Quê Mẹ, quê Cha, đất Tổ là nơi chôn rau, cắt rốn hay là nơi được sinh ra đời của một người. Ngày nay con dân Việt-Nam tản mát khắp năm châu, bốn bể thì quê Mẹ hay quê Cha đất Tổ là danh xưng để người Việt hải ngoại gọi về đất nước Việt-Nam thân yêu xa xưa.
Để thi-vị hóa, nhạc và thơ sẽ minh-họa lại hình ảnh của quê-hương cũng như vinh danh các bậc anh-hùng dân-tộc đã dựng nước và giữ nước.
Nhạc-sĩ Thẩm-Oánh trong bài “ Hùng-Vương” cho thấy nước Việt là một nước có Văn-Hiến, có Nguồn-gốc, cỗi-rễ.
“Bốn ngàn năm Văn-Hiến, nước non khang-cường là nhờ công-đức Hùng-Vương, hoa-gấm giang-sơn này cùng chung đắp xây bao thời hùng-uy vẻ-vang”.
Đất nước tôi hay quê-hương Việt-Nam là một giải đất dài, phía bắc giáp Trung-Hoa, phía tây và nam giáp Ai-Lao và Cao-Miên, dẫy núi Trường-Sơn như một bức trường thành làm biên-giới, phía đông là bờ biển hình cong chữ S dài hơn 2000km, là những thương cảng lớn để giao-dịch với thế-giới bên ngoài. Hình thể hẹp bề ngang dài bề dọc, miền bắc và miền nam phình ra còn miền trung hẹp lại, người ta có thể ví như đôi quang gánh, hai đầu là hai thúng thóc và miền trung là đòn gánh. Thật vậy đồng bằng sông Hồng-Hà và sông Cửu-Long là những vựa lúa nuôi dân và còn là một nước sản xuất lúa gạo.
“Mang hình chữ S thanh thanh.
Từ Nam chí Bắc bao quanh biển, rừng,
Tài nguyên phong-phú vô cùng,
Đất đai màu mỡ, ruộng đồng phì nhiêu”.
(Chu thị Hồng)
Nhạc-sĩ Hoàng-Trọng trong bài “Bên bờ Đại-Dương” đã dùng địa-lý và lịch-sử trình bày:
“Đất nước tôi màu thắm bên bờ Đại-Dương, Bắc với Nam tình nối qua lòng miền Trung.
Đất nước tôi từ mái tranh nghèo Bắc-Giang, vượt núi rừng dài Trường-Sơn vào tới ruộng ngọt phương nam.
Dân nước tôi từng đấu tranh diệt ngoại xâm, trên máu xương cùng hát qua bài thành-công, dân nước tôi giòng-giống Hùng-cường Lạc-Long, làm gái toàn là Trưng-Vương, làm trai rạng hồn Quang-Trung”.
Thi-sĩ Minh-Viên tả cô gái Việt-Nam hay hình thể cũng như sự sống còn của đất nước ta.
“Em, cô gái Việt-Nam,
Vươn mình ôm biển cả.
Tắm lửa hạ, tuyết đông,
Tuổi em bốn ngàn lẻ.
Em vẫn còn thanh xuân.
Dù đổ nhiều máu lệ,
Dù mỏi gót phong-trần…”
Địa thế đẹp và quan trọng đã là mồi ngon cho những kẻ xâm-lược muốn bành trướng thế-lực nên nước tôi đã xẩy ra bao cảnh can qua khiến Tổ-Tiên, tiền-nhân phải đem xương máu đổi lấy sự toàn vẹn của lãnh-thổ.
Thi-sĩ Vũ hoàng-Chương đã nói lên những hy-sinh trong việc dựng nước và giữ nước của dân-tộc ta.
“Trải bốn ngàn năm dựng nước nhà,
Sông khoe hùng dũng núi nguy nga.
Trả ta sông núi bao người trước,
Gào thét đòi cho bọn chúng ta.
…
Ôi! Việt-sử là tranh đấu sử!,
…
Trước đến sau cầm cự nào ngơi.
Tinh-thần độc-lập sáng ngời,
Bao người ngã, lại bao người đứng lên”
Lịch-sử chói sáng với những anh-hùng, liệt-nữ, là dân Việt chúng ta tự hào và hãnh-diện biết bao.
Nhạc-sĩ Phạm-Duy đã viết:
“ Việt-Nam tên gọi là người,
Việt-Nam hai câu nói sau cùng khi lìa đời”.
Đã là người Việt thì không thể chối bỏ vì nó theo ta từ lúc được tượng-hình trong bụng mẹ
Nhà thơ Quốc-Mỹ bày tỏ:
“ Tôi yêu Tổ-quốc của tôi,
Nói chẳng nên lời, yêu vẫn cứ yêu”
Chúng ta yêu Tổ-quốc quê-hương luôn cầu mong cho dân giầu nước mạnh, lịch-sử đã có những thời kỳ đen tối nào giặc Tầu, giặc Tây xâm lấn, rồi đất nước bị phân-ly thời Trịnh-Nguyễn, thời Quốc Cộng sông Gianh và sông Bến-Hải là những chứng tích đau buồn. Bài hát “Hận sông Gianh” và “Chuyến đò Vĩ-Tuyến” kể lại việc chia cắt đất nước.
Bản nhạc “Về miền Nam” của nhạc-sĩ Phạm-Duy nói lên sự phẫn-nộ của người dân:
“Sông nào cắt nước đôi nơi, sông nào xé nát tim tôi,
Sông nào bóp chết thương yêu, Việt-Nam ơi.
Sông buồn khóc nước tang thương, sông gầm thét khúc bi thương,
Sông sầu nước mắt ly-hương Việt-Nam ơi”.
Nhà thơ Hoàng-Trinh vẽ lại:
“Chưa gần gũi tuy đã từng quen biết,
Ải Nam-Quan vương vấn mũi Cà-Mâu.
Ông cha ta, kẻ trước nối người sau,
Từng đổ máu cho Việt-Nam thống-nhất”.
Khi người Pháp đánh chiếm nước ta đã phân chia nước Việt làm 3 miền về mặt hành chính và còn có dụng ý chia để trị cho người trong nước nghi kỵ nhau, làm xuy yếu việc chống đối.
Nhạc-sĩ Thẩm-Oánh với ước muốn căn nhà Việt luôn đoàn-kết để xây dựng nước hùng-mạnh làm vẻ-vang dưới trời Đông-Á.
“Nhà Việt-Nam, Nam, Bắc, Trung sáng trưng Á-Đông,
Bốn ngàn năm đó Văn-hóa xây đắp bao kỳ-công.
….
Ai ơi đừng phân chia Nam, Bắc, Trung,
Một nhà Việt-Nam, Nam, Bắc, Trung chung giòng.
…..
Yên vui anh trước em sau,
Đừng có xa nhau mà lòng tan nát đau”.
Theo Việt-Nam sử lược của sử-gia Trần-trọng-Kim thì khởi đầu nước ta chỉ có miền bắc và bắc trung phần, sau vì người càng đông dần mà miền bắc đã có nước Trung-Hoa cường thịnh, phía tây lắm núi nhiều rừng, đường đi không tiện cho nên theo bờ biển lần xuống phía nam đánh Lâm-Ấp, dứt Chiêm-Thành, chiếm Chân-Lạp mở rộng bờ cõi đến bây giờ.
Từ khi người Việt-Nam lập quốc tới nay kể trên 4000 năm, bị trung-Hoa cai trị khổ-sở biết bao, rồi người Pháp với chủ trương tìm thuộc-địa cũng vùi dập dân mình cả trăm năm, thế mà sau khi lập được nền Tự-Chủ vẫn giữ được cá tính đặc biệt của dân Việt chứng tỏ rằng dân mình có lập trường dân-tộc vững chắc.
Thi-sĩ Đoàn văn -Cừ trong bài giảng về lịch-sử đã nhấn mạnh:
“Thầy tôi bảo các em nên nhớ rõ,
Nước chúng ta là một nước vinh-quang.
Bao anh-hùng thuở trước của Giang-sơn,
Đã đổ máu vì lợi quyền dân tộc”.
Tục truyền và sử học thì khởi đầu dòng-dõi là họ Hồng-Bàng: Lạc-Long-Quân và Âu-Cơ sinh được 100 trứng nở ra 100 con trai. Người con trưởng được phong làm vua nước Văn-Lang (Niên hiệu đầu tiên của nước ta) Xưng là Hùng-Vương.
Thi-sĩ Bảo-Vân kể lại bằng những vần thơ tóm tắt phần nào của lịch-sử Việt:
“Truyện trăm trứng của Âu-Cơ đã nở,
Thành trăm con là giòng-giống Tiên-Rồng”.
Nhạc-sĩ Phạm-Duy có bài “Một mẹ trăm con” nói lên nguồn gốc của dân ta là giòng-giống Rồng-Tiên.
“ Xưa khi xưa, mẹ đẻ ra trăm cái trứng sinh lũ con cùng một giòng,
Năm mươi con vượt đồi non, phá rừng núi, khai rẫy mương, xây đắp buôn làm nhà sàn.
Năm mươi con dọc Trường-Sơn, đi xứ Bắc, đi xứ Nam, xây núi sông lập ruộng đồng”.
Thi-sĩ Trùng-Quang cũng đề cập tới nguồn-gốc của dân-tộc:
“Ngàn xưa mẹ là Tiên non Bắc,
Ngàn xưa Cha là Rồng biển Đông.
Góp măt nhân-hoàn, trăm trứng nở,
Bốn bàn tay, dựng núi, khai sông…”.
Trong thời kỳ Bắc-thuộc luôn có những anh-hùng liệt-nữ nổi lên chống sự áp bức, tàn ác của kẻ xâm-lăng.
Hình ảnh oai-hùng của nhị-vi Trưng-Vương qua thơ của Đào hữu-Dương.
“Anh–thư tiết-liệt gương kim-cổ.
Sông núi ngàn thu mãi hiển-vinh.”
Thi-sĩ Bảo-Vân cũng ca ngợi công đức hai bà.
“Cờ nương-tử đã đập thành phá lũy,
Đất Mê-Linh trả nợ nước thù nhà”
Bài Trưng-nữ-Vương của Thẩm-Oánh đã được trường Trưng-Vương lấy làm hiệu-đoàn ca:
“Trưng nữ-Vương lau phấn son mưu thù nhà, mài gươm vang khúc toàn thắng hùng-ca, thu về giang-sơn cho lừng uy gái Nam, bầu trời Á sáng ngời ánh quang”.
Bà Triệu thị Trinh tuy không thành công song cũng làm cho bọn cai trị điêu đứng.
Nhà thơ Nam-Đường trong bài thơ đường luật:
“Danh tướng Nhụy-Kiều vang một cõi,
Sơn-Hà gặp biến gái như trai”.
Thi- sĩ Bảo-Vân kể lại.
“Cưỡi đầu voi Lệ-Hải quyết sông pha,
Dù mấy tháng cũng làm thơm quốc-sử”.
Nhà thơ Lãng nhân Phùng tất-Đắc cũng nhận định.
“Những trang nhi-nữ anh-hùng ấy,
Miếu vũ ngàn thu ngát khói-hương”
Bản nhạc Bạch đằng Giang còn vang vọng:
“Đây bạch Đằng-Giang, sông hùng-dũng của nòi-giống Tiên-Rồng, giống Lạc-Hồng, giống anh-hùng, Nam, Bắc, Trung.”
Thi-sĩ Bảo-Vân có những vần thơ kể công trạng của Ngô-Vương:
“Máu đào loang mặt nước xanh,
Bao nhiêu gỗ nhọn biến thành rừng gươm”.
Nhà thơ Tô-giang-Tử ca ngợi công đức Ngô-Quyền đã dựng nền độc lập sau 1000 năm bị Tầu đô hộ.
“Tự-chủ, Ngô-Vương bước khởi đầu,
Hủy nền Bắc thuộc, mối thương đau”.
Lý Thường-Kiệt vị tướng tài đời nhà Lý đã mang quân sang đánh nhà Tống và bình Chiêm-Thành, ngài khẳng định:
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư.
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”
Nước ta cởi được cái ách nô-lệ
1000 năm, mở đường cho các triều-đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê về sau này tự-chủ ở cõi Nam. Tuy bị đánh đuổi nhưng mộng xâm-lăng là những ước mơ của láng-giềng phương bắc, vì thế việc giữ nước của Tổ-Tiên ta qủa là gian khổ trường kỳ, mỗi phân sông, tấc đất còn đến ngày nay đều là máu xương của bao thế-hệ ông cha, bao anh hùng liệt-nữ và dân lành.
Tường thuật những kỳ công, những chiến-tích của người xưa để con cháu cùng hãnh-diện và ngưỡng mộ.
Thi sĩ Bảo-Vân đã viết:
“Lần giở từng trang sử nước nhà
Bao phen quật khởi, bấy can qua.
Văn-Lang diệt giặc roi Phù-Đổng.
Nam-Việt trừ gian, kiếm Lữ-Gia.
…..
Vùng Hoa-Lư vang vọng bóng cờ-lau.
Để Thập-Đạo tướng quân còn phá Tống.
Lý-Thái-Tổ rời đô ra đất rộng,
Thành Thăng-Long, ứng với chuyện rồng lên.
Đến nhà Trần ba lần phá quân Nguyên,
Có Hưng-Đạo đại-Vương Trần quốc-Tuấn.
Tây-Kết, Vân-Đồn, Chương-Dương bao trận,
Quang-Khải, Khánh-Dư, Quốc-Toản đua tài.
Đất Lam-Sơn vì chúa có Lê-Lai,
Cùng Nguyễn-Trãi có bình Ngô đại cáo.
Một trận Đống-Đa muôn vàn vũ-bão,
Khiến quân Thanh đều mất vía bay hồn.
Oai Bắc-Bình-Vương: thác đổ sóng cồn,
Làm rạng rỡ nước Việt-Nam muôn thuở..”
Trang sử qua thời Pháp thuộc 100 năm cũng được thi-sĩ Vũ hoàng-Chương lược lại:
“Cường quyền vẫn muôn đời cưỡng áp,
Dưới bàn tay giặc Pháp càng đau.
….
Dạ Cần-Vương trơ trơ thiết-thạch,
Kẻ Văn-thân, hiệp-khách cùng chung.
Hoàng-hoa-Thám, Phan đình-Phùng,
Khói reo Thanh-Nghệ, lửa bừng Thái-Nguyên.
Hợp Nghĩa-Thục, kết liên đồng-chí,
Xuất dương tìm tri-kỷ Đông-Đô.
Phan sào-Nam, Phan tây-Hồ,
Long-đong bốn bể mưu đồ cứu dân.
….
Nguyễn thái-Học gan bền chí cả,
Họp đồng bang, giống-giả nên đoàn.
….
Trả ta sông núi lời dĩ vãng,
Thiên-thu còn vọng đến tương-lai.
Trả ta sông-núi câu hùng-tráng,
Là súng là gươm giữ đất đai”.
Nước ta thực tội nghiệp, cá lớn nuốt cá bé là lẽ thường tình? Đau thương, tang tóc dành cho nước nhược tiểu? Nên dân ta luôn phải chống chọi không còn giờ để kiến quốc.
Nhạc-sĩ Trịnh công-Sơn trong một bản nhạc cũng than cho số phận của nước mình:
“Một ngàn năm nô-lệ giặc Tầu, một trăm năm nô-lệ giặc Tây.
Hai mươi năm nội chiến từng ngày, gia taì của Mẹ để lại cho con một nước Việt buồn…”
Gần một thế-kỷ thống-trị bởi giặc Pháp, rồi chiến tranh Quốc-Cộng mấy chục năm quê-hương ta sao tránh khỏi điêu-tàn, dân ta sao tránh khỏi lầm-than, đói-rách?
Bài “Tiếng sông Hương” của Phạm đình-Chương cũng nói lên cảnh vật tiêu-điều, tang-thương của đất nước:
“Quê-hương em nghèo lắm ai ơi!
Muà đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn”?
Xét lại vì sao nước ta nhỏ bé mà bị nhiều chiến tranh? Như lúc đầu dẫn về hình thể, nước ta đẹp về vị-trí, với bờ biển dài, rồi với hai đồng bằng phì nhiêu, đó là miếng mồi ngon cho những nước tìm thuộc địa. Chúng ta hãy tìm hiểu nhiều về đất nước được gọi là một giải giang-sơn gấm-vóc.
Thi-sĩ Bàng-bá-Lân diẽn tả:
“Việt Nam sông núi hữu tình,
Hương hoa đất nước của mình của ta”.
*Về lúa gạo, nông sản với ruộng lúa thẳng cánh cò bay ở miền Nam, thóc gạo thừa nuôi dân còn xuất cảng có hạng cao trên thế-giới ấy là dân ta khai thác với kỹ thuật cổ truyền chứ nếu kỹ-nghệ hóa nông-cơ thì mức thu hoạch nhiều gấp bội?
*Về thủy-sản với trên 2000km bờ biển, giòng sông Cửu-Long chảy vào miền Nam nếu được khai thác đúng-mức, máy móc tối tân có thể nói là nguồn lợi thiên-nhiên vô-tận.
*Về lâm-sản với khí hậu ẩm ướt và nóng, rừng chiếm 31% bao phủ các miền thượng du bắc Việt và cao nguyên Trung phần. Rừng nhiều gỗ qúi như: Lim, gụ, trắc, cẩm-lai, mun, để đóng bàn ghế, làm nhà, một số gỗ tạp làm bột giấy, than củi. Các lâm sản phụ như: củ nâu, cánh-kiến, sa-nhân, quế, nấm hương, mộc nhĩ…
* Về khoáng-sản Bắc và Trung-Việt có nhiều núi đá vôi dùng cho việc xây cất nhà cửa. Trong lòng đất mẹ còn ẩn- tang nhiều mỏ: Vàng, bạc, sắt, đồng, kẽm, chì, than, muối phốt-phát….chưa khai thác đầy đủ. Mỏ than ở Hòn-gay, Đông-Triều, Nông-Sơn, đã cung cấp trên một thế-kỷ mà vẫn còn hứa hẹn viễn -ảnh tốt đẹp. Thềm lục-địa và những đảo ngoài khơi đã có những giếng dầu hỏa nhưng vì chiến-tranh vẫn chưa khai thác nhiều, nguồn tài nguyên tiềm tàng từ trong lòng đất mẹ cho dân ta.
Trong cuốn “Quốc văn giáo khoa thư” kể câu chuyện về một ông nhà giầu thường đi du lịch khắp nơi, dân trong làng ngưỡng mộ và đến nghe chuyện ông kể mỗi khi đi chơi về.
Một người trong làng hỏi: -“Thưa ông xin cho biết nơi nào đẹp nhất trong những chuyến du-lịch”?
Ông nhà giầu trả lời:- “ Tôi đã du-lịch nhiều nơi nhưng không nơi nào đẹp bằng quê-hương mình”.
Thực ra câu nhận-xét không được khách-quan song chủ-quan vẫn là những cảm nghĩ của mỗi người. Chúng ta phải công nhận và thán phục cảnh đẹp và kiến-trúc tân-kỳ của những nước Âu Mỹ, các cổ vật lâu đời của các quốc gia trên thế-giới, song đi xem như thế chỉ có lòng ngưỡng mộ trước những kỳ-công của Tạo-hóa và con người nhưng không trải được lòng mình vào cảnh vật. Nếu chúng ta đi thăm các danh-lam, thắng-cảnh, di-tích lịch-sử của nước mình thì những xúc-cảm, tâm-tình của người thưởng ngoạn được dàn trải trên mỗi thắng-tích thiên-nhiên, chiến-tích lịch-sử gây nhiều thích thú và hào-hứng.
Sơ-lược nếu chúng ta đi thăm từ Bắc vào Nam:
*Ải Nam-Quan này mấy trăm năm trước đã có cuộc tiễn đưa cảm động của Nguyễn-Trãi và Phi-Khanh. Nguyễn-Trãi nghe lời cha về giúp vua Lê-Lợi thắng quân Minh và với “Bình-Ngô Đại-cáo”, một áng văn hùng tráng nổi tiếng còn truyền tụng mãi về sau.
Ải Nam Quan và Thác Bản-Dốc” bây giờ đã lui sang địa giới Trung-Cộng vì tài lãnh-đạo của “Đỉnh cao trí tuệ Hà nội”!
Nhà thơ Nguyễn hữu Bào đã phẫn uất:
Giặc chưa đến, chúng đốn hèn dâng đất,
Đồng bào ơi! nhục! đau, uất vô cùng
Giang sơn hình chữ S của chung,
Cả gan cắt cống triều cho tầu cộng.
*Thác Bản Giốc nơi nghỉ mát có tiếng ở tỉnh Lào-Cai.
* Tỉnh Lạng-Sơn có tượng đá nàng Tô-Thị đứng ngóng chồng đi chinh-chiến, tượng trưng cho lòng chung-thủy của phụ nữ Việt-Nam.
“Đồng-Đăng có phố Kỳ-Lừa,
Có nàng Tô-Thị có chùa Tam-Thanh” (Ca-dao)
*Đền Hùng thờ 18 vị vua có công khai-sáng ra nước Việt-Nam. Nay tại Lâm-Thao, tỉnh Phú-Thọ có đền thờ và hàng năm cứ vào ngày 10 tháng 3 Âm-Lịch là dân chúng đi chẩy hội rất đông.
Nhà thơ Nguyễn trung-Khuyến có thơ nói về đền Hùng.
“Nước thẳm, sông Thao, núi Tản xa,
Văn-Lang muôn thuở nước non nhà”
Thi-sĩ Bảo Vân trong bài văn tế Quốc Tổ:
“Kính cẩn chung lời khấn nguyện,
Chân-thành đốt nén tâm hương.
Từ Âu, Mỹ vọng về, lòng thành kính cẩn dâng lên Quốc-Tổ.
Tại Úc, Phi vang lại, dạ sắt-son nguyện với Hùng-Vương,
Chim có tổ, người tìm tông, dù vật đổi sao rời, muôn đời muôn kiếp vẫn không quên nòi giống..
Nước có nguồn cây có cội, ắt tre già mang mọc, ngàn đời tưởng nhớ quê-hương”.
*Ải Chi-Lăng nơi tướng Minh là Liễu-Thăng đã bị quân ta chém tại núi Yên-Mã.
* Chí-Linh miền núi hiểm-trở mà Lê-Lợi đã 3 lần rút quân về tử-thủ và tại đấy trung thần Lê-Lai đã liều mình cứu vua, cứu nước.
* Lam-Sơn vùng đất gợi nhớ người anh hùng áo vải Lê-Lợi đánh đuổi giặc Minh dành độc lập cho nước nhà.
Nhạc sĩ Hoàng-Qúi đã viết về địa danh Lam-Sơn để ca ngượi người hùng.
“Nước non Lam-Sơn! nước non Lam-Sơn!
Bóng cờ bay phấp-phới, khắp nơi cờ vàng muôn hồn quân Nam”.
*Sông Hóa thuộc tỉnh Thái-Bình nơi đây gợi nhớ “Lời thề sông Hóa” của Hưng-Đạo-Vương:
“Trận này không phá xong giặc Nguyên thì ta không về đến sông này nữa!”.
Sự quyết tâm chống giặc của Hưng-Đạo đã làm cho quân-sĩ nức lòng, 3 lần xâm lăng là 3 lần thảm bại và nước ta thoát khỏi ách cai trị của phương bắc.
*Gò Đống-Đa nơi tướng Tàu Sầm-Nghi-Đống thắt cổ chết vì tài dùng binh tốc chiến tốc thắng của vua Quang-Trung, và tại đây cũng có đền thờ ngài.
Nhà thơ Song-Nguyễn ca ngợi công ơn của Người áo vải đất Qui-Nhơn.
“Dẹp giặc Xiêm-La, diệt Mãn-Thanh,
Gươm trần xóa sạch hận sông Gianh”.
*Hà-Nội đất ngàn năm văn vật từng là kinh-đô của các triều đại Lý, Trần, Lê…. nên có nhiều di-tích lịch-sử còn lưu truyền.
* Hồ gươm nằm giữa thành-phố theo truyền thuyết khi vua Lê-Lợi dẹp xong giặc Minh ngự chơi trên thuyền thì một con rùa nổi lên trước mũi thuyền. Vua cầm thanh kiếm đã vớt khi trước mà chỉ thì rùa ngậm ngay thanh kiếm qúi rồi lặn mất nên hồ còn có tên là “Hồ hoàn-kiếm”.
Ngoài ra còn có Hồ-Tây, Hồ trúc-Bạch, Hồ Bẩy mẫu, tên tuổi đã gắn liền với đất Thăng-Long.
*Hai địa danh Yên-Bái và Yên-Thế nhớ tới Đề-Thám, và Nguyễn thái-Học người anh hùng chống Pháp.
“Hoàng-hoa-Thám, Yên-Thế hùm thiêng,
Phất cờ khởi nghĩa ở vùng Lạng-Giang.
….
Nguyễn thái-Học, thư-xã Nam-Đồng,
Xương phơi Yên-Bái, máu hồng Lâm-Thao
(Bảo-Vân)
Đảng trưởng Nguyễn thái-Học cùng 13 liệt-sĩ lên đoạn đầu đài với câu nói khẳng-khái:
“Không thành công thì thành nhân”
*Sông Lô hay Lô-Giang là nơi chôn thây của bọn giặc Pháp, nhạc sĩ Phạm-Duy có bài hát “Tiếng hát sông Lô”
* Vịnh Hạ-Long đã được Liên hiệp-Quốc công nhận là kỳ-quan của thế-giới, cảnh sắc như tranh vẽ
* Chùa Hương lập tại núi Hương-Tích thuộc tỉnh Hà-Đông là ngôi chùa nổi tiếng nhất tại miền Bắc, động Hương-Tích đã được coi là “Thiên nam đệ nhất động”.
Du khách trẻ về thăm quê hương Nguyễn anh-Hoàng có cảm nghĩ:
“Thế-giới kỳ-quan có phải đây?
Non sông thắng cảnh nhất nơi này”.
Danh sĩ Dương-Khuê trong bài Động hương-Tích;
“Thú thiên nhiên đâu bằng Hương-tích,
Đủ mùi thanh, vẻ lịch trăm chiều”.
Án sát-sứ Chu-mạnh-Trinh qua bài Hương-sơn phong cảnh ca.
“Bầu trời cảnh Bụt,
Thú Hương-Sơn ao ước bấy lâu nay”.
Nhà thơ tiền-chiến Nguyễn-nhược-Pháp với bài thơ ‘Đi chơi chùa Hương”, tác giả lồng vào cảnh một chuyện tình của cô gái tuổi dậy-thì.
“Hôm nay đi chùa Hương.
Hoa cỏ mờ hơi sương”
Xuân-Diệu ca-ngợi cảnh chùa-Hương:
“Muôn lần cảm tạ Mẹ Giang-Sơn,
Đặt núi lam trên nước biếc rờn.
Tạc-đá muôn hình trong cửa động,
Cho ta kiều-diễm đến Hương-Sơn”
*Các chùa ở Hà-nội phần lớn xây vào thời nhà Lý như chùa Một-Cột xây vào thời nhà Đinh tại Hoa-Lư khi nhà Lý rời đô ra Thăng-Long, nhà vua mơ thấy Phật Quan-Âm ngồi trên tòa sen liền cho xây lại chùa tại kinh-Đô, chùa Kim-Liên, chùa Quán-Sứ.
* Đền Ngọc-Sơn, đền Quan-Thánh, đền hai bà Trưng (tại làng Đồng-Nhân)
*Đền Đồng-Cổ, Đền Bạch-Mã, Đền Bích-Câu (ghi dấu vết chàng Tú-Uyên đời nhà Trần gặp Tiên).
* Văn Miếu hay Quốc-tử-Giám thờ Đức Khổng-Tử và 82 bia đá đề danh các tiến-sĩ.
* Võ miếu nơi thờ tổng-đốc Hoàng-Diệu tuẫn-tiết theo thành.
“Hoàng-Diệu đánh trống phất cờ,
Giữ thành Hà-Nội, trong giờ nguy nan,
Rồi khi trúc trẻ, ngói tan.
Mượn dây oan-nghiệt, giãi gan anh-hùng”.
(Bảo-Vân)
*Thành Cổ-Loa được đắp từ thời Thục An-Dương-Vương nghĩa là trên 200 năm trước Thiên-Chúa, có sông Hoàng-Giang bao bọc phía nam nay thuộc huyện Đông-Anh.
Danh-sĩ Dương-Lâm có bài vịnh thành Cổ-Loa:
“Thành ốc sương mờ, cỏ mọc rêu,
Biển tây trăng lặn, sóng dương trào”.
*Phía đông thành phố Hải-Phòng là sông lịch-sử nơi xưa có hai trận thủy-chiến của Ngô-Quyền phá quân Nam-Hán và Hưng-Đạo-Vương Trần-quốc-Tuấn đại thắng quân Mông-Cổ.
Nhạc-sĩ Hoàng-Qúi cũng có bài ca ngợi chiến thắng oai hùng này
“Con sông Bạch-Đằng êm trôi triền miên,
Có biết đâu bao năm là mồ quân Nguyên?
Còn ai không nhớ xưa, quân nhà Nam.
Làm cho quân Nguyên hết khoe- khoang!”
*Ở tỉnh Hải-Dương làng Kiếp-Bạc có đền thờ Hưng-Đạo-Vương, đền này được xây từ năm 1300 ngay bên bờ sông Thương, hàng năm cứ đến ngày 20 tháng 8 Âm-lịch dân chúng khắp nơi trẩy hội đền Kiếp để tưởng nhớ vị anh-hùng dân-tộc.
* Chùa Keo ở ven sông Hồng-Hà thuộc tỉnh Thái-Bình thờ Khổng-Minh-Không chùa to và đẹp xây cất từ đời nhà Lý, kiến trúc cổ, cột kèo bằng gỗ lim chỉ dùng mộng chắp với nhau rất chắc.
* Tỉnh Ninh-Bình có thành Hoa-Lư nơi đây thờ vua Đinh-tiên-Hoàng và vua Lê-đại-Hành, có núi Dục-Thúy đẹp như tranh vẽ.
“Lê Đại-Hành bình Chiêm, phá Tống,
Tiếng anh-hùng vang vọng đời sau”
*Sầm-sơn nơi nghỉ mát nổi tiếng ở Thanh-Hóa, muốn đi từ Bắc vào miền Trung phải qua cửa Thần-Phù nơi đây còn là đề tài thơ văn của Nguyễn-Trãi, Lê-thánh-Tông, và nữ-sĩ Thanh-Quan.
“Bãi thẳm ngàn xa cảnh vắng teo,
Đèo Ngang lợi bể, nước trong veo”
(Lê thánh-Tông)
Hay
“Bước tới Đèo-Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen lá, đá chen hoa”.
(Bà Huyện Thanh-Quan).
*Động-phong-Nha ở Quảng-Bình là một kỳ-Quan bậc nhất Đông-Dương, động này do con sông chẩy ngầm trong lòng những dẫy núi đá vôi tạo thành.
* Cố Đô Huế ở tỉnh Thừa-Thiên cạnh bờ sông Hương là kinh đô của triều Nguyễn kể từ khi vua Gia-Long thống nhất đất nước, nơi đây thu hút du-khách vì ai cũng muốn tới thăm đền, đài, lăng-miếu, cung điện của triều đại quân-chủ cuối cùng của Việt-Nam.
Tại kinh-đô Huế cũng là nơi mộ-phần của nhà cách mạng Phan-bội-Châu. Đây là bài thơ tuyệt mệnh của chính ông”
“Thương khóc non-sông với quốc-dân,
Tài hèn không vớt được trầm-luân”.
Chùa Thiên-Mụ nằm ngay bờ sông Hương xây cất từ năm 1601, tháp cao 20 mét, cạnh chùa là Văn-Miếu ghi tên các tiến sĩ đời nhà Nguyễn.
*Đèo Hải-Vân thuộc tỉnh Đà-Nẵng, đèo cao đi lại rất nguy-hiểm nên ca-dao có câu:
“Đi bộ thì sợ Hải-Vân,
Đi thủy thì sợ sóng thần hang Giơi”.
Phong cảnh kỳ-thú dưới nước thì biển xanh, trên đầu mây bay làm cho hồn du-khách thanh-thoát vô cùng.
*Ngũ hành-Sơn là tên chung mà vua Minh-Mạng đặt cho 5 ngọn núi mọc trên một bãi cát dài thuộc tỉnh Quảng-Nam, Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
* Tháp Bà Nha-Trang, tiêu biểu cho nghệ-thuật kiến-trúc Chàm, tháp cao 23 mét, xây từ năm 817.
Nhạc sĩ Minh-Kỳ đã ca tụng cảnh đẹp biển Nha Trang:
Nha-Trang là miền quê hương cát trắng…
*Qui-Nhơn nhắc nhở quê hương vị vua oai hùng Quang-Trung đã phá tan 20 vạn quân Thanh, Sầm nghi Đống còn để xác tại Hà-Nội, Tôn-sĩ Nghị chạy chối chết mới thoát.
Nơi đây còn ghi dấu nhà thơ nổi tiếng Hàn mặc-Tử :
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc,
Lá trúc che ngang mặt chữ điền …”
*Vịnh Cam-Ranh cuối địa phận Nha-Trang giáp với Bình-Thuận trông bát-ngát dài 13 km, rộng 9km nhưng vây kín vì bốn bề có núi đá bao bọc. Cam-Ranh nổi tiếng là một trong những hải-cảng tốt nhất Thế-giới (Cam-Ranh, San Francisco, Rio de Janerio).
* Phan-Thiết nơi nổi tiếng làm nước mắm nhĩ, cũng có nhiều cảnh đẹp nổi tiếng như núi Trà-Cú, Linh Sơn cổ-Tự,
* Đà-Lạt xứ hoa anh-đào, trung tâm nghỉ mát nổi tiếng bậc nhất ở Việt-Nam, hoa đào, hoa lay-ơn, hoa mi-mo-da, hoa anh-đào luôn đua nở khoe muôm màu nghìn sắc xinh tươi. Đà-Lạt có nhiều hồ đẹp như hồ Than-thở, hồ Xuân-Hương, hồ Đa-Thành, hồ Đa-Hiệu, và nhiều thác như thác Cam-Ly, Prenn, Liên-Khuơng, Guga…Đà-Lạt còn là Hoàng triều cương thổ nơi có nhà nghỉ mát của vua Bảo-Đại. Pháp cho xây cất nhà cửa, công sở theo kiến trúc tây phương nên họ còn gọi là Petitte Paris
“Hàng thông lấp-loáng đứng trong im
Cành lá in như đã lắng chìm,
Hư-thực làm sao phân biệt được!
Sông ngân-hà nổi giữa màn đêm”
(Hàn mặc Tử”)
* Sài-Gòn, hòn ngọc Viễn-Đông có rất nhiều danh lam thắng cảnh, di-tích lịch-sử như đồn Kỳ-Hòa nơi Nguyễn tri-Phuơng cố thủ chống lại liên quân Pháp, Tây Ban Nha năm 1861.
“Nguyễn tri-Phương trung liệt sáng ngời,
Quyết không hàng phục bọn người ngoại-dương.
Xé đồ băng-bó vết thương,
Nhịn ăn mà chết, tìm đường tự-do”.
(Bảo-Vân)
Lăng ông nơi có mộ phần Tả-quân Lê-Văn-Duyệt. Lăng-Ông vào những ngày Tết đã biến thành nơi tụ-hội của dân chúng Sài-Gòn, Gia-Định.
Ở Phú-Nhuận có mộ phần Tây Hồ Phan chu-Trinh và bài thơ khẩu-khí: “Đập đá Cô-Lôn”
“Làm trai đứng giữa núi Cô-Lôn,
Lừng lẫy làm cho lở núi-non”
*Gia-Định với 18 thôn vườn trầu ở vùng Bà-Điểm, Hóc-Môn là nơi dân chúng đứng lên chống Pháp, nổi tiếng là Tam Hùng: Võ-Tánh, Đỗ thành-Nhân, Châu văn-Tiếp.
* Biên-Hòa xứ Bưởi, Bình-Dương, Lái-Thiêu, miền có nhiều trái cây ngon như: Măng-cụt, Chôm chôm, Bòn bon, sầu riêng, mít Tố nữ….
* Tỉnh Tây-Ninh cách SàiGòn 89 km có toà Thánh Cao-Đài, một công trình kiến trúc công phu và độc-đáo. Núi Bà-Đen cũng ở Tây –Ninh cao 986 mét là ngọn núi cao nhất tỉnh.
* Tỉnh Vĩnh-Long có Văn Thánh-Miếu do cụ Phan thanh-Giản lập ra.
* Tỉnh Long-An có đền thờ quận công Nguyễn huỳnh-Đức.
* Quần đảo Côn-Sơn cách Cà-Mâu 200Km, nơi đây giam các nhà ái-quốc chống Pháp.
* Đảo Phú-Quốc ghi dấu anh-hùng Nguyễn trung-Trực, người đốt tầu Espeance của Pháp.
* Hà-Tiên, tương truyền ngày xưa có tiên xuống múa hát, cảnh biển, núi chập chùng gần như Vịnh Hạ-Long. Mạc thiên-Tích lập ra Chiêu-Anh-Các để cùng thi văn ngâm vịnh 10 cảnh đẹp của Hà-Tiên và in thành “Hà-Tiên thập-Vịnh” .
Chúng ta đi thăm thắng cảnh nước nhà, ngoài cảnh đẹp cổ-kính còn cho chúng ta nhớ lại người xưa đã vì dân vì nước góp bao xương máu cho sự hình-thành một đất nước hoa-gấm như ngày nay.
Thực vậy nước ta đẹp về hình-thể, địa-lý, địa-thế, sông núi hữu-tình, tài nguyên phong-phú còn người thì Trung, Hiếu, Tiết, Nghĩa, tài năng không kém thế mà dân tộc ta chịu nhiều tai-ương, oan-nghiệt, thiệt-thòi ? Phải chăng ông Trời thử thách dân-tộc mình? Vì thời thế tạo anh-hùng? Hay anh-hùng tạo thời-thế?.
“Tôi yêu nước Việt của tôi,
Giang-Sơn gấm vóc con người hiền lương”
(Chu Thị Hồng)
Thi-sĩ Hồ-Zếnh đã ca ngợi người phụ nữ Việt-Nam một đời hy-sinh cho chồng con, cho đất nước giữ đủ tam-tòng tứ-đức;
“Cô gái Việt-Nam ơi!
Nếu chữ hy-sinh có ở đời,
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực.
Cho lòng cô gái Việt-Nam tươi”.
Người trai trẻ ra đi làm lịch-sử nhà thơ Cao-Tiêu đã đề cập qua bài : tình-đẹp.
“Anh đi vui đời sương-gió,
Đi rửa hờn-căm, trả quốc-thù.
Gươm súng đã dâng đời sứ-mạng.
Phòng khuê em dệt chữ chinh-phu”
Xưa Nguyễn-Du đã nói lên thuyết định-mệnh nhưng ông cũng cho biết thêm: Nhân định thắng Thiên? Ôn lại lịch-sử dài trên 4000 năm, người Việt-Nam vẫn hùng-dũng đi trên đường mặc dù nhiều chông-gai, thử-thách.
Thi sĩ Đoàn văn Cừ đã xác quyết:
“Ta chắc rằng, sau một cuộc xoay vần,
Dân-tộc Việt sẽ là dân hùng-liệt.
Ta tin tưởng không bao giờ tiêu-diệt,
Giống anh-hùng trên sông núi Việt-Nam”.
Cuộc biến loạn 1975 dân Việt tản mát khắp năm châu nhưng vẫn một lòng ngóng về quê nhà mong dẹp bỏ lũ bạo-tàn cho toàn dân được hưởng Tự-Do, Dân-chủ, Thịnh-Vượng.
Nhớ quê-hương chúng ta vẫn không quên những chiến-sĩ của quân lực Việt-Nam Cộng-Hòa dù vô danh hay có danh như: Nguyễn khoa-Nam, Trần văn-Hai, Lê nguyên-Vỹ, Lê văn-Hưng, Phạm văn-Phú, Hồ ngọc-Cẩn. vv..vv.. đã thực hiện lòng trung với Tổ-quốc là chết theo mệnh nước vì khi xưa đã có danh-tướng Trần bình-Trọng làm gương với câu nói bất tử:
“Quân bay lầm, dù dâng cả ngai vàng,
Khó lay chuyển được lòng ta thờ Tổ-Quốc.
Đừng tưởng bả vinh hoa mà mua được,
Lòng trung-quân, ái-quốc của ta đâu?
Bắt được ta, thôi chớ nói chi lâu,
Cứ đem chém, ta không hề than tiếc.
Hễ còn sống ta là dân nước Việt,
Chết ta đành làm quỷ nước Nam ta”.
Nhà thơ Hoàng trọng-Mậu trong bài thơ ái-quốc:
“Nay ta hát một thiên ái-quốc,
Yêu gì hơn, yêu nước nhà ta.
Trang nghiêm bốn mặt sơn-hà,
Ông cha để cho ta lọ vàng.
….
Nhục vì nước, mà đau người trước,
Nông-nỗi này, non nước cũng oan.
Hồn ơi! về với giang-sơn,
Muôn người muôn tiếng hát ran câu này”.
Tổ-Tiên đã đổ biết bao xương máu để hình thành cho con cháu một giải đất hình cong chữ S, bổn phận của chúng ta là phải giữ gìn cho toàn vẹn và bồi đắp thêm cho nước giầu dân mạnh cho khỏi hổ thẹn và mang tội với Tiền-nhân.
Chúng ta không thể tha thứ cho bọn cầm quyền chỉ vì quyền lợi cá nhân mà lụy thuộc nước Tầu. Nhà thơ Nguyễn hữu Bào đã nói lên những uất hận mà đồng bào Việt Nam dành cho bọn cầm quyền tại quê nhà.
Ôi quê cha! ôi! đồng bào! Quốc Tổ
Không chiến tranh mà đổ gẫy bắc phương,
Thà hy sinh ! thà phơi xác chiến trường!
Hơn sống nhục! sống đau thương uất hận,
Lũ cộng nô, ta oán thù căm giận!
Qủi đỏ giặc hồ tán tận lương tâm.
Nhà thơ Chu Tất Tiến đã than khi hay tin Aỉ-nam Quan thuộc lãnh thổ Trung-Hoa”
“Không nỗi nào đau bằng nỗi đau mất nước,
Không nước mắt nào nặng bằng nước mắt trong tim.
….
Than ôi:
Trời sinh dân Việt anh hùng, anh thư
Nhưng cũng sinh một lũ lòng lang, dạ thú
Rước voi về dầy mồ tổ,
Cõng rắn về cắn gà nhà”
Nhà thơ Tạ-Tỵ mong ước ở những người trai, tuổi trẻ:
“Đem máu xương, đem cả hồn trai,
Tìm sự sống ở giữa mầu đất chết.
Để tô thắm non-sông trời nước Việt,
Từ ngàn xưa dũng-liệt đến ngàn sau.”
Nhạc-sĩ Phạm-Duy trong bài 54-75 đã nói lên nỗi đau khổ cùng cực của người dân khi phải lìa bỏ quê-hương và mong rằng ngày mai trời lại sáng nước Việt-Nam sẽ trở lại hùng cường và thanh-bình.
“Đời của cha con hai lần vẫy chào,
Chào từ giã quê-hương trong hận đau.
…..
Đời của ta hai lần bỏ quê, bỏ nước
phải mong ngày mai về ôm Tổ-Quốc”
Giờ đây các thế hệ thanh niên vẫn là rường cột là những chất xám mà mọi người mong chờ các bạn trở về xây dựng lại quê-hương yêu-dấu.
“Đứng vùng lên nào bao thanh niên yêu nước,
Hướng về đây Miền-Nam thân yêu nắng sáng.
Theo vết chân người xưa, ta tiến lên đường đi
Bao nắng mưa, sướng-gió nào ngại chi”
(Trọng-Khương)
Hay
“Về nơi đây chung xây đắp quê-hương,
Và nơi nơi vui câu hát yêu thương.
Lúa reo mừng, mùa về ngát hương làng
Đời vui tươi như muôn sóng trùng-dương”
(Nguyễn-Hiền)
Hay
“Thanh-niên ơi hồn thiêng núi sông đợi chờ,
Nơi tay ta toàn dân ngóng trông từng giờ.
Mang máu anh-hùng ta đừng làm nhơ máu anh-hùng,
Trai nước Việt phải gieo nguồn thắm thế-giới ngắm chung.
…..
Giống Lạc-Hồng oai-hùng vô biên,
Trong khốn nguy coi thường.
Thân-xác ta coi thường
Việt-Nam thanh-niên, anh-dũng muôn năm”
(Hùng-Lân)
Không chấp nhận chế độ Cộng-Sản chúng ta phải rời bỏ quê-hương nhưng lúc nào cũng yêu nhớ quê hương luôn mong được tô-bồi cho nước nhà một ngày một hùng mạnh.
“Yêu những nẻo đường Việt-Nam
Suốt từ Cà-Mâu thẳng tới Nam-quan
Ôi những nẻo đường Việt-Nam.
Những nẻo đường về đâu”
Vậy tuổi trẻ ngày nay những thanh-niên rường cột của nước nhà, của ngày mai đã được cổ võ qua bài thơ của khuyết danh:
“Tuổi trẻ Việt-Nam ngàn năm ngạo nghễ
Dẫu giòng đời xuôi ngược đến nơi đâu.
Dù thăng-trầm, bão táp, cõi vực xâu,
Vẫn bất-khuất, tràn dâng đầy nhiệt-huyết.
Tuổi trẻ Việt-Nam muôn đời bất diệt,
Trái tim nồng tràn ngập ánh quê-hương
Vai chen vai hun đúc giấc mộng trường
Dẫu vạn-lý cũng chỉ là một bước”.
Quê hương xinh-đẹp yêu dấu vẫn không thể tách rời khỏi con người Việt. Nhạc-sĩ Trịnh-Hưng nói lên lòng yêu quê hương của ông bằng giòng nhạc:
“Tôi yêu quê tôi, yêu lũy tre dài đẹp xinh
Yêu con sông xanh, dâng cát hoe vàng bến đình
….
Tôi yêu quê tôi, yêu mãi bây giờ còn yêu”.
Chúng ta mơ một ngày về xây dựng lại quê-hương đổ-nát, điêu-tàn, xây lại tình người bằng yêu thương.
Nhạc-sĩ Nguyệt-Ánh cũng như chúng ta mong mỏi ngày ấy:
“Anh vẫn mơ một ngày nào quê dấu yêu không còn cộng thù , trên con đường mòn , sau cơn mưa chiều, anh ôm đàn dìu em đi dưới trăng….Em ca bài mừng quê-hương thanh-bình…
Rồi ngày con lớn, con ca vang tình người, hoà-bình no ấm con ca vang tình đời thay cho mẹ hiền, thay cho cha già suốt cuộc đời hò lời ca đất-tranh.
Rồi ngày con lớn, con đi xây cuộc đời, màu cờ Tổ-quốc con tô thêm rạng ngời, quê-hương thanh-bình, muôn dân an-lành, sống cuộc đời tự-do muôn năm”.
Trong bài hát “mẹ Việt Nam ơi chúng con hãy còn đây” của Tổng hội sinh viên bên Pháp đã nhấn mạnh các con dân việt vẫn còn lòng yêu quê hương và đang tìm cách chuyển lửa về quê hương. Nhạc-sĩ Phạm-Duy nhấn mạnh:
“Việt-Nam trên đường tương lai, lửa thiêng soi toàn thế-giới.
Việt-Nam ta nguyền tranh-đấu cho đời.
Tình yêu đây là khí-giới, tình-thương đem về muôn nơi.
Việt-Nam đây tiếng nói đi xây tình người.”
Đây là quê hương tôi, được lược thuật qua thơ nhạc của các thi-sĩ, nhạc-sĩ nói chung là tâm tình của con dân Việt đối với đất nước hay quê hương mẹ Việt-Nam.
BÙI MỸ DƯƠNG
Lược thuật và sưu tầm
Mùa Xuân 2005