt Nam đem nhà báo Phạm Đoan Trang, các nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Thị Tâm, Trịnh Bá Phương, và Đỗ Nam Trung ra xét xử và áp đặt những bản án nặng nề từ 6 đến 10 năm tù lên các nhà hoạt động nhân quyền đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, cũng như sự lên án của quốc tế.
Sau đây là những nhận định và tuyên bố phản đối từ cộng đồng quốc tế trước các bản án mà chính quyền Việt Nam đã áp đặt lên những người bất đồng chính kiến qua các phiên tòa xét xử trong các ngày 14, 15, và 16 tháng 12/2021 mà Bức Tranh Vân Cẩu đã tóm lược từ các trang mạng truyền thông Việt ngữ VOA và RFA.
* LIÊN ÂU:
Hôm 16 tháng 12, cơ quan ngoại giao của Liên minh Châu Âu bày tỏ quan điểm chính thức sau chuỗi ba phiên tòa chính trị liên tiếp mà chính quyền Việt Nam thực hiện chỉ trong tháng cuối năm 2021. Cơ quan này gọi các bản án mà chính quyền Việt Nam áp đặt lên nhà báo Phạm Đoan Trang, các nhà hoạt động quyền đất đai gồm Nguyễn Thị Tâm và Trịnh Bá Phương, và nhà hoạt động chống “BOT bẩn” Đỗ Nam Trung, là “các phán quyết chống lại những người bảo vệ nhân quyền,” “một điều trái ngược trực tiếp với luật nhân quyền quốc tế” và kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho những người này.” ông Peter Stano, phát ngôn chính thức của Cơ quan chính sách đối ngoại EU phát biểu.
* HOA KỲ:
“Hoa Kỳ lên án việc kết tội và tuyên phạt ký giả Phạm Đoan Trang 9 năm tù,” phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cho biết ngày 14/12.
* ANH:
“Việc nhà báo Việt Nam Phạm Đoan Trang phải nhận mức án 9 năm tù là vô cùng đáng lo ngại. Bỏ tù các nhà báo chỉ vì họ bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa gửi thông điệp sai trái tới những người ủng hộ sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam.” Bà Amanda Milling, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao và Phát triển phụ trách khu vực châu Á của Bộ Ngoại giao Anh, nói trong thông cáo ngày 15/12.
* CANADA:
Trong cùng ngày 15/12/2021 Đại sứ quán Canada tại Việt Nam ra thông cáo bày tỏ sự quan ngại về bản án đối với bà Trang. “Canada vô cùng quan ngại về việc tuyên án đối với bà Phạm Thị Đoan Trang. Chúng tôi cũng lo ngại về những nỗ lực không ngừng của các cơ quan chức năng Việt Nam nhằm hạn chế quyền tự do truyền thông, một yếu tố thiết yếu của việc bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản”. “Chúng tôi khuyến khích tất cả các quốc gia tuân thủ các nghĩa vụ nhân quyền của họ theo luật pháp quốc tế, bao gồm quyền tự do quan điểm và biểu đạt” thông cáo viết.
* ĐỨC:
Đại sứ Petra Sigmund, Vụ trưởng Vụ châu Á – Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Đức, viết trên Twitter hôm 14/12 bày tỏ sự bàng hoàng với bản án 9 năm đối với cựu học giả của chương trình Villa Aurora Los Angeles, nhà báo Phạm Đoan Trang. “Bản án này phát đi tín hiệu đáng báo động về quyền tự do ngôn luận. Việt Nam cần đề cao các quyền cơ bản của con người như được bảo đảm trong hiến pháp và các cam kết quốc tế” bà viết.
* CỘNG HÒA CZECH:
Bộ Ngoại giao Cộng hòa Czech hôm 15/12 viết trên Twitter rằng đại diện ngoại giao của nước này không được tham dự phiên tòa xét xử Phạm Đoan Trang. “Nhiều quốc gia, trong đó có Cộng hòa Czech, đã không được phép tham gia phiên tòa xét xử Phạm Đoan Trang với tư cách quan sát viên. Chúng tôi yêu cầu Việt Nam không gì khác ngoài việc tôn trọng Hiến pháp của mình và các hiệp định quốc tế mà Việt Nam tham gia, và việc trả tự do cho bà Phạm Đoan Trang.”
* ÚC:
"Australia thất vọng vì bà Phạm Đoan Trang - nhà báo và tác giả được quốc tế công nhận đã bị kết án 9 năm tù. Với tư cách là bạn thân và Đối tác chiến lược, Australia sẽ tiếp tục khuyến khích Việt Nam duy trì các cam kết về nhân quyền." Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc hôm 17/12 viết trên tài khoản Twitter của cơ quan này.
* PHÁP:
Vào ngày 15/12/2021, Người phát ngôn của Bộ Châu Âu và Ngoại giao Cộng hòa Pháp tuyên bố: "lấy làm tiếc về việc nhà báo Phạm Đoan Trang đã bị kết án 9 năm tù," đồng thời kêu gọi Việt Nam trả tự do cho nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng Phạm Đoan Trang cũng như tôn trọng các cam kết quốc tế mà Hà Nội đã tự nguyện tham gia.
* NEW ZEALAND:
Hôm 17 tháng 12, Đại sứ quán của quốc gia thuộc châu Đại Dương, New Zealand cho biết quốc gia này rất quan tâm về các bản án mà Việt Nam đã đặt để lên bốn nhà báo và nhà hoạt động nhân quyền trong các phiên toà ngày 14, 15, và 16 tháng 12, và “phản đối mạnh mẽ về việc bỏ tù những nhà hoạt động thể hiện ý kiến một cách ôn hòa.”
* CAO ỦY NHÂN QUYỀN LIÊN HIỆP QUỐC:
Cao uỷ Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm 17/12/2021 ra thông cáo báo chí lên án các phiên toà dồn dập và các bản án nặng nề mà chính quyền Việt Nam dành cho các nhà hoạt động và nhà báo ở Việt Nam trong tháng 12 năm nay, đồng thời kêu gọi Hà Nội phải trả tự do ngay lập tức cho những người này.
“Các cáo buộc chống lại năm người này (bao gồm ông Lê Trọng Hùng, người từng ứng cử vào ghế đại biểu Quốc hội, cũng sẽ bị ra toà vào ngày 31/12 tới đây với cáo buộc tuyên truyền chống Nhà nước CS,) những người đã báo cáo về quyền con người và quyền đất đai và bị bắt giữ vào các năm 2020 và 2021, dường như là một phần trong một chiến dịch nhằm làm im lặng và đe doạ những người dám lên tiếng bảo vệ quyền con người”,
“Tất cả các trường hợp này là nối tiếp một tình trạng đáng lo ngại làm dấy lên vấn đề nghiêm trọng về việc suy đoán vô tội, tính pháp lý trong việc giam giữ họ, và sự công bằng của phiên toà. Có tình trạng giam giữ mà không không được tiếp xúc với bên ngoài trước khi xét xử, kết án với tội danh được định nghĩa mù mờ như “tuyên truyền chống Nhà nước”, từ chối không cho tiếp xúc với luật sư, xét xử kín không tuân thủ các tiêu chuẩn về xét xử công bằng của quốc tế.” “Các trường hợp như vậy cũng ngăn cản người dân thực hiện các quyền căn bản của mình và tham gia vào tranh luận công khai về các vấn đề quan trọng”, thông cáo báo chí của UN viết.