30 năm sau khi thành lập nhà nước CHXHCN tại miền Bắc, ngày 30 tháng 4 năm 1975 cộng sản Bắc Việt đã thành công chiếm trọn miền Nam Việt Nam đưa đất nước vào dưới chế độ toàn trị chuyên chính vô sản.
Tại hải ngoại, sau khi vượt thoát chế độ cộng sản, đầu thập niên 1980s đã có sự xuất hiện của một số những phong trào đấu tranh với sự tham gia của người Việt tỵ nạn cộng sản trên toàn thế giới. Trong đó có 3 tổ chức tiến hành việc thâm nhập quốc nội trong ước mơ giải phóng dân tộc khỏi ách cộng sản, là phong trào Mặt Trận Quốc Gia Thống nhất Giải Phóng Việt Nam của Phó Đề đốc Hoàng Cơ Minh tại Hoa Kỳ; phong trào Mặt trận Thống nhất các Lực lượng Yêu Nước Giải phóng Việt Nam của ông Lê Quốc Túy, Trần Văn Bá tại Pháp; phong trào tổ chức Liên Minh Quang Phục Việt Nam của ông Võ Đại Tôn tại Úc Châu. Ngoại trừ ông Võ Đại Tôn đã sống sót trở lại hải ngoại. Các ông Hoàng Cơ Minh và Trần Văn Bá cùng các chiến hữu của các ông đều đã hy sinh cho lý tưởng. Cả 3 phong trào này tuy đã không thành công trong ý nguyện giải phóng dân tộc nhưng đã thành công dấy lên những ngọn lửa đấu tranh tại những cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại cho tới nay.
Trong nước, trước những thảm cảnh dân tộc bị trấn áp và đất nước thì thụt lùi bên cạnh sự xa hoa giầu có của một giai cấp mới đảng viên quyền lực, một số những cán bộ, bộ đội đi theo cộng sản vì lý tưởng công bằng xã hội đã bị vỡ mộng. Từ thập niên 1990s đến đầu thập niên 2000s đã xuất hiện những tiếng nói chỉ trích chế độ như Dương Thu Hương, Hà sĩ Phu, Vũ Cao Quận, Phạm Quế Dương, Lê Chí Quang, Nguyễn Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn, Linh mục Nguyễn Văn Lý, Trần Độ, Nguyễn Hộ, vân vân. Những tiếng nói đối kháng này tuy nhiên đã không kéo dài. Chúng đã bị nhanh chóng dập tắt bởi các hình thức trấn áp, tù tội. Tuy nhiên nó cũng đã thổi lên những thao thức của lòng người cho quyền sống tự do dân chủ của dân tộc.
Sang đến cuối thập niên 2000s đất nước lại choàng tỉnh với những bản án nặng nề của chế độ dành cho những doanh nhân, khoa bảng thành đạt nhưng có tinh thần tiến bộ: Các ông Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung đều đã bị bắt giam qua cáo trạng âm mưu lật đổ chính quyền.
Tưởng thế là xong, nhưng không ngờ từ đó đến nay danh sách các các tù nhân lương tâm trong các trại giam cộng sản với lý do chống lại chính quyền, hàng năm lại càng được dài thêm ra. Cho dù Việt Cộng đã áp dụng mọi biện pháp, từ đòn thù trấn áp, những bản án nặng nề, đến những hình thức ru ngủ, tạo điều kiện cho dân kiếm tiền kết hợp giải trí du lịch hưởng lạc với những thứ gọi là hoạt động tâm linh ngàn tỷ của các chùa chiền, tôn giáo quốc doanh.
Với những mỹ từ hòa bình, hạnh phúc, dân giầu, nước mạnh, 45 năm sau ngày thống nhất đất nước, cộng sản Việt Nam đã đi ngược lại những điều họ nói và hứa hẹn. Chế độ cộng sản Việt Nam trên thực tế ngày nay là một chế độ độc tài, phe phái, tham nhũng và dựa vào các thế lực ngoại bang để thống trị, qua các giao kèo buôn dân bán nước. Thêm vào đó, nhu cầu giữ chặt quyền lực đã khiến các viên chức chính quyền phải bao che cho nhau tham nhũng từ thượng tầng tới hạ tầng. Các đảng viên cán bộ cộng sản đều giầu có trên sự đục khoét tài sản dân tộc và tài sản nhân dân, trong các kế hoạch nhân danh phát triển hay vinh danh dân tộc. Người ta không lấy làm lạ khi đủ loại công trình dựng tượng, xây đài kỷ niệm mọc ra khắp chốn, để nhân đó có cơ hội đục khoét thủ lợi.
Trong hoàn cảnh thống trị mới, tất cả vì tiền này, sự chống đối của người dân không còn mang hình thức cổ điển, tổ chức và tập trung dễ dàng bị đàn áp khốc liệt. Mà tản mạn ra từng người, mọi nơi mọi chỗ. Từ người phụ nữ Hà Nam chỉ ra mối nguy hải sản bị nhiễm độc vụ Formosa trong khi con cái cán bộ phè phỡn hưởng cá tôm lành mạnh ở ngoại quốc, đến người nữ cán bộ kỳ cựu vùng Thanh Hóa phê phán sự bất cập của chế độ, đến Đoàn Văn Vươn cầm súng bảo vệ khoảnh đất đã đổ mồ hôi khai phá hợp pháp của mình, đến thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh thi hành quyền tự do phát biểu, đến vụ đổ máu Đồng Tâm mới đây, và dư luận chống đối kéo dài. Kể ra không xiết, xẩy ra hàng ngày, mọi nơi mọi chỗ. Và đã có lúc từng tạo nguy cơ cho chính quyền như vụ biểu tình chống luật Đặc khu năm 2018.
Chỉ ngắn gọn như trên để nói cho những đầu lãnh chế độ độc tài tham nhũng hiện nay rằng, sự trị dân ổn định không thể đến từ sự dựa vào sức mạnh của ngoại bang để thống trị. Nước đẩy thuyền đi, nước cũng sẽ lật thuyền. Chỗ ở của lãnh đạo cộng sản Việt Nam và tay sai không phải là trên đất nước Việt Nam, mà là ở Mạc Tư Khoa, Bắc Kinh, hay một xó xỉnh nào đó tại Âu Châu, Mỹ Châu. Với những tài sản bòn rút khổng lồ của dân tộc mấy đời ăn không hết, để bảo đảm sự an toàn cá nhân, lãnh đạo cộng sản biến thái Việt Nam đã đến lúc nên rút lui, tìm một nơi định cư cùng hưởng phú quý với gia đình, trả lại tương lai cho dân tộc để những người tài đức cùng nhau lèo lái con thuyền Việt Nam đến bến thái hòa, an bình, và hạnh phúc.
Tuệ Vân
Ngày 26 tháng 5 năm 2020.