Nói đến hai chữ đấu tranh, có lẽ sẽ có người liên tưởng tới sự kiện tiêu cực. Một hành động liên quan đến những sự việc hung hãn dùng bạo lực của một cá nhân hay một nhóm người mạnh mẽ đối đầu với những người khác trong ý chí giành lại những gì họ muốn có.
Khái niệm đấu tranh nói như trên rất hạn hẹp vì trên thực tế khái niệm đấu tranh thật ra bao hàm một ý nghĩa rất rộng lớn bao gồm tính cao thượng, tích cực, vươn lên của con người.
Cho một thí dụ. Khi còn trẻ các thanh niên thiếu nữ đôi khi đã phải đấu tranh với những ham muốn của tự thân, với những ảnh hưởng từ bạn bè, những lôi cuốn xấu của môi trường chung quanh để không sa vào những thói tật sai lầm vốn đã được gia đình, cha mẹ, và thầy cô căn dặn chớ sa vào. Khi trưởng thành, không còn trong vòng tay bảo bọc của gia đình, trong cuộc sống tự lập, nếu không có căn bản đạo lý vững chắc giúp cho con người đứng vững đấu tranh với cuộc đời thì đã có biết bao nhiêu là bẫy rập có thể đẩy đưa con người đi đến những lối rẽ phải hối tiếc về sau. Trong đời sống gia đình, trong công việc làm, trong những quyết định quan trọng, con người cũng đôi khi không tránh khỏi những giây phút phải đấu tranh mạnh mẽ với chính bản thân để hiểu được chính mình và sống thật với mình.
Nói như thế thì sự đấu tranh là một điều đương nhiên và bản thân ai cũng có, chỉ có điều là sự biểu hiện tính đấu tranh này trong mỗi con người khác nhau tùy theo bản tính và hoàn cảnh.
Nói về lịch sử đấu tranh của dân tộc, tôi còn nhớ các thầy cô giáo dưới thời Việt Nam Cộng Hòa trong những giờ học về lịch sử đã khắc ghi vào tâm hồn ngây thơ của các học trò tiểu học những tấm gương sáng, anh hùng cao cả, hy sinh vì dân tộc của tiền nhân trong các công cuộc đấu tranh với ngoại bang để bảo vệ sơn hà xã tắc khiến cho một cô bé lớp ba trong giờ sử học về tiền nhân Trần Bình Trọng khi ông khẳng khái nói với giặc phương Bắc rằng “Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc,” đã viết ra hai câu thơ con cóc đầu đời của cô bé: “ Ta vốn giòng dõi Hồng Bàng, lẽ nào chịu nhục đầu hàng hay sao?”
Tại Việt Nam ngày nay, trước những sự hủ hóa, tham nhũng của tập thể lãnh đạo đảng cộng sản biến thái đã đang gây thiệt hại cho quyền lợi dân tộc nói chung và người dân nói riêng, ngoài sự lên tiếng của những người tích cực vì không thể làm ngơ, họ đây dĩ nhiên là những con người đặc biệt, đối với những người mang tính thụ động, dĩ hòa vi quý, tuy không trực tiếp biểu lộ sự phản kháng một cách trực tiếp nhưng trong tiềm thức họ cũng thấy được những thiệt hại của đất nước và của chính gia đình họ.
Sự yên lặng hiện nay của người dân trong nước vì thế không có nghĩa là họ đồng ý với những việc làm của lãnh đạo Cộng sản mà chỉ là họ không có cơ hội và điều hiện để nói tiếng nói cá nhân khi chung quanh họ là những súng ống, dùi cui, những đe dọa trấn áp của công an, quân đội. Tuy là yên lặng như thế nhưng khi sự việc xẩy đến liên quan đến đại cuộc của dân tộc, tức nước vỡ bờ thì người dân sẽ đồng loạt lên tiếng. Thí dụ như qua vấn đề lãnh đạo CSVN vào năm 2018 chủ trương cho Trung Quốc thuê đất Việt Nam để kinh doanh trong vòng 99 năm tại các Đặc khu hành chính Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Mặc dầu mọi giải thích khỏa lấp, chủ trương này đã gặp phải sự chống đối của người dân với những cuộc biểu tình lớn rộng toàn quốc. Kết quả là nhà nước Việt Cộng phải bỏ kế hoạch sang bên tuy vẫn âm thầm thi hành cục bộ và hệ thống truyền thông không đả động đến nữa. Hay vấn đề chất thải gây ô nhiễm tại Hà Tĩnh to công ty Formosa Đài Loan vào năm 2016 cũng đã dẫn đến những cuộc biểu tình đông đảo người dân tham dự tại miền Trung. Cũng có những cuộc biểu tình thể nguyện ý muốn của người dân trong vấn đề môi trường xanh cho người dân, vấn đề Biển Đảo Việt Nam bị Trung Quốc xâm lấn và chiếm đoạt trong sự im lặng của lãnh đạo Việt Cộng tại Hà Nội, vân vân. Tại hải ngoại, tuy không chấp nhận chế độ cộng sản tại Việt Nam nhưng sự trở về thăm quê hương và trợ giúp cho gia đình người thân tại Việt Nam do lòng nhân ái và tình yêu thương gia đình của một số người Việt cũng tương tự như thế.
Việt Cộng họ hiểu điều này rất rõ, nếu không dựa vào trấn áp và súng đạn họ sẽ không thể ngồi yên trong địa vị lãnh đạo quốc gia. Và để chắc chắn hơn, Bộ Chính Trị Việt Cộng đã không ngần ngại để khấu đầu xin Trung Quốc làm kẻ bảo kê cho quyền lực của họ. Điều này giải thích lý do tại sao Bộ Chính Trị Cộng Sản Việt Nam trước giờ vẫn im lặng trước những sự việc lấn chiếm biển đảo Việt Nam và sát hại ngư dân Việt Nam của Trung Quốc khi những ngư dân này đánh cá trong khu vực Việt Nam mà Trung Quốc nay nói thuộc về lãnh hải của họ. Đồng thời ở trong nước lãnh đạo Việt cộng đã bám lấy nguyên tắc Đảng Cử Dân Bầu và không cho một cuộc Tổng Tuyển Cử tự do được xẩy ra với sự tham dự của mọi thành phần cá nhân và tổ chức độc lập, không cho dân bầu lên những người tài đức ngoài đảng muốn đóng góp cho đất nước phát triển. Thấy được sự việc này thì chúng ta cũng hiểu được từ đáy lòng của mỗi người dân Việt Nam hiện nay đều đang chia xẻ những đợt sóng ngầm căm hận chờ đợi cơ hội để ào lên đấu tranh nhận chìm đi một chế độ bất tài vô đạo, cai trị dân chỉ nhờ vào súng đạn và gông xiềng.
Tuệ Vân
Ngày 13 tháng 12 năm 2021