Các bản tin Việt Ngữ của BBC và RFA vào sáng ngày 23 tháng 5/2020 đưa tin ông Nguyễn Tường Thụy, 70 tuổi, Phó Chủ tịch Hội nhà báo độc lập Việt Nam và là cựu sĩ quan cấp đại úy Quân đội nhân dân Việt Nam, vừa bị công an thành phố Hà Nội bắt giam với tội "làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước" theo điều 117 Bộ luật hình sự. Hai ngày trước đó, ngày 21 tháng 5 năm 2020, nhà văn Phạm Chí Thành, còn gọi là Phạm Thành, 68 tuổi, thành viên của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam cũng đã bị bắt giam với cùng cáo buộc. Ông Thụy từng bị triệu tập 3 lần lên Công an thành phố Hà Nội điều tra liên quan đến vụ án của ông Phạm Chí Dũng vốn bị bắt giữ từ cuối tháng 11 năm 2019 với cáo buộc tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Ông Phạm Chí Dũng là Chủ tịch của Hội nhà báo độc lập Việt Nam, một tổ chức không được nhà nước Việt Nam công nhận.
Nhà báo Phạm Thành từng làm việc nhiều năm cho Đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV), về hưu năm 2012 và tự ứng cử Đại biểu Quốc hội năm 2016. Ông là chủ trang blog Bà Đầm Xòe. và là tác giả của một số sách về những hủ bại của chế độ và chỉ trích Tổng bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng. Sách ông viết gồm có: “tiểu thuyết Cò hồn Xã nghĩa,” "Hậu Chí Phèo", "Nền Kinh tế Thị trường Định hướng XHCN Xuống hố cả lũ", và "Nguyễn Phú Trọng: Thế thiên hành đạo hay Đại nghịch bất đạo. "Dư luận cho rằng cuốn “Nguyễn Phú Trọng: Thế thiên hành đạo hay Đại nghịch bất đạo” là lý do của việc ông bị bắt. Ông đã nói với BBC News tiếng Việt vào tháng 9/2019 trong cuộc phỏng vấn về cuốn sách như sau: "Ngay từ năm 2007, khi ông Trọng với tư cách Chủ tịch Quốc Hội sang Trung Quốc và trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, ông khẳng định rằng, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc chưa bao giờ tốt đẹp như bây giờ, trong khi trước đó, máu ngư dân Việt Nam đã đổ trên Biển Đông", "Từ lúc ấy, tôi đã đặt câu hỏi về con người này. Ông ta sẽ thực hiện các chính sách đối nội, đối ngoại như thế nào, và ông ta sẽ gắn với Trung Quốc như thế nào?" Khi được hỏi bởi VOA Việt Ngữ ông cũng nói thêm: “Tôi đã 41 năm theo Đảng và Nhà nước rồi, bây giờ ngoảnh lại thấy dân tộc này cái gì cũng tụt lùi, nguyên nhân tại đâu? Nguyên nhân là chúng ta không có dân chủ, nguyên nhân là Đảng Cộng sản duy trì sự độc tài!”
Ông Nguyễn Tường Thụy viết những bài phản biện thời sự trong nước, và gửi bài cho RFA. Ông có một trang blog riêng của ông với gần 4 triệu lượt theo dõi. Năm 2014, cùng một số nhà đấu tranh khác, ông Thụy đã sang điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ về tình trạng nhà cầm quyền cộng sản ngăn chận quyền Tự do báo chí ở Việt Nam. Hiện theo tin từ gia đình ông, ông Thụy đã bị chuyển vào giam giữ ở trại giam Chí Hòa, Sài gòn.
Ông Phạm Chí Dũng thì bị công an Sài gòn bắt giữ vào ngày 21/11/2019 cho tới nay, với Điều 117 về tội “chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam." Vào tháng 7/2012, ông Dũng đã từng bị bắt giam với tội danh "Âm lưu lật đổ chính quyền" và "Tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.” Nhưng sau sáu tháng tạm giam, ông được công an thông báo đình chỉ điều tra và kết thúc vụ án. Khi bị bắt ông Dũng đang là cán bộ Thành ủy TP Hồ Chí Minh với học vị Tiến sỹ Kinh tế, công tác tại Ban An ninh Nội chính Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Ông Dũng viết báo và viết văn nhiều năm dưới nhiều bút danh khác nhau. Sinh năm 1966, ông Phạm Chí Dũng là hội viên Hội Nhà văn TP HCM, tác giả các tập truyện ngắn "Những bông hoa hoang dã" (1993), "Tự thú" (1994), "Những chiếc bồn tắm định mệnh" (2005); các tiểu thuyết "Cuộc phiêu lưu của linh hồn cầm cố" (2005) và "Ngài nghị sĩ" (2006), vân vân.
Một ngày sau khi nhà báo Phạm Thành bị bắt, ông Nguyễn Anh Tuấn, 30 tuổi, thạc sĩ Chính Sách Công tại Đại Học Việt Nhật, người liên lạc với ông Lê đình Kình theo rõi chặt chẽ bênh vụ Đồng Tâm và đặt vấn đề xử tử hình oan cho Hồ Duy Hải, đã bị an ninh giải đi làm việc khi đang ngồi tại quán cà phê ở Hà Nội. Đến chiều tối thì nhà hoạt động này đã được cho về nhà.
Trong số những người mới bị công an điều tra, chỉ có Nguyễn Anh Tuấn là người trẻ, hoạt động vì nhiệt tâm và vì công đạo, giữa đường thấy sự bất bằng chẳng tha. Ông Phạm Thành, ông Nguyễn Tường Thụy là những cựu cán bộ, bộ đội phản tỉnh, có thành tích phục vụ đảng và nhà nước. Riêng ông Phạm chí Dũng có thể kể là gia đình cán bộ cao cấp và từng giữ trách nhiệm an ninh nội chính. Người ta có thể thấy Nguyễn Phú Trọng và đồng đảng vừa phải đối phó với những thành phần đảng viên lâu năm “tự diễn biến”, vừa phải giải quyết những khác biệt chính trị biến thái kiểu Phạm Chí Dũng. Nhưng mối lo lớn nhất là phải đối đầu với nhiệt tâm hùng chí của giới trẻ mà Nguyễn Anh Tuấn là một biểu hiện thời điểm này, qua những phản ứng trong vụ bao che cho phó viện kiểm sát nhân dân lạm dụng tình dục trẻ thơ trong thang máy, hay là chấn động hơn nữa, qua các vụ biểu tình chống đối thành lập các đặc khu, tấn công trụ sở chính quyền Bình Thuận, vân vân.
Dù trẻ hay già người Việt ta qua suốt giòng lịch sử dân tộc đã cho thấy tính tranh đấu tiềm tàng không bao giờ mất. Khi cần là bùng ra, không thể nào chặn nổi.
Tuệ Vân
Ngày 24 tháng 5 năm 2020