Trong giai đoạn 1954 đến 1975, khi Việt Nam bị chia cắt với hai chế độ xã hội khác nhau. Miền Bắc theo chủ nghĩa xã hội, dưới chế độ độc tài toàn trị đã không có cuộc biểu tình nào xẩy ra. Ngược lại, tại miền Nam, với chế độ Việt Nam Cộng Hòa, không khí chính trị rất là cởi mở. Các cuộc biểu tình chống chính quyền Sài Gòn diễn ra khá sôi nổi và phổ biến. Những cuộc biểu tình này đa số là do những người Cộng sản miền Nam cài người vào ban tổ chức dưới sự chỉ đạo của miền Bắc.
Là chuyên gia đứng sau những cuộc biểu tình khích động đưa tới tình trạng bất ổn định tại miền Nam Việt Nam từ thập niên 1960s cho tới ngày mất miền Nam 1975, cộng sản hiểu được ý nghĩa và tác động của những cuộc biểu tình có thể đe dọa tới quyền lực của chế độ.
Sau khi chiếm được miền Nam Việt Nam vào tháng 4 năm 1975, từ thập niên 1990s đến đầu thập niên 2000s, lãnh đạo Bắc Việt đã phải đối đầu với các phong trào phản kháng của các nhân sĩ từ Nam chí Bắc, ngay cả trong nội bộ đảng, với những Dương Thu Hương, Lê Chí Quang, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Hộ, Trần Độ, vân vân,.
Vào năm 2005 để ngăn ngừa những chống đối có thể đưa tới sự thách đố quyền lực của chế độ cai trị, cộng sản miền Bắc đã ban hành nghị định 38/2005 để triệt tiêu các quyền hội họp, biểu tình của người dân với lý do ngăn ngừa những sự “lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và các quyền tự do dân chủ khác của công dân, …… làm ảnh hưởng đến trật tự công cộng, xâm phạm hoặc đe dọa lợi ích của Nhà nước.”
Những năm sau đó, các cuộc biểu tình của người dân với bất cứ lý do gì đều bị coi là bất hợp pháp và bị đàn áp. Như các cuộc biểu tình chống lại những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại biển Đông từ năm 2007 đến 2014 của người dân. Hay các cuộc biểu tình kiện cáo đất đai, do người dân nhiều khu vực bị các chính quyền địa phương lấy đất làm khu công nghiệp hoặc khu đô thị nhưng không được đền bù thỏa đáng, cụ thể như vụ ông Đào Văn Vươn và gia đình chống lại cưỡng chế chiếm đất của chính quyền huyện Tiên Lãng, hay vụ nông dân biểu tình chống lại lệnh thu hồi đất làm dự án của chính quyền Huyện Văn Giang, Tỉnh Hưng Yên.
Ngày 30 tháng 5 năm 2014, trước áp lực của quần chúng đòi hỏi sự thực thi quyền biểu tình của người dân trong Hiến pháp 1946 với quy định của Điều 69: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật", dự án luật biểu tình đã được đưa vào chương trình xây dựng luật của quốc hội, dự kiến được thông qua cuối năm 2015. Nhưng đến ngày 19 tháng 6 năm 2018, sau những cuộc biểu tình chống Đặc Khu xẩy ra khắp nước với hàng trăm ngàn người tại Saigon, phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang về luật biểu tình là "cần luật Biểu tình, sẽ báo cáo Quốc hội ban hành", sau 3 tiếng đồng hồ đã bị biến mất trong bài báo của báo Tuổi Trẻ. Người đọc chỉ còn thấy ông Quang nói về những vụ việc biểu tình nghiêm trọng xảy ra tại tỉnh Bình Thuận, TP.Hồ Chí Minh "là do các đối tượng chống đối, kích động, lôi kéo.”
Ngày 12/5/2020 chính quyền Việt Nam một lần nữa lại cho thấy sự e ngại của họ về sức mạnh biểu tình của người dân khi thông báo rằng luật Biểu tình sẽ không được đưa vào chương trình xây dựng luật của các năm 2020 và cả 2021. Lý do là để Bộ Công an "có thêm thời gian nghiên cứu kỹ, bảo đảm chất lượng, phù hợp với thực tiễn, không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng sự thiếu chặt chẽ của luật mà xuyên tạc, hoạt động chống phá."
Việc trì hoãn không đưa luật biểu tình vào thành luật, trong khi với sự bổ sung của nghị định 38/2005 đã triệt tiêu quyền hội họp và biểu tình của người dân, đã khiến những cuộc biểu tình tại Việt Nam hiện nay rất dễ bị quy chụp vào các tội "tụ tập đông người", "gây rối trật tự công cộng" hay "tụ tập gây rổi." Người biểu tình ngoài ra sẽ phải đối mặt với các hình thức bị xử phạt, bắt bớ, hay hành hung.
Trả lời câu hỏi của truyền thông BBC, trước tình trạng mập mờ trì hoãn này của chính quyền người dân cần phải làm gì để thực thi quyền biểu tình trong Hiến Pháp và bảo vệ được bản thân, một số nhà tranh đấu dân chủ trong ngoài nước đã chia xẻ:
"Tôi nghĩ các luật sư cần khai thác vào quyền tự do biểu đạt chính kiến, tự do biểu tình căn cứ trên Hiến pháp để bảo vệ người biểu tình khi họ bị bắt, bị xét xử", nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Như Quỳnh phát biểu. Hay theo nhà hoạt động Nguyễn Trang Nhung, người đi biểu tình nên trang bị cho mình các kiến thức cơ bản về pháp luật, để khi bị bắt, bị xử phạt có thể yêu cầu cơ quan chức năng giải trình lý do, và nhờ người thân lên tiếng, thông báo với các tổ chức bảo vệ quyền con người.” Hoặc theo ông Trịnh Hữu Long, luật gia, Tổng biên tập tạp chí Luật Khoa, "Khi nào mà số người thực thi và ủng hộ quyền biểu tình đủ đông, thì lúc đó hành vi của chính quyền sẽ phải thay đổi, và thay đổi theo hướng tích cực. Câu chuyện nằm ở việc là mối tương quan sức mạnh giữa người dân và chính quyền. Chúng ta đang nói về pháp luật với một chính quyền chuyên chế, với những người hoàn toàn không tuân thủ ngay cả cái luật, ngay cả bản hiến pháp họ đặt ra. Ở đây không phải là câu chuyện pháp luật. Nó là câu chuyện chính trị”
Biểu tình là một quyền cơ bản trong Hiến Pháp Việt Nam là một đặc tính văn minh trên thế giới cho sự phát triển của đất nước. Việc trì hoãn ban hành luật biểu tình tại Việt Nam đã nói lên chế độ hiện hành vì muốn giữ chặt lấy quyền độc tôn cai trị đất nước mà bỏ qua quyền lợi của dân tộc đang cần tới sự góp sức của mọi người dân. Sự kiện ngày càng có nhiều tiếng nói, ngay cả trong đảng, vận động cho luật biểu tình đã đưa đến một hy vọng chung. Nhưng không vì thế mà cuộc vận động cho quyền biểu tình của người dân sẽ được lơi là hay bỏ qua. “Thụ động là tất bại, đấu tranh là tất thắng.” Sự kiên trì đấu tranh của người Việt Nam chắc chắn rồi sẽ được đền bù xứng đáng với tương lai “tự do, dân chủ, và hạnh phúc” của giống nòi.
Tuệ Vân
Ngày 18 tháng 5 năm 2020