(Trích trong Đặc Tập 40 Năm Văn Học VN Tại Nhật)
Chuyến bay chở mình khá vắng khách (mình nhớ là đã dùng luôn dãy 5 ghế ở giữa để nằm suốt chuyết bay) đáp xuống sân bay Narita-Tokyo 7h35 sáng ngày 8 tháng 4 năm 2003, chính thức đưa cuộc đời mình bước sang một trang sử mới. Có lẽ khác với quý Anh chị Cô chú đến Nhật thời những năm 70-80, và cũng khác với các bạn đến Nhật thời sau năm 2010, mình đến Nhật trong thời kỳ khá bình lặng, khi mà người đến trước thì đã phần nào yên bề gia thất và an cư lạc nghiệp, còn làn sóng “giấc mơ Nhật” thì chưa lan rộng.
Nguyên nhân mình đến Nhật cũng rất tình cờ và có chút “vô trách nhiệm”. Mình đến Nhật chỉ vì ước nguyện “lang thang theo Chúa”, vì cảm nhận và muốn sống Ơn gọi được trao ban. Bởi vậy, trước và trong lúc quyết định chọn lựa đến Nhật và ngay chính giây phút này – sau 16 năm trôi qua thì cảm giác “thích Nhật” cũng vẫn chưa xuất hiện nơi mình. Cho dù vẫn chưa có cảm giác thích Nhật đi chăng nữa, nhưng có thể nói chính việc chọn lựa đến Nhật đã cho mình gặp được “một nửa yêu thương”, phần rất quan trọng cho cuộc đời mình. Và chính từ trong “nửa yêu thương” đó mình đã được trao cơ hội chia sẻ những dòng này.
Người ta thường bảo “văn mình vợ người”, nhưng văn của mình thì có thể gọi là tệ nhất, tệ đến nỗi bản thân mình chưa bao giờ đủ can đảm để đọc lại bài viết của bản thân. Bởi vậy khi mình nhận được lời mời gọi viết bài thì lo sợ xuất hiện đầu tiên đó chính là “chỉ sợ đưa vào làm hoen ố tác phẩm thôi”. “Dạ thưa Cha ơi, đừng lo”.
Cảm ơn sự quảng đại của người biên tập và anh chị em. Với 40 tuổi đời và 16 năm xa quê hương, được gặp, được nhìn, được biết, được đối diện bao cảnh đời bao biến cố, có lẽ cùng như anh chi em bản thân mình cũng có nhiều điều thao thức trăn trở và mong muốn được chia sẻ. Và giờ đây, như một cách thức giới thiệu và làm quen, cho mình được chia sẻ một chút mối lương duyên của mình với Nhật bản, bởi chính nhờ nó mà bản thân mình có được mối lương duyên với anh chị em người Việt ở Nhật, cũng như với chính bạn. Tạ ơn Chúa, cảm ơn anh chị em trong ban biên tập đề án “40 năm văn học Việt tại Nhật”, và cách riêng cảm ơn bạn – người đang đọc những dòng chia sẻ này.
Ngu gì mà qua Nhật!
…
- Nghe bảo Hoài có ý định đi tu làm linh mục
- Dạ, do thấy vùng ở quê con còn thiếu linh mục nên cũng suy nghĩ và cầu nguyện; nếu Chúa muốn, xin hãy dùng con.
- Ồh, mà ở Nhật cũng còn thiếu linh mục, hay Hoài qua Nhật cùng làm việc đi.
- Dạ, con cảm ơn Cha. Nhưng chắc là con không có hướng đó đâu.
- Ừh, cũng chẳng phải vội. Nếu sau này có ý muốn qua Nhật tu thì liên lạc cùng mình nhé. Đây là địa chỉ email và cách liên lạc.
- Dạ, con cảm ơn Cha, nhất là đã cho con cơ hội gặp gỡ hôm nay.
Nói xong mình chào ngài và ra về với suy nghĩ trong đầu rằng; ngu gì mà qua Nhật!
…
Đó là một ngày cuối hè năm 2001 trong một quán cà-phê nhỏ ở Q. Tân Bình-Sàigòn, mình có cơ hội được gặp một linh mục gốc Việt đang sống và mục vụ ở Nhật nhân dịp ngài về thăm Việt Nam. Lúc đó mình vừa tốt nghiệp đại học ở Huế, và kỳ thi vào Chủng viện đã diễn ra trước lễ tốt nghiệp hơn 1 tháng. Đồng nghĩa rằng, để tham gia kỳ thi tới, mình có gần 2 năm chờ đợi. Trong thời gian đó, thay vì kiếm việc gì đó làm hoặc cũng có thể ở nhà làm mộc (mình đã có 3 năm phụ làm mộc lúc còn học THPT), gia đình muốn mình đi đâu đó học thêm để chuẩn bị tốt hơn cho kỳ thi vào Chủng viện, và mình đã chọn vào Sài gòn.
Ngày tháng cứ trôi và vị linh mục kia cũng đã quay lại Nhật, nhưng lời mời gọi “Hoài qua Nhật làm việc đi” không thoát khỏi trong suy nghĩ của mình. Một người chưa từng quen biết, và với chỉ sau hơn 1 tiếng ngồi uống cà-phê cùng nhau nói những chuyện gì đâu, sao lại có thể tin tưởng mình đến nỗi đưa ra lời mời gọi như vậy?
Cũng xin nói thêm, mặc dù chẳng học hành ra trò trống gì, nhưng là một đứa chuyên Toán nên quả thật khó để có thể ăn ngủ khi mà một vấn đề chưa thể tìm ra lời giải đáp. Sau hơn 2 tháng nhìn trời ngắm sao và tự hỏi về lời mời gọi đó, bản thân mình vẫn không thể tìm ra câu trả lời.
Chẳng lẽ đây là Thánh ý Chúa! Đem vấn đề của bản thân trình bày với người anh họ, là một linh mục đang du học ở nước ngoài, và nhận được ngay câu trả lời: “Với tính cách và con người của Hoài thì không thể sống ở nước ngoài đâu”. Cũng phải, nhớ lại lúc còn học Đại học, trường xa quê 200km, trong khi bạn bè chỉ thường về quê dịp hè và Tết thì bản thân mình hầu như mỗi tháng đều đón xe về quê, dù nhiều khi chỉ về một đêm rồi quay lại.
Quả thực tình cảm gia đình, bạn bè đối với mình quá lớn, nên cũng chẳng ngạc nhiên về câu trả lời của người anh linh mục. Hỏi suy nghĩ của cha mẹ thế nào, thì được trả lời: “nay con lớn rồi, bản thân con hãy tự quyết định lấy”. Và cuối cùng như một canh bạc, mình đặt cược vào cảm tính và liều chọn đến Nhật. Ngày 31 tháng 12 năm 2001, mình bước vào Cộng đoàn Saomai, nơi chung sống của các anh em đang cùng chí hướng để chuẩn bị đi Nhật.
Cưới người chưa biết tên
- Hoài đến Nhật thì muốn được tu Triều hay tu Dòng?
- Dạ, thú thực cho tới lúc này con chưa bao giờ có ý tưởng đi tu Dòng. Nhưng với tính cách của con, con nghĩ tu Dòng sẽ tốt hơn.
- Ừh, ở đây có một số Hội dòng (vừa nói vị Linh mục vừa đưa ra một danh sách), Hoài xem rồi chọn nhé.
- Dạ, (nói mà không để danh sách) nhiều khi con cũng muốn một mình, cũng muốn đi Dòng chiêm niệm, nhưng có lẽ con hợp Dòng hoạt động hơn.
- Ồh, vậy Dòng này cũng là dòng hoạt động này (vừa nói vị Linh mục vừa chỉ vào tên Hội dòng).
- Dạ, vậy Cha cho con theo Dòng đó nhé.
- Ừh, vậy vào Dòng này nhé.
- Dạ, con cảm ơn Cha. Mà Cha ơi, cho con hỏi Dòng đó tên gì vậy?
- Dòng Phan-xi-cô Viện tu!
- Là dòng nào vậy thưa Cha?
- Là một trong 3 Hội dòng Phan-xi-cô, do Thánh Phan-xi-cô Assisi thành lập. Và mình cũng thuộc Dòng này đó.
- Ồh, vậy có gì con nhờ Cha nhé.
Vâng, và từ đó mình biết thêm rằng Dòng Phan-xi-cô không chỉ là Dòng các Cha mang áo nâu, có trụ sở ở Đa-kao. Và cũng từ đó, mình thuộc về một nơi mà trước đó ngay cả tên gọi và sự tồn tại của nói mình cũng chưa hề biết, đó là Hội dòng Phan-xi-cô Viện tu.
…
Sau hơn một năm chuẩn bị, mình cùng 3 anh đi chung Hội dòng và một chị đến Nhật trong tiết trời đầu xuân. Đón chào anh em là những dãy hoa anh đào nở rộ trong suốt quãng đàng từ sân bay về cộng đoàn.
Cha ơi, con không muốn làm Linh mục.
Sau một năm theo học tiếng Nhật và hai năm ở trường Đại học là một năm chương trình Nhà tập ở Nagasaki. Xong nhà tập mình quay về lại Tokyo và tiếp tục chương trình đại học, nhưng vì tiếp tục đón nhận chương trình đào tạo linh mục, mình chỉ muốn trở thành một Tu huynh – Tu sĩ nhưng không phải là Linh mục. Có lẽ do nhận thấy bản thân có khiếu ăn chơi mà thiếu khiếu nói, và hơn nữa thực sự bản thân rất thích làm những việc cắt cây nhổ cỏ, chơi với thiên nhiên hơn là việc “giảng dạy”.
- Cha ơi, con không theo Ơn gọi linh mục mà chỉ là Tu huynh chắc tốt hơn.
- Ừh, cũng chẳng sao. Nhưng đó là ý Chúa hay ý con?
- Dạ, Ý Chúa thì con không rõ, nhưng ý con thì chắc chắn.
- Vậy nếu ý Chúa khác thì sao, hãy cầu nguyện và hỏi Chúa thử nhé.
…
Một thời gian sau …
- Cha ơi, thực sự con vẫn chưa rõ Ý Chúa thế nào, nhưng con thì vẫn thích chỉ là Tu huynh hơn. Nhưng trong thâm tâm thì vẫn muốn chọn theo Thánh ý Chúa.
- Con thấy việc học thế nào?
- Dạ, cũng bình thường. Mà con nghĩ là khá hơn con tưởng.
- Các giáo dân con gặp, họ muốn con thế nào?
- Dạ, hầu hết họ mong con trở thành linh mục. Mà con nghĩ cũng phải thôi, Ơn gọi ở Nhật không nhiều nên họ muốn vậy cũng chẳng có gì lạ.
- Biết đâu việc học hành thuận lợi, rồi mong muốn của mọi người, … những thứ đó đang phản ảnh Thánh ý Chúa.
- Dạ, cũng có thể. Nhưng thực sự con sợ “giảng dạy”, con không có khiếu ăn nói.
- Ừh, thôi thì thời gian vẫn còn dài, cứ tiếp tục học xong rồi không làm linh mục cũng chẳng sao. Hay là Phó tế cũng được, Thánh Phan-xi-cô cũng là phó tế đó.
- Dạ, …
Theo sự khuyến khích và hướng dẫn của Cha phụ trách mình đã được truyền chức Phó tế. Và trong thời gian thi hành thừa tác vụ phó tế cho mình nhận ra rằng; có rất nhiều ơn ích mà chỉ có thể trao ban qua thiên chức Linh mục. Bởi vậy, dù với nhiều yếu đuối và thiếu sót, nhưng để có thể phục vụ một cách hữu ích và trọn vẹn hơn mình lại mong muốn và chọn lựa con đường đón nhận thiên chức linh mục.
Khó khăn không là khó khăn
Trong đời sống Ơn gọi dâng hiến, cách riêng trong đời sống truyền giáo ở nước ngoài, điều gì là khó khăn nhất đối với bạn? Đó là câu hỏi mà mình nhận được trong 10 câu hỏi dành cho Tân linh mục. Và cũng nhờ câu hỏi đó đã cho mình cơ hội nhìn lại sau hơn 9 năm sống Ơn gọi ở Nhật. Như mình đã chia sẻ ở trên, mình qua Nhật chỉ vì cảm thấy đó chính là lời mời gọi, là thánh ý Chúa dành cho mình. Bởi vậy, khi quyết định chọn đi Nhât mình đã tự hứa với Chúa rằng; Lạy Chúa, con phó thác 99% cho Chúa và 1% còn lại con nguyện cộng tác với Ngài. Và khi có dịp nhìn lại thì những buồn đau chán nản, những thất vọng nhụt chí, … tất cả những “cản trở” trong Ơn gọi của mình đều có nguyên do từ chính 1% mà mình đã giữ lại cho bản thân. Bản chất của Ơn gọi trước hết là lời mời, tiếp theo đó mới là sự đáp trả.
Chúng ta được mời gọi “theo Chúa”, nhưng nhiều lúc ta lại muốn Chúa phải “theo ta”. Vâng, điều không thuộc về bản thân ta thì ta không thể nói khó hay dễ. Ngược lại, nếu chúng ta cảm thấy có chút băn khoăn thì chúng ta cần phải hỏi “Người đã mời gọi”. Tóm lại, điều khó khăn nhất trong đời sống Ơn gọi đó chính là suy nghĩ thật khó khăn để sống Ơn gọi. Vâng, Ơn gọi trước hết và luôn luôn là Quà tặng và là Ân sủng của Chúa, nên ta chỉ cần đón nhận và vâng theo. Nó chỉ khó khăn khi ta tự nghĩ nó là của chính mình, bắt Chúa phải nghe theo suy nghĩ của bản thân ta. Nhưng là con người, nên thực tế là người được mời gọi vẫn có những khó khăn vui buồn xuất hiện.
Nỗi buồn không được làm
Ai bảo chăn trâu là khổ, không có trâu để chăn càng khổ hơn nhiều. Lời nói vui của ai đó thật đúng trong đời linh mục của mình. Sau khi chịu chức linh mục, mình được nhà dòng phân công nhiệm vụ phụ trách Hoạt động mục vụ Ơn gọi và phụ giúp trong công việc Đào tạo của tỉnh dòng. Do vẫn ở lại Chủng viện nhà dòng nên những ngày Chúa nhật có thể nói là được tự do nhất, vì các thầy đi giúp xứ cả ngày. Nhưng cũng do Chúa nhật các thầy đi giúp xứ nên ở cộng đoàn không có Thánh lễ.
Tất nhiên là cũng có thể dâng lễ một mình, nhưng linh mục là cho giáo dân và với giáo dân, nên mình vẫn không muốn dâng lễ một mình. Thực ra thì Chúa nhật mình thường có cơ hội đến cùng dâng lễ ở các cộng đoàn Việt nam hay một giáo xứ Nhật nào đó. Nhưng vẫn có những ngày Chúa nhật bị hoàn toàn tự do, và đó cũng chính là những ngày giờ đau buồn nhất đối với mình. Vâng, cảm giác người chăn chiên nhưng không có chiên để chăn. Đúng là “cảm giác tê tái của kẻ thất tình và cảm giác tồi tệ của người thất nghiệp”. Bản thân có thể làm, việc làm đó chắc chắn mang lại lợi ích cho người khác, nhiều người đang mong chờ mình làm việc đó, … nhưng bản thân lại không được trao cơ hội để thực hiện. Mình nghĩ chắc không còn nào nỗi buồn lớn hơn.
“Con nên chọn Chúa chứ không phải chọn công việc của Ngài”. Câu nói của Đấng đáng kính, Đhy Nguyễn Văn Thuận thực sự đã đưa đến cho mình một tia hy vọng. Hình như nhiều khi ta quá tham lam và chú trọng đến những “việc của Chúa” mà quên không để ý đến việc sống cùng Chúa, theo Ơn gọi dành riêng cho bản thân. Chúng ta vẫn quá chú trọng đến việc làm mà quên mất niềm vui được sống. Chúng ta quên rằng, điều làm cho ta hạnh phúc thực sự không phải là công việc, nhưng chính là Ơn gọi được theo Chúa. Khi Chúa không muốn ta làm một việc gì đó - dù chắc chắn đó là việc tốt, không phải vì Ngài không muốn ta cảm nhận niềm vui làm được và trao ban, ngược lại Ngài đang hướng chúng ta đến một mục tiêu, một công việc lớn hơn.
Niềm vui gặp gỡ và trao ban
Do nhận thấy bản thân mình “thiếu sức sống”, Cha Giám tỉnh khuyên mình mỗi tuần nên lấy một ngày nghỉ và phải đi khỏi nhà. Đang héo úa vì “không được làm điều tốt”, giờ lại bảo phải lấy ngày nghỉ và đi khỏi nhà! Lúc đó mình cũng trương cổ lên cãi lại; Cha không thấy ngày nào con cũng như là ngày nghỉ đó sao? …
Nhưng vì vâng lời nên mình đã lấy ngày nghỉ. Đang tính ngày nghỉ đi đâu, thì chợt nhớ lại những niềm vui khi cử hành Bí tích, một trong số đó là Bí tích Hòa giải. Mình đã liên lạc ngay với Cha quản xứ mình giúp khi còn là Phó tế, và xin ngài cho mình được đến và ngồi ở tòa Giải tội trong ngày nghỉ của mình. Tạ ơn Chúa, ngài đã sẵn sàng chấp nhận. Thực ra ở Nhật giáo dân thường có thói quen đón nhận Bí tích Hòa giải vào dịp Mùa Vọng và Mùa Chay, còn những dịp khác thì không nhiều. Việc có Linh mục ngồi tòa Giải tội ngày thường thì chắc chỉ có Nhà thờ Yotsuya-Tokyo vào chiều tối mỗi ngày, còn những nhà thờ khác ở Nhật thì hầu như không.
Trong suốt khoảng 2 năm, thời gian ngày nghỉ của mình là ở nơi tòa Giải tội, sáng từ 10h00 ~12h00 và chiều từ 13h00 ~ 17h00, và thời gian ngày nghỉ của mình trở thành những giờ phút gặp gỡ và trao nhận. Mỗi ngày 6 tiếng, lúc nhiều thì cũng khoảng trên duới hai mươi người, cũng có những ngày hầu như không có ai. Quả thực cuộc đời có những niềm vui và đắng cay mà chỉ có người trong cuộc mới có thể hiểu được. Niềm vui của Bí tích Hòa giải là một trong số đó. Là người Công Giáo, có lẽ không ai là đã không một lần cảm nhận được sự Bình an và thanh thản có được do việc đón nhận Bí tích Hòa.
Và với cương vị Linh mục, niềm vui đó có thể nói còn lớn hơn. Niềm vui vì cảm nhận được sự yếu đuối tội lỗi của bản thân nhưng Chúa đã quảng đại mời gọi, niềm vui vì được trở thành khí cụ trao bao Bình an và Niềm vui đến anh em mình. Niềm vui khi được chào đón sự trở về của những người anh em sau nhiều tháng, nhiều năm. Nơi tòa Giải tội, mình đã không ít lần được cùng khóc với những hối nhân, khóc vì vui mừng, vì sung sướng và hạnh phúc vì được Thứ tha, được nhận ra và sống trong Tình yêu thương của Thiên Chúa.
Nhưng cũng có những ngày không được đón nhận một hối nhân nào. Và có thể nói đây chính là niềm vui, là sự gặp gỡ lớn nhất của mình qua việc ngồi tòa Giải tội. Tất nhiên là không phải vui vì không ai đến nên khỏe, chẳng cần phải nghe và cũng chẳng cần suy nghĩ để nói gì. Nhưng Niềm vui, chính là do đã phần nào cảm nhận được sự Yêu thương sâu thẳm và sự mỏi mòn chờ đợi của Thiên Chúa đối với loài người chúng ta. Gặp gỡ một Thiên Chúa vì yêu thương nên không nỡ lấy lại Tự do mà Ngài đã trao ban cho chúng ta, một Thiên Chúa luôn trung thành và tôn trọng chúng ta trong mọi giây phút và mọi hoàn cảnh, và chính vì thế Ngài chỉ biết Chờ đợi.
Chờ đợi sự trở về của chúng ta, nhất là những người tội lỗi, những người bị bầm nát vì những vết thương do sự yếu đuối của bản thân gây ra. Ngài thấy chúng ta đang đau khổ, và tim Ngài đau nhói khi chứng kiến hoàn cảnh đó. Sự đau khổ của Ngài càng lớn hơn khi bản thân Ngài hết mực yêu thương ta và thực sự thì Ngài đang có trong tay linh dược để chửa lành những vết thương đó. Ngài ước gì Ngài có thể từ bỏ sự Tín trung và Tôn trọng đối với chúng ta để chạy đến và chửa lành, nhưng vì Yêu thương Ngài đã không thể, và chỉ biết Chờ đợi.
Được sống và sống dồi dào
Trong lúc mình đang thất vọng và chán chường vi phải sống trong cảnh “không có chiên để chăm sóc”, không có giáo dân để dâng lễ thì Chúa lại chuẩn bị cho mình “một đoàn chiến mới”, một đoàn chiên vượt quá sự mong đợi của bản thân.
Như mọi người đã biết, từ năm 2010 sau khi chương trình Tu nghiệp sinh và luật nhập cư của Nhật thay đổi, số lượng các bạn trẻ từ Việt Nam đến Nhật ngày một đông, tất nhiên trong số đó có nhiều bạn là người Công Giáo. Nhờ sự phát triển của mạng xã hội nói chung, và cách riêng là Facebook mà việc liên kết với nhau trở nên dễ dàng. Quả là sự nhiệm mầu của Thiên Chúa, các bạn cần mình và mình cần các bạn, mình đến trước là để đón tiếp và phục vụ các bạn, các bạn được gửi đến là để cho mình “được sống và sống dồi dào”.
Từ đó, mỗi khi không “bị” đi dâng lễ Chúa nhật ở đâu đó, mình thường lên chương trình “Gặp nhậu Chúa nhật, nhậu trong Nhà nguyện và nhậu ngoài sân cỏ”. Những lần đầu số lượng các bạn biết đến và tham gia cũng chưa nhiều, chỉ tầm 40,50 người nên cũng khá đơn giản. Thứ 7 lái xe đi chợ chuẩn bị thức ăn đồ uống. Sáng Chúa nhật tranh thủ nấu nồi curry và cắm cơm trong lúc chờ các bạn đến. Khoảng 11h00 cùng nhau dâng Lễ, sau đó cùng nhau dùng curry cùng cơm và ít rau đã được chuẩn bị. Sau khi cơm nước và chuyện trò thì kéo nhau ra sân bóng, cùng nhau tranh tài. Ngày gặp mặt kết thúc bằng buổi BBQ ngoài trời rồi chia tay.
Không chỉ dừng lại một cách tự phát ở những Chúa nhật “không dự tính”, Nhóm giới trẻ hình thành với Ban đại diện và chương trình hoạt động được xây dựng, đặc biệt là Chương trình Trại hè. Dù chỉ mới qua mấy năm, nhưng để kể lại những kỷ niệm về nhau thì có lẽ chẳng bao giờ kể hết. Những lần thức đêm chỉ với việc đánh bài rồi ai thua phải húp canh, những trò chơi “bá đạo” và không ít lần bị cảnh sát viếng thăm, những giấc ngủ không giống ai, những chia sẻ với nước mắt tuôn trào của người nói và người nghe, … ôi làm sao có thể nói hết và có lẽ khó có ai có thể hiểu hết, tại sao ta lại như vậy! Đối với mình, mình luôn xác tín rằng; các bạn trẻ, cách riêng là các bạn trẻ ở Nhật chính là tình yêu là sức sống của bản thân. Các bạn chính là người yêu được gửi đến cho mình, người yêu mình được gặp sau khi cưới.
Nhìn lại 40 năm cuộc đời đã được sống, sau 16 năm rời quê hương Việt Nam và 7 năm Linh mục. bản thân mình muốn nói lên lời cảm tạ và tri ân về tất cả. Quê hương thì chỉ có một, nhưng tất cả đều là anh chị em. Trong những ngày tháng được trao ban và mời gọi sắp tới, ước gì mình có thể luôn can đảm đón nhận và tôn trọng tất cả, trước hết chính là bản thân yếu đuối và khiếm khuyết của mình. Luôn cảm nhận và sống Niềm vui được làm, và không ngừng chia sẻ niềm vui làm được đến hết mọi nơi và mọi loài.
Để cuộc sống không xấu đi
Để kết thúc chia sẻ, mình xin được chia sẻ lại một chút tâm niệm của mình, những điều được viết ra nhân ngày Kỷ niệm Truyền chức linh mục.
1. Đừng quên bản thân là gì (là ai)? 自分自身を忘れないように。
2. Đừng biến (đừng nghĩ) mình thành người bận rộn. 忙しい自分を作らない(思わない)ように。
3. Đừng sống cuộc sống giả tạo. 偽人生で過ごさないように。
4. Luôn phấn đấu trở nên người thánh thiện 出来るだけ聖い人に目指していく。
5. Luôn làm chủ đôi tai và miệng lưỡi bản thân 常に自分の耳と口をコントロールする。
6. Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự viêc, hãy rủ Chúa làm cùng どんな時にも主イエスを誘って行う。
7. Trong mọi việc hãy nghĩ đến ích lợi của tha nhân trước ích lợi bản thân 何でも自分より先ず相手を考え行う。
8. Cố gắng giữ chế độ ăn uống thích hợp cho bản thân. Những lúc đau ốm hay mệt mỏi thì càng phải cố gắng ăn nhiều 自分に合う正しい食生活を保つ。病気や疲れた時こそ頑張って食べる。
9. Trong mọi lúc và hết mọi việc luôn ý thức rằng không phải “tôi phải làm” mà là “tôi ĐƯỢC LÀM” どんな時でも「しなければならない」ではなく、「させていただいている」という考えをもって行動する。
10. Hãy luôn cố gắng dành thời gian cho Chúa, cho tha nhân và cho bản thân イエスさま、他者、自分自身のために時間を与える。
11. Sống cần phải có mục đích, sống hướng đến mục đích. Nhưng luôn nhớ, sống không chỉ vì mục đích 生きるには目的が要り、目的に向かっていく。だが、目的のみのため生きてはいけない。
12. Đừng trở nên nô lệ của sự vật (của ai đó) モノの奴隷にならないこと。
13. Trong một tập thể, không bao giờ được nghĩ “bản thân là quan trọng nhất”, cũng vậy không được nghĩ “bản thân chẳng quan trọng gì” 共同体において「自分がいないと何も成り立たない」また「自分がいなくても大丈夫」と考えてはいけない。
14. Tất cả mọi sự, mọi vật và mọi con người đều có ý nghĩa của nó すべてのことに意味がある。
15. Hôm nay, Đức Giêsu Kitô vẫn đang chờ đợi tôi イエスさまは今もわたしを待っている。
Italy, Assisi, 8/4/2019
Kỷ niệm ngày đến Nhật lần thứ 16
Fx Trần Văn Hoài, OFMConv