Ông Rafael Grossi, tổng giám đốc Cơ quan Nguyên tử năng quốc tế International Atomic Energy Agency (IAEA) của Liên hiệp quốc trong một cuộc phỏng vấn với đài NBC cho biết rằng công việc theo rõi chương trình hạt nhân của Iran “không còn trọn vẹn” vì rằng nước này đã không sửa chữa những máy hình gắn trong một cơ sở hạt nhân chủ yếu của Iran. Những máy hình này bị hư vì một cuộc phá hoại hồi tháng sáu, mà Iran bảo là Do Thái thực hiện. Lý do các máy hình không được sửa vì Iran đang trong giai đoạn điều tra tìm thủ phạm. Không có máy hình thì không thể biết những gì xẩy ra trong cơ quan này. Ông Grossi cho biết rằng cơ quan IAEA đã bị đuổi ra khỏi Bắc Hàn năm 2009 và bây giờ thì người ta cho rằng Bắc Hàn đã có bom nguyên tử. Nhận định này các quan sát viên cho là khả tín vì Bắc Hàn đã cho thử các hỏa tiễn tầm xa mới đây và xây dựng những thiết trí cho việc phóng các hỏa tiễn liên lục địa mang đầu đạn nguyên tử. Khi được hỏi là đã có gặp gỡ nói chuyện với các giới chức Iran chưa thì ông Grossi cho biết là chưa, ông chưa được gặp thảo luận với tân bộ trưởng Ngoại giao Iran, sau khi Iran có tổng thống mới trúng cử là ông Ebrahim Raisi. Người theo rõi thời cuộc nghĩ rằng vì Ebrahim Raisi là người có lập trường cứng rắn cho nên để đó chơi không sửa để trêu ngươi Do Thái. Có giỏi thì tiếp tục gây sự đi sẽ biết hậu quả. Ông Grossi cho biết rằng ông mong muốn được có dịp thảo luận sớm, để mà nếu có hiểu lầm, có bất đồng ý kiến thì có thể bàn thảo như là đã từng làm trước đây. Quan điểm này điển hình là của một nhân viên Liên hiệp quốc, chung chung đứng giữa. Hồi đầu tháng 10, phát ngôn viên bộ ngoại giao Mỹ Ned Price cũng tuyên bố rằng muốn bắt đầu thảo luận với Iran “sớm”. Nghe thoáng thì là không theo phe nào, nhưng nghĩ kỹ thì là ngả theo Do Thái, muốn theo rõi chặt chẽ những hoạt động hạt nhân của Iran vì muốn giữ vị trí là nước có bom nguyên tử độc nhất ở Trung Đông.
Từ một góc nhìn khác, sự thảo luận là điều cần thiết khi mà chính sách của Mỹ hiện nay là trở lại với hiệp ước Kế hoạch Toàn diện Liên kết thực hiện JCPOA (Joint Comprehensive Plan of Action) về võ khí hạt nhân ký bởi năm nước Anh Pháp Mỹ Nga Tầu và Đức bị nguyên thủ tướng Do Thái Netanyahu chống đối kịch liệt. Netanyahu đã đến đọc diễn văn trước lưỡng viện quốc hội chống hiệp ước JCPOA mà không thông qua ngả Bạch cung Obama (mà Netanyahu coi như không có ký lô nào). Và ông Trump đã đơn phương rút ra khỏi hiệp ước tháng 5/2018. Quyết định này không có gì khó hiểu vì cặp Kushner Ivanka cố vấn cao cấp Bạch cung là con rể và con gái của ông. Ngoài ra cũng vì Kushner là bạn thân thiết gia đình với Netanyahu. Thêm vào đó thì cũng bởi vì thế lực vận động chính trị Do Thái vốn bao trùm chính trường Mỹ. Với tổng thống Biden thì tuy chính sách Mỹ vẫn thân cận Do Thái mà bằng cớ là ngoại trưởng Mỹ là người Do Thái và chánh văn phòng Bạch cung Ron Klain cũng người Do Thái, nhưng sự gần gạnh cật ruột thì không có nữa. Người ta còn nhớ là khi ông Biden lên làm tổng thống thì đã điện thoại trao đổi với các nguyên thủ của các nước đồng minh và những đối tác quốc tế thế giá. Netanyahu không ở trong số những người đầu tiên này tuy ông này có khoe rằng hai bên đã có những liên hệ bạn bè quá khứ. Tại sao? Khi ông Biden làm phó tổng thống cho ông Obama thì đã chứng kiến thái độ coi thường của Netanyahu đối với Obama . Dĩ nhiên ông Obama ở vị trí lãnh đạo đại cường Mỹ đã không ngần ngại gì mà không trả đũa. Là từ chối không gặp Netanyahu khi đến dự đại hội Liên hiệp quốc ở New York tháng 9 năm 2012. Và hình ảnh hai người mỗi khi gặp nhau thì không mấy gì thân thiện nếu không muốn nói là lộ vẻ ít nhiều gầm gừ.
Là người Công giáo thuần thành và là nhà chính trị lão luyện nhiều năm từng giữ những chức vị cao cấp dân cử như thượng nghị sĩ, phó tổng thống và nay là tổng thống, ông Biden hiểu rõ Do Thái là bạn gần gạnh nhất, không thể tách rời của Mỹ, có thể so sánh với cái địu sau lưng. Nhưng không thể chấp nhận như Donald Trump với cái gông Do Thái Netanyahu trên cổ mà nếu tuân phục hoàn toàn sẽ đẩy Mỹ vào vị thế thường trực đối đầu không cần thiết và không thể thắng trong hoàn cảnh kinh tế toàn cầu đa cực hiện nay, mà quy luật vận hành là hợp tác - cạnh tranh – đối đầu – đối thoại - hợp tác … ghì chỗ này, níu chỗ nọ, thả chỗ kia, tùy địa bàn, tùy lãnh vực. Mỹ với tổng thống Biden sẽ làm việc theo lề lối cũ với bè bạn Âu châu Anh Pháp Đức và các đối tác khác, thay vì như Donald Trump dựa vào thế lực chính tri bao trùm Do Thái để đẩy chủ nghĩa mị dân MAGA và America first. Mà thực tế là phải khai thác một cách bá đạo cái tâm thức da trắng siêu việt của những nhóm cực đoan kỳ thị chủng tộc, ghép với cái mặc cảm muốn là Mỹ hơn Mỹ (nghĩa là bảo hoàng hơn vua) của những thành phần nhập cư da không trắng cuồng Trump để có một lực lượng nòng cốt sẵn sàng nhắm mắt xông lên khi được lệnh. Thí dụ cụ thể là vụ nổi loạn tấn công tòa nhà quốc hội ngày 6 tháng 1 /2021 với mục đích đảo ngược kết quả bầu cử mà Trump đã bị thua ở mọi cấp kiểm phiếu và ở mọi cấp tòa án từ địa phương là thấp nhất đến Tối cao pháp viện là cao nhất. Vụ nổi loạn này đã gây xáo trộn tại chỗ được hơn nửa ngày nhưng những bàn dọc tán ngang tiếp tục dài dài trên các hệ thống truyền thông giải trí toàn quốc mà Trump gọi là truyền thông tin giả, ngay cả sau khi Trump không thể làm khác hơn là ra khỏi Bạch cung để trống chỗ cho tân tổng thống. Và cái tên Trump chỉ rời khỏi hai chữ tổng thống sau khi tân tổng thống Biden ký được một loạt sắc lệnh đảo ngược các chủ trương lệch lạc của Trump, và ra những biện pháp cụ thể đối phó với sự lây lan Covid 19 và trợ giúp các thành phần thiếu hụt tài chính do yêu cầu giãn cách xã hội gây ra. Nghĩa là cho thấy chính phủ mới thực sự bắt đầu vào việc.
Cả Trump và Netanyahu khó mà lấy lại được thế thượng phong như trước đây để mà đảo ngược tình hình. Bởi vì cả hai trự này đều lâm vào những vấn đề tiền bạc rắc rối. Netanyahu ngoài tiền bạc còn vấn đề tham nhũng, lộng quyền. Trump thì dính líu vào việc xếp đặt vụ 6/1/21 và đang vất vả chống ra tòa việc khui ra các hồ sơ tai hại liên hệ. Thắng thì khó thắng nhưng kéo dài tới đâu thì yên tới đó. Cả đời làm ăn của Trump kéo dài như thế rồi, nhờ có tiền bạc chi ra, chẳng sao hết. May cho nước Mỹ có một truyền thống tự do dân chủ lâu đời và một cơ chế phân quyền chắc chắn cho nên mọi quấy phá dù từ một vị trí cao nhất như Trump cũng không thể gây đổ vỡ. Bởi vẫn có một số khá nhiều quần chúng xem ra đủ bình tĩnh để nghe, để suy nghĩ và sau cùng nhún vai.
Lâm Phong
(ngày Lễ Ma Quỷ (Halloween) 1/11/2021)