Sau khi theo rõi buổi họp lưỡng viện quốc hội Hoa kỳ để nghe diễn văn thường niên trình bày tình hình liên bang của tổng thống Donald Trump và cuộc bỏ phiếu về vấn đề bãi chức tổng thống của thượng viện Hoa kỳ, ký giả Nick Bryant ở New York viết một bài nhận định cho đài BBC. Kết luận ngắn gọn là mấy câu sau
“Tối thứ ba, chúng ta đã chứng kiến sự phân cực của Mỹ diễn ra trong thời gian thực. Trong phiên tòa luận tội, dường như chính ý tưởng - và lý tưởng - của nước Mỹ đã bị mang ra xử.
Một nền chính trị bị phá vỡ, một nền dân chủ bị phá vỡ, một đất nước bị phá vỡ.
Có phải là Hoa Kỳ đã thật hết thuốc chữa?”
Bryant cũng như nhiều người khác không phe phái đã không tránh khỏi giật mình khi thấy Trump đi thẳng lên diễn đàn không bắt tay chủ tịch quốc hội Nancy Pelosi. Và cũng giật mình khi thấy bà Nancy Pelosi xé toạc bài tường trình vào lúc Trump chấm dứt đọc diễn văn. Tất cả những hiện tượng này đều là quá đáng. Bà Pelosi là nhân vật chính trị kỳ cựu, già dặn không từng có tác phong như thế trong quá khứ. Trump là tay mới nhẩy lên cầm đầu hành pháp cách đây ba năm từ địa vị một tài phú, sống bằng tráo trở lấn áp đối tác. Sự bất đồng giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa là đã có từ lâu, nhưng chưa bao giờ mà hai phía đối địch quyết liệt như là từ khi Trump lên làm tổng thống. Trong cái nền văn mình Do Thái Thiên chúa giáo Hollyvood của xã hội Mỹ thì ăn miếng trả miếng “an eye for an eye” là quy luật ứng xử bình thường, nếu mà có một bên bắt đầu chơi xấu trước. Hệ quả là tình trạng hòn đất ném đi hòn chì ném lại.
Có người cho rằng là vì cái cá tính bặm trợn của Trump, khiến người nghe nực nội phản ứng tạo ấn tượng đổ bể không hàn gắn được mà Bryant gọi là phân cực. Nhưng Trump với suy nghĩ của một tay buôn chủ lợi thì đổ vỡ nào cũng có thể sửa đổi nếu biết đối tượng thực là ai, muốn gì, để mà điều đình chia lợi thích hợp. Vì thế người hiểu Trump đã khẳng định rằng Trump thành công trong môi trường phân hóa chia rẽ. Thử nhìn lại từ đầu, khi Trump tuyên bố ra ứng cử tổng thống bằng sự tấn công miệt thị người Mỹ gốc Mễ, vơ đũa gọi họ là bất lương, hiếp dâm…và chống di dân, trong khi các nhà chính trị khác, ngay cả gia đình họ Bush quyền thế mấy đời tổng thống, thì tìm đủ cách để o bế sắc dân này, vì biết đây là nhóm cử tri đông đảo, cần tranh thủ. Trump làm thế vì biết quần chúng cốt lõi cần tranh thủ của ông ta là những người da trắng thủ cựu, nhà quê, ít học, thù ghét chính sách đa văn hóa đa sắc tộc. Lý do là họ không được lợi lộc bao nhiêu như là những cư dân của các thành phố lớn. Chưa kể rằng có những thành phần cho rằng họ bị thiệt vì chính sách đa văn hóa này. Cho nên Trump không sợ bị chê là chủ trương da trắng siêu việt và kỳ thị chủng tộc. Và do đó đã từng được David Duke thủ lãnh phong trào KKK kỳ thị và chủ trương da trắng siêu việt ủng hộ từ đầu (và Trump không từ chối sự ủng hộ này, cũng không tấn công chê bai Duke). Tỷ số những thành phần quần chúng cốt lõi này của Trump tính ra là khoảng 30% 35% cử tri. Với lối tính toán này, Trump đã trở thành tổng thống mặc dầu thua phiếu Hillary Clinton, vì số phiếu tuy ít hơn của Trump đã trải ra những tiểu bang nhỏ, khiến Trump chiếm được đa số phiếu cử tri đoàn để vào ngồi ở phòng bầu dục Bạch cung.
Bryant đã cho rằng trong cuộc luận tội Trump, lý tưởng và ý tưởng của nước Mỹ đã bị đem ra xử. Mà kết quả là “Một nền chính trị bị phá vỡ, một nền dân chủ bị phá vỡ, một đất nước bị phá vỡ.”. Đây là điều cần xét lại.
Nhìn cho kỹ thì kết luận này là một quan điểm mà đồng ý hay không thì tùy người. Sự bất đồng quan điểm này không phải là điều quan trọng. Quan trọng là diễn trình dẫn đến đồng ý hay bất đồng ý kiến. Trump bị bãi chức do quyết nghị của Hạ viện. Quyết nghị này là như thế, không thể bảo đúng sai, vì đã theo đúng quy trình cần thiết, bởi những người dân cử được bầu ra. Quyết nghị được đem ra xử ở thượng viện, cũng theo đúng thủ tục. Và do đó không thể chê đúng sai, vì những người có thẩm quyền trong thượng viện đã quyết định như thế.
Khi nhận rõ điểm này thì không thể cho rằng một nền chính trị bị phá vỡ. Lại càng không thể nói một nền dân chủ bị phá vỡ. Bởi vì tất cả các nhân sự trong cuộc đều được dân tự do bầu ra. Cho nên nếu muốn thì chỉ có thể nói rằng dân đã chọn sai người đại diện để họ hành xử như thế. Mà chọn sai thì ráng mà chịu, chứ kêu ca gì? Bởi thế mới có câu nói rằng dân thế nào thì hưởng chính quyền thế ấy.
Còn câu chót của Bryant “một đất nước bị phá vỡ” thì cũng khó bàn. Bởi vì câu hỏi đầu tiên nẩy ra ở đây là đất nước là đất nước nào? Hoa kỳ ngày nay không còn phải là đất nước Hoa kỳ thời lập quốc. Cũng không còn là đất nước Hoa kỳ thời sau thế chiến thứ hai có dư tiền viện trợ cho thế giới, và là thủ lãnh của thế giới tự do chống Cộng. Hoa kỳ hiện nay sống bằng tiêu thụ và vay nợ, cõng trên lưng Do Thái và lún vào vũng lầy Trung đông với Bắc Phi. Hoa kỳ ngày nay là nước phải vừa cạnh tranh vừa hợp tác với đại cường đang lên Trung quốc đồng thời cũng là chủ nợ quan trọng của Hoa kỳ.
Hay là đất nước Hoa kỳ ông Trump nói là đang làm cho vĩ đại như xưa, mà thực tế là nước có ngân sách liên bang thiếu hụt năm 2020 lên ngót nghét một ngàn tỉ (1 trillion) đô la so với năm 2016 lúc ông Trump mới vào tòa Bạch ốc là 587 tỉ. Đến đây thì có vẻ như phải mời các đại kinh tế gia được giải Nobel kinh tế đến trình bày và nhờ xem xét. Hay là nhờ ông Trump giải thích. Và như thế thì người ta có thể biết lời giải thích ra sao. Nó sẽ đại loại như là: Mọi sự hoàn toàn trong vòng kiểm soát, mọi sự đều vượt trội, kinh tế mạnh mẽ như là chưa từng bao giờ có trong lịch sử Hoa Kỳ.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
Ngày 14 tháng 2/2020