Núi Phú Sĩ - 富士山
Trong phiên họp vào ngày 22 tháng 6/2013 tại Nam Vang, Cam Bốt, Ủy Ban Di Sản Thế Giới của Cơ Quan Giáo Dục Khoa Học Liên Hiệp Quốc (Unesco) đã chính thức công nhận Núi Phú Sĩ là di sản văn hóa của thế giới. Đây là di sản thứ 22 của Nhật Bản được công nhận và là di sản thiên nhiên thứ 13. Phú Sĩ là ngọn núi cao 3.776 mét nằm giữa 2 tỉnh Yamanashi và Shizuoka.
Ngoài ra, thắng cảnh có trồng nhiều thông Mihono Matsubara (thuộc tỉnh Shizuoka cách xa núi Phú Sĩ 45km) cũng được 19 nước hiện diện công nhận là 1 phần của di tích văn hóa núi Phú Sĩ dù trước đó đã bị ICOMOS (国際記念物遺跡会議Hội đồng quốc tế tư vấn về di sản của Unesco) khuyến cáo nên “đưa” thắng cảnh này ra ngoài danh sách vì Mihono Matsubara cách Phú sĩ 45 cây số, không thể coi là một phần của núi Phú Sĩ.
Năm 2003, Nhật Bản đã một lần nộp đơn xin UNESCO công nhận, nhưng “rớt đài” vì: Phú sĩ lúc đó trông không… có vẻ gì là thiên nhiên chút nào cả vì rác quá nhiều. Phải chờ cả 10 năm, mới thấy được… niềm vui!
3 giờ chiều ngày 22/6, khi được thông báo chính thức bằng điện thoại đến văn phòng tỉnh trưởng 2 tỉnh Yamanashi và Shizuoka, hình như đã đợi sẵn, người dân ở gần đó đều tràn ra đường đồng loạt la to: “Vạn tuế Phú Sĩ Sơn”, các biểu ngữ từ trên nóc các cơ quan hành chánh được thả từ trên xuống dưới: “Phú Sĩ là niềm vinh dự của tỉnh ta”. Bong bóng bay rợp trời chào mừng ngày hội lớn, các quán nhậu hạ giá chia vui với ngày lịch sử, các hàng quán xung quanh với những sản phẩm như đồ kỷ niệm, bánh trái có hình thù núi Phú Sĩ bán chạy như tôm tươi, vì chỉ có ngày đó (22/6) là có sản phẩm này. Đoàn người “lữ thứ” đang trên đường đến đỉnh cũng dừng lại, ôm nhau, tay bắt mặt mừng, hể hả cụng ly. Đúng là một ngày thật vui và đáng nhớ cho người dân 2 tỉnh Yamanashi và Shizuoka, nhưng… lo lắng!
Vui thì vui thiệt, nhưng chỉ 30% còn lo tới … 70%. Một viên chức đã phát biểu như thế, vì bên cạnh nỗi vui mừng, các giới chức liên quan cũng đã phải thú nhận những “nan đề” sắp phải đối phó.Vì khi đã được công nhận rồi thì phải tuân thủ theo một số điều kiện của UNESCO đưa ra, như đối sách an toàn cho người leo núi, làm thế nào để bảo tồn tốt đẹp vì di sản không chỉ là của riêng “chúng mình” mà còn là của “chúng ta” nữa. Để giải quyết, sở Bảo tồn Di tích-Văn hóa Nhật đã yêu cầu các tổ chức Tự trị ở xung quanh núi Phú Sĩ phải mau chóng “lên khung” các kế hoạch dựa theo lời yêu cầu của UNESCO. Ba nan đề đã được đặt ra:
Thứ nhất: lập kế hoạch tài chánh để bảo tồn và giảm thiểu tối đa sự soi mòn một cách tự nhiên đối với di sản trước việc số người leo núi càng ngày càng tăng
Thứ hai: làm thế nào để giữ an toàn (tai nạn, hỏa hoạn….) cho người leo núi. Nhiều du khách ngoại quốc nhất là những loại Tây-Mỹ ba lô bất cần đời, khi leo núi chỉ mặc một T shirt, một “cặp dép râu” trong lúc nhiệt độ ở trạm số 5 ban đêm khoảng 10-15 độ C, trên đỉnh khoảng 0-5 độ C.
Thứ ba: Với một số lượng người leo núi càng càng tăng thì “những chỗ dừng chân” như chỗ trọ, nhà vệ sinh, những bãi xử lý rác phải xây thêm và xây bao nhiêu thì đủ?
Theo con số mà bộ Môi trường Nhật đưa ra thì năm 2012 có khoảng 318.000 người và sau khi được công nhận chắc chắn số người leo núi Phú Sĩ sẽ tăng lên khoảng 30%. Quyết định phải thu lệ phí đã được đặt ra là để vừa có tiền bảo tồn di sản vừa... giảm thiểu được số người leo núi, nhưng thu phí bao nhiêu là chuyện mà các hội Tự trị và cả chính phủ Nhật phải bàn thảo. Dựa theo tình hình thực tế, lấy con số người leo núi Phú Sĩ năm 2012 làm tiêu chuẩn, các chuyên gia ngành thống kê ước tính là nếu thu 500 yen thì số người leo núi sẽ giảm 2%, thu 1000 yen sẽ giảm 5%. Muốn số người leo núi Phú Sĩ giảm 90% thì phải thu 10.000 yen. Con số được coi là “trung dung” là 7000 Yen, vừa tạm thỏa mãn 2 mặt: bảo trì, duy trì đủ số người leo núi trong vòng kiểm soát được. Tuy nhiên từ năm 2014 tiền leo núi theo qui định chính thức của tỉnh Yamanashi từ cấp 5 cho đến đỉnh là 1000 yen mang tính cách nhiệm ý, đóng cũng được, không đóng cũng được. Tính trung bình là có 60% người đã trả lệ phi leo núi kể từ năm 2013 đến 2018.
Thời gian lý tưởng nhất là từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 8 mỗi năm.
Washoku - 和食
Tháng 6/2013, Nhật “trúng” giải. Unesco công nhận núi Phú Sĩ là một di sản văn hóa “hữu hình”, nhìn vào là thấy ngay mà chẳng cần phải tưởng tượng. 6 tháng sau, Nhật lại “được” giải. Unesco lại chọn Nhật Bản vì Nhật có một loại di sản văn hóa thuộc loại... phi vật thể: “Washoku” (món ăn Nhật). Theo giải thích của người Nhật thì: văn hóa phi hình thể là cái vô hình, được lưu truyền và biểu hiện bằng hình thức như truyền miệng, truyền nghề với những bí quyết nghề nghiệp khác. Lần này thì mừng vui trọn vẹn. Chỉ có “lời” mà không có “lỗ”.
Về mặt ẩm thực, thế giới đang có khuynh hướng “toàn cầu hóa”, “tránh dầu tránh mỡ, dùng nhiều rau xanh”, mọi người bắt đầu để ý đến món ăn Nhật vì hội đủ 2 yếu tố trên. “Tuy nhiên, nếu là lần “thử nghiệm” đầu tiên, chẳng hạn điển hình là món cá sống (sashimi) thì ít có người khen ngon, vì cảm giác ghê ghê sao đó, phải một thời gian để cho “thấm”, mới thấy giá trị thực của nó,”. Một nhà bình luận về món ăn đã phán như vậy. Đúng quá, không thể cãi.
Món ăn Nhật thì nhiều vô kể, nhưng tiêu biểu mà mọi người biết đến nhiều nhất là sushi và tempura (tôm, cá, các thứ rau tẩm bột rồi chiên) v.v…., tempura tuy phải dùng dầu khi chiên, nhưng nếu tính độ “béo” trong món này thì rất là ít. Yếu tố “rau nhiều, mỡ ít” đã khiến người Âu Mỹ tích cực đón nhận rồi dần dần đến các quốc gia khác. Nhà hàng washoku mọc khắp nơi trên thế giới, giá cả tuy hơi cao nhưng rất đông khách.
Sau thảm nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima, thế giới tỏ vẻ ngại về các loại nông sản, thủy sản nhập từ Nhật vì sợ nhiễm phóng xạ. Điều này ít nhiều đã làm cho món ăn Nhật bị mất tiếng nên vào tháng 6 năm 2011, Hiệp hội Đầu bếp Nhật ở Kyoto đã đề nghị việc nạp đơn xin UNESCO công nhận “Washoku” là di sản Văn hóa vô hình thể, đề nghị này đã được chính phủ hỗ trợ, thúc đẩy, thành hình khi Sở Bảo Toàn Văn Hóa Nhật nộp đơn lên Unesco vào tháng 3/2012. Nhật Bản đã giải thích lý do nộp đơn vì Washoku có những đặc điểm:
- Tôn trọng và giữ nguyên hương vị và nguyên liệu tươi
- Là những món ăn lành mạnh, rất cân bằng về mặt dinh dưỡng
- Nhìn cách trang trí món ăn là thấy ngay cả một “thiên nhiên” trong đó (hoa, lá cành trên các món ăn)
- Biểu hiện cho sự chuyển mùa và vẻ đẹp của thiên nhiên
- Có sự quan hệ chặt chẽ giữa món ăn và những ngày tết, ngày lễ, ngày mùa
Ngày 4/12/2013, UNESCO đã chính thức công nhận “washoku” là một di sản văn hóa vô hình thể của Nhật trong một phiên họp định kỳ của được tổ chức tại Baku, thủ đô của quốc gia Azerbaijan. Đây là lần thứ 5 “washoku” được công nhận sau Pháp, Ý, Spain, Thổ Nhĩ Kỳ.
Thế thì cái câu ‘’Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật’’ là ước mơ của bất cứ người đàn ông Việt Nam hiện nay chắc không còn thích hợp nữa vì cơm Tàu thì quá nhiều chất béo, nhà Tây thì làm sao mà bằng nhà Mỹ, và con gái Nhật bây giờ không còn cảnh tay cầm khăn nóng qùy chờ ông chồng say mèm bước vào nhà và nhẹ nhàng nói: “anh đi ngủ hay đi tắm để em chuẩn bị”. “Anata, neru soretomo ofuro? Dochira ga shimasu ka”
Còn bạn ước gì? Tôi thì thực tế lắm vì mơ cũng chẳng... bao giờ được. Thôi thì
Ta về ta tắm ao ta
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn
Vũ Đăng Khuê
(Trong Đặc Tập 40 Năm Văn Học Việt Nam Tại Nhật)