Nói chuyện với các phóng viên tại Câu lạc bộ đánh Goft Bedminster của ông tại New Jersey vào hôm thứ Bảy, tổng thống Trump đã bầy tỏ sự ủng hộ đối với Tổng giám đốc Bưu điện Louis DeJoy. Ông DeJoy một nhà tài trợ hàng đầu của Đảng Cộng hòa, đã được tổng thống Trump bổ nhiệm vào vai trò Tổng giám đốc Bưu điện Hoa Kỳ vào tháng Năm 2020 vừa qua. Ông DeJoy hiện đang bị chỉ trích bởi thành viên của cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ tại Quốc Hội về những thay đổi của ông tại Sở Bưu chính Hoa Kỳ (USPS,) được cho là nguyên nhân đưa đến sự chậm trễ trong hoạt động chuyển giao thư tín đến người dân trước ngày bầu cử tổng thống. Cụ thể ông DeJoy đã cho ngưng hoạt động bốn máy phân loại thư tốc độ nhanh tại Kansas City, Missouri, hai máy tại Springfield, Missouri, và một máy tại Wichita, Kansas. Ông DeJoy ngoài ra đã cho thôi việc hai trong số các viên chức hàng đầu phụ trách việc điều hành các hoạt động hàng ngày tại Bưu Điện, điều động hoặc thuyên chuyển 23 giám đốc bưu điện và 5 nhân viên tham gia lãnh đạo cơ quan từ các vị trí khác. Trên trang web của USPS, ông DeJoy cho biết, "Sự thay đổi trong tổ chức USPS sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động bằng cách cung cấp sự rõ ràng và tính kinh tế theo quy mô cho phép chúng tôi giảm cơ sở chi phí và thêm được doanh thu mới."
Được biết trong nhiều năm qua USPS đã phải đối mặt với những thách thức tài chính. Các động thái gần đây của ông DeJoy nhằm giảm thời gian làm thêm và điều chỉnh chính sách giao hàng theo lập luận là để cắt giảm đi chi phí. Bưu điện cũng đang trong quá trình loại bỏ hơn 670 máy phân loại thư tốc độ cao trên toàn quốc, theo tờ Washington Post.
Trong một lá thư gửi cho Tổng giám đốc Bưu điện Louis DeJoy, Thượng nghị sĩ Susan Collins (R-Maine) đã viết rằng mặc dù bà ủng hộ việc đưa Bưu điện trở lại con đường ổn định về tài chính, nhưng điều này không thể được thực hiện với chi phí của người Mỹ. Bà ấy viết "Tôi đã nói chuyện với các nhân viên bưu điện và những cử tri của tôi ở Maine, đã điện thoại cho tôi bày tỏ lo ngại về sự chậm trễ trong việc gửi những thư cực kỳ cần thiết bao gồm cả các đơn kê thuốc."
Yêu cầu của thương nghị sĩ Collins được đưa ra khi Sở Bưu chính đang vướng vào một cuộc chiến chính trị giữa đại dịch coronavirus. Các đảng viên Dân chủ lo lắng rằng DeJoy, một nhà tài trợ và người được bổ nhiệm bởi Trump, đang cố gắng cắt giảm việc gửi các lá phiếu qua thư trong cuộc bầu cử vào tháng 11. Lá thư của thượng nghị sĩ bang Maine cũng được đưa ra sau những phát biểu của Tổng thống Trump vào hôm thứ Năm trong một cuộc phỏng vấn với Maria Bartiromo của Fox Business rằng ông phản đối một ngân sách tài trợ 25 tỷ đô la cho Sở Bưu Diện bởi vì theo ông đảng Dân Chủ lợi dụng việc này để họ có thể lấy đi hàng triệu lá phiếu bầu gởi qua ngã Bưu Diện. Và nếu không có ngân sách tài trợ này, theo tổng thống Trump, thì Sở Bưu Điện sẽ không thể thực hiện việc chuyển các lá phiếu bầu qua thư vì họ không được trang bị đầy đủ máy móc để thực hiện việc này.
Trước những câu hỏi của các phóng viên vào ngày thứ Bẩy 15 tháng 8/ 2020, tổng thống Trump tuy nhiên đã chối bỏ việc chính phủ của ông đang có kế hoạch làm chậm trễ những hoạt động đưa thư của Bưu Điện Hoa Kỳ trước cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11/ 2020 sắp tới. Thay vào đó, ông đã cho rằng phía đảng Dân Chủ là bên đã gây ra tình trạng không cung cấp đủ ngân sách cho Sở Bưu Điện hoạt động hữu hiệu. Theo tổng thống Trump, Bưu điện sẽ cần thêm kinh phí để xử lý việc tăng dung lượng của các lá phiếu gửi qua thư trước cuộc bầu cử, nhưng đảng Dân chủ đã không nhượng bộ đảng Cộng Hòa trong các cuộc đàm phán về gói cứu trợ coronavirus tiếp theo vì Đảng Dân chủ muốn một phần của gói cứu trợ sẽ cấp 25 tỷ USD cho các chính quyền tiểu bang và địa phương bên cạnh khoản hỗ trợ bổ sung 3,5 tỷ USD, được sử dụng cho các nguồn lực bầu cử trong bối cảnh đại dịch coronavirus. Cho đến nay thì nhiều tiểu bang đã chuyển sang hình thức bỏ phiếu bầu cử qua thư, cho phép các cá nhân bỏ phiếu mà không cần phải đến phòng phiếu.
Báo Washington Post hôm thứ Sáu đưa tin rằng một quan chức hàng đầu của USPS đã gửi thư tới 46 tiểu bang và Washington, DC, cảnh báo rằng họ không thể đảm bảo rằng tất cả các lá phiếu được bỏ qua thư cho cuộc bầu cử sắp tới sẽ đến đúng thời gian để được kiểm đếm ngay cả khi họ tuân theo hướng dẫn của tiểu bang. Vào hôm thứ Bảy Tổng thống Trump một lần nữa đã lập lại sự phản đối việc bỏ phiếu bằng thư, cho rằng thực hiện việc này trong đại dịch coronavirus sẽ dẫn đến một sự gian lận với tầm vóc rộng lớn. Điều mà các chuyên gia cho là vô căn cứ. Ông tuyên bố việc bỏ phiếu bằng thư trên diện rộng sẽ là "thảm họa" với kết quả thực sự của cuộc bầu cử sẽ không thể được biết "trong nhiều tháng hoặc nhiều năm" sau cuộc bầu cử tháng 11. Việc tấn công của tổng thống Trump vào cuộc bỏ phiếu bằng thư theo các nhà phê bình là một nỗ lực nhằm gây nghi ngờ về kết quả của cuộc bầu cử trước cuộc bỏ phiếu vào tháng 11.
Gần 200 thành viên Đảng Dân chủ Hạ viện bao gồm Chủ tịch Nancy Pelosi (D-Calif.) đã kêu gọi ông DeJoy đảo ngược những thay đổi gần đây tại Dịch vụ Bưu điện, bao gồm quyết định giảm ưu tiên cho việc chuyển giao các lá phiếu gởi theo thư qua đường bưu diện. Ủy ban Giám sát Hạ viện đã gởi thơ yêu cầu Tổng giám đốc Bưu điện Louis DeJoy ra điều trần tại một phiên điều trần "khẩn cấp" vào cuối tháng Tám này để trả lời liệu các biện pháp cắt giảm chi phí có khiến Bưu điện Hoa Kỳ không đủ trang bị để đáp ứng trước việc gia tăng lượng thư bỏ phiếu qua Bưu Điện hay không.
Là một viên chức mới được bổ nhiệm bởi tổng thống Trump, những việc ông DeJoy thực hiện trong mấy tháng qua hiển nhiên là để làm hài lòng tổng thống. Việc này có thể hiểu được vì nếu không thì ghế ngồi của ông DeJoy chắc là cũng sẽ sớm bị lung lay. Là một con người sốc nổi, bốc đồng, thích làm theo ý của mình và không chịu thua trước áp lực của dư luận, tổng thống Trump tuy nhiên trước những chỉ trích ngày càng gia tăng trong các giới chức lãnh đạo Hoa Kỳ, bên cạnh là chỉ số tín nhiệm của người dân đối với ông trong suốt mấy tháng qua trong các cuộc thăm dò đã bị cho thấy thấp hơn đối thủ Dân Chủ Joe Biden hai con số, phản ứng và cách đối phó của Tổng thống trong những ngày tháng tới sẽ như thế nào? Liệu ông có thể sẽ ở lại thêm một nhiệm kỳ nữa hay không? Câu trả lời có lẽ sẽ phải dựa trên cách hành xử của tổng thống trong những tháng cuối tại chức, cộng thêm vận may và khả năng lôi kéo thành phần cử tri cực hữu, những người đã đưa ông vào vai trò tổng thống 4 năm về trước.