Đã 45 năm kể từ lúc đảng CSVN thống nhất đất nước, đưa đến việc trên nửa triệu người Việt Nam bỏ nước vượt biên vượt biển đi tìm tự do, bất kể sự nguy hiểm đưa đến những cái chết trong rừng sâu hay trên biển cả.
Ra đến hải ngoại, người Việt tỵ nạn cộng sản đã không quên những người dân Việt Nam nơi quê nhà. Vừa có sự ổn định là người Việt hải ngoại đã tích cực chú ý tới việc đối đầu với chính quyền cộng sản Việt Nam để tranh đấu tự do nhân quyền cho những người dân còn lại trên đất nước. Cho đến nay năm 2020, người Việt tại hải ngoại vẫn tiếp tục đấu tranh cho một đất nước Việt Nam có dân chủ. Điều này mang lại rất nhiều ý nghĩa và chứng minh rằng sau 45 năm người Việt sống tại nước ngoài vẫn nhớ về nguồn gốc của mình và vẫn công nhận bổn phận của mình đối với quê hương. Nhưng trong 45 năm đấu tranh vừa qua, chúng ta đã thấy được những kết quả gì cụ thể?
Trong thập niên 80s chúng ta đã chủ trương về trong nước lập chiến khu và qua sức mạnh toàn dân để nổi dậy giành lại đất nước. Trong thập niên 90s chúng ta đã chú ý tới việc vận động chính phủ tại các quốc gia mà chúng ta đang cư trú để tạo sức ép lên nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đòi hỏi họ phải cho người dân có nhân quyền thì mới nhận được trợ giúp tài chánh. Trong thập niên 20s cho tới nay, chúng ta đã thực hiện qua nhiều hình thức liên kết, hỗ trợ giúp các nhà đấu tranh tự do dân chủ trong nước đấu tranh nâng cao dân quyền của người dân. Trong năm 2020 này, thiết nghĩ người Việt hải ngoại cần nên xem lại những việc mình đã làm để thấy chúng ta đã đạt tới mục tiêu như thế nào? Kiểm soát lại con đường chúng ta đi để xem nó đã dẫn chúng ta tới đâu? Cộng đồng người Việt hải ngoại có đạt được mục tiêu kết hợp sức mạnh hải ngoại để chấm dứt chế độ bạo quyền cộng sản hay chưa?
Nhìn chung câu trả lời của chúng ta có lẽ là chưa.
Cộng đồng người Việt hải ngoại hiện nay nhìn chung, đã quên đi mục tiêu hợp lực tạo sức mạnh chấm dứt chế độ bạo quyền Việt Cộng. Những người đấu tranh dường như đã đặt quyền lợi cá nhân lên trên quyền lợi của đất nước. Cộng đồng người Việt ngày nay đã chia rẽ, không có hòa đồng. Tình trạng tách ra sinh hoạt riêng của cộng đồng và các tổ chức trong cộng đồng đã được nhìn thấy xẩy ra. Nếu không đồng ý nhau thì bên này mắng bên kia là Việt Cộng hay vu cho phe kia là làm việc có lợi cho Việt Cộng. Điều này đã khiến những người quan tâm phải xót xa và khiến giới trẻ hải ngoại cảm nhận được sự hụt hẫng mất hướng đi.
Sự chia rẽ trong cộng đồng hải ngoại này, đưa tới câu hỏi nó đem lợi tới cho ai?
Rõ ràng nếu do phe phái khác đường lối không hợp tác với nhau thì không nói gì, nhưng nếu mắng nhiếc nhau, gây xích mích xáo trộn cộng đồng người Việt tỵ nạn, làm hư việc đấu tranh thì người có lợi có lẽ ai cũng thấy, đó là nhà cầm quyền Việt Cộng.
Do đó nếu bất đồng ý kiến, không đồng ý với cách làm của một tổ chức, một tập thể hay một cá nhân, thay vì tranh cãi thì hãy việc ai nấy làm, hãy dùng việc làm của chính ta để thể hiện. Nếu sự việc quá đáng thì chỉ cần rọi đèn, đưa ra nhận định với chứng minh là đủ. Hãy tập trung vào mục tiêu chung trong việc xây dựng phát triển cộng đồng người Việt tự do, tập trung vào việc xây dựng giới trẻ kế thừa. Hãy nhớ đến mục tiêu của người hải ngoại là chấm dứt sự cai trị độc tài của cộng sản Việt Nam trên đất nước. Tránh việc tranh cãi kéo dài bởi vì có đôi khi do ngộ nhận mà chúng ta có thể sẽ làm chậm công việc đấu tranh của người khác, và điều này thì chỉ có lợi cho cộng sản. Hãy nhớ con đường mỗi một người yêu nước chọn để đi chỉ là một trong nhiều con đường mà sẽ dẫn đến cùng một nơi, đó là một đất nước Việt Nam tự do dân chủ, tiến bộ, và hạnh phúc. Có thể chúng ta tin nơi con đường chúng ta đi là đúng nhưng hãy để cho những người khác đi trên con đường của họ nếu như việc làm của họ không bắt tay với cộng sản hay giúp ích cho cộng sản Việt Nam. Hãy cùng đi trên những con đường đem tới tương lai cho dân tộc và cùng dõi theo nhau, xem ai sẽ đi tới trước để nếu có cơ hội sẽ cùng phối hợp và giúp sức nhau, tức là giúp cho đất nước của chúng ta sớm thoát khỏi bóng đêm.
Đất nước Việt Nam ta nhìn chung hôm nay là một đất nước nửa vời. Sau 45 năm thống nhất đất nước nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vẫn chưa đạt được lý tưởng mà Hồ Chí Minh hô hào. Trong thực tế đảng cộng sản Việt nam lại đã đi ngược lại những bài dậy của Kark Marx. Xã hội Việt Nam ngày nay vẫn không phải là một thiên đàng XHCH nơi mọi người dân được đối xử công bằng, no ấm như nhau mà là một xã hội rất phân cách giữa đại đa số người nghèo và một thiểu số cán bộ đảng viên tư bản đỏ. Người nghèo thì quá nghèo trong khi người giầu lại quá giầu.
Mặc dầu vậy thời điểm ngày hôm nay là một thời điểm khá nhất mà người dân trong nước đã được biết đến trong cuộc đời của họ. 45 năm sau chiến tranh, hôm nay người trong nước đã thoát được sự cực khổ tàn bạo của mấy chục năm trước. Họ đã quá sợ hãi, mệt mỏi và trở nên an phận. Như một người quá đói, ăn được phần bỏ thừa của người khác vẫn thấy ngon. Người Việt trong nước hôm nay dưới sự trấn áp, hà khắc của chế độ thống trị bên cạnh những phương tiện giải trí ngàn tỉ đã chấp nhận những gì họ đang có như là một số phận. Những mong muốn thoát khỏi chế độ Việt Cộng nay được người dân thực hiện qua những phương tiện như xuất cảng lao động, lập gia đình với người ngoại quốc, đi làm gái bán thân ở các nước lân bang, vân vân. Những người có tiền thì rời Việt nam qua con đường du học rồi ở lại hay đầu tư kinh doanh để được có visa sinh sống ở nước ngoài, vân vân. Nói chung người dân Việt Nam ngày nay không muốn vùng lên tranh đấu, đòi hỏi thay đổi chính quyền như ta vẫn nghĩ vì những điều này có thể tạo khó khăn cho họ và gia đình của họ. Chế độ cộng sản Việt Nam ngày nay, vì thế, không còn bị lật đổ dễ dàng qua sức dân chống đối.
Vấn đề tạo sự khó khăn cho tương lai một Việt Nam tốt đẹp là sự kỳ thị, độc tài và tham nhũng của chế độ Việt Cộng. Đối với đảng cộng sản dù đã thống nhất đất nước 45 năm, cho đến nay họ vẫn không dám tin tưởng nơi những thành phần người dân có liên quan tới chế độ Việt Nam Cộng Hòa cũ. Bất cứ ai có thân nhân liên quan tới chế độ cũ, ủng hộ chế độ cũ, hay nắm những chức vụ cao trong chế độ cũ, muốn đi làm, đi học, hay phục vụ cho chế độ mới đều phải bị điều tra lý lịch tới ba đời trước đó. Kết quả là con cháu những người này phải tiếp tục sống những cuộc đời cơ cực của người lao động. Cộng sản cạnh đó ngoài những phương tiện giải trí tâm linh quốc doanh và các trung tâm du lịch xa hoa lộng lẫy giúp giảm bớt những áp lực mất tự do dưới chế độ, thì không ngần ngừ trấn áp mạnh tay, giam cầm bất cứ những ai chống đối hay khác quan điểm với chế độ. Sự bao che tham nhũng từ thượng tầng tới hạ tầng cơ sở trong chế độ cộng sản, đưa tới sự bảo vệ lẫn nhau của cán bộ đảng viên, đã làm cho tài nguyên đất nước ngày càng khô cạn và nhân dân thì ngày càng nghèo đi, trong khi một tầng lớp thiểu số tư bản đỏ sống đời xa hoa xuất hiện trên khắp đất nước cũng là một vấn nạn cho tương lai dân tộc không thể phát triển.
Cộng sản Việt Nam trên một phương diện khác, cho tới nay tuy nhiên vẫn không thống lãnh được người Việt hải ngoại cho dù Bộ Chính Trị cộng sản VN đã cố gắng nhiều phen. Nói một cách tổng quát, người Việt tự do hải ngoại quá thù ghét chế độ cộng sản, và chính họ đã chuyển những tư tưởng này đến các thế hệ đi sau. Có một số người Việt hải ngoại, chỉ cần nói hai chữ Việt Cộng là đã có thể quấy động tiềm thức chống cộng của họ. Khi đối đầu lãnh đạo Cộng Sản, người Việt khắp nơi đều sẵn sàng bước lên với hai tiếng “Đã đảo.”
Những người cộng sản gây ra cuộc chiến tranh Bắc Nam, hôm nay đã qua đời hay về hưu. Những con cháu của họ nay đang nắm quyền cai trị đất nước với cùng phương thức độc tài đảng trị. Đấu tranh với những người này tuy nhiên người Việt tự do cũng không nên loại bỏ phương thức tâm lý chiến. Sự thay đổi từ những thành phần cán bộ mới này có thể giúp rút ngắn thời gian đem đến một luồng gió mới dân chủ cho đất nước.
Nhưng muốn công cuộc đấu tranh dân chủ cho đất nước thành công thì hải ngoại cần phải thay đổi phương thức đấu tranh, phải tập hợp được sức mạnh của mọi người Việt hải ngoại. Trong đó xây dựng lực lượng đấu tranh của người trẻ là quan trọng và cần thiết. Bởi vì những việc mà người Việt hải ngoại đã bắt đầu có thể sẽ không hoàn tất được trong cuộc đời của họ mà sẽ cần đến sự tiếp nối và kết thúc trong đời con cháu. Nhưng để sự tiếp nối này diễn tiến một cách hiệu quả, chúng ta phải hiểu rằng thế hệ ngày nay cả trong và ngoài nước đều không hiểu gì về chiến tranh trước đó giữa cha ông. Họ là những con người vô tư trong sáng, không có những thù hận với Cộng sản hay Việt kiều. Những điều họ giúp cho đất nước, giúp đem dân chủ tự do đến cho dân tộc là vì lý tưởng và lòng nhân ái chứ không vì quyền lợi khi giành lại quê hương.
Do đó muốn hướng dẫn những thế hệ đi sau hiểu được ý nghĩa của công cuộc đấu tranh của cha ông thì thứ nhất người đi trước phải làm gương. Thứ hai, sự hướng dẫn đó phải có tình có lý, như với người trẻ tại hải ngoại thì hãy cho họ hiểu rằng người hải ngoại không chống Việt Cộng vì họ là Việt Cộng, nhưng chỉ chống lại họ vì những sai trái họ đã gây ra và đang gây ra cho đất nước cho dân tộc. Riêng với người trẻ trong nước, chúng ta hãy dùng tình tự dân tộc và tính nhân bản con người để chinh phục trái tim của họ. Hãy mở ra một cánh cửa, cho họ một lối thoát, không làm họ mất mặt vì con đường mà họ chọn đi là sai.
Tương lai của Việt Nam sẽ tốt hay xấu, là sẽ do thế hệ trẻ, cả trong và ngoài nước quyết định. Vì họ không có lý do để thù hận, ghét nhau, chúng ta có thể hy vọng rằng qua tình cảm người Việt với nhau, và vì lòng yêu đất nước, giới trẻ hôm nay sẽ đến với nhau và cùng giải quyết những vấn đề mà thế hệ đi trước đã tạo ra.
Nguyễn Hoàng Lân