Anthony Fauci, người đứng đầu toán trách nhiệm coronavirus của Bạch Cung vào ngày thứ Hai 20 tháng 4 /2020 đã đưa ra cảnh báo những người biểu tình chống các biện pháp cách ly ở nhà của chính quyền để giảm mức độ lây nhiễm của Covid 19, sẽ bị ảnh hưởng “dội ngược”. Và xa hơn nữa là sẽ làm chậm sự mở cửa lại của kinh tế đất nước. “Rõ ràng biện pháp cách ly đã ảnh hưởng đến kinh tế và những hoạt động không liên quan gì đến con vi khuẩn corona, nhưng nếu chúng ta không kiểm soát được con vi khuẩn này, thì sự hồi phục thật sự của nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ không xẩy ra.” Ông chia xẻ trên chương trình "Good Morning America.”
Lời ông phát biểu là nhắm tới những nhóm biểu tình tập trung với hàng trăm người bất chấp những chỉ thị của liên bang là không tập trung quá 10 người và phải đứng cách xa nhau ít nhất là 6 feet (hay 2m). Những nhóm này đã xuất hiện trong vài ngày qua tại một số các tiểu bang như Minnesota, Michigan, Virginia, vân vân, chống đối các biện pháp cách ly xã hội của chính phủ để chặn sự lây nhiễm của con coronavirus.
Các nhóm biểu tình này tuy nhiên lại được tổng thống Trump khuyến khích qua một chuỗi những tweets, vào ngày thứ Sáu 17/4/2020, chỉ hai phút sau khi Fox News trình chiếu những cuộc biểu tình. Trump viết: “Tôi thấy những người biểu tình với đủ loại hình thức,” “Và, tôi đến với tất cả mọi người, tôi có mặt với mọi người”. Ông kêu gọi “Giải Phóng MICHIGAN!”, “Giải Phóng MINNESOTA!”, “Giải Phóng VIRGINIA và cứu lấy điều Tu chính Hiến pháp Số 2 vĩ đại. Nó đang bị vây hãm.”
Michigan, Minnesota, và Virginia là ba tiểu bang có các Thống Đốc thuộc đảng Dân Chủ, đã đưa ra chỉ thị cách ly xã hội trên tiểu bang. Tại Virginia, các nhà lập pháp lại đang đẩy mạnh việc đưa ra luật kiểm soát súng ống trong tiểu bang.
Các tweets của tổng thống Trump đã gây ra sự bất bình. Thống đốc Jay Inslee của Washington, cho rằng những cái tweets của tổng thống “đã bật đèn cho những hành động bất hợp pháp và nguy hiểm,” và “đã đặt hàng triệu người dân trong sự nguy hiểm qua sự tiếp xúc với Covid 19.” Ông nói thêm, “Những lời nói thiếu cân nhắc của ông ta khi kêu gọi người dân “Giải Phóng” tiểu bang có thể đưa tới tình trạng bạo động. Chúng tôi thấy điều này đã từng xẩy ra.” Thống đốc Whitmer của Michigan thì chia xẻ bà hy vọng những ý kiến của tổng thống sẽ không dẫn dắt tới thêm cuộc biểu tình nào nữa. Bà ước phải chi tổng thống đã nói: “Chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua điều này.”
Những tweets ủng hộ của tổng thống cho những người biểu tình chống lệnh cách ly, theo một số bình luận gia phân tích, là để đẩy tinh thần của họ lên. Họ đây là những người nồng cốt của ông trong đảng Cộng Hòa và những thành phần lao động theo chủ nghĩa dân túy để chuẩn bị cho việc giúp ông tái đắc cử vào tháng Mười Một cuối năm nay. Nhưng làm như thế thì ông lại đi ngược lại với những tuyên bố của ông trước đây về lệnh cách ly xã hội để tránh sự truyền nhiễm của Covid 19, đi ngược lại với những hướng dẫn của các chuyên gia sức khỏe của chính phủ và của phó tổng thống Pence, người kêu gọi dân chúng nên lắng nghe những ý kiến của các giới chức địa phương.
Tình trạng trống đánh xuôi, thổi kèn ngược này của tổng thống Trump đã đưa đến những chỉ trích từ ngay đảng Cộng Hòa. Thống đốc Larry Hogan thuộc đảng Cộng hòa của Maryland trong cuộc phỏng vấn trên đài CNN đã nhận định: “Chúng ta đang gởi đi những thông điệp hoàn toàn mâu thuẫn, tới các thống đốc và dân chúng rằng chúng ta có thể bỏ qua những đề nghị và chính sách của liên bang.”
Thống đốc Hogan cũng nói thêm rằng tại những tiểu bang mà tổng thống Trump nêu tên, không một tiểu bang nào đã có sự giảm bớt các trường hợp lây nhiễm trong thời gian liên tục 14 ngày. Đây là tiêu chuẩn quan trọng mà Bạch Cung đã đưa ra để xác định cho một tiểu bang đi vào “giai đoạn một” của sự mở cửa.
Dịch bệnh coronavirus đã lây nhiễm cho 787,752 người Mỹ và lấy đi mạng sống của hơn 42,359 người theo dữ liệu của đại học Johns Hopkins vào tối thứ Hai 20/4/20. Nó đồng thời gây nên khủng hoảng cho nền kinh tế Mỹ, đẩy nhiều triệu người dân Mỹ vào tình trạng thất nghiệp qua những biện pháp cách ly để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bịnh.
Lệnh cách ly trước đây được lãnh đạo của cả hai đảng cùng đưa ra và đã nhận được nhiều sự ủng hô. Tuy nhiên giờ đây để quyết định khi nào, và như thế nào, để mở cửa lại kinh tế thì lại bị chính trị hóa mà trở thành khó trả lời. Mở cửa quá sớm sẽ đưa đến nguy hiểm của nhiều sự lây nhiễm, ngay cả nhiều cái chết hơn, hoặc tệ hại là có thể đưa đến đợt sóng lây nhiễm lần thứ hai! Nhưng nếu mở cửa quá trễ thì lại đưa đến sự phá hủy cuộc sống của mọi người.
Cuộc thăm dò của đài NBC News-Wall Street Journal vào ngày Chủ Nhật 19 tháng 4/2020 cho thấy 58% của cử trị ghi danh đi bầu, lo ngại việc nước Mỹ sẽ đi quá nhanh trong việc loại bỏ các biện pháp giới hạn, vốn để ngăn chặn sự truyền nhiễm của Covid 19, trong khi 32% thì lo sợ sự đóng cửa quá lâu của đất nước sẽ khiến cho nền kinh tế bị hủy hoại. Một cuộc thăm dò khác từ CAPS/Harris vào ngày thứ Hai thì cho thấy 75% người dân Mỹ ủng hộ cho các biện pháp giới hạn đi lại để ngăn ngừa sự lây nhiễm của dịch bệnh coronavirus, và cho rằng sự đóng cửa kinh tế trên toàn quốc là cần thiết. 60% người được hỏi qua một cuộc thăm dò của YouGov-Yahoo News từ 17 đến 19 tháng 4 thì phản đối những người biểu tình, so sánh với 22% ủng hộ. Trong số những người thuộc đảng Cộng Hòa thì 47% chống lại người biểu tình, so với 36% ủng hộ.
Kể những cuộc thăm dò ra đây chỉ để biết vậy thôi. Nhưng mức độ chính xác thì không có gì chắc chắn, vì tùy theo lối đặt câu hỏi mà ảnh hưởng tới kết quả. Cứ xem như các thăm dò trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 thì biết. Tất cả các thăm dò đều cho thấy Hillary Clinton thắng cử, Báo Newsweek còn in hình bìa Hillary Clinton là tân tổng thống. Nhưng Donald Trump đã thắng.
Bỏ chính trị sang bên, thì chọn lựa giữa hai điều, một bên là tiền bạc, một bên là mạng sống từ xưa đến nay vẫn khó. Như trong câu chuyện ngày xưa có người đi đò qua sông mà không biết bơi. Ra giữa sông đò đắm mới kêu lên “cứu tôi với cứu tôi với”. Có người đòi hai tiền thì cứu. Người không biết lội nói “một tiền thôi, hai tiền đắt quá”. Nói rồi trồi lên thụt xuống được vài lần nữa rồi chìm lỉm. Donald Trump ngồi trong Bạch Cung ai muốn lại gần phải đo nhiệt độ trước, không sợ gì Corona làm hại cho nên ngả về phía chọn tiền, tức là đẩy kinh tế lên để được tiếng là giỏi và trúng cử thêm nhiệm kỳ nữa. Dân thường ở ngoài phố sợ lây nhiễm Corona nên ngả về phía cách ly.
Sống chết có số, nhưng việc cứ ì ra đấy để TT.Trump quyết định dùm, thì quả là một điều lý thú!
Tuệ Vân
Ngày 21 tháng 4, 2020