Ngôn ngữ đang được dùng ở đâu cũng vậy đều là sinh ngữ. Do là sinh ngữ, nó sẽ phát triển và thay đổi. Nhưng sự phát triển và thay đổi phải theo chiều hướng chính xác hơn, đơn giàn hơn và nhất là hợp lý hơn để làm ngôn ngữ đó trở nên phong phú, đẹp đẽ trong sáng hơn. Còn phát triển và thay đổi theo chiều hướng bạ đâu dùng đấy, bừa bãi vô tội vạ khiến ngôn ngữ trở nên dị hợm, tối tăm, kệch cỡm, lai căng như tiếng Việt hiện đang dùng trong nước và lan tràn một cách rộng rãi ở các báo, đài phát thanh, đài truyền hình... ở hải ngoại là một điều thật đáng buồn, đáng phải lo ngại cho tương lai văn hóa nước nhà.
Thật ra ở miền Nam trước 75 cũng có nhiều từ ngữ dùng không được chính xác lắm.
Tuy nhiên sự sai trật không đến nổi trầm trọng lắm, phần nhiều do phát âm sai rồi lâu ngày thành nếp. Chẳng hạn như từ chúng ta thường hay nói là "môn đăng hộ đối" nói về sự tương đương về gia thế giữa hai bên đàng trai và đàng gái trong hôn nhân. Từ đúng là "môn đương (門 當) hộ đối" có nghĩa là nhà cửa ngang nhau, chứ "môn đăng" (cái đèn trước cửa) không có nghĩa gì cả. Một từ khác chúng ta thường nói là đề kháng, sức đề kháng. Chữ đúng là để kháng (抵抗) có nghĩa là chống cự lại, chữ Hán Việt không có chữ nào là "đề".
Còn chữ nghĩa ở trong nước hiện giờ thì hết còn chỗ để nói. Giấy chứng nhận độc thân thì gọi là công hàm độc thân. Giải tỏa mặt bằng thì nói giải phóng mặt bằng, dân biểu quốc hội thì viết là hạ nghị sĩ. Còn những từ như"hoành tráng", "ấn tượng"...được dùng
tùy tiện một cách "vô tư", bừa bãi. Một số người viết báo rời đất nước lúc sau này nên họ đã quen với các loại từ ngữ đó khi còn ở trong nước nên khi viết tin họ cứ thế mà xử dụng. Thấy các xướng ngôn viên các đài truyền hình ở hải ngoại cứ cắm đầu đọc các ản tin như vậy vừa bực bội lại vừa thương hại. Bực bội là thấy họ nhìn bản tin rồi cứ thế mà đọc, không biết sửa đổi cho đúng, nhưng cũng thương hại cho sự thiếu hiểu biết của họ. Cũng nên thông cảm vì họ là những xướng ngôn viên nghiệp dư không thể so sánh với các xướng ngôn viên chuyên nghiệp ở các quốc gia sở tại mà hầu hết có kiến thức và trình độ văn hóa khá cao, trải qua một quá trình chọn lựa kỹ lưỡng, gắt gao và sự huấn luyện có bài bản.
Dạo này sau những "phong tỏa", "ai ở đâu yên đó"....lại thấy xuất hiện thêm vài từ ngữ mới, chẳng hạn như "di biến động dân cư", "sao kê".... khiến người Việt cũng phải "tò mò" hỏi với nhau về ý nghĩa.
Chưa bao giờ tiếng Việt bị xuống cấp một cách thảm hại trầm trọng như hiện nay, tuy nhiên hình như chẳng có mấy ai quan tâm. Không biết vài mươi năm nữa tiếng Việt sẽ ra sao? Chắc sẽ "hoành tráng" và "ấn tượng" hơn bây giờ nhiều.
Ng.