(Trích trong Đặc Tập 40 Năm Văn Học VN tại Nhật - Chương 5.)
Viết bài
Nhắc chuyện làm báo ở Nhật thì phải nhắc đến một người: đó là ký giả Anh Thuần, một trong những phóng viên chiến trường đầu tiên của tờ Tiền Tuyến đã can đảm nhảy vào An Lộc năm 1972 làm phóng sự ngay khi chiến trận đang xảy ra ở mức độ tàn khốc nhất. Điều độc đáo của ông là gì? đó là niềm mê say với nghiệp làm báo, ông có thể viết bất kỳ điều gì, làm ra tờ báo ở bất kỳ nơi đâu và làm tờ báo dù chỉ một mình.
Ông viết nhanh lắm bất kể lời yêu cầu không cần vội, nhất là khi ông viết về “Sớ Táo Quân”, “tích tắc” là có ngay khiến ai cũng “trợn trừng” vì kinh ngạc. Hỏi ông, ông đáp: “Viết báo ăn tiền mà mày”. Đúng là như thế, nhưng ông phải là người được sinh ra và trời phú cho ông có “sẵn mọi thứ trong đầu” chỉ được dịp tuôn ra, vì thế làng báo Việt Nam thuở trước mới có một “Anh Thuần”, một phóng viên chiến trường ngoại hạng.
Ký giả Anh Thuần và Việt Nam Thời Báo
Ngày mới đến Nhật, có được cơ hội cùng sống chung trong trại tỵ nạn Himeji tôi mới thấy được sự mê say của ông. Ở trong trại tiếp nhận định cư, khi mọi người phải lo chuyện đánh vật với tiếng Nhật để mong sớm hội nhập với cuộc sống thì ông chỉ mải mê với tờ Việt Nam Thời báo, bỏ mặc ngoài tai mọi lời cười chê niềm đam mê của ông.
Một hôm vì cần bài để có thể hoàn tất tờ báo, ông ghé phòng đưa tôi bản tin của tờ Japanese Time nhờ dịch gấp để ngày mai ông đăng lên báo. Vì nể tình nên tôi làm, thế là tôi dính vào với duyên tình viết báo dù là viết bài cho một tờ báo có mức độ phổ biến rất là khiêm tốn. Rời trại ra đi định cư ở xứ khỉ ho cò gáy vùng Toyosato Shiga-ken, chẳng bao giờ tôi nghĩ đến chuyện viết lách nữa nhưng rồi một lần trong buổi trại hè ở bờ hồ Biwa tôi gặp lại ông, vẫn nụ cười hiền hòa như ngày nào, ông lại rủ rê:
- Hôm nào rảnh mày viết hay dịch tiếp cho tao vài bài!
Câu hỏi của ông dành cho tôi không ngờ lại lọt vào tai người đang săn lùng bài viết cho tờ Nguyệt san Hiệp Hội đang ngồi gần đó và mấy tuần sau “người” lặn lội từ Tokyo về Toyosato để nhờ tôi viết một bài cho trang Khoa học và Đời sống của NSHH. Tôi đồng ý ngay cho xong “nợ”, vì cứ tưởng chỉ viết lần đó thôi, nhưng không phải, cứ lần này lại sang lần nọ với những nhắc nhở, thúc dục, hối thúc thật là “kinh khiếp”, và cuối cùng tôi đã dứt không ra và dính vào cái “nghiệp làm báo bất đắc dĩ” ... mà chưa một lần tôi nghĩ tới.
Ký giả Anh Thuần mất ngày 29 tháng 6 năm 1993....Rất thương tiếc ông, người đã “đẩy” tôi vào việc viết lách.
“Máy”
Nhắc tới chuyện làm báo mà không nói đến chuyện viết bài rồi gởi bài quả là một điều thiếu xót. Nghĩ đơn giản thì cứ viết ra giấy rồi bỏ vào phong bì gửi. Nhưng không hẳn như vậy, tôi kể từ từ qua những gì mà tôi đã “trải nghiệm” cho quí vị nghe nhé.
Thủa đó những tiện nghi chung quanh gần như đều gần như xa lạ với người Việt vừa mới hội nhập vào xã hội Nhật Bản cho nên những bài viết về lò Microwave, cấu tạo của đĩa CD, DVD... là những đề tài được đón nhận dễ dàng, rồi dần đến đến những đề tài tương đối khó tiêu hoá hơn về những phát minh khoa học kỹ thuật hiện đại. Cứ đến gần mỗi cuối tháng thế nào cũng nghe phone thúc dục gởi bài viết cứ như là đòi nợ, mà vào cuối thập niên 80 đâu đã có mail và Internet như bây giờ, bài thì phải viết bằng tay xong rồi đạp xe ra bưu điện cách đó chừng 30' để gởi lên Tokyo.
Vốn dĩ thích chuyện máy móc kỹ thuật nên khi đến Nhật, xứ nổi tiếng với những máy móc kỹ thuật tiên tiến, cuối tuần tôi thường hay la cà ở những tiệm bán máy để xem những thứ máy móc kỹ thuật "tân kỳ" dù rằng đó chỉ là những thứ vật dụng rất bình thường đang bày bán ở những gian hàng điện máy vùng tỉnh nhỏ.
Chỉ trong vòng khoảng hơn 10 năm không có dịp theo dõi những tiến bộ khoa học, đến Nhật Bản tôi choáng ngợp và ngạc nhiên khi được tiếp xúc với những vật dụng kỹ thuật đang được người Nhật sử dụng trong đời sống.
Nhìn cái lò Microwave, tôi mới bật ra được câu trả lời vẫn được ông thầy để trống cho câu hỏi trong đề thi ngày xưa khi học về điện từ trường: “Anh hay chị nghĩ gì khi người ta có thể dùng sóng điện từ giết chết con chim đang đậu trên cành cây?". Hai vật dụng khác mà tôi không thể tưởng tượng nó đã được thu nhỏ và sử dụng dễ dàng trong đời sống, đó là cái máy CD nghe nhạc và cái PC (personal computer) tức là máy điện toán cá nhân nho nhỏ.
Mới ra định cư, tiền bạc còn thiếu thốn eo hẹp nhưng vì mê máy tôi cũng ráng bỏ tiền ra mua cái CD không chỉ để nghe được những âm thanh tuyệt vời mà còn muốn tháo ra để xem cấu trúc bên trong. Tháo rời chiếc máy nhỏ, tôi thật thích thú khi nhìn thấy cái đầu phát tia laser trong máy CD nghe nhạc.
Trước kia đã từng được thấy cái laser to đùng như khẩu đại bác Narvaron ở trường đại học Khoa học SG mà trường biểu diễn cho sinh viên xem, gọi là biểu diễn vì máy chỉ được xài trong vòng vài phút rồi tắt vì...quá nóng dù đã được giải nhiệt bàng mấy cái quạt gió. Dĩ nhiên với kích thước quá lớn cùng những đòi hỏi nhiêu khê như kỹ thuật, năng lượng cung cấp v. v..., vào thời đó ý tưởng đem laser phục vụ đời sống chắc chỉ có trong phim khoa học giả tưởng, thế mà trước mắt tôi cái đầu laser để đọc đĩa CD chỉ to bằng đầu ngón tay nằm gọn trong cái máy nho nhỏ, quả là điều thần diệu.
Dàn máy IBM và các cuộn băng chứa dữ kiện
PC IBM
Tuy nhiên điều đó vẫn chưa thần bí và tuyệt vời bằng cái PC hay còn gọi là máy điện toán cá nhân. Trong đầu tôi cho đến trước ngày rời VN thì máy điện toán là những dàn mainframe to như cái tủ và được cất kỹ trong những căn phòng máy lạnh, cô lập với bên ngoài cùng với hình ảnh những cô thảo chương viên input dữ kiện được mã hóa với những lỗ đục trên những tấm thẻ hoặc bằng những cuộn giấy khổng lồ. Thế mà giờ trước mắt là cái máy điện toán được thu nhỏ như cái hộp, dữ kiện thì được input qua cái bàn phím nhỏ gọi là keyboard cộng thêm con chuột thần bí và những hàng chữ nhắp nháy trên màn hình đen trắng (thật ra thì màn hình màu lục và chữ trắng), dữ kiện được lưu trữ trong những cái đĩa nhựa floppy 5,2" hay 3,4" mỏng manh.
Thời bấy giờ trong các văn phòng phần lớn dùng WP (word processor) trông cũng giống cái PC hoặc cái laptop loại lớn để thay cho loại bàn máy đánh chữ cổ điển, những file dữ kiện vẫn được sao chép cất giữ vào trong đĩa floppy. WP thì chỉ viết được tiếng Nhật chứ không thèm chơi tiếng Việt có dấu, cho nên viết bài bằng WP sau khi in ra phải bỏ dấu bằng tay. PC thời bấy giờ nổi tiếng nhất là PC IBM của Mỹ nhưng ở Nhật hầu hết chỉ xài PC của NEC, Toshiba hay Hitachi. Tuy được bày bán ở những tiệm điện máy nhưng PC vẫn là món hàng xa xỉ, chưa hoàn toàn phổ cập mà chỉ được dùng trong những công ty kỹ thuật vì giá cao ngất ngưỡng, chừng từ 4 đến 500.000 yên một máy. Chỉ riêng cái ổ cứng HD chừng 5MB gắn thêm bên ngoài thì cũng phải mất khoảng 5-60 nghìn yên. Tất cả PC của Nhật Bản đều xài OS riêng, font chữ tiếng Nhật thì được cài sẵn trong máy, hệ thống hoàn toàn khép kín giống như những sản phẩm của Apple có nghĩa là người mua về thì cứ thế mà xài chứ không thể mở ra để gắn thêm hardware khác hoặc sửa đổi phần thiết định bên trong và dĩ nhiên không thèm chơi với tiếng Việt. Còn như chọn mua PC PS2 của IBM để xài thì có thể đánh tiếng Việt với những software nổi tiếng như VNI, VNU... nhưng giá còn cao hơn nhiều, đừng mong chi đụng tới. Nhìn cái PC thì mê thật nhưng chỉ nhìn và ước ao... trúng số!
Cho đến một ngày cũng vì để phục vụ nhu cầu viết rồi gởi bài và để gọi là "tiếp cận công nghệ tiên tiến", nhờ bạn bè mua cái PC ở bên Mỹ giá chỉ chừng 1 nghìn dollar, còn gọi là PC compatible, tức là cái PC tương đồng với PS2 IBM. Cái PC đầu tiên mua với CPU 80286, bộ nhớ memory 256KB, ổ cứng cực lớn đến 20MB... kèm theo mấy cái đĩa floppy đánh tiếng Việt của VNI cùng với vài cái game Tetris... Máy thì có thể nhờ bạn bè cầm về nhưng màn hình thì sao đây? Không thể gởi qua được vì cái màn hình VGA 14" nặng ít ra cũng khoảng 20Kg. Thôi thì chỉ mua máy còn màn hình thì lội lên Akihabara kiếm vậy. Mua máy xong, đánh vòng Akihabara hết 2-3 ngày chẳng có tiệm nào biết màn hình VGA là cái chi chi vì bấy giờ ở Nhật bản chỉ có bán màn hình CGA tương thích với NEC và Hitachi... thế là xong!!!
Sau bao nhiêu ngày tìm kiếm, cuối cùng may mắn phát giác tiệm bán PC của ông Ấn Độ nằm trong hẻm nhỏ, hình như ông ta là người duy nhất ở Akihabara thời bấy giờ biết và có bán cái màn hình VGA... Hú hồn!
Không như bây giờ, mua PC về chỉ cần cắm điện vào là cứ thế mà xài, PC thời đó người mua phải tự mày mò gắn ổ cứng HD vô, mở BIOS lên để setup, nào là HD dung lượng bao nhiêu MB, HD bao nhiêu sector..., dĩa floppy loại gì, 5.2" hay 3.4", tự định mấy cái serial port 1,2 cho mouse, keyboard, rồi IRQ3,5,7...chỉ cần sai tí xíu thì coi như huề vì BIOS thời đó không tự động nhìn ra mấy thứ đó. Ngay cả đĩa floppy cũng rất phiền vì đĩa phải format 1.4MB, khác với loại format 1.2MB chỉ dùng cho máy Nhật. Không biết thì tự mày mò chứ chẳng có sách báo manual chỉ dẫn, bạn bè ở Nhật thời đó mà biết được về PC thì như lá mùa thu, mà có biết thì cũng chỉ biết về NEC tức là mua về cứ thế xài chứ đâu có phải linh tinh như cái PC compatible và dĩ nhiên cũng chẳng có ông bạn Google để hỏi.
Ráp cái máy xong đến phần install cái MS-DOS mà phải là DOS ver 3.0 tiếng Anh, thứ này không viết tiếng Nhật được vì trong DOS không có các font chữ tiếng Nhật, mãi 3-4 năm sau qua đến DOS version 5.0 mới có loại DOS/V thì mới xài được tiếng Nhật trên PC compatible. MS DOS chỉ chứa đựng trong 3 đĩa floppy nhưng install cũng mất chừng vài giờ. Install DOS xong thì phải cho thêm cái cửa sổ Windows của Microsoft vô cho nó oai hùng và đẹp mắt dù là cho vào cũng chỉ chơi game hoặc để nghe nhạc bằng cái CD gắn trong máy phát ra bởi cái loa bé tí nhưng dù thế trông vẫn hiện đại hơn nhạc bằng cassette. Cũng may thời đó software thì tha hồ copy vào floppy rồi chuyền cho nhau, chẳng hề bị khoá như bây giờ cho nên phe ta chỉ mong bạn bè bên Mỹ gởi cho một bộ, sau đó tha hồ chuyền cho nhau xài...chứ mua ở JP thì miễn có.
Có PC để xài, có bộ VNI để đánh tiếng Việt thay vì phải bỏ dấu bằng tay, bước kế tiếp là chuyển gởi bài, chẳng nhẽ viết bài xong lại copy vào floppy rồi gởi đi qua đường bưu điện thì nhà quê quá, thế là phát sinh ra nhu cầu gắn thêm modem. Cái modem đầu tiên có tốc độ phản lực là14.4Kb/s, mỗi lần gởi file text chừng vài ba KB phải mất chừng 10 phút mới chuyển xong, cho nên mấy tháng sau đổi qua cái mới, tăng tốc lên tốc độ hỏa tiễn là 32Kb/s. Mỗi lần gắn thêm một thứ hardware mới vào máy thì tóc muốn bạc vì phải hì hục setup mất chừng 3-4 đêm may ra mới thành công. Gắn vô máy xong mà máy không nhìn ra hardware thì lại tháo ra, setup lại, thử install từ đầu. Ngày đi làm, tối về lục đục cả đêm với cái máy, nếu máy nó không thấy nhau thì chẳng biết hỏi ai ngoài việc ngồi nhìn máy, bức tóc đấm ngực để tìm nguyên nhân. Có được thằng bạn ở Mỹ qua làm việc cho công ty software, lôi về nhà để 2 thằng cùng làm thì hắn ta chỉ giúp được mỗi việc là vào trong công ty copy cho cái manual của MSDOS vì nhờ công ty đó đang xài máy Mỹ, còn hardware trục trặc thì hắn cứ nói theo kiểu "Mỹ" là cái modem này chỉ "run" mà không có "work"!!! Muốn biết nó "work" hay không thì phải thử, có nghĩa là phải gởi file đi xem bên kia có nhận được không, dĩ nhiên bên kia cũng hy sinh hạnh phúc đời mình là gắn vô cái modem tương tự.
Cái chuyện này còn vất vả gay cấn hơn là lắp ráp vì thời đó modem dial up gắn dây chung với đường dây điện thoại. Muốn gởi thì phải phone báo cho bên kia biết là vài phút nữa bên này gởi file để bên kia biết mở màn hình PC lên đón nhận. Nếu không báo, bên kia nghe chuông reng mà bắt phone lên thì coi như xong, chưa kể đang gởi mà chỉ cần 1 bên có phone vào thì cũng tiêu. Cứ thế mỗi lần gởi cái file nhỏ xíu cũng phải chờ giờ khuya, phone qua phone lại 3 - 4 lần.
- Alo, 5 phút nữa tui gởi bài nhe, nhớ đừng bắt phone. Nhớ để sẵn màn hình thấy chữ OK thì nhắn enter là file sẽ vô.
- OK.
Lát sau:
- Alo, nhận được chưa?
- Alo, sao chuông reng mà chẳng thấy chữ OK hiện ra, ông tắt máy rồi thử lại đi!
...
- Alo, ông gởi lại đi vì tự nhiên có cái phone gọi vô nên lại bị báo error rồi...
Đó là những điệp khúc bi ai thời bấy giờ mỗi khi xài modem PC. Đã thế bên nhà tay bạn tui thì có 2 cái phone, một cái để ngay đầu giường ông cụ. Dù đã nhắn nhe với nhau nhưng nửa đêm nghe phone reng, ông cụ lại bắt máy, thế là bị cằn nhằn.
- Đứa nào cứ gọi phone vào giờ khuya, tao bắt máy lên thì chẳng nghe nói gì, chỉ nghe tiếng tạch tè là sao!!!Rõ khỉ!!!
Về sau PC compatible được làm và bày bán ở Nhật với giá cả tương đối rẻ, thấy chuyện xài PC tuy nhiêu khê nhưng cũng có phần hấp dẫn, thế là phe ta cũng nhào vào tạo thành phong trào rất vui nhộn, ai cũng có thể thành support center cho bạn bè dù rằng phần lớn đều gà mờ như nhau.
-Alo, ê sao cái PC của tui không xài mouse được.
- Ah, ông mở cái file Autoexec.bat file và file config.sys lên xem có hàng chữ này không.
- Không có,
- Thế thì thêm hàng chữ đó vào,
- Làm sao mở file đó, ờ tui mở ra rồi nhưng sao vẫn thế.
- Ông có save file lại không?
- Dzậy hả!
...
- Alo, sao save rồi nhưng cũng không thay đổi.
- Ông reboot máy lại chưa?
- Ủa, có vụ đó nữa hả!!!Sao kỳ vậy!
- !!!
- Ông ơi, sao máy tui gắn memory đến 256MB nhưng cứ chạy là máy bảo thiếu memory là sao?
- Ơ, thì tại vì cái DOS 16bit chỉ cho xài 1MB thôi mà…
- Thế sao hôm trước ông bảo cái CPU386 là 32bit?
- Ông mở file config.sys ra, sau đó ông hãy điền thêm dòng lệnh Device=HIGHMEM.SYS vô!
- Ô vậy hả!
Hàng trăm câu hỏi cứ thế mà nghe và tuỳ tiện trả lời cho dù bên kia có đồng ý hay không. Support chùa mà!!! Lúc đó tiền điện thoại không rẻ như bây giờ, đôi khi tiền điện thoại để hỏi còn đắt gần bằng tiền mua mấy cái hardware gắn thêm, nhưng dù sao cũng lỡ dại mua máy rồi thì thôi cũng đành.
Nhờ sự phát triển của PC và Windows, những trục trặc lẩm cẩm ly kỳ bớt dần, công việc support gà mờ cũng giảm bớt và mất dần theo năm tháng.
Ngày nay PC gần như đã là vật dụng phổ cập trong gia đình giống như những vật dụng điện tử thông thường khác. Những khổ sở khó khăn khi gắn thêm hardware vào máy gần như không còn vì đã được gắn sẵn hoặc tự động nhìn thấy, còn chuyện viết chữ tiếng Việt trong máy PC là điều như đương nhiên. Hệ điều hành DOS cũng đã được thay thế bằng Windows cho nên cho nên DOS/V đã trôi vào quên lãng, có lẽ giờ ít người còn nhớ và dĩ nhiên rất nhiều người không hề biết sự hiện hữu của nó trên đời.
Độ xử lý và tốc độ CPU của Intel thời x-286 (80286 năm 1984) và thời hiện tại Corel i7 khác nhau thế nào? Chỉ có câu trả lời ngắn gọn: một trời một vực! Muốn tìm hiểu thêm xin quí độc giả cứ hỏi bác “Google” là sẽ biết, vì ...bài viết đã quá dài!
…
Có lẽ tôi đã đi hơi xa với lời yêu cầu của ông bạn: “ông ghi lại vài hàng để nhớ lại lúc tụi mình còn làm báo nhé”, tôi hơi bị méo mó “nghề nghiệp” nên viết “chuyện máy” nhiều hơn “chuyện báo”, nhưng thú thật tâm tình của tôi là thế: vẫn nhớ cái thuở đầu tay khi “bước vào nghề”, và luôn nhớ những kỷ niệm mà thú thật tôi không thể diễn tả được như cái nhà ông “Anh Thuần” chuyên nghiệp. Xin quí độc giả và ông bạn của tôi thông cảm nhé.
Linh Vũ