Sau 384 ngày “nắm quyền” thì ông già Suga cặm cụi, hiền hòa xuất thân từ gốc “nông dân” đã gác kiếm ra đi khi quyết định không ra tranh chức vụ Chủ Tịch Đảng Tự Do Dân Chủ. Người được Suga trao kiếm là Kishida Fumio (64 tuổi, cựu Tổng Trưởng Ngoại Giao nội các Abe) sau một cuộc đọ sức khá gay go với 3 người cùng đảng.
Sáng ngày 4/10, Nội Các của ông Suga đã tổng từ chức, 1 giờ trưa cùng ngày thì quốc hội đã bầu chọn Thủ Tướng mới mà kết quả đã là điều biết trước: ông Kishida là Thủ Tướng thứ 100 của Xứ Mặt Trời Mọc. Ông thành lập ngay một nội các gồm 3 thành phần: “Lão-Tráng-Thanh 老―壮―青” có nghĩa là những “Lão” (Đắc Cử nhiều kỳ), những “Tráng” niên (nhiều kỳ Đắc Cử) và những “Thanh” niên“ (Đắc cử tử 3 kỳ trở xuống, còn gọi là wakate若手) và 3 nữ lưu.
Tính theo “sổ sách” thì nhiệm kỳ của đảng Tự Dân mãn nhiệm vào ngày 21/10, nhưng Tân Thủ Tướng đã quyết định giải tán Hạ Nghị Viện sớm hơn 1 tuần là ngày 14/10 để “khởi động” cho cuộc đối đầu nảy lửa giữa liên minh đảng cầm quyền Tự Dân-Công Minh và những đảng đối lập mà tôi gọi là “linh tinh đảng”. Sau khi kết quả cuộc kiểm phiếu được “Công khai, minh bạch, dõng dạc, đường hoàng” thì vài ngày sau đó sẽ có một màn bầu chọn Tân Thủ Tướng của đảng nào chiếm nhiều ghế nhất. Không biết nội các của ông Thủ Tướng thứ 100 này sẽ tiếp tục nắm quyền? phải đến 6 giờ sáng hôm sau (1/11) mới biết chính xác.
7 giờ sáng ngày 31/10 dân Nhật đã“rủ nhau đi bầu, rủ nhau đi bầu, tay cầm lá phiếu tự do” Hạ Viện lần thứ 49 (衆議院-Chúng Nghị Viện, cũng còn gọi là đi bầu để lựa chọn Tân Thủ Tướng, vì đảng nào nhiều phiếu thì Chủ Tịch Đảng sẽ trở thành “Tổng Lý Đại Thần (Thủ Tướng). chọn 465 ghế (289 phiếu khu tuyển cử, 176 phiếu khu tỉ lệ, bằng một cuộc bầu cử 3 phiếu 3 thùng: phiếu thứ nhất là “khu tuyển cử (*1), phiếu thứ 2 là (khu tỉ lệ) (*2), phiếu thứ ba là giữ nguyên hay “bất tín nhiệm” một ai đó trong 11 vị thẩm phán của tối cao pháp viện (*3).
Vận động bầu cử (選挙運動)
Có thể gọi là quá vội vã, chỉ sau 16 ngày chuẩn bị, chính thức chỉ mới bắt đầu từ ngày 14/10, sau nhiều cuộc tranh luận gay go giữa lãnh tụ các đảng, các ứng cử viên, trên đường phố, trên các đài truyền hình vân vân và mây mây, trong không khí cảnh giác cao độ, với khẩu trang toàn tập và giữ gìn khoảng cách. Hình thức vận động diễn ra “dồn dập”, tới tấp và tới tấp. Gián tiếp thì bằng Internet và Facebook, Twitter, HomePage, You Tuber, tin nhắn SNS của các ứng cử viên ngập tràn máy tính, nhắm tới số người chỉ suốt ngày lấy Tablet, PC, Smartphone làm bạn…Trực tiếp thì staff vận động điện thoại đến tận nhà hoặc chính đương sự sẽ “thân hành” đến từng nhà, từng hộp thơ của cử tri để “trao gửi” những lời hứa hẹn. Đảng lớn nhiều tiền thì rợp trời với những xe phóng thanh có âm lượng cực mạnh ra rả suốt ngày trên đường phố, đảng nghèo” thì xe đạp, xe bike làm chuẩn tà tà rong ruổi khắp nơi, còn các thành phần vô đảng phái nếu “hữu danh” như cựu thủ tướng, cựu chủ tịch các đảng cũ thì cứ ra trước chỗ nào mà người qua lại nhiều nhất như các nhà ga chính, còn “trường phái “vô danh” thì “ta dại ta tìm nơi vắng vẻ như chùa Bà Đanh” đứng trước lối ra vào của các chung cư mà tiếng Việt ta gọi là “khu nhà tập thể”, nỉ nôi ai oán: “hãy nhớ đến tôi”..., “xin cho tôi sống”. Cử tri qua lại có thể “đứng lại lắng nghe” hoặc “vô tình lọt tai” hoặc “quan sát” ứng cử viên qua ....màn cửa. Cũng có màn vận động thấy vui vui, trên các con đường vắng khách bộ hành, nhưng đầy xe chạy qua chạy lại, có một ông chỉ đứng một mình dưới bảng khẩu hiệu và cứ 3 giây lại gập người xuống rồi ngẩng đầu lên không nói một lời nào.
Tất cả đều có một mục đích là trình bày sao cho cử tri hiểu là mình sẽ làm gì khi được tin tưởng “trao thân gửi phận”.
Có một điều duy nhất chưa từng có, dù đứng ở cuối phố hay đầu phố họ đều có cùng một điểm chung: trên xe “to đùng” hay “phương tiện vận chuyển bằng 2 bánh”, khi gửi lời “trần tình” đến ông đi qua bà đi lại, các ứng cử viên đều “truyền âm” tâm sự của mình qua một bộ lọc: đó là cải.... khẩu trang có in hình đảng hay tên đảng. Chào ông đi qua bà đi lại bằng cái “đấm” (tiếng Nhật gọi là Gu グ―) thay cho “cái bao” (パ-)」của trò “Oẳn Tù Tì ra cái gì ra cái này”.
Những chuyện bên lề!
Để cho số người đi bầu được tăng vọt, “nhà nước” đã mở chiến dịch gọi là “senkyou wari (選挙割) yêu cầu các công ty hàng quán “hiệp lực”, nói rõ hơn là nếu bạn đi bầu, khi vào tiệm ăn, hàng quán nào đã “hiệp lực” với lời yêu cầu của chính phủ, xuất trình phiếu đã đi bầu hay hình chụp chỗ đi bầu sẽ được “thưởng” miễn phí một cốc bia hơi, một quả...trứng luộc, một giắc mì, một phần ăn nửa giá hay 10% giảm giá. Thấy có đại công ty Watami, chuỗi bán cơm thịt bò (Yoshino gyudon), thịt bò nướng và rất nhiều “đối tác” khác đã lũ lượt tham gia。
Thêm một hình thức vận động tích cực nhóm người trẻ tham gia bầu cử. Sau khi hạ tuổi. đi bầu từ 20 đến 18 từ năm 2016, số người trẻ thuộc khoảng mười mấy có lẽ không mặn mà quan tâm đến chuyện nước, chuyện non. Có một vài trường trung học tại Tokyo và các tỉnh đã tổ chức những cuộc bầu cử giả định (模擬選挙〕ngay tại trường sau giờ học với đối tượng là các em lớp 12. Cuộc bầu cử giả định này cũng y chang như cuộc bầu cử thật, có người phát phiếu, nhận phiếu và ghi phiếu rồi bỏ vào thùng ....phiếu. Mục đích là làm sao “tư tưởng”: “Không có phiếu tui thì kết quả cũng chả có gì thay đổi” biến thành “Có phiếu tui thì kết quả sẽ thay đổi”. Có vẻ lứa tuổi này hiểu rõ hơn về ý nghĩa mà quân ta hay thường nghe: “Lá phiếu của bạn sẽ là sức mạnh để thay đổi và đạt được tâm ý mình muốn”.
Đại Hội Quần Hùng với Tứ Cực Cửu Đảng(四極九党)
Hầu hết dư luận quần hùng chỉ để ý đến 9 đảng nổi bật chia thành 4 cực
- Cực thứ nhất có 2 đảng: Tự Dân (自民), Công Minh (公明),.
- Cực thứ hai thì có 5 đảng: Cộng Sản(共産), Dân Chủ Lập Hiến (憲法民主党 CDPJ), Xã Dân (社会民主-SDP), Reiwa Shinsengumi 令和新選組 (gọi tắt là Reiwa), Quốc Dân Dân Chủ (国民民主党), đã “nhất trí” hậu thuẫn cho các ứng cử viên duy nhất ở hơn 217 khu tuyển với chủ trương “chúng ta hợp thành một” (一本化-ippon ka) quyết tâm “một mất một còn với liên đảng cầm quyền”.
- Cực thứ ba thì chủ trương hồn ai nấy giữ: Duy Tân (維新), NHK.
- Cục thứ 4 là những ứng viên độc lập không đảng phái.
Ngoại trừ những đảng có lịch sử thành lập lâu đời như Tự Dân, Công Minh, Cộng Sản, Xã Dân, các đảng còn lại đều là những đảng mà tôi gọi là linh tinh đảng vì còn hơi mới, hoặc được kết hợp khá vội vã vì nhiều lý do, trong đó lý do lớn nhất là bất mãn với đảng mình hoặc cảm thấy bất an rút ra rồi gia nhập rồi liên danh với đảng khác thành một…. đảng khác.
Lời hứa công khai (公約-Công Ước)
Lần này, tuy gấp gáp, nhưng dân Nhật rất cẩn trọng trong việc “chọn mặt gửi vàng”, số thống kê của các tờ báo lớn cho thấy là “chúng ta nhất định bầu” có vẻ tăng một chút so với nhiều kỳ bầu cử trước. Một cách ngắn gọn thì “công ước” của các đảng
- Nhật Bản sẽ đối phó thế nào nếu trong tương lai gần cơn sóng cô vi có thể ập đến bất cứ lúc nào..
- Cơm áo gạo tiền cho người dân sau cơn đại dịch cô vi khiến nền kinh tế lao dốc không phanh.
- Chính sách đối ngoại với Ủn, Tây Tàu Nga Mỹ.
- Thay đổi điều 9 hiến pháp! (*)
- Giảm từ 8&10% xuống 5% hay bỏ hẳn thuế tiêu thụ như cái đảng của ông nào đó tên gọi REIWA.
- Chấp nhận làm thành luật vấn đề LGBT (đồng tính)
- Lảm rõ những chi tiết khuất tất “ vấn đề Chính Trị và Tiền Bạc” của đảng cầm quyền dưới thời Thủ Tướng Abe..
Hoặc buồn cười hơn nữa là những “công ước” chỉ nói để nghe cho vui tai:
- Hủy bỏ hoàn toàn thuế tiêu thụ (0%), tặng một người 200,000 Yen ....ngồi mát ăn bát vàng. Cái nhà ông chủ trương lời đường mật là chàng Chủ Tịch đảng Reiwa (*4)
- Quyết “đánh cho nó cút nó nhào”, “nó” ở đây là Đài Truyền Hình NHK vì đài này đã phạm luật khi cử người thuê mướn đến từng nhà đòi tiền lệ phí xem đài NHK. Công ước này là của cái ông chủ tịch đảng NHK.
- v.v....
Nói tóm lại thì chủ trương của 4 cực 9 đảng, cá nhân độc lập có một vài chồng chéo, hay đối nghịch hoặc gần giống nhau, nhưng lại có cách giải thích và cách làm khác nhau, ngược nhau một chút về việc thực thi thuế tiêu thụ chẳng hạn. Hoặc chỉ là nói lấy được.
Nếu để ý ta sẽ thấy, đảng Tự Dân đã không đề cập rõ ràng bằng con số tiền “chi viện” như những đảng khác, có lẽ sau một thời gian dài cầm quyền, họ dư biết là “tiền lấy ở đâu ra”? nợ công đã ngập đầu. Các đảng khác thì chỉ nói cho sướng miệng vì 180% sẽ thất bại và không bao giờ ngoi lên được vị trí cầm quyền. Sự thất bại của “chính phủ Liên Hiệp nhiều thành phẩn” của người “hành tinh” là ông mắt lồi Hatoyama vẫn còn đó: hứa quá nhiều mà chẳng được bao nhiêu”.
Ngày bầu cử
Sáng 31/10 trong cái thời tiết sáng mây, chiều mưa lạnh se se, nhà cháu cùng vài bạn hàng xóm đã xuất hành đến phòng phiếu gần nhà để thi hành bổn phận. Khác hẳn với không khí của những lần bầu cử trước khá vắng lặng, lần này thì thấy hơi đông phải xếp hàng, vì phải cảnh giác cao độ với quân khốn nạn Cô Vi. Vào phòng phải ….khử khuẩn, nhận một cây bút ngay trên bàn, qua các bàn bên cạnh để nhận 3 phiếu bầu, rồi ghi, rồi bỏ, vào 3 thùng phiếu, rồi trả lại cây bút và thơ thới ra về chứ không phải ngồi đợi 20 phút như 2 lần “tiêm chủng” vì sợ….sốc phản vệ. Tính từ lúc xếp hàng, vào và rời khỏi phòng, cũng mất khoảng 10 phút.
Khai phiếu
7 giờ 55 phút tối ngày 31 tháng 10, mọi phương tiện truyền thông lớn của Nhật Bản với những bình luận gia, MC ăn khách nhất đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc công bố kết quả cuộc bầu cử được coi là vội vã, gay cấn nhất trong lịch sử bầu cử tại Nhật. 5 phút sau khi “đóng” thùng phiếu rồi... lại “mở”, thì tin tức do các phóng viên thượng thặng từ các “chiến trường” trên “khắp 4 vùng chiến thuật” dồn dập tới tấp gửi về, màn hình hiện ngay ra những con số, lúc thì ngang, lúc thì dọc, kết quả hầu như đã có ngay cùng lúc bằng phương pháp thống kê ngay trước phòng phiếu (出口調査), hoặc “đọc được phiếu” từ cử tri tại từng khu vực, cách này đối với quân ta chắc là không đơn giản, nhưng lại quá “giản đơn” với những giới tay viết hàm nhai. Màn hình cứ hiện lên chữ “xác” (確), chữ “当”(đương), 1 cánh hoa hồng... tùy theo cách “phối trí” của các đài truyền hình. Có những thứ này nghĩa là trúng cử, nếu không có nghĩa là đang kiểm phiếu chưa kết quả. Đảng trưởng hay Tổng Thư Ký các đảng hân hoan như “hoa mới nở”, hoặc âu sầu như “bánh bao chiều” phấn khởi nhanh chân hay từng bước nặng nề cầm từng bông hoa đỏ cắm lên một cái khung lớn trước mặt in đầy danh sách “phe ta”, Kết quả chính thức sau khi khai phiếu 100% được ghi nhận như sau:
- Kết quả bầu cử (選挙結果)
Tự Do Dân Chủ: 261 ghế (giảm hơn kỳ trước 15 ghế)
Dân Chủ Hiến pháp: 96 ghế (giảm 14 ghế)
Công Minh: 32 ghế (tăng 4 ghế)
Cộng Sản: 10 ghế (giảm 2 ghế)
Quốc Dân Dân Chủ: 11 ghế (tăng 3 ghế)
Duy Tân Hội: 41 ghế (tăng 30 ghế)
Reiwa: 3 ghế (tăng 2 ghế)
NHK đảng: 0 ghế
Thành phần độc lập: 10 ghế
Số cử tri đi bầu lần này là 55.93% có tăng chút đỉnh so với lần 2017 là 53.68%
Có vài điều đáng chú ý:
Với chủ trương chúng ta nhất định thắng, một mất một còn vì “chúng ta hợp thành một (一本化―ippon ka) của cực thứ 2 (đã nói ở trên), đã sinh ra nhiều niềm vui và hệ lụy.
Niềm vui: Những lão làng 〔大物-Oomono〕liên tiếp thất bại .
- Ông Amari, một từng là “đại thần” nhiều bộ, người vừa nhậm chức Tổng Thư Ký Đảng Cầm Quyền trong nội các Kishida vừa qua, sau gần 12 lần liên thắng đã thất cử trước một ứng cử viên tầm thường của đảng Dân Chủ Lập Hiến, dù được “đậu vớt” (*6) tỉ lệ khu nhưng ông này nhất định từ chức vì quê quá là quê. Chưa môt lần đương kim Tổng Thư Ký Đảng lại thất cử.
- Ông Ishihara Nobuo với 10 lần liên thắng (con trai của ông già khó tính Ishihara Shintaro) đã đại bại, mất cả chì lẫn chài, chứ không được “chài” như ông Amari.
- 5 bộ trưởng đương nhiệm và cựu của nội các Abe, Suga, Kishida cũng cùng chung số phận, có người “đậu vớt” và có người... đã đi xa.
Hệ Lụy:
- Bà dân biểu辻元清美 Tsujimoto lắm mồm của Đảng Lập Hiến mất tất cả cũng phải ra đi chưa biết ngày trở lại.
- Ông mặt ngầu Ozawa (大物), một khuôn mặt lớn trong làng chính trị Nhật Bản của Đảng Lập Hiến Dân Chủ với 17 liên thắng tuy rớt đài ở “Tuyển cử Khu” nhưng “đậu vớt” trong “Tỷ Lệ Khu”
- Ông Ekoda, cựu đảng trưởng của đảng Lập Hiến Dân Chủ cũng đại bại nhưng thắng cử vì “đậu vớt”
- Đảng Dân Chủ Hiến Pháp đã mất 14 ghế
Ngư ông đắc lợi!
Là Duy Tân đảng trong cực 3, từ 11 ghế lên thành 41 trở thành Đảng Thứ Ba, có tư cách “đề xuất” những đạo luật trong quốc hội. (Phải chiếm trên 21 ghế mới có tư cách này). Chiến thắng vinh quang này được coi là nhờ Tỉnh Trưởng Osaka Yoshimura, ông trẻ tuổi này đã xuất sắc trong mọi công tác nhất là công tác phòng chống dịch.
Cuối cùng người dân đã lựa chọn theo tinh thần “Đảng cử dân bầu theo ý dân” khác hẳn với xứ Đông Lào: “Đảng cử dân bầu theo ý đảng” cho “tiện bề sổ sách”.
Tập đoàn “Kishida-Yamaguchi” được 297 ghế (tuyệt đối an toàn) vượt quá bán (233).
Thế là Liên minh cầm quyền Tự Dân-Công Minh sẽ tiếp tục đẩy mạnh những gì họ đang chủ trương:
- Tăng cường an ninh kinh tế, giữa bối cảnh cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ ngày càng gay gắt.
- Tăng cường các biện pháp ứng phó với đại dịch COVID-19 bằng cách thúc đẩy chương trình tiêm chủng mũi thứ ba, chấp nhận thông hành vắc xin; hỗ trợ tài chính cho những người bị ảnh hưởng đại dịch, bao gồm những người không có việc làm thường xuyên và những người đang nuôi con nhỏ.
- Mở rộng quy mô nền kinh tế Nhật Bản và phân phối thành quả tăng trưởng tới mỗi người dân dưới dạng thu nhập và tiền lương bằng cách hình thành một chu kỳ giữa tăng trưởng và phân phối –
- Thúc đẩy các cuộc tranh luận về sửa đổi Hiến pháp, trong đó có Điều 9, để làm rõ vị trí của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.
- Cam kết bảo vệ Nhật Bản thông qua chính sách ngoại giao và tăng cường năng lực quốc phòng bằng cách hợp tác với các quốc gia có chung một tầm nhìn tự do và rộng mở về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
- Đề nghị tăng chi tiêu quốc phòng trong tài khóa 2022 lên khoảng 50 tỷ USD.
- Vân vân.....
Và đảng Công Minh sẽ đóng vai trò là một cái thắng hay là một tay ga cho đảng Tự Dân sao cho mưa thuận gió hòa.
Thôi trời đã định và cứ thế mà đi. Tương lai, nếu không như ý thì ta sẽ tính lại. Xứ dân chủ mà!
Báo cáo cũng đã tạm đủ, xin hẹn các bạn kỳ khi ....trời quang mây tạnh, chứ hôm nay thì mưa chìm bão nổi! lạnh ơi là lạnh.
Sayonara
Vũ Đăng Khuê
--------------
* Điều 9: Người dân Nhật Bản thành tâm mưu cầu một nền hoà bình quốc tế dựa trên chính nghĩa và trật tự, cam kết vĩnh viễn không phát động chiến tranh, không đe dọa bằng vũ lực, không hành sử vũ lực như là một phương tiện giải quyết các xung đột quốc tế.
Để thực hiện mục đích ghi ở trên, hải lục và không quân cũng như các tiềm lực chiến tranh khác sẽ không được duy trì. Quyền tham chiến của đất nước sẽ không được công nhận.
-----------------
(* 1&2): Xin tham khảo đường link dưới đây
https://www.facebook.com/takenaga.hisahide/posts/4196846933777691
----------------------------
(*3): Tối cao Pháp Viện Nhật Bản gồm 11 vị được nội các bổ nhiệm sau khi Thiên Hoàng chứng nhận (chỉ là hình thức). Theo nguyên tắc, thì các vị thẩm phán trên 40 tuổi có tài có đức sẽ được bổ nhiệm và chuẩn thuận, nhưng 11 vị hiện tại đều đã trên dưới 60. Nhiệm kỳ của họ là cho đến 70 tuổi. Người dân được quyền “nhúng tay” vào việc định đoạt số phận các vị này. Cứ mỗi lần bầu cử Hạ Viện sẽ có một phiếu màu xanh với đầy đủ tên 11 vị. Nếu thấy vị nào không xứng đáng thì cứ “vô tư” đánh dấu (X), Vị nào có nhiều (X) (chiếm một nửa số cử tri đi bầu), sẽ được “mời” ra ngoài. Nếu không thì cứ để nguyên không cần ghi gì cả rồi bỏ vào thùng phiếu. Cho đến nay, cũng chả thấy vị nào bị ra ngoài cả. Nhưng điều đáng nói ở đây là số phận các vị cũng do người dân định đoạt không như nhiệm kỳ suốt đời ở Mỹ mà các vị chỉ ra đi khi Tắt Văn Thở.
-----------------------
(*4) Xin xem link dưới đây bài viết có tựa đề “Tuồi trẻ tào lao” về anh chàng Yamamoto Taro, chủ tịch đảng Reiwa.
http://www.erct.com/2-ThoVan/VDKhue/Chuyenxu-Phutang-11222013.htm
------------------
(*5) “Đậu Vớt” (tiếng Nhật tạm dịch là Fukkatsu Hireiku 復活比例区)). Môt người có thể ứng cử 2 hình thức “Tuyển cử khu” và “Tỷ Lệ Khu” có nghĩa là nếu thua liểng xiểng trong “tuyển cử khu” nhưng trúng cử vì có tên trong list “Tỉ Lệ Khu”. Trẻ người non dại (đắc cử vài kỳ) thì không nói nhưng với những tay lão làng (Omono-大物) (đắc cử nhiều kỳ) thắng bằng cách “đậu vớt” này thì không có gì là “ngạo nghễ tự hào”.nếu không muốn nói là Xệ quá là xệ..