Tin trong nước cho biết học sinh tiểu học tại Việt Nam ngày nay bị nhồi nhét chữ nghĩa, học hành vất vả. Đã có những chia xẻ của phụ huynh lo lắng cho con em bị gù lưng vì mỗi ngày phải đeo một ba lô nặng vài ký sách vở trên vai đến trường học. Lại có phụ huynh than phiền trẻ con ngày nay bị học, bị đọc quá nhiều nên cận thị rất sớm. Hôm qua trên Facebook của một người bạn, tôi lại được đọc một danh sách 25 cuốn sách cho học sinh lớp một mà trường bắt mua cho niên khóa mới. Đọc danh sách những cuốn sách mà trẻ em lớp một ngày nay phải mua, ngoài những cuốn gọi là vở bài tập cho các môn, tôi thấy có đủ thứ nào là Toán, Mỹ thuật, Đạo đức, Tiếng Việt, Tự nhiên và Xã Hội, Âm nhạc, Hoạt động trải nghiệm, Giáo dục thể chất, sách tiếng Anh, sách thực hành Toán, Thực hành Tâm lý, Văn hóa Giao thông, Bác Hồ và những bài học về Đạo đức, Lối sống. Ôi chao, đủ mọi đề tài khiến cho một người lớn đọc mà cũng phải chóng mặt.
Không biết giáo dục của chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ngày nay đang nhắm đào tạo trẻ con Việt Nam theo hướng nào? Đào tạo lũ trẻ trở thành những con người toàn mỹ, thông minh, vượt trội trên thế giới? Nhưng như thế thì sao xã hội Việt Nam trên báo chí lại đầy những chuyện học sinh Việt Nam ăn nói thô tục, thiếu tư cách, nữ sinh đánh nhau như bọn đá cá lăn dưa, thanh thiếu niên Việt Nam vô cảm với con người với đất nước, thiếu tự trọng qua việc quay cóp bài thi, đâm chém bạn bè chỉ vì mâu thuẫn qua lời ăn tiếng nói?! Hay thực tế, giáo dục Việt Nam thật ra cũng chỉ là một khía cạnh thêm vào cho đủ bộ trong chế độ tham nhũng cộng sản? Giới chức quyền bầy ra việc sản xuất thật nhiều các sách giáo khoa không phải vì mục đích đào tạo một thế hệ trẻ Việt Nam chân thiện mỹ, mà là vì nhắm vào việc vơ vét tiền bạc kiếm bằng mồ hôi nước mắt của phụ huynh học sinh, để làm giầu cá nhân hay tạo điều kiện thủ lợi cho phe nhóm!?
Nhớ lại tuổi thơ Việt Nam ngày xưa trước 1975, học sinh lớp một chúng tôi đi học chỉ với một cặp nhỏ. Đến lớp chủ yếu là nghe các thầy cô giảng bài, dậy dỗ. Qua các đề tài Công dân Giáo dục, Tập đọc, Văn, Chính tả, tuổi thơ chúng tôi đã được các thầy cô truyền đạt các tinh hoa văn hóa, tự tình dân tộc. Chúng tôi được học từ cách sống hòa hợp trong xã hội, cách cư xử lễ phép thuận thảo với người lớn, trẻ em, với thầy cô với ba mẹ. Chúng tôi được học các gương hy sinh bảo vệ cõi bờ của tiền nhân, học về lòng yêu nước và tự hào dân tộc của một người công dân. Trách nhiệm dậy dỗ học trò đặt nặng trên vai người thầy giáo. Chúng tôi không phải vất vả đọc nhiều sách. Thầy cô chúng tôi phải nghiên cứu sách vở, tài liệu, rút ra những bài dậy đơn giản nhưng dễ hiểu dễ nhớ dễ thấm vào đầu bọn trẻ học trò. Phần học trò chúng tôi thì học rất nhẹ nhàng nhưng lại rất ghi nhớ những gì được dậy.
Miền Nam ngày xưa, tuy nhiên, ngoài thầy cô ở trường, ra ngoài xã hội ai ai cũng đều có thể là thầy của một đứa trẻ, từ ba mẹ, người thân họ hàng đến hàng xóm. Khi thấy một đứa trẻ có hành động không đúng, người quan tâm có thể góp ý với đứa trẻ. Trẻ con Việt Nam trước 1975 vì thế biết nghe lời và đa số là ngoan ngoãn, nghiêm chỉnh trong gia đình, nơi xã hội.
Nhớ về tuổi thơ ngày xưa trước và nhìn về thế giới của tuổi trẻ ngày nay dưới thời Cộng sản người hải ngoại còn hướng về đất nước không khỏi có chút xót xa. Vì đâu nên nỗi? Người dân Việt Nam là người hiếu học, thông minh và lanh lợi. Nếu đất nước Việt Nam được hướng dẫn chăm lo bởi một chế độ nhân bản, nhân quyền, tôn trọng tự do dân chủ, chắc chắn mọi người dân sẽ có cơ hội học hỏi những điều hay mới của văn hóa, khoa học kỹ thuật trên thế giới. Dân tộc Việt Nam sẽ nhanh chóng tiến bộ đi lên, đất nước Việt Nam sẽ có được sự phát triển độc lập hùng mạnh. Mỗi một cộng đồng Việt Nam hải ngoại khi đó sẽ là một đầu tầu để cung cấp, hỗ trợ những kiến thức vật chất cho mỗi địa phương Việt Nam. Mỗi một người Việt hải ngoại chỉ cần đóng góp một đô la mỗi tháng là đủ hỗ trợ cho các sinh viên Việt Nam có khả năng mà thiếu thốn phương tiện du học cho đến khi thành tài về giúp nước. Các chuyên gia ngoại quốc gốc Việt chỉ cần về nước hướng dẫn cho các Đại Học trong nước trong những kỳ nghỉ hè là đủ để nâng cao nhận thức khoa học kỹ thuật tại nước nhà.
Nhưng, những điều như thế chỉ có thể xẩy ra khi đất nước Việt Nam có được một thể chế thực sự vì dân vì nước. Ngày đó người Việt nam không còn phải tìm đủ cách ra nước ngoài kiếm sống. Mọi người có thể học hỏi và mưu sinh tự lập trong những công việc trên đất nước. Nước Nhật nước Đức hai thập niên sau khi thất trận thế chiến thứ hai trở thành đại cường kinh tế và khoa học phát triển mạnh mẽ khiến cả thế giới nể phục. Việt Nam sau khi chế độ Cộng sản thắng lợi, cai trị 45 năm, đến nay chỉ là nước lôi kéo du khách đến hưởng lạc, còn đa số từ giới quyền chức đến thường dân đều tìm đủ cách ra ngoại quốc sống, dù chỉ bằng nghề lao động ít kỹ thuật hay không vốn, hay bằng tiền thu được nhờ tham nhũng thối nát.
Cái ước vọng đơn giản của tôi, sau khi bắt buộc phải bỏ quê hương cách đây 4 thập niên để tránh một tập đoàn thống trị cuồng tín thô bạo, rằng có một ngày trở về sống trên đất nước thanh bình, dân chúng sống hài hòa thoải mái, bây giờ xem ra vẫn không có nhiều triển vọng thực hiện. Ngay cả chuyện về thăm cũng không còn trong đầu, khi vì quan tâm với quê hương nên theo rõi tình hình mà thấy những tệ nạn đầy rẫy trên quê hương, dưới cái bề ngoài hào nhoáng phát triển như hiện nay.
Tuệ Vân
Ngày 7 tháng 9 năm 2020