Có thể sẽ có người bật cười khi thấy tựa đề của bài viết. Có ai đến giờ mà không biết về hai chữ dân chủ đâu? Chúng ta đang sống trên một đất nước dân chủ và chúng ta lại đang tranh đấu tự do dân chủ cho đất nước Việt Nam của chúng ta. Nếu tất cả chúng ta đều ý thức và thực thi đúng ý niệm dân chủ thì cộng đồng hải ngoại chúng ta rất là may mắn. Các sinh hoạt trong cộng đồng chúng ta sẽ phát triển phong phú hài hòa tương thuận, các sự phân hóa sẽ biến mất, người có tài năng dễ dàng làm việc phục vụ lợi ích chung, đời sống sẽ yên bình hiền hòa, con người sẽ vượt thoát được những cái NGÃ cố chấp và định kiến, không chỉm trong những mâu thuẫn tạo đấu đá không cần thiết trong cuộc sống vốn đã nhiều áp lực và căng thẳng của xã hội văn minh vội vã cao độ, mà chúng ta đang trải nghiệm.
Trên thực tế, trong mọi phạm vi sinh hoạt trong môi trường dân chủ chúng ta đang sống, nạn nhân của những sự hành xử thiếu dân chủ tuy nhiên đôi khi lại là chính chúng ta hay người chung quanh chúng ta. Chẳng hạn như khi lãnh đạo của ta là người có thành kiến hay định kiến, tính chủ quan của họ ít nhiều sẽ đưa đến những đau khổ thiệt thòi cho chúng ta. Khi chúng ta đặt để con cái trong nhà vào một số khuôn khổ nhất định theo ý chúng ta, chúng ta đã tạo ra cho chúng ta một số mong mỏi. Khi mong mỏi đó không thành, chúng ta sẽ mang tâm trạng dằn vặt và gây ra đau khổ không những cho ta mà cho cả con cái
Đây có phải là tinh thần dân chủ mà chúng ta đang hướng đến?
Ngày xưa khi bỏ nước ra đi vì không chấp nhận tính độc tài của chế độ VC bị bó buộc hoàn toàn theo đảng, qua khẩu hiệu “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội”! chúng ta đã đi tìm cho chúng ta một cuộc sống dân chủ, đơn giản với ước muốn được lắng nghe, được tôn trọng ý kiến, được chấp nhận sự khác quan điểm, chấp nhận thảo luận để đi đến sự đồng thuận trong đó Cái Ta không trên tất cả, nhưng là Một phần của Tất cả.
Cách hành xử dân chủ khác với cách hành xử độc tài, áp đặt, nguồn gốc của những sự chia rẽ, hận thù và gây đau khổ. Dưới chế độ cộng sản, chúng ta không được nghĩ khác, nói khác đảng cầm quyền. Những quyết định có tính đặt để, áp chế của lãnh đạo cộng sản đã đưa đến những khổ đau vô tận của người dân.
Có thể nói sư độc tài áp đặt, rập một khuôn dưới chế độ cộng sản như vậy, bản chất là phản khoa học, phản tự nhiên. Bởi người ta sinh ra không ai giống ai. Từ ngàn xưa Trang Tử trong Nam hoa kinh đã thấy được rằng con ngỗng cổ dài, con vịt cổ ngắn. Kéo cổ con vịt cho dài ra như cổ ngỗng thì làm con vịt khổ, đè cổ con ngỗng cho ngắn lại như cổ vịt thì con ngỗng đau. Con chim chích nhảy nhót kiếm ăn quanh quẩn trong sân nhà, không thể bắt nó theo con chim hồng chim hộc bay xa vạn dặm trốn tuyết. Cho nên tôn trọng lẫn nhau, lắng nghe, chia xẻ, nhận định để thấy khác biệt và đồng thuận chỉ là tuân theo lẽ tự nhiên. Không mất gì, mà chỉ làm cho cuộc đời hài hòa phong phú. Tại các nước tự do, ít ra con người có được sự tôn trọng lẫn nhau, được lắng nghe, được chia xẻ, được cùng phân tích vấn đề để đạt tới sự đồng thuận tập thể. Tinh thần dân chủ do đó tạo được điều kiện phát huy mọi nhân tài trong nước và thu hút nhân tài ngoài nước. Tinh thần dân chủ cũng là nền tảng xây dựng luật pháp, bảo vệ quyền lợi của tất cả mọi người dân, không phân biệt, thì tất nhiên sẽ là yếu tố củng cố ổn định trật tự xã hội không gì bằng.
Tinh thần dân chủ không phải chỉ có trong xã hội Âu Tây. Ở Đông phương, chúng ta đã nghe hai chữ Hòa và Đồng trong cung cách cư xử với nhau. Nền tảng của tinh thần dân chủ là tinh thần Hòa và Đồng. Hòa là sự chấp nhận những ý tưởng đối nghịch. Hòa là nền tảng cư xử lý tưởng giữa cá nhân với cá nhân, giữa những con người khác biệt ý tưởng. Khi đã chấp nhận những dị biệt của nhau rồi, thì tiến thêm một bước nữa trên bình diện tập thể, các cá nhân đó sẽ cùng nhau hợp tác làm việc tức là Đồng để chia xẻ trách nhiệm cũng như chung hưởng hạnh phúc xã hội.
Ngày nay, tinh thần dân chủ xẩy ra khi các tổ chức, đảng phái, hội đoàn, cá nhân chấp nhận dị biệt trong quan điểm (nghĩa là Hòa,) sẵn lòng ngồi lại với nhau để làm việc (tức là Đồng) nếu điều này mang lại lợi ích chung cho cộng đồng cho dân tộc. Trong trường hợp sự ngồi lại này đến từ nhu cầu thỏa hiệp để tranh thủ danh lợi hay quyền lực phe phái thì tính dân chủ sẽ không còn chính danh chính nghĩa.
Cản lực nào đã làm chậm tinh thần dân chủ nơi người Việt Nam? Một cách ngắn gọn, tại Việt Nam trong suốt 75 năm qua, rõ ràng tinh thần dân dân chủ đã không thể thực hiện vì sự cai trị độc tài của đảng cộng sản Việt Nam. Theo tiền đề của Hồ chí Minh, tiến trình thiết lập chuyên chính vô sản toàn trị trên đất nước VN tuyệt đối là không khoan nhượng. Sức mạnh của sự cuồng tín chủ nghĩa này, ngày nay tuy nhiên không còn nữa mà chỉ có chất keo quyền lợi của một đảng Cộng sản biến thái. Trong tâm thức này những kẻ quyền lực sẽ hết lòng giữ gìn cho chắc ghế, nhưng cũng sẵn sàng bỏ chạy trước sức mạnh đấu tranh dân tộc trào lên.
Để đối đầu với một tổ chức đảng như vậy, thiết yếu cần phải có những con người hiểu thấu đáo Tinh Thần Dân Chủ khoa học, khách quan như vừa trình bày ở trên để lãnh đạo cuộc đấu tranh không theo lối mòn chính trị cũ rích, cầu cạnh hay a dua theo các thế lực phi dân tộc, tạo điều kiện cho mỗi người thực sự có lòng vì đất nước đều khiêm nhường đóng góp phần mình cho đại cuộc.
Tuệ Vân.
04/23/20