Hình ảnh tuyệt vọng, gào khóc thảm thiết bên ngoài cổng tòa án của hai người phụ nữ trước quyết định y án tử hình Hồ Duy Hải của 17 thẩm phán trong Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam vào ngày 8 tháng 5 năm 2020 đã khiến những người có nghe biết vụ án này không khỏi đau lòng trước tình cảnh của mẹ và người em gái người tử tù. Người mẹ, bà Nguyễn Thị Loan, tin tưởng vững chắc là con mình vô tội, đã suốt 12 năm qua lặn lội đi khắp nơi xin giải oan cho con mình trong vụ án gọi là "Bưu điện Cầu Voi" xảy ra vào tối 13-1-2008. Bà đã phải bán sạch nhà ở và các tài sản, để có tiền chi phí, trang trải những chuyến đi khiếu kiện cho con mình.
Tóm tắt vụ án là vào khoảng 7 giờ sáng ngày 14/1/2008, nhân viên bưu tá Phùng Phụng Hiếu chở báo đến Bưu điện Cầu Voi thì thấy cửa vẫn đóng. Gọi mãi không ai lên tiếng, anh bước vào thì thấy hai nhân viên Nguyễn Thị Ánh Hồng (22 tuổi) và Nguyễn Thị Thu Vân (21 tuổi) đã bị giết một cách dã man bằng dao cắt cổ ở khu vực cầu thang, phòng phía sau.
Theo báo CAND ngày 16 tháng 1 năm 2008, nghi can Nguyễn Văn Nghị cư ngụ tại huyện Cai Lậy tỉnh Tiền Giang là dân nghiện ma túy, và là bạn trai của một trong hai nạn nhân bị giết. Tối 13 tháng 1/2008 là đêm xẩy ra án mạng, có người dân địa phương đã nhìn thấy Nghị đi xe máy đến nhà bưu điện nơi hai nạn nhân làm việc. Biên bản khám nghiệm hiện trường có ghi những dấu tay lưu lại “trên kính cửa vào buồng ngủ, “ở mặt trong của kính trên cánh cửa buồng vệ sinh”, “trên labo rửa”. Ngoài ra còn ghi nhận tang vật cụ thể quan trọng khác là con dao và cái thớt đẫm máu, “trên mặt nệm ghế có dấu vết máu quệt và dấu vết đế dép dính những hạt cơm khô”.
Hơn 2 tháng sau, ngày 21/3/2008, Hồ Duy Hải bị bắt giữ. Ngày 1/10/2008, VKSND tỉnh Long An ra cáo trạng quy kết Hồ Duy Hải là hung thủ giết người. Sau đó, lần lượt 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều kết án tử hình Hồ Duy Hải cho dù Hải một mực kêu oan bởi vì những yếu tố để kết tội hoàn toàn không xác đáng, nếu không muốn nói là vô lý. Bởi vì trước hết là dấu vân tay trên biên bản khám nghiệm hiện trường không ăn khớp với điểm chỉ 10 ngón tay của Hồ Duy Hải, theo như Bản kết luận giám định số 158/KL-PC21 ngày 11/4/2008. Ngoài ra cũng theo “kết luận điều tra” (BL 386), đêm 13-1-2008 khi vào bưu cục Hải “bỏ dép ở bậc tam cấp và đi vào” nhưng trong “biên bản khám nghiệm hiện trường”, thì lại ghi nhận “trên mặt nệm ghế có dấu vết máu quệt và dấu vết đế dép dính những hạt cơm khô”. Điều trớ trêu hơn nữa là tang vật quan trọng là cái thớt và con dao đẫm máu lấy được ở hiện trường đã bị công an huyện vất bỏ và ra chợ mua một cái thớt và con dao mới đem trình tòa coi như tang vật.
Nghi can Nguyễn Văn Nghị theo tin báo chí cho biết đã bị công an điều tra rồi cho về. Hiện nay Nghị không còn thấy tăm hơi, có tin là Nghi hiện đang sống ở ngoại quốc. Hồ sơ công an điều tra Nghị cũng bị lấy khỏi vụ án. Theo dư luận quần chúng thì Nghị là cháu của Trương Mỹ Hoa cựu phó chủ tịch nước. Luật sư Nguyễn Hà Luân, Đoàn Luật Sư Hà Nội, khi được hỏi ý kiến thì cũng đồng ý với lập luận rằng người có tên Nguyễn Văn Nghị này có thể là con cháu của một trong những lãnh đạo cao cấp của đảng CSVN (RFA).
Trong suốt 12 năm đi kêu oan cho con, bà Loan đã gõ cửa các cấp chính quyền: từ địa phương, trung ương, đến đại biểu quốc hội và ngay cả quốc tế để kêu gọi đến sự soi xét cho vụ án của Hồ Duy Hải. Sự kiên trì kêu cứu của bà cũng đã từng đưa đến cho bà một số hy vọng như khi văn phòng Chủ tịch nước vào năm 2014 đã yêu cầu tạm dừng thi hành án để xem xét lại vụ án này. Hay đến tháng 2, 2018 Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã đưa ra kiến nghị yêu cầu chính quyền tỉnh Long An điều tra lại vì cho rằng việc xét xử vụ án đã không diễn ra đúng các trình tự pháp luật và thiếu bằng chứng. Cạnh đó vào cuối tháng 7 năm 2018, Văn phòng Chủ tịch nước cũng đưa ra đề nghị yêu cầu Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao, và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH có văn bản giải quyết dứt điểm vụ án. Sang tháng 10 năm 2019, trong một kiến nghị với chữ ký của hơn 25,500 người gởi đến Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Tổng thư ký Ân xá quốc tế Na Uy, John Peder Egenaes đã kêu gọi sự hủy án tử hình cho Hồ Duy Hải cùng thực thi một quy trình tái xét xử công bằng cho Hồ Duy Hải. Đến cuối tháng 11 năm 2019 thì Viện KSND Tối cao đã ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị xóa bỏ toàn bộ các bản án trước đó đối với tử tù Hồ Duy Hải để điều tra lại.
Vào tháng Năm 2015 với sự hỗ trợ của luật sư Trần Hồng Phong, gia đình Hồ Duy Hải đã gởi đơn tố giác Nguyễn Văn Nghị lên Công an tỉnh Long An cũng như Viện Kiểm Sát Nhân Dân tỉnh Long An, và tố cáo hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án đến Bộ công an, VKSNDTC. Qua điện thư trả lời với hệ thống truyền thông RFA vào tháng 12 năm 2019, Luật sư Trần Hồng Phong người biện hộ cho tử tù Hồ Duy Hải đã xác định “nếu tố giác không đúng có thể bị quy chụp là "vu khống". Tuy nhiên tôi có thể khẳng định là đã nghiên cứu rất kỹ hồ sơ và hết sức thận trọng trước khi quyết định gửi đơn tố giác Nguyễn Văn Nghị. Việc mới đây trong quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của VKSNDTC có nêu vấn đề chưa làm rõ thông tin về Nguyễn Văn Nghị cũng như dấu vân thu giữ tại hiện trường cho thấy những nội dung mà chúng tôi nêu ra trong đơn tố giác Nguyễn Văn Nghị là có cơ sở”.
Theo dõi sát sao vụ án tử tù Hồ Duy Hải, Luật sư Phạm Công Út vào tối ngày 7/5/2020 đã lên tiếng với RFA rằng: “Bởi vì cái thớt không còn, con dao không còn, các vết máu không còn, các dấu vân tay tại hiện trường không còn. Rồi bây giờ Nguyễn Văn Nghị có còn hay không để lấy lời khai.” “Tôi cho rằng chứng cứ phi vật chất (lời khai) chỉ được xem là chứng cứ khi nào phù hợp với chứng cứ vật chất, mà chứng cứ vật chất trong hồ sơ vụ án hiện nay không còn gì. Kết quả giám định không có dấu vân tay của Hải trong các vết máu thì đã bị rút ra khỏi hồ sơ vụ án. Tức là người ta tiêu hủy nó đi. Những tình tiết gì có lợi cho Hồ Duy Hải đã bị rút đi.”
Trước những phản ứng của dư luận yêu cầu một sự phán xét công bằng cho tử tù Hồ Duy Hải, Hội Đồng Thẩm Phán Tòa án Nhân dân Tối cao vào ngày 8 tháng 5, 2020 tuy thừa nhận rằng quá trình điều tra, xét xử có một số thiếu sót nhưng xác định sự việc này không làm thay đổi bản chất vụ án. Qua đó Hội Đồng Thẩm Phán đã bác đơn kháng nghị của Viện Kiểm Sát Nhân dân tối cao và y án tử hình đối với Hồ Duy Hải. Lý do cho rằng vào những thời điểm quan trọng Hồ Duy Hải đã luôn nhận tội. Hội đồng này kết luận cả hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm kết án Hồ Duy Hải về tội cướp tài sản, giết người là có căn cứ, không oan sai.
Với kinh nghiệm đã từng đọc qua hồ sơ vụ án Hồ Duy Hải, Luật sư Phạm Công Út thuộc Công ty Luật Phạm Nghiêm cho biết ông không ngạc nhiên với kết quả phiên tòa. Theo ông: “1/ đây là một kịch bản hoàn hảo giữa Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Tòa án Nhân dân Tối cao bởi vì 3 kiểm sát viên đại diện cho Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao trả lời trước Hội đồng toàn thể Thẩm phán yếu ớt và đưa ra những tình tiết mang tính khách quan chứ không phải chủ quan. 2/ Những lời khai mang yếu tố chủ quan, còn những vết máu, những vết vân tay, hung khí là khách quan thì Viện Kiểm sát không đưa ra được để chứng minh Hồ Duy Hải có chứng cứ ngoại phạm hay không mà chỉ đưa ra đoạn đường 7,5 km rồi chứng minh yếu ớt Hồ Duy Hải không đủ thời gian vượt qua đoạn đường đó để gây án. 3/ Nhưng những lý lẽ yếu ớt đó trong phần hỏi của Hội đồng xét xử phản bác được ngay. Trong phần trả lời đó không có luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho Hồ Duy Hải. Như vậy đây là một vở kịch các vai diễn với nhau và không cho người phá bĩnh là luật sư tham dự, sau khi bước qua giai đoạn gay cấn làm rõ tình tiết vụ án thì Luật sư Trần Hồng Phong mới được mời tới nghe tuyên án. Người ta đã loại trừ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho tử tù kêu oan trong khi từ tù kêu oan không có mặt tại phiên tòa.”
Trước việc giữ nguyên bản án tử hình đối với Hồ Duy Hải trong phiên giám đốc thẩm hôm 8/5/2020, dì của Hồ Duy Hải, bà Nguyễn Thị Rưỡi cho biết gia đình trong thời gian tới vẫn sẽ tiếp tục đi kêu oan cho Hải.
Bản án oan khuất của người tử tù Hồ Duy Hải và những bước chân đi tìm công lý cho con trong suốt 12 năm qua. Tiếng khóc thảm thiết của người mẹ, em, và dì của người tử tù tại cổng tòa án sau phán quyết duy trì bản án tử hình cho Hồ Duy Hải của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam vào ngày 8/5/2020 vừa qua một lần nữa lại cho thấy những đau khổ của dân dưới chế độ hiện hành. Nó tiếp tục nói lên công lý không hề có trong chế độ cộng sản Việt Nam và sự bao che cho những tội ác của người cộng sản. Chế độ này đã tướt đoạt đi tất cả hạnh phúc của người dân, giết chết đi ước mơ của một người mẹ mong được giải oan cho con và được đón con về trong vòng tay đoàn tụ.
Tuệ Vân
Ngày 10 tháng 5 năm 2020