Nhìn cái hình trên trang tin tức thế giới của báo điện tử Anh quốc The Guardian.com với giòng chú thích “Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chỉ trích chế độ Maduro thất bại trong việc sửa soạn và đối phó hiệu quả với đại dịch toàn cầu Covid-19”, nhiều người có thể không biết Venezuela ở đâu và Maduro là người thế nào. Nhưng cái khổ người cao lớn, mặt phương phi nghênh ngang, đôi mắt ác, thì không mấy ai không nhận ra là Mike Pompeo, phụ tá thân cận trung thành của tổng thống Trump nổi tiếng. Sự trung thành này có thể chứng minh cụ thể được, vì tất cả các nhân sự làm viêc với Trump từ ngày vào tòa Bạch cung, trừ phi là thân quyến trong gia đình Trump, tất cả đều đã ra đi, kể cả luật sư Michael Cohen, phó chủ tịch công ty Trump và là tay lo liệu giải quyết mọi công việc làm ăn cho Trump trong 12 năm cũng đã vào tù. Nhưng nếu không ngừng ở lời chú thích tấm hình, mà đọc tiếp theo bài báo thì người ta biết rằng Pompeo nói Maduro bất lực giải quyết đại dịch Covid 19 không phải là để so sánh với sự giải quyết Covid 19 ở Hoa kỳ mà Trump tự đánh giá là tài ba, hữu hiệu.
Pompeo đã nói đến Covid-19 năm ngày sau khi bộ trưởng tư pháp Hoa kỳ William Barr kết án Maduro và 14 nhân vật lãnh đạo cao cấp chính quyền và quân đội Venezuela là buôn bán ma túy và rửa tiền, nhân lúc đưa ra một kế hoạch chính trị gọi là “Chuyển hóa dân chủ” để giải quyết cuộc đảo chánh Maduro kéo dài đã hơn 3 năm mà Mỹ thúc đẩy. Người ta nhớ rằng khi ngồi chưa nóng ghế ở phòng bầu dục Bạch cung, Trump đã cùng phó tổng thống Pence lên tiếng ủng hộ Juan Guaido, tốt nghiệp đại học ở Mỹ, chủ tịch quốc hội Venezuela để ông này tuyên bố mình là chủ tịch lâm thời của Venezuela, với lý do là cuộc bầu cử Maduro làm tổng thống là gian lận. Người ngoài cuộc không khỏi đặt câu hỏi khi thấy hai cuộc bầu cử cách nhau vài tuần: cuộc bầu cử trước khiến Guaido trúng cử làm chủ tịch quốc hội thì không sao. Cuộc bầu cử sau Maduro trúng cử tổng thống thì bị chê là gian lận. Nhưng không ai quan tâm trả lời câu hỏi này cả.
Ngay lúc đó Hoa kỳ đã vận động được chừng 30 nước Âu châu và Nam Mỹ ủng hộ Guaido. Và gia tăng gắt gao hơn nữa các biện pháp chế tài Venezuela đang chịu. Mục đích là để chiếm đoạt phần dầu hỏa của Venezuela đang nằm trong sự kiểm soát của Mỹ, và để ngăn chặn Venezuela bán dầu hút lên từ dưới mỏ.
Nhưng Maduro vẫn giữ vững ngôi vị cho tới nay, nhờ có sự ủng hộ của Nga, Trung quốc, Mexico, Iran, và một số nước Nam Mỹ khác. Còn Guaido thì vẫn chỉ là chủ tịch quốc hội và thậm thà thậm thụt xuất ngoại vận động với tư cách tự xưng là tổng thống, qua ngả Colombia và Brazil là hai nước tiếp giáp thân Mỹ. Hệ quả thực tế là tuy Maduro là tổng thống nhưng đã không vay được của quỹ Tiền tệ thế giới IMP 5 tỉ đô la vì chủ tịch IMF Christine La Garde viện lý do không thể xác định ai thực sự là lãnh đạo.
Theo “kế hoạch chuyển hóa dân chủ” mà Pompeo đưa ra, thì tất cả các tù nhân chính trị phải được phóng thích, và tất cả các lực lượng ngoại quốc (chủ yếu là Cuban) phải rút lui. Một hội đồng nhà nước được thành lập gồm 5 thành viên, với hai người thuộc phe đối lập, hai người của chính phủ Maduro và người thứ năm do cả 4 người chọn lựa. Mỹ và khối Liên Âu sẽ bỏ các chế tài đối với chính phủ Venezuela. Các biện pháp chế tài lớn hơn đối với dầu hỏa sẽ được hủy bỏ sau khi quân ngoại quốc rút đi hết. Tại sao trong yêu cầu quân ngoại quốc rút lui lại nói chủ yếu là Cuba? Bởi vì ở Venezuela còn có người Nga mà đòi hỏi rút đi thì hơi khó.
Trong buổi họp báo kết tội Maduro buôn ma túy và rửa tiền, bộ trưởng tư pháp Hoa kỳ đã nói đại dịch Covid 19 là một may mắn trời giúp dân Venezuela. Tuy rằng hiện nay Venezuela mới chỉ có hơn 100 trường hợp. Dưới mắt Pompeo, Venezuela sống với Maduro là ở trong ngõ bí không lối thoát. Một là trong hoàn cảnh thiếu thốn đủ thứ vì Maduro độc tài bất lực trong việc giải quyết các nhu cầu đời sống bình thường, và trong cái gông những chế tài của Mỹ chặt chẽ chặn sự buôn bán dầu hỏa là nguồn lợi tức thiên nhiên lớn lao duy nhất của Venezuela. Hai là khả năng y tế lạc hậu không thể đáp ứng những đòi hỏi vượt mức để giải quyết đại nạn Covid19, sẽ gia tăng theo cấp số nhân như những tính toán của các chuyên gia Mỹ cho thấy. Cho nên dân chúng sẽ không có sự chọn lựa nào khác hơn là theo Guaido để Mỹ bỏ hết chế tài. Nói khác đi thì kế hoạch Pompeo cho thấy quyết tâm của chính phủ Trump lật đổ Maduro, bắt đầu là cuộc đảo chánh năm 2017, mà sự thành công duy nhất là thủ phạm Juan Guaido tự xưng là tổng thống lâm thời không bị bắt giam. Tiếp theo thì ngày 30 tháng 4/2019, một nỗ lực lật đổ Maduro do John Bolton cố vấn hội đồng an ninh quốc gia Mỹ điều động trực tiếp được thông báo cho truyền thông Mỹ. Hình ảnh Guaido tuyên bố tổng nổi dậy được truyền đi, giữa một nhóm lính, theo sau là một đám quần chúng biểu tình từ phía Colombia tiến về Venezuela xông vào chiếm một đồn quân biên giới Venezuela. Bolton khẳng định cuộc nổi dậy đã thành công vì có sự tham dự của một tướng phụ trách an ninh và của bộ trưởng quốc phòng Venezuela, còn Maduro đang ngồi trên máy bay ngoài phi trường chờ cất cánh trốn sang Cuba. Nhưng sự thể đã không là như thế vì ngay sau đó Maduro đã xuất hiện trên truyền hình cạnh bộ trưởng quốc phòng và các tướng lãnh cao cấp quân đội không. Truyền thông Mỹ hỏi tại sao đảo chánh thất bại, Bolton trả lời trong quê xệ rằng “vì Cuba hỗ trợ Maduro.
Nhìn hai sự kiện tiếp nối, là kết tội chế độ Maduro buôn ma túy và rửa tiền với đòi tự do dân chủ bởi hai bộ trưởng tư pháp và ngoại giao Mỹ, có người đã nghĩ đến số phận tướng Manuel Noriega lãnh đạo Panama thập niên 1980. Bởi vì sau khi cáo buộc Panama như vậy, Mỹ đã cho quân xâm lăng Panama, bắt Noriega đem sang Mỹ bỏ tù năm 1989. Cái khác là Panama là một nước nhỏ, dưới 5 triện dân, 1/3 sống dưới mức nghèo khổ, Noriega vốn là nhân viên CIA và được Mỹ đưa lên làm tổng thống. Còn Maduro không phải là tay chân của Mỹ như Guaido, mà được Nga Tầu ủng hộ vì Venezuela có trữ lượng dầu hỏa lớn nhất thế giới. Nga đã tuyên bố là chống mọi sự thay đổi chế độ Maduro đã được bầu ra hợp pháp. Và đã nhấn mạnh quyết tâm ủng hộ này qua hành động đưa máy bay oanh tạc hạng nặng đường dài thẳng từ Nga sang, cùng với một số quân lính trực tiếp giữ an ninh cho Maduro.
Yếu tố mới hiện nay của Pompeo là Covid19. Con siêu vi mới này đã làm tổng thống Mỹ lao đao, phần vì các phe chính trị đối lập khai thác, phần vì các biện pháp ứng phó bất cập của chính Trump. Ngoài ra còn vì những nhận định khác nhau của quần chúng. Xu hướng Cộng hòa coi Covid là một bịa đặt của đảng Dân chủ (Democrat hoax). Khách quan mà nói con siêu vi này là có thật nhưng đánh giá và khai thác khác nhau vì khác biệt chính trị chủ quan từng miền. Covid 19 có sẽ như thế ở Venezuela không? Nhiều phần là không. Tuy nhiên Pompeo có thể tự an ủi rằng những nỗ lực chen lấn vào Venezuela của Mỹ đã thất bại nhiều lần, từ thời Hugo Chavez là người hùng Venezuela và là người đàn anh bảo trợ Maduro.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
Ngày 5 tháng 4/2020