Chỉ còn khoảng 5 tuần nữa là đến ngày bầu cử Tổng Thống, và đất nước Hoa Kỳ thì đang ở trong tình trạng khó khăn với đủ vấn đề. Như dịch bệnh Covid-19 gây lây nhiễm cho trên 7,1 triệu người dân và làm thiệt mạng 204, 738 người tính đến ngày Chủ Nhật 27 tháng 9/2020, cuộc khủng hoảng kinh tế và thất nghiệp trên toàn quốc, những cuộc biểu tình về kỳ thị sắc tộc và những tranh cãi về việc thay thế chánh án Tối Cao Pháp Viện Ruth Bader Ginsburg, người vừa qua đời vào ngày 18 tháng 9, năm 2020.
Tổng thống Trump vào hôm thứ Tư 23 tháng 9 2020 lại đưa ra một phát biểu nhằm tạo nghi ngờ trong những người ủng hộ ông, rằng chiến thắng vào tháng Mười Một của ông sẽ bị đánh cắp bởi đảng Dân Chủ qua cuộc bỏ phiếu qua Bưu Điện. Bỏ phiếu bằng thư theo ông là gian lận và nguy hiểm, cho dù ông không có những bằng chứng đáng tin cậy rằng các phiếu bầu qua đường bưu điện dễ bị gian lận hơn là đi bầu trực tiếp. Trên tiền đề này, tổng thống Trump cho biết ông có thể sẽ không chuyển giao quyền lực một cách ôn hòa nếu bị thua trong cuộc bầu cử ngày 3 tháng Mười Một sắp tới. Lời tuyên bố này đã khiến cho các giới chức lãnh đạo Hoa Kỳ, cả Cộng Hòa lẫn Dân Chủ nhanh chóng phản ứng.
Các lãnh đạo đảng Cộng Hòa ngay lập tức cho biết những tuyên bố của tổng thống đã đặt họ vào những tình huống khó khăn trong khi họ đang phải đối đầu với những cuộc tranh cử tái nhiệm. Các lãnh đạo đảng Dân Chủ thì cho rằng nền dân chủ của đất nước Mỹ đang ở trong tình trạng bị đe dọa.
Nhằm làm nhẹ đi tác hại, một số thượng nghị sĩ Cộng Hòa đã gởi ra thông điệp rằng bất kể người trúng cử là ai, vị tổng thống kế tiếp của Hoa Kỳ sẽ tuyên thệ đúng vào ngày 20 tháng Giêng năm 2021 bắt đầu nhiệm kỳ 2021-2024, theo đúng luật lệ và Hiến Pháp trước sự chứng kiến của toàn thể công dân Hoa Kỳ.
Mitch McConnell (R-Ky.), Thượng Nghị Sĩ lãnh đạo khối đa số đảng Cộng Hòa, hôm 24 tháng 9, 2020 đã khẳng định rằng trong lễ ngày lễ nhiệm chức tổng thống “sự chuyển giao quyền lực sẽ diễn ra một cách trật tự như nó đã thường xẩy ra cứ mỗi bốn năm kể từ năm 1792.”
Chủ tịch Ủy ban Tư Pháp Thượng Viện, thượng nghị sĩ Cộng hòa (South Carolina) Lindsey Graham, người thân cận với tổng thống Trump, nói rằng ông sẽ chấp nhận phán quyết của Tối Cao Pháp Viện nếu kết quả của cuộc tổng tuyển cử Tổng Thống phải giải quyết ở đó.
Thượng nghị sĩ Mitt Romney, đảng Cộng Hòa tại Utah, trong khi đó phát biểu: “Bất cứ gợi ý nào rằng một tổng thống có thể không tôn trọng sự bảo đảm của Hiến Pháp thì điều đó vừa thiếu suy nghĩ vừa không thể chấp nhận.”
Còn thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng hòa Florida) thì viết trên tweet rằng “Như chúng ta đã thực hiện trên hai thế kỷ, chúng ta sẽ có một cuộc bầu cử công bằng và hợp pháp,” “Có thể mất nhiều thời gian hơn là thường lệ để biết được kết quả, nhưng nó sẽ là một kết quả có giá trị. Và vào buổi trưa ngày 20 tháng 01, năm 2021, chúng ta sẽ tuyên thệ một cách thanh bình vị Tổng Thống mới.”
Phía đối lập, dân biểu Al Green (D-Texas), người đã thúc đẩy đến cuộc xét xử bãi nhiệm tổng thống Trump năm 2017 thì cho biết rằng ông rất quan tâm đến “tình trạng bất ổn có thể vượt khỏi tầm kiểm soát ở đất nước này,” đến từ những động thái của tổng thống Trump. Bình luận gia của tờ New York Times, Thomas Friedman khi trả lời Anderson Cooper xướng ngôn viên đài CNN’s vào ngày thứ Năm 24 tháng 9, đã mô tả phát biểu của Tổng thống Trump gần đây như là "một đám cháy báo động cấp sáu". (Đám cháy cấp sáu báo động nghĩa là cần đến 120 nhân viên cứu hỏa, 6 nhân viên chỉ huy). Một bài xã luận của Wall Street Journal vào hôm thứ Sáu đã gọi ý tưởng tổng thống Trump tiếp tục nắm quyền trong những trường hợp như vậy là “phi lý”.
Thái độ từ khước cam kết chuyển giao quyền lực một cách êm thắm của ông Trump đã dẫn đến những lo ngại rằng ông sẽ nhân danh tổng tư lệnh quân đội để xử dụng quân lực trong việc giữ chặt ghế tổng thống. Nhưng phát ngôn viên bộ quốc phòng đại tá Brook DeWalt đã tuyên bố với đài CNN hôm 24 Tháng Chín rằng: “Bộ Quốc Phòng không đóng vai trò nào trong việc chuyển giao quyền lực sau cuộc bầu cử.” Ngoài ra theo CNN trong một lá thư gởi đến Quốc Hội, Tướng Mark Milley, tổng tham mưu trưởng Liên Quân, đã nêu rõ quan điểm rằng quân đội sẽ không đóng một vai trò nào trong giải quyết tranh chấp bầu cử. Đó là trách nhiệm của Tòa Án Liên Bang và Quốc Hội Hoa Kỳ.
Với những sự kiện trên người ta có thể thấy rằng cơ chế quyền lực Hoa kỳ rất vững vàng, tuy không phải là tuyệt hảo. Người đứng đầu hành pháp dù quyền lực là số một, nhưng vẫn không thể tùy tiện lạm dụng quá đáng cho tham vọng cá nhân. Được như thế cũng là vì người dân nói chung ý thức được những dân quyền căn bản ghi rõ trong hiến pháp để mà hành xử thích hợp trong hoàn cảnh bình thường cũng như bất thường. Tính độc tài của một tổng thống nếu có ở một chừng mực nào đó thì cũng chỉ kéo dài 4 năm. Một vị tổng thống tại Hoa Kỳ để được tại chức hai nhiệm kỳ, cần phải chứng minh được khả năng giải quyết những mâu thuẫn của một xã hội hiệp chủng đa dạng đa diện sinh động, với những nhu cầu quyền lợi khác nhau, và bảo vệ được tư thế siêu cường mà Hoa kỳ đã đạt tới trên thế giới kinh tế toàn cầu ngày nay. Tổng thống Bush cha, một nhà chính trị kỳ cựu lão luyện với những thành tích to lớn, nhưng đã chỉ là tổng thống một nhiệm kỳ, vì thua Bill Clinton năm 1991 là một thí dụ đáng suy ngẫm.
Tuệ Vân
Ngày 28 tháng 9 năm 2020.