Kể từ khi ông Nguyễn Xuân Nghĩa trong Chương trình Giải ảo thời sự 200506 nhận định về đại danh sĩ Chu Văn An là “thường, rất tệ,” gọi cụ là “tối,” rồi đưa ra một lời xúc phạm cực kỳ vô lễ, “thằng cha đó là thằng cà chớn.” tính đến nay đã là hai tuần. Các phản ứng của các cựu học sinh Chu Văn An và nhiều trường khác không chỉ ở Hà Nội Sài gòn mà ở các tỉnh, cũng như của các hội đoàn ở hải ngoại đã ngay lập tức và mạnh mẽ, từ khắp năm châu. Lời lẽ đủ loại, từ nhẹ nhàng từ tốn nhưng chì chiết, đển nặng nề sỉ mạ, không thiếu. Những chi tiết quanh con người NXN này đủ loại, cả đúng lẫn sai, có cụ thể và có tưởng tượng, được moi ra để làm dữ kiện tấn công xả láng. Bình tĩnh mà xét thì có thể nói rằng tất cả đã phản ảnh các mặt mà ngôn từ VC gọi là “tâm tư tình cảm” của những con người nhậy cảm, thi nhau gọi là “bề hội đồng” một kẻ xuống cơ. Nhìn dưới góc phân tâm thì đó là động thái của một tập thể đã trôi giạt qua những trải nghiệm nhiễu loạn, bấp bênh dài ngày, biểu hiện hội chứng hậu chấn thương đa dạng (PTSD)
Tôi được chuyển cho mối nối điện toán vào youtube đó. Và đã vào xem. Ấn tượng bao trùm tạo nơi tôi là một kẻ say mèm, phát ngôn líu lưỡi, tay luờ quờ loạng quạng, mặt bì bì nặng nặng. Tất cả, dưới con mắt méo mó nghề nghiệp của tôi, cho thấy là một ông già uống rượu kinh niên, răng cỏ không còn mấy, gầy gò kiểu thiếu ăn, được mô tả trong sách từ thời còn là sinh viên y khoa, mà tôi thấy cụ thể ở các bệnh nhân trong nhà thương. Trong chương trình giải ảo này ông NXN bắt đầu trình bầy là “Vấn đề đại dịch Trận chiến Mỹ Hoa” để tiếp ngay sau đó nhẩy vù sang nói về Trung Vũ Đại Vương Trần Thủ Độ và Vạn Thế Sư Biểu Chu Văn An. Đúng là làm chuyện đầu Ngô mình Sở. Cho nên, tôi lại không khỏi nghĩ đến một hội chứng thoái hóa thần kinh tâm trí vì rượu, gọi là hội chứng Korsakov’s. Mà đặc điểm là Nhớ trước quên sau trộn lộn tùy lúc tùy cơn. Cho nên tuy rất không đồng ý với những lời ông NXN sổ ra, nhưng mà tôi không khỏi nhớ đến lời mẹ tôi nói từ lúc còn nhỏ là “nói với người say như vay không trả”. Để dậy tôi rằng bỏ qua không chấp kẻ say sưa. Phần khác, tôi bỏ qua cũng vì sống đủ lâu để hiểu rằng chẳng phải một người bị dán nhãn hiệu thế nào thì người đó là thế ấy. Bậc thầy khả kính của người Việt nước Việt, cụ Chu Văn An đâu có vì những lời chê bai nào đó, và nhất là của một kẻ say rượu mà bị hạ thể, mất thanh danh. Tôi đã có được thái độ bỏ qua này cũng nhờ là khi cách đây 45 năm trong trại tập trung cải tạo ở Long giao phải bó buộc ngồi nghe cán bộ quản giáo dậy cho 10 bài học tập nhan đề “ngụy quân công cụ, ngụy quyền tay sai” gồm những điều ngu xuẩn, bịa đặt, miệt thị VNCH chắp với những huênh hoang khoác lác khoe chế độ “đỉnh cao trí tuệ” xã hội chủ nghĩa, thật muốn phát điên. Nhưng đã tự nhủ nếu không bỏ ngoài tai thì bực bội mất ăn mất ngủ, ốm đau mất xác, không thể có ngày về.
Tôi biết Nguyễn Xuân Nghĩa từ cách đây trên 30 năm. Lúc đó là người nói năng lưu loát, có tài viết lách nhiều mặt, từ phiếm luận, biện luận, phân tích, tới những sáng tác tình cảm phiêu bồng, lãng đãng, lôi cuốn. Cho nên không khỏi thấy sót sa trong dạ khi thấy sự suy đồi không ngờ cả tinh thần lẫn vật chất của NXN.
Cũng nghĩ rằng biết đâu chẳng vì tình trạng ly cách do coronavirus hiện nay làm ngưng trệ sinh hoạt thường ngày, mà đẩy con người tuổi trên 70 này vào chỗ lủi thủi một mình ngày đêm chìm trong cà phê đậm đặc, thuốc lá Gaulois và rượu cay xé lưỡi. Rồi tôi không tránh khỏi nhớ đến hai chữ skid row, tạm dịch là “dẫy phố trượt”. Tôi nghe hai chữ skid row này lần đầu tiên khi mới sang Mỹ du học cách đây nửa thế kỷ, từ anh bạn đồng nghiệp người Ấn độ có hảo ý dẫn tôi đi thăm Chicago, vùng trung tâm thành phố gọi là The Loop. Xuống bìa phía nam the Loop một chút, tôi thấy những người Mỹ trắng vạ vật lề đường, say rượu mặt đỏ, miệng ngậm thuốc lá. Anh cắt nghĩa cho biết rằng những người này thường là bắt đầu bằng nghề dẫn mối bán hàng. Nói năng bặt thiệp, giao tiếp khởi đầu bằng rượu trong quán nước, quán rượu hay quán ăn. Uống khai vị, uống vang, uống rượu mạnh để tiêu cơm cuối bữa đúng cách. Với cuộc sống nghề nghiệp như vậy thời gian dẫn dần tới nghiện rượu, giảm khách mua hàng, lương bổng sút giảm xuống và sau cùng bị công ty sa thải, gia đình vợ bỏ, không nhà không cửa. Ra nằm vạ vật skid row.
Nhìn trước ngó sau đời một con người đa tài và huê dạng kiểu Tây, NXN, không còn áo vét khăn choàng loại xịn, phảng phất mùi dầu nóng dầu thơm, trong say sỉn cách ly ở xã hội được coi là đầy cơ hội phồn thịnh Hoa kỳ, lòng tôi không khỏi nhớ lại mấy câu thơ học từ thuở nhỏ. Là
Trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán,
Chết đuối người trên cạn mà chơi.
Lò cừ nung nấu sự đời,
Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
Ngày 19 tháng 5/2020
https://www.youtube.com/watch?v=9n42FJJ3zcE
Giải ảo Thời sự 200506 - Phần 1)