Đền này nguyên thủy có tên Tōkyō Shōkonsha (東京招魂社, Đông Kinh Chiêu Hồn xã) được xây vào tháng 6 năm 1869 thời Thiên Hoàng Minh Trị, sau đó tu sửa một chút đổi thành Yasukuni (靖国神社-Tinh Quốc Thần Xã, Yasukuni Jinja), tọa lạc ngay giữa quận Chiyoda thuộc trung tâm thành phố Đông Kinh. Dùng xe điện ngầm (地下鉄) của 4 tuyến đường Hanzomon, Tozai, Toei, Shinjuku (半蔵門、東西、都営、新宿, đến ga Kudanshita (九段下), ra cửa số 1, đi bộ khoảng 1 phút sẽ thấy một ngôi đền cổ có cái mái thấp thấp, được xây dựng theo lối kiến trúc của Thần Đạo. Tại đây, vào những ngày lễ, người ta sẽ được chứng kiến những cảnh tượng rất Nhật Bản…. trong thời chiến, chẳng hạn như hình ảnh của những chiến binh với quân phục oai nghiêm, tay cầm cờ “Mặt Trời” đi qua đi lại.
Đối với người Nhật thì ngôi đền này là một địa điểm linh thiêng, đề cao bản sắc dân tộc và là nền tảng tinh thần cho Nhật Bản, nơi thờ phụng những người đã hy sinh cho Thiên Hoàng trong các cuộc chiến, bắt đầu từ cuộc nội chiến Boshin (戊辰戦争1867-1868) cho đến cuộc chiến Đại Đông Á (1939~1945-thế chiến thứ 2). Tính đến thời điểm hiện tại ngôi đền đặt bài vị của 2.466.532 người Nhật và một số người từ các thuộc địa của Nhật mà trong đó có 2.133.915 đã tử trận trong cuộc chiến Đại Đông Á. (Bây giờ con số này chắc cũng không thay đổi bao nhiêu là vì không còn ai hy sinh vì…Thiên Hoàng nữa).
Tội phạm chiến tranh
Sau khi Nhật Bản đầu hàng quân đồng minh vào tháng 8/1945, Thủ tướng Nhật Bản đương thời là tướng Hideki Tojo (東條 英機) cùng hơn một nghìn sĩ quan, binh lính đã bị đưa ra tòa án quốc tế quân sự viễn đông. Hideki Tojo và 13 người trong nhóm cầm đầu bị xếp vào nhóm tội phạm chiến tranh hạng A. 7 người bị tuyên án tử hình và bị hành quyết năm 1948, 4 bị chung thân và 1 bị 20 năm và 2 chết trước khi bị tuyên án, còn lại 1054 tội phạm thì bị xếp vào hạng B và C.
Theo một tài liệu được tiết lộ vào ngày 28 tháng 3 năm 2007 bởi một số dân biểu 2 viện quốc hội, giới chức và giáo sĩ đại diện của đền Yasukuni thì trong phiên họp ngày 31 tháng 1 năm 1969, quyết định vinh danh những tội phạm bị Tòa án quân sự Viễn Đông kết án đã được mọi người chấp thuận với điều kiện là các giáo sĩ của đền Yasukuni không được công bố rộng rãi. Ngày 17 tháng 10/1978, bài vị của Thủ tướng Hideki Tojo và 13 tội phạm chiến tranh hạng A được lặng lẽ đưa vào đền Yasukuni. Từ khi việc này được công khai vào ngày 19 tháng 4 năm 1979; cộng thêm những chuyến thăm đền với tư cách “cá nhân” hay “thủ tướng” của các cựu Thủ tướng Nhật, như các ông Ohira Masayoshi, Suzuki Zenko, Yasuhiro Nakasone, Miyazawa Kiichi, Ryotaro Hashimoto, Junichiro Koizumi thì sóng gió bắt đầu nổi lên từ…
Những nước bị… đì
Quan hệ ngoại giao giữa Nhật và những nước bị Nhật chiếm đóng trong Đại chiến thế giới thứ 2 nhất là Trung Quốc, Đài Loan và Nam-Bắc Triều Tiên trở nên căng thẳng vì những nước này cho rằng: đây chỉ là âm mưu để Nhật chính nghĩa hóa cuộc chiến xâm lược và đang có ý đồ phục hồi tinh thần quân phiệt.
Ngoài ra, mấu chốt của những “tố giác” này không phải là không có “cơ sở” khi đi sâu vào chi tiết.
Trong khu vực đền Yasukuni có viện bảo tàng lịch sử Nhật Bản tên Yushukan (遊就館-Du Tựu Quán) trưng bày hình ảnh, vũ khí v.v… mà quân đội Nhật đã sử dụng trong cuộc chiến Đại Đông Á v.v… đặc biệt có một clip video dài 50 phút có tên “Watashitachi wasurenai – Kansha to Inori to Hokori wo” (Chúng tôi sẽ không quên – Hãy tự hào - cầu nguyện - tạ ơn) 私たちは忘れない―感謝と祈りと誇りを ― một ngày được chiếu 6 lần ghi lại hình ảnh bắt đầu từ cuộc chiến với nhà Thanh Trung Quốc (1894), với Nga (1904) cho đến cuộc “mở mang bờ cõi” của Nhật trong cuộc chiến Đông Á (1937). Giải thích mục đích cuộc xâm lăng này nhóm thực hiện cho là: “để bảo vệ khu Đông Á tránh sự xâm lăng của những thế lực phương Tây mà Nhật cũng là một nạn nhân”, điều mà “những nước bị đì sôi máu” là những đau thương do đoàn quân xâm lăng gây ra như vụ thảm sát Nam Kinh (Trung Quốc), việc chiếm đóng Nam-Bắc Triều Tiên, bắt người dân nước này làm nô lệ, phục dịch v.v..…. lại không được đề cập. Chưa hết, trong những tập tài liệu phát cho khách đến thăm còn có nhiều đoạn rất “phản động”, chẳng hạn như: “Chiến tranh là một thảm họa, nhưng là điều cần thiết để bảo vệ sự độc lập của Nhật và những nước châu Á láng giềng”. Hay “những người bị gọi là tội phạm chiến tranh Nhật đã bị tòa án chiến tranh “đối xử tàn tệ và không công bằng”. Những chủ trương này còn được đăng trên những trang web tiếng Anh của Yasukuni, khiến lâu lâu trang này lại bị hacker đánh sập không access được.
Thỉnh thoảng, lại thêm tuyên bố của các ông tai to mặt lớn, tuy không có quyền nhưng có uy mà điển hình là ông Ishihara Shintaro (cựu đô trưởng Tokyo) hoặc Hashimoto Toru (cựu thị trưởng Osaka) ... luôn ngược hẳn với chủ trương của các nước bị đì, khiến tình hình đã tồi lại thêm tệ.
Trước những “tấn công” này Nhật Bản đã phải
Biện minh:
- Trong lần viếng thăm đền vào ngày 15 tháng 8 năm 2006, cựu Thủ tướng Koizumi cho biết: “Tôi đến thăm đền Yasukuni để cầu nguyện cho hoà bình chứ không phải để xưng tụng chủ nghĩa đế quốc của Nhật Bản trong quá khứ. Tôi không thể hiểu được vì sao chuyện viếng thăm của tôi lại bị chỉ trích như vậy”. Được biết, ông Koizumi là vị thủ tướng đến thăm đền nhiều nhất, tổng cộng 6 lần.
- Giải thích về các nội dung “phản cảm” trưng bày trong viện bảo tàng lịch sử Yushukan, chính phủ Nhật trước sau như một: đây là chuyện của ban quản trị ngôi đền, chứ chúng tôi không chủ trương như vậy. Điều giải thích này cũng hợp lý… vì sau thế chiến thứ hai, dưới áp lực của lực lượng chiếm đóng, hiến pháp 1946 của Nhật đã quy định rõ là chính trị không được xen vào các hoạt động của tôn giáo (Chính Giáo Phân Ly) nên chính phủ Nhật đã giao đền Yasukuni cho các đoàn thể tư nhân tôn giáo quản lý.
- Người Nhật, qua các nhà lịch sử chuyên môn giải thích: cho đến khi Nhật đầu hàng (1945) việc “chết cho Thiên Hoàng” đồng nghĩa với “chết cho tổ quốc”, vì Hiến pháp từ thời Minh Trị (1889) đã định rằng:“Thiên hoàng là một người cao cả và bất khả xâm phạm, là một vị thần con của Thái Dương Thần Nữ, được đưa xuống trần để trị vì nước Nhật”, thế thì Thiên Hoàng quả là một người siêu tuyệt đã được thần linh chọn lựa, cho nên việc thờ phụng những người đã chết trong đền là chuyện quá bình thường.
- Đã có bao nhiêu lời xin lỗi chính thức hoặc của Thiên Hoàng Nhật Bản Akihito, của thủ tướng Murayama (1995), thủ tướng Koizumi (2005) … về những thảm họa Nhật đã gây ra trong quá khứ. Ngày 15 tháng 8 năm 2010, trong buổi lễ kỷ niệm 65 năm ngày Nhật Bản thua trận, thủ tướng Kan Naoto nhấn mạnh “Trong thế chiến thứ 2, Nhật Bản đã gây ra nỗi đau và sự thiệt hại to lớn cho người dân nhiều nước, đặc biệt ở châu Á. Tôi rất lấy làm tiếc về điều đó và xin gửi lời chia buồn tới những gia đình có người thiệt mạng trong chiến tranh và cam kết Nhật Bản sẽ nỗ lực hết sức để củng cố nền hòa bình trên toàn thế giới". Dịp này, Nhật hoàng Akihito cũng bày tỏ nỗi kinh hoàng của chiến tranh, tỏ lòng tôn kính đối với những người đã ngã xuống nơi chiến trường, cũng như những người dân vô tội đã bị chiến tranh cướp đi mạng sống v.v…
Dù đã cố gắng “thanh minh thanh nga”, nhưng “những nước bị đì” (có thể là thực tình, có thể là cố tình) vẫn cho đó là một “hành động” nói cho qua chuyện, che đậy một âm mưu khi “quân phiệt đủ lông đủ cánh”.
Ngoại trừ những trường hợp cá biệt của một số ít bảo thủ, nói chung thì hầu hết người dân Nhật đều có cùng suy nghĩ: họ chỉ muốn sống an bình và không bao giờ chấp nhận một kế hoạch tái võ trang để mở ra những cuộc chiến tranh mới, nhưng ở tư thế quốc gia, các nhà lãnh đạo lại mang một suy nghĩ khác, họ muốn “hùng mạnh” không phải để “xâm chiếm” mà chỉ để “giữ thân”, họ dư biết rằng không thể nào an tâm mãi mãi dưới cái dù bảo vệ của Mỹ, thế nào cũng có lúc Mỹ phải lơi ra vì lý do này lý do nọ v.v…. Ngoài ra, bên cạnh còn có những khó khăn từ anh bạn khó tính Hàn Quốc; đe dọa của kẻ khùng điên Bắc Hàn lâu lâu lại dở trò hăm họa: có ngày “tên lửa” sẽ “đâm sầm” vào Nhật Bản đấy; hung hăng của tên khổng lồ Trung Quốc, luôn mở giọng “ăn cướp”, hết cử tàu hải giám, tàu chiến, máy bay thám thính… thường xuyên xâm nhập lãnh hải Nhật. Nói cho chính xác hơn, các nước này nhất là Trung Quốc luôn sử dụng tối đa những cơ hội “chính đáng trong quá khứ” để “làm khó nhau trong hiện tại”.
Lời kết
Việc Nhật Bản chủ trương “hùng mạnh”, thay đổi hiến pháp từ “Tự Vệ Đội” sang “Quân đội” là điều không khó hiểu. Cách Nhật Bản đang làm bây giờ là cách làm âm thầm, tiệm tiến không “dao to búa lớn”. Nói tóm lại, trong giai đoạn này, Nhật đang cố gắng chứng tỏ cho thế giới thấy những điều họ nghĩ và sắp làm là họ chỉ muốn “giữ thân” để “yên thân” chứ không có ý đồ nào khác.
Vũ Đăng Khuê
(Trong Đặc Tập 40 Năm Văn Học Việt Nam Tại Nhật)