Ngày 19 tháng tám xẩy ra cách mạng là lúc tôi 9 tuổi, đang ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Tôi đã từng sống ở Đồng Đăng, Nam Định, Hà nội, Sài gòn, Kontum, mỗi nơi đều để lại những kỷ niệm khó phai. Nhưng Vinh là nơi tôi giữ nhiều ấn tượng sâu đậm nhất dù chỉ ở có 5 năm, từ 6 đến 11 tuổi. Vinh là một thành phố nhỏ êm đềm, trong ký ức của tôi. Có thể vì đó là thời gian ngắn ngủi trong đời tôi được lớn lên trong niềm thương và sự chăm sóc của Mẹ mà tôi đã đủ lớn để thâm cảm và hiểu, rồi sau đó mất mẹ, một mình vật lộn vùng lên.
**
Đi theo con đường quốc lộ số một từ Bắc vào, qua căn nhà Trịnh Ngấn trơ trọi cao ngất ngưởng ngoài rìa thành phố một quãng là đến trường quốc học Vinh. Sau đó là chùa Diệc, trước cổng có cái hồ sen. Tôi được cho vào đoàn Phật tử nhưng không thích gì mấy những bài hát tôn giáo tẻ nhạt và ngay cả đi cắm trại ở Cửa Lò, vào rừng gai góc chơi trò tìm kho tàng, tuy được ăn cơm với con ruốc rang lạ miệng. Băng ngang nhà ga Vinh thì quốc lộ trở thành khu buôn bán. Có một khách sạn ngay trước nhà ga. Trước cửa khách sạn, ngay trên vỉa hè thường có một bà bán bánh mướt với trứng tráng dầy cộm. Lần nào tôi đi học qua thấy là thèm nhỏ rãi. Trong bữa cơm ở nhà, khi có món trứng tráng thịt băm tôi chỉ ăn cái rìa mỏng dính cho nên không bao giờ đã miệng (vì phần giữa dầy nhiều thịt tôi không thích). Một tiệm sách tên là Sinh Minh. Một hiệu thuốc Tây ở gần chợ Vinh, có mùi thơm đặc biệt, là nơi bố tôi mua ống thuốc Bévitine mầu xanh rất đẹp chứa 20 viên vitamin B1 thơm nức, cùng chai dầu cá tanh kinh khủng bắt tôi uống. Còn thuốc đau mắt sulfate de Zinc nữa nhỏ vào mắt xót muốn chết. Ngoài ra còn có phòng mạch hai bác sĩ là bác sĩ Tấn và bác sĩ Hy. Đến chợ Vinh thì quốc lộ chẻ làm hai: phía trái xuống Trường Thi, Bến Thủy và biến thành các phố đệ nhất đệ nhị, đến đệ ngũ đệ lục gì đó thì thành khu cô đầu; phía phải vào trung tâm thành phố chạy dọc theo con sông tôi không biết tên là gì một đoạn. Ở khu trung tâm thành phố ít khi tới - tôi biết là có dinh công sứ và các công sở, nhà thương và sân vận động. Tôi có đến nhà thương một lần vì bố tôi bị bệnh sốt rét nặng phải nằm ở đó để chích Quinobleu.
Thế giới thực sự của tôi là phố Cửa Tả dài chừng 500m, chạy từ nhà ga nơi bố tôi làm việc đến thành Vinh. Nhà tôi ở số 25, giữa phố. Cách nhà tôi mấy căn là một cái miễu thờ, trên nóc có hai con rồng chầu mặt nguyệt, đóng cửa im ỉm. Lâu lâu mới có người tụ tập đông đảo vì có lên đồng. Những dịp đó tôi chạy đến coi nhưng không vào được bên trong vì quá nhiều người xúm quanh bà lên đồng chờ phát lộc, cho nên chẳng thấy gì, ngoài những tiếng đàn hát nhịp nhàng rậm rịch, khoái tai của cung văn. Đàng sau nhà tôi là con đường đất nhỏ, cho người đổi thùng, chạy ngoài vòng rào một khu đất rộng trong có một cái nhà rất lớn gọi là Nhà Tằm, để trống, không còn nuôi tằm nữa.
**
Một đêm, tôi bị đánh thức dậy vì những tiếng súng nổ như bắp rang, kéo dài không lâu rồi im bặt. Sáng hôm sau mở cửa nhìn ra đường thì thấy lính Nhật gác lố nhố. Bố tôi đi làm rồi trở về nói là Nhật đảo chính Pháp, lính Nhật đã đóng ở ga. Lớn lên học sử tôi biết đó là ngày 9 tháng 3/1945. Ít hôm sau, dân phố cửa Tả một buổi nhao lên gọi nhau ra đường xem một cảnh có một không hai. Là một thiếu niên Tây cao lớn kéo chiếc xe tay, chạy từ phía ga vào Cửa Tả thành Vinh. Người ta bảo nhau đó là con viên công sứ Tây bị Nhật giam trong thành Vinh. Trong lòng tôi mơ hồ nổi lên một cảm xúc lạ cho tới lớn vẫn không thể tả là như thế nào. Vì thường tôi chỉ thấy có những “cu li” xe người mình gầy guộc kéo xe và hay bị cảnh sát Tây đá đít hay đánh bằng dùi cui, mắng là “cu xoong” (tiếng Tây là cochon= con lợn).
Quân Nhật sau cuộc đảo chính thì dùng Nhà Tằm làm trại lính. Dưới mắt tôi những người lính Nhật rất dễ thương. Họ cho bố tôi trà uống có gạo rang, mùi vị thật lạ. Có một người thỉnh thoảng vào nhà nói chuyện với bố tôi. Biết tôi bị kiết lỵ cứ quặn bụng là đi cầu ra cả máu lẫn nước mũi, mẹ tôi cho ăn trứng gà hấp với lá mơ lông không khỏi, người này đã mang ra cho mấy viên thuốc nhỏ xíu, uống vào khỏi dứt. Đến những ngày đầu tháng tám, người này hay ra nhà rù rì nói chuyện với bố tôi hơn. Bố tôi kể cho cả nhà biết là Nhật bị ném bom nguyên tử giết chết rất nhiều người và sẽ phải đầu hàng. Trong một buổi chào cờ sau đó ở trong sân trại lính Nhà Tằm, đã xẩy ra một vụ hara-kiri (mổ bụng tự sát) dưới chân cột cờ, có thể nhìn thấy từ sân sau nhà tôi. Người này đã hỏi bố tôi có muốn súng lục thì sẽ cho một khẩu. Nhưng bố tôi từ chối. Nghe kể, tôi tiếc hùi hụi vì thích súng. Bố tôi chỉ lấy cái cặp Nhật sĩ quan thường mang. Cái cặp này em tôi đeo về tới nhà ông nội ở quê và bị cháy khi Tây về càn đốt làng đốt nhà.
So với những quân nhân Nhật, những người lính Tầu sang giải giới quân Nhật ở Vinh lôi thôi lếch thếch, phù thũng hôi hám, bẩn thỉu, vô kỷ luật, mua hàng rồi bỏ chạy bị dân đuổi đánh, tôi không khỏi xấu hổ cho dân Tầu. Mấy năm sau, khi học sử ở Trung Học, giáo sư Lê Ngọc Huỳnh cho biết dân da trắng kỳ thị người da vàng, vì có những chỗ để bảng Cấm Tầu và Chó. Tôi nghĩ sự kỳ thị không hẳn là không có lý do.
Những điều trông thấy làm tôi nể phục và thích người Nhật đặc biệt. Về sau này càng nể phục khi biết chỉ 10 năm sau khi thua trận, Nhật đã thành một nước kinh tế phồn thịnh, khoa học phát triển. Thập niên 80, một xu hướng chính trị xã hội trong tập san Foreign Affairs cho rằng phải bắt chước mô thức vận hành kinh tế kiểu Nhật để bảo đảm công ăn việc làm cho dân Mỹ.
Trở lại với Vinh thành phố nhỏ êm đềm của tôi, trong sự thương yêu che chở của Mẹ tôi. Và trong sự kìm cặp nghiêm khắc của bố tôi, buổi tối nào cũng bắt tôi ngồi học bài đọc to thành tiếng, cho tới buồn ngủ díp mắt, gật gà gật gù. Làm bố tôi chán, cốc cho một cái đau điếng rồi cho vào giường. Còn bố tôi ngồi lại, uống trà, hút thuốc lá, ngâm thơ. Rất hay. Những bài thơ Tản Đà: “Từ vào thu tới nay, gió thu hiu hắt, sương thu lạnh, trăng thu bạch, khói thu xây thành” hay “Nước non nặng một lời thề, Nước đi đi không về cùng non…”. Làm tôi tỉnh ngủ! Và thích văn thơ tới nay.
Tôi như con ếch ngồi đáy giếng trong khung cảnh yên bình của con phố Cửa Tả. Bác Cư nhà bên cạnh đồng nghiệp với bố tôi, rất dễ thương và chết vì bệnh sốt rét sau những chuyển đi làm việc ngắn hạn ở những vùng nước độc gần Vinh. Bác Bích cao lớn trắng trẻo lúc nào cũng tươi cười có người em trai đàn hát hay. Nhờ người này mà tôi lần đầu tiên được nghe bài hát còn nhớ tới bây giờ, nhưng không thấy ai hát nữa: “Theo gió thuyền xuôi, xóng đưa bèo trôi, tiếng đàn trầm trầm, man mác lòng ai…”, ngoài một bài hát buồn da diết thường nghe đâu đó mà lớn lên mới biết tên Hán Việt là “Hà nhật quân tái lai” (có nghĩa là Bao giờ anh trở lại). Trong cái tâm cảnh ếch ngồi đáy giếng này, những cuộc ném bom của Mỹ vào Vinh và những vùng lân cận có lần đạn nổ như bắp rang trên đầu và bom nổ rung đất làm nhà ga sập một nửa tuy có làm tôi sợ chút đỉnh nhưng vì thích nhìn những chiếc máy bay bóng loáng trên trời nên tôi cứ loay hoay trên mặt đất mỗi khi còi báo động thổi vang, không chịu xuống hầm trú ẩn đào trong sân sau nhà trừ phi bị mẹ tôi kéo xuống. Không được nhìn tận mắt những chiếc phi cơ hấp dẫn, nhưng có lần được mẹ tôi dắt đi xem hai phi công người Mỹ sống sót bị bắt khi phi cơ bị bắn hạ, để ngồi trên một khoảng đất rộng. Đám đông bàn nhau “da trắng chứ không phải da đỏ” vì nghĩ rằng dân Mỹ da đỏ. Cố chăm chú nhìn tôi cũng không thấy da đỏ mà chỉ thấy mấy người đó da trắng giống như Tây.
Có lần trên đường đi học về, tôi thấy một người quần áo dân quê gầy còm mắt hốc nằm chết trên vỉa hè. Về nhà kể chuyện thì mẹ tôi vội lấy mấy cây thanh hao làm chổi xuể ra đốt vía, xoay quanh người tôi, khói ra mùi thơm dễ chịu. Có buổi trưa khi ra cửa lại thấy có người đàn bà nhà quê nằm nghiêng chết ngay dưới chân tường cái cửa sổ nhà số 23 xát vách, chấy rận bò ra khỏi quần áo và đám tóc xõa trên mặt đất, đông như kiến. Đó là hình ảnh còn lại trong tôi về nạn đói tháng 3 năm Ất Dậu ở Vinh. Tất cả đã diễn ra âm thầm như thế.
Cho tới một buổi chiều ngoài đường có tiếng lao xao, tôi chạy ra cửa xem.
Thì thấy hai ba người đi xe đạp, tay cầm loa hô to nhắc đi nhắc lại lời kêu gọi “Xin kính mời đồng bào đến 3 giờ chiều chủ nhật tới sân vận động biểu tình giành độc lập”. Những tiếng “biểu tình” và “giành độc lập” là những tiếng lần đầu tiên tôi được nghe, mà không hiểu nghĩa. Sau đó là có mấy bà hàng xóm từ đâu đó tới nhà tôi phụ cho mẹ tôi may cờ đỏ sao vàng. Tôi không theo người lớn đến sân vận động nên không biết quang cảnh ra sao, nhưng tôi nghe kể lại rằng tại đó khung cảnh rất náo nhiệt, người ta hô khẩu hiệu vang dậy và tay nắm đấm vung lên trời. Ít lâu sau ngày biểu tình, tôi được xem vụ xử bắn đầu tiên và cũng là độc nhất trong đời, hai người gọi là Việt gian. Tên là Trần Văn Cống và Tống gia Liêm. Cuộc xử bắn này diễn ra trong bãi đất trống phía bên phải cuối đường cửa Tả, ngay trước cái hào bao quanh thành Nghệ An. Hai tội nhân mặc quần áo trắng được dẫn đến trói đứng vào hai cái cọc tre. Lưng quay về phía tường thành đá ong. Đối diện với một toán chừng năm bảy người cầm súng trường. Những người xem trong đó có tôi đứng sau đám cầm súng. Khi mọi sự sửa soạn sẵn sàng, người chỉ huy đội hành quyết bước ra trước đám đông, tuyên đọc bản án. Tôi còn nhớ đại khái rằng vì sự tố giác của Trần văn Cống và Tống gia Liêm mà cuộc khởi nghĩa chống Pháp của ông Đội Cung ở thành Vinh, Nghệ An thất bại. Ông Đội Cung và đồng bạn bị Pháp bắt giết. Sau khi bản án tuyên đọc, tiếng súng hành hình nổ. Nhìn về phía hai tử tội: máu đổ loang trước ngực, khụy xuống. Tiếng khóc từ gia đình vang lên thảm thiết. Đám người xem tản đi. Về đến nhà, mẹ tôi chặn lại đốt vía rồi mới cho vào. Sau đó tôi được thấy cái mộ ông Đội Cung làm bằng đá đen mài bóng thật đẹp ở ngay trước cửa Hữu thành Vinh. Mới đây khi tìm trên mạng internet, thành cổ Vinh đã biến mất. Chỉ còn lại mấy cái cửa Tả, cửa Hữu, cửa Tiền được tu sửa liệt vào hàng di tích lịch sử quý giá để lôi kéo du khách, đứng lạc lõng giữa một thành phố Vinh mở rộng xây dựng hoàn toàn mới. Nhìn vào hình cửa Hữu, tôi không thấy cái mả đá mài đen của ông Đội Cung nữa, tuy ông này đã được hệ thống thông tin tuyên truyền đảng và nhà nước ca ngợi hết lòng. Báo Hà nội mới và ban quản lý di tích tỉnh Nghệ An giải thích sự biến mất của cổ thành Vinh là do chiến tranh chống Mỹ và Pháp. Thực tế tôi ở Vinh cho tới năm 1947 không có đánh nhau gì với Pháp. Tiếp theo ở Hà nội cho tới 1954 thì tôi cũng biết rõ rằng Pháp chẳng có nỗ lực nào đánh chiếm Vinh. Còn cái mà gọi là cuộc chiến chống Mỹ cứu nước đã chỉ diễn ra ở miền Nam. Những cuộc oanh tạc nếu có chỉ xẩy ra ở vùng giáp giới hai miền như Quảng Bình Quảng Trị để ngăn chặn xâm nhập; và ở Hà nội để uy hiếp tạo áp lực vào đầu não bộ máy chiến tranh miền Bắc. Thành cổ Vinh biến mất chỉ vì như tôi đã chứng kiến, từ năm 1947 cán bộ và “nhân dân” đã từ từ đào lấy những tảng đá ong xây thành đi sử dụng theo ý riêng, nhiều phần là đem bán đổi lấy cơm gạo đổ vào bụng rỗng. Các cụ nói “ngồi ăn núi đổ” huống chi là cái thành Vinh, không lớn là bao nhiêu.
Trở lại với Vinh thời cách mạng tháng 8/1945, một hôm, dân phố lại được lệnh đi đón những người vệ quốc đoàn. Tôi cũng háo hấc ra phía nhà ga đứng chờ, tưởng tượng sẽ thấy một đoàn người hùng dũng như những lính khố xanh thường thấy đi đều từ trong Thành ra phố Cửa Tả. Nhưng thất vọng, vì chỉ là một đám người quần áo đủ loại, súng ống gươm giáo linh tinh, và có một người cưỡi ngựa.
Sự thay đổi cách mạng tháng 8 đem lại liên quan trực tiếp tới tôi là trong phố có tổ chức sinh hoạt cho nhi đồng với thiếu nhi, mỗi cuối tuần buổi tối đi họp. Bố tôi không thích gì, vì không muốn tôi lẫn lộn vào trong đám trẻ con khác mà bố tôi coi là thuộc những gia đình “không có nền nếp”. Nhưng bố tôi không cản được. Cá nhân tôi bản chất cũng không ưa sinh hoạt xô bồ đám đông kiểu Phật tử chùa Diệc hay Hướng đạo. Cho nên tôi không nhớ gì về những buổi họp hội này. Chỉ nhớ một lần có đứa lớn chừng 15, 16 tuổi từ đâu ngoài bắc vào khoe với tôi rằng nó rất thích hội họp vì có dịp bóp vú con gái. Thằng bé 9 tuổi là tôi nghe chỉ thấy vô duyên.
Cái ấn tượng để lại trong tôi sâu sắc là vào dịp tết sau cách mạng tháng tám tôi được coi văn nghệ sân khấu và nhạc cảnh đầu tiên trong đời với nhiều tiết mục múa hát. Tôi thích nhất là hoạt cảnh phá xiềng gông của những người tù chống Pháp. Trên sân khấu ánh sáng mờ tối với người tù ủ rũ, bỗng tiếng nhạc tiếng trống cùng tiếng chân rầm rập rối loạn nổi lên từ ngoài, rồi tiếng hát trầm hùng của người tù phá xiềng: “Sống tranh đấu mà không sờn lao khổ chết huy hoàng mà không khuất phục ai. Anh có nghe tiếng súng rền vang nổ. Chết mỉm cười mà tin chắc ở ngày mai”.
Cuộc sống ngoài đời thì đặc biệt là nổi lên phong trào “bài trừ giặc dốt” và “diệt mê tín”. Những lớp Bình Dân Học Vụ được tổ chức trong phố, dậy người không biết chữ, với những bài hát thúc giục thú vị: “Bình dân học vụ lập thành, Ta nên tới đó học hành cho thông” và những bài ca dậy chữ vui tai cho người lớn tuổi hay quên, như “O tròn như quả trứng gà, ô thời có mũ, ơ thời thêm râu” hay là “I tờ có móc cả hai, i ngắn có chấm tờ dài có ngang”… Trong trường, lúc đó đã đổi tên là Phạm Hồng Thái, tôi học lớp nhì. Được học một thầy giáo tên là Tôn Thất Hộ, dậy đủ loại bài hát mà tôi nghêu ngao suốt ngày. Như: Bao chiến sĩ anh hùng, Sơn La, Côn Đảo, Hải quân Việt Nam, Không quân Việt Nam vân vân. Những bài hát này đã ảnh hưởng mạnh vào sự phát triển con người tình cảm của tôi.
Rồi đến những cuộc tiễn chào thanh niên đi tầu hỏa từ Bắc tình nguyện vào Nam chống quân Anh Pháp tái chiếm Sàigòn lập nước Nam Kỳ tự trị. Tôi ở trong đám quần chúng đủ tuổi ra tận sân ga Vinh chào những người ra đi đó. Tôi được phát cho một lá cờ đỏ sao vàng bằng giấy để phất. Những đứa con gái thì trao những lá thư chúc tụng, hay tặng những cái khăn mùi xoa vuông chừng 20 cm viền chỉ đỏ, thêu hoa. Khung cảnh đó làm cho tôi thấy nao lên cảm khái về sự ra đi không trở lại, tuy cái chết đối với tôi không lạ, qua những trận ném bom Mỹ ở Vinh. Vì đã từng nghe hóng chuyện các bà bạn mẹ tôi kể những vụ bỏ bom làm nhà cháy, người chết, mà nhớ nhất là người đàn bà có thai nằm sấp chổng mông trong trận ném bom nhà máy Trường thi chỉ cách nhà tôi đường thẳng vài cây số, bị chết vì mảnh bom hớt mất cái mông. Và vì trong trận đó mẹ tôi cũng bụng to chửa đứa em gái, khi nghe còi báo động, vội vã kéo hai anh em tôi chạy ra khỏi nhà về phía thành Vinh. Tới xóm nhà quê có cây có cối men theo bờ hào thì các phi cơ vụt tới trên trời, mẹ tôi đẩy hai anh em tôi vào hàng rào quanh một căn nhà vườn ngoài bờ hào thành Vinh, trúng vào chỗ cái nồi hông chứa nước tiểu khai nồng, và chui theo, miệng niệm “Nam mô Quan Thế âm bồ tát cứu khổ cứu nạn, thân con bụng mang dạ chửa, con nhỏ chưa nên người…”. Trong lúc đó tôi chỉ ghê nước tiểu bẩn. Vì chưa biết sợ chết là bao nhiêu.
Sau những sôi động bề mặt này, cuộc sống trở thành khác hẳn với việc quân Anh Pháp trở lại chiếm Saigòn thành lập Nam Kỳ tự trị. Các khẩu hiệu như “độc lập hay là chết” và thúc giục “tiêu thổ kháng chiến” (bắt chước theo kiểu Nga) xuất hiện trên tường nhà và công sở.
Những nhà sát vách phải đục tường thông nhau để du kích có thể đi thông nhà nọ sang nhà kia. Có nhà còn bóc ngói, phá cửa để Tây đến không có chỗ ở. Những tảng đá ong xây thành Vinh cũng bị bóc đi dần. Đa số các hoạt động buôn bán ngưng trệ. Xe lửa chạy ít lâu rồi ngưng. Có lần một đầu máy xe lửa được đem ra làm bia bắn để thử sức công phá của súng bazooka không giật do quân ta chế. Tôi đứng sau người quỳ gối vác khẩu súng như cái ống bương dài nằm ngang trên vai, cách cái đầu máy chừng vài chục thước. Sau tiếng nổ tôi chạy theo mọi người lên cái đầu máy xem sức công phá. Chỗ trúng đạn lún vào chừng một bàn tay với vài vết thủng nhỏ.
Giữa năm 1947 gia đình tôi lếch thếch rời Vinh về quê, ở nhà ông bà nội. Mẹ tôi ốm người gầy chỉ còn bộ xương, sống thêm mười ngày rồi mất. Quan tài hạ huyệt trong nghĩa địa giữa cánh đồng chiêm chỗ gần ruộng, chạm đất xăm xắp nước. Tôi thấy nghẹn ở cổ, mà không khóc được. Cách mạng tháng tám thành công mọi sự ở làng thay đổi. Không còn những chức vụ cũ như tiên chỉ, lý trưởng, chưởng bạ, trương tuần, tuần phu...Có những chức vụ mới như xã ủy, tổng ủy, huyện ủy. Một người bác tên là P, họ xa không phải để tang, khi đi lính nguyên là cấp đội (tức là trung sĩ) nay được làm tổng ủy. Tôi được nghe bài vè dân làng tố bác làm cho có chửa một cô gái con người gắp cứt trong làng đi dự họp hội phụ nữ cứu quốc có bác tham dự. Ít lâu sau Tây về làng càn quét đốt nhà. Có những tiếng kêu van đâu đó “Lậy quan lớn ạ, con già rồi”, “Lậy quan lớn ạ, con có chồng rồi”. Bác P. tổng ủy chạy ra đồng trốn bị Tây bắn chết. Nhà ông bà nội tôi bị cháy. Bụi chuối trong vườn sau sát căn nhà ngang có buồng chuối sắp chín để dành đem bán cũng chết. Con lợn nái trong chuồng bị thui rụi chỉ còn chút ít mỡ đọng trong lớp bì và lông thành than, bà nội tôi chắt ra để sào với chuối cháy, tôi ăn thấy ngon kỳ lạ.
Không còn chỗ để ở, vì căn nhà chính năm gian gỗ lim mái ngói cháy rụi. Không còn gì để ăn vì số gạo trong chiếc hòm chân để trong căn nhà ngang vách đất mái tranh cháy tiêu và số thóc trong mấy cái chum chôn dấu dưới gầm giường để xay ăn dần cũng bị khét và đắng nghét. Ông nội, bố tôi và ba anh em tôi phải “dinh tê” về Hà nội sống với …Tây! Bà nội tôi ở lại vì còn phải lo cưới vợ cho ông chú út của tôi mỗi khi Tây đến thì trốn trong cái hầm bí mật đào dưới rặng tre bờ ao trước nhà. Trước khi bỏ làng, tôi đi bộ 4 chặng đê đến thăm bà ngoại, nhưng không dám nói cho bà biết rằng để từ biệt vì sợ bà khóc. Thì mới biết anh ruột mẹ tôi, gọi là bác Chánh vì vốn là chánh tổng, theo Việt nam Quốc dân đảng chống Pháp, và em ruột bà ngoại là chánh quản (tức là thượng sĩ) hồi hưu đã bị Việt minh kết tội là Việt gian rồi bắn chết. Con gái lớn của bác mà tôi rất qúy đã thoát ly gia đình theo Việt Minh tôi không gặp nữa. Bà sống với người em trai của chị, là anh Huy. Có lẽ vì nói ngọng cho nên anh đã không ra đi. Thấy tôi đến anh ra xem mấy cái nơm bên bờ ao nhử cá bằng bã cua ngâm cho thối. Bắt được một con cá rô to bề ngang bằng 3 ngón tay, đem về nấu canh cải ở vườn cho tôi ăn. Đó là lần ăn canh cá rô thuần túy miền Bắc cuối cùng trong đời tôi tính đến nay. Nhiều năm về sau, trong một trận Tây càn quét, anh bị bắn chết.
Tóm tắt thì cách mạng mùa thu tháng tám đã đem đến cho tôi từ 9 tuổi những ý niệm mới như độc lập, tự do, nô lệ, thực dân, tay sai, vọng ngoại vân vân. Những tâm cảm hào hùng như tranh đấu, hy sinh vì dân tộc…Nhưng cũng cho tôi thấy những tồi tệ và mâu thuẫn trong cuộc sống thực ngoài đời. Những mất mát của chính gia đình tôi và nhiều gia đình dân quê đơn giản lạc hậu khác. Những thực tế chua chát. Những ý tốt mà làm xấu hay làm sai hay làm không được hay là những tráo trở…? Tất cả đã khiến tôi lòng buồn rười rượi khi ngồi trên thuyền bỏ làng lúc qua phủ Lý Nhân vào đúng đêm rằm tám, có tiếng trống múa sư tử “thùng thình thùng thình”. Không muốn đi mà phải đi. Muốn ở mà ở không được.
**
Sau khi VC chiếm miền Nam năm 1975, tôi phải đi tập trung cải tạo. Vì đã tu nghiệp ở Mỹ, vì là bác sĩ trông nom săn sóc cho lính ngụy và gia đình lính ngụy để chúng yên lòng chống phá “cách mạng”. Ít lâu sau khi được thả khỏi trại tập trung cải tạo, tôi đã vượt biển mùa bão năm 1978, rời bỏ một chế độ dựng nên bởi những kẻ cuồng tín theo chủ nghĩa Mác Lê nhân danh những người dân thường, để trở thành một giai cấp đặc quyền đặc lợi. Tôi sống sót, nhưng mất đứa con trai hai tuổi rưỡi chết khát, 12 tiếng đồng hồ trước khi lên được đảo Pag Asa (có nghĩa là Hy vọng) Phi luật Tân chiếm giữ, trong quần đảo Trường Sa. Tôi được định cư tại Mỹ từ năm 1979 là nơi mà tôi đã quyết định không ở lại sau khi du học thành công. Để trở về làm việc ở miền Nam trong chiến tranh, mức sống không bằng 1/10 so với Mỹ.
Đã qua ngày 19 tháng 8, mà những người ở phe thua cuộc không muốn nói tới. Phe những người chiếm được cuộc cách mạng này cũng không để ý đến nó bao nhiêu. Có thể vì thời gian mòn mỏi. 75 năm rồi, đâu phải là ít. Con cái họ sinh sau đang mải mê một cuộc sống mà hai chữ cách mạng đã trở thành lạc lõng, khôi hài. Với tôi ngày nào cũng là ngày. Thời gian không cần tính. Nhưng tôi biết sắp tới rằm tháng 8, vì có bệnh nhân cho tôi quà, ngoài rau trái trồng ở nhà gồm bầu, mướp, khổ qua, còn có bánh trung thu.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
Ngày 28 tháng 8/2020