Con người đến một tuổi nào đó sau những long đong vất vả trong đời thì trở nên co thủ, đi vào cuộc sống đặc thù vị ngã, tất cả cho mình. Cũng có những con người sau những thăng trầm của cuộc đời bỗng ngộ ra, nhận thức được những cái hay, cái tốt, những điều xấu, cái dở đã đến với mình để mà rút tỉa và tự thân thay đổi theo chiều hướng thượng.
Hành xử như thế nào của con người, tuy nhiên, nói chung đều đến từ cái duyên cái nghiệp của mỗi người. Cái duyên đưa tới nhận thức, quyết định, đưa tới việc làm, cách hành xử của mỗi cá nhân. Cái duyên, trên một mặt khác, lại là cái nhân đưa đến cái nghiệp tốt hay nghiệp xấu của một con người. Và cái nghiệp, một cách luân hồi, lại là mấu chốt hình thành của những cái duyên tương lai trong cuộc sống.
Nói một cách lý thuyết như trên về duyên nghiệp thì thấy mơ hồ khó hiểu, nhưng có được sự việc cụ thể để đem ra suy ngẫm thì khái niệm nói trên có lẽ sẽ dễ hiểu hơn.
Như trường hợp người phụ nữ nọ, cuộc đời thật vất vả từ lúc còn nhỏ đến khi nhắm mắt. Cả đời bà chỉ sống cho gia đình chồng con, quyến thuộc, và ngay cả những tha nhân mà bà gặp trong cuộc sống. Cuộc đời bà không hề nghĩ về cá nhân bà. Bà không có học thức nhiều. Bà chỉ được học qua các lớp đủ để biết đọc và viết. Nhưng cá nhân bà được nhiều người, từ người có vị trí xã hội đến những người bần hàn, biết đến và kính trọng. Những người có danh vọng biết đến bà vì tư cách của bà, và nét đẹp thanh cao phúc hậu của bà. Bản thân bà có liên hệ cả với những người trong hàng ngũ trí thức có quyền hành của cả hai phía chế độ, nhưng bà không tự kiêu mà luôn đến gần giúp đỡ những người nghèo mà bà được biết đến. Bà luôn tảo tần kinh doanh, làm việc không ngơi nghỉ, mà nói cách bình dân là “tay năm tay mười”. Tuy những cái duyên tốt luôn đưa bà đến sự thuận lợi làm ăn nhưng vì hay giúp người nghèo cho nên bà luôn phải bận tâm trong vấn đề giải quyết vấn đề nợ nần. Lúc bà còn sống đã có những đêm bà khóc vì không biết ngày mai làm sao có gạo cho các con ăn. Ngày mai đến, vào sáng sớm, lạ thay đã có người ghé nhà giao tiền cho bà giữ hộ và cho bà mượn dùng mà không trả lãi. Ngày phải giao tiền trả, bà lại có duyên nhận được lộc mới để trang trải món nợ mà bà đang có. Ngày bà chết, các con bà đã ngạc nhiên khi phải tiếp những người đến viếng bà, thú nhận rằng họ được bà cho vay nợ khi họ gặp khó khăn và được bà cho dần dần hoàn trả. Nay bà đã mất rồi mà họ vẫn chưa trả hết nợ. Nghe xong các câu chuyện, các con bà đã đồng ý xóa hết nợ cho tất cả những người nghèo đó vì lý do khi còn sống bà đã không nói với các con về món tiền đã cho vay mà cũng chẳng để lại giấy tờ sổ sách gì cả. Tức là bà đã ngầm xóa những món nợ này. Ngày đưa bà ra mộ, có cả một khu chợ gần nhà bà đã đóng cửa sớm vì mọi người muốn nghỉ bán để đi đưa đám bà. Điều này cũng dễ hiểu vì chính sách tập trung kinh tế vào những ngày đầu của chế độ cộng sản, nhà nước nắm giữ mọi nguồn hàng từ sản xuất đền phân phối, trong khi đại đa số những người bán hàng chợ chỉ thuộc hạng mèo nhỏ bắt chuột con, cất hàng về chỉ mong mỗi ngày bán được hết hàng để có chút lãi, đủ mua gạo sống qua ngày và thu lại được vốn để lấy hàng ngày hôm sau theo đúng câu tục ngữ “tài hóa lưu thông”, tiền với hàng luân chuyển liên tục. Vì hàng mà ế nằm đó thì vốn chết, lãi không đâu ra. Cho nên họ đã xin bà mua hàng ế của họ để có vốn buôn bán đắp đổi. Bà tuy cũng không có tiền nhưng đã liều nhận mua để giúp người trong khi bản thân chính bà lại mang nợ mà cách giải quyết chỉ đơn giản theo từ ngữ Việt Nam ngày xưa là “mượn đầu heo nấu cháo.” Ngày đưa bà ra mộ, ngoài hàng xóm láng giềng đông đảo người đi tiễn bà, mỗi một nơi các con bà làm việc, tuy chỉ với chức phận thường nhưng thẩy đều cũng có những đoàn xe đưa tiễn. Vì những ấn tượng tốt đối với việc làm của bà, công an phường với lý do bảo vệ an ninh, đã cho chạy xe dẫn đường giữ cho đám tang của bà tuy chỉ toàn quần chúng bình dân, chẳng có lấy một quan chức thế giá, khỏi bị ngắt đoạn.
Việc bà đột ngột từ trần ngay khi nhận được giấy bảo lãnh cho xuất ngoại đoàn tụ cùng người con đã dựng lại được cuộc đời sau cuộc hành trình vượt biển hiểm nghèo mười phần chết chín, nghĩ sâu xa thì âu cũng là duyên nghiệp để bà được mất trên quê hương và được người người thương tiếc, nhớ đến bà và đến tiễn đưa bà long trọng. Tôi biết nhiều về bà vì bà chính là Mẹ của tôi.
Gia đình tôi theo lề thói cũ, có các anh lớn được giao quyền trông nom hướng dẫn các em, kể cả chuyện dùng roi vọt, cho tới khi các anh tôi đã không còn chặn được những phản ứng tuổi mới lớn của tôi, nhất là vào giai đoạn xã hội bất ổn vì đổi thể chế. Mặc dầu vậy, tôi đã không bao giờ vượt ra ngoài khuôn phép khi nghĩ đến sự dịu dàng hòa ái và tin tưởng của Mẹ tôi cho tôi. Chỉ một lời mẹ dặn nhẹ nhàng đủ làm tôi suy nghĩ sâu sắc để xử sự sao cho xứng đáng là đứa con gái lớn của Mẹ. Nhưng nói cho đúng thì Mẹ tôi đã không dậy dỗ gì nhiều lý thuyết. Tôi học được từ chính cuộc sống, cuộc đời của Mẹ: Chẳng bao giờ thu vén ôm vào cho chính bản thân. Mà chỉ mong sao chu toàn bổn phận làm người xứng đáng. Mẹ tôi vất vả cực nhọc, nhưng không bao giờ có than phiền, oán trách gì đời, gì trời.
Nhân ngày lễ Tạ Ơn, tôi xin được cảm tạ Ba Mẹ tôi đã sinh dưỡng, dậy dỗ và hướng dẫn cho tôi để sống xứng đáng với giá trị con người. Cảm tạ các thầy cô về những hạt giống tri thức đã gieo cho tôi tinh thần học hỏi và tiến bộ. Cám ơn các anh em quyến thuộc, các con đã luôn yêu thương, bảo vệ, và tin tưởng nơi những việc tôi làm. Cám ơn những bạn bè, chiến hữu, những người đã luôn sát cánh với tôi trên những bước đường dài đấu tranh cách mạng chông gai. Xin cảm ơn cuộc đời về những thử thách để tôi được sống thật sự chính là tôi.
Tuệ Vân
Ngày 26 tháng 11 năm 2021.